“Chung sống” 8 tiếng/ ngày với một vị sếp tồi chính là loại khủng bố tâm lý kinh khủng nhất mà nhân viên phải chịu đựng. Khi sự chịu đựng này đạt đến mức độ cực đại, họ đành lựa chọn nghỉ việc như một cách giải thoát. Theo khảo sát của Ernst & Young năm 2021, có đến khoảng 50% nhân viên thôi việc chỉ để thoát khỏi sếp của họ.
…
“Tại sao em nghỉ?”, sếp bạn gặng hỏi.
Bạn cúi gằm mặt xuống bàn, thận trọng sắp xếp lại câu chữ tuy nhiên vẫn không thể nào nói ra được bất kì lý do nào.
Vì chính lý do ấy đang hỏi bạn!
Bob Nelson, tác giả cuốn sách Quản Lý For Dummies đã nói rằng: “Động lực làm việc của nhân viên chính là kết quả trực tiếp từ tổng số tương tác với người quản lý”. Có vô vàn cách để giết chết động lực làm việc của một người nhân viên nhiệt thành, mẫn cán. Nhưng để tôi gợi ý cho các bạn một cách hiệu quả nhất (nói nhỏ thôi nhé, vì đây là bí quyết!) – Hãy ban cho họ một vị sếp tồi. Tin tôi đi, họ sẽ không trụ lại lâu đâu. Bởi theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội các chuyên gia hành chính quốc tế (International Association of Administrative Professionals), nguyên nhân số 1 khiến nhân viên nghỉ việc chính là do mâu thuẫn với sếp.
Không có một công thức chung nào để miêu tả một vị sếp tồi. Lời khuyên của tôi là các bạn nên đọc 4 câu chuyện sau để mường tượng rõ hơn về dáng dấp của họ. Hy vọng rằng những câu chuyện có thật 100% này sẽ không khiến bạn khóc rấm rứt khi nhớ lại những ký ức đau thương với người sếp cũ (hoặc hiện tại) của bạn nhé!
Mai Hoa (25 tuổi) được nhận vào làm admin ở một công ty bán lẻ. Chuyện là sau khi Hoa làm việc được vài tháng thì Tết đến. Vì là người Bắc vào Nam làm việc nên Hoa phải đặt vé máy bay, 28 Tết nghỉ thì cô xin nghỉ sớm từ 27 để bay chuyến rẻ hơn. Hoa cẩn thận xin nghỉ trước 2 tuần, bàn giao công việc cho đồng nghiệp, nộp đơn rồi nhẹ nhàng xin phép quản lý.
Tuy nhiên, quản lý của cô chỉ lạnh lùng nói: “Nếu muốn nghỉ Tết trước 1 ngày thì để thêm đơn xin nghỉ việc lên bàn chị!”. Theo chia sẻ của quản lý thì: “Công ty này không có khởi động, không có rã đám, bất kỳ ai kể cả cấp quản lý cũng không được phép nghỉ thêm ngày trước và sau Tết”. Hoa vô cùng ấm ức, cứ tưởng chỉ xin nghỉ 1 ngày thôi thì công ty nào cũng có thể du di được. Vé máy bay cũng đã mua rồi, cô đành đổi lịch bay, chấp nhận mất thêm 1 đống phí để rồi về nhà trong sự khó chịu.
Sau Tết khoảng 2 tháng thì sức khỏe của Hoa có dấu hiệu không ổn. Hôm đầu, cô cố gượng dậy đi làm. Hôm sau, cô nhắn xin sếp nghỉ 1 buổi để đi khám bệnh. Quản lý của cô vẫn lạnh lùng đáp lại: “Sao em không đi khám sau 6 giờ tối? Giờ đó bệnh viện tư vẫn còn mở mà. Chị nhiều khi cũng ốm rũ người nhưng cố gắng thì vẫn đi làm được”. Thấy Hoa nài nỉ thêm, người quản lý này thách thức: “Nếu em vẫn muốn nghỉ thì sao không nghỉ việc luôn đi?”. Đến nước này thì quá sức chịu đựng của Hoa, cô bèn nghỉ việc ngay lập tức.
Nam (22 tuổi) được nhận vào làm kỹ sư thực tập tại 1 công ty thiết kế và xây dựng. Nhưng Nam nghĩ rằng “mình ứng tuyển nhầm vị trí shipper hay sao đó”. Công việc hàng ngày của Nam là ship các tài liệu, bản vẽ sang công ty đối tác. Mặc dù với sự phát triển vượt bậc của Internet ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể gửi các giấy tờ trên thông qua email, fax,… Nhưng công ty của Nam thích mọi thứ phải “đến tận tay” theo đúng nghĩa đen.
Vì vậy, Nam và 1 bạn thực tập sinh khác hàng ngày phải ôm đống tài liệu dày cộp, băng qua con đường Láng dài hơn chục cây số, với nóng, nắng và bụi. Đến nơi, nếu bên đối tác “Ok” thì không sao, nhưng nhiều trường hợp đối tác sẽ bảo: “Công ty em làm ăn chán thật, bảo sửa chỗ này đi mà mãi không sửa”. Anh đối tác sẽ ân cần dùng bút xóa, chỉnh sửa lại thông tin trên giấy tờ rồi bảo Nam mang về sửa lại bản mới. Nam lại lách cách mang tài liệu về. Sếp Nam sẽ chỉnh sửa trên Word rồi sai Nam mang qua xem đã được chưa.
Cứ thế, 1 ngày Nam sẽ đi đi về về từ 4-5 lần, chỉ để ship tài liệu. Được tầm 2 tháng như vậy, Nam nhận ra ở đây cơ hội phát triển chuyên môn bằng không, lại còn vô cùng cực nhọc, Nam bèn nghỉ việc.
Tuy họ “Hứa” ở Việt Nam không phổ biến bằng họ “Nguyễn, Trần, Lê,…” nhưng lại đặc biệt phổ biến ở các cấp quản lý. Minh (24 tuổi) từng có kinh nghiệm làm việc cho một vị sếp họ Hứa. Cậu làm mảng kỹ thuật cho 1 hãng xe có tiếng. Hồi mới vào công ty, sếp vẽ ra 1 lộ trình thăng tiến rất hấp dẫn miễn là nhân viên có kỹ năng và ham học hỏi. Nếu được thăng chức, Nam sẽ trở thành cố vấn dịch vụ, với mức lương thưởng cao hơn nhiều.
Là một người trẻ nhiều tham vọng và học nhanh, Minh nhiều lần được sếp khen ngợi rồi bá vai thầm thì: “Cứ theo anh tầm 1 năm đi, anh sẽ đề xuất tăng lương cho em”. Khi Minh cống hiến được 1 năm, sếp lại hứa với Minh rằng: “Cố làm 1 thời gian nữa thôi, anh sẽ cho em thăng chức”. Minh lại cố tiếp, nhưng vẫn không có kết quả. Những người bạn đồng nghiệp của Minh từ hồi mới vào cũng nhảy việc sang nơi khác hết, còn mình Minh vẫn bám trụ vì niềm tin được thăng chức. Tuy nhiên sau khi bị thất vọng quá nhiều lần, Minh đành nộp đơn thôi việc.
Trang (22 tuổi) làm nhân viên Marketing cho công ty con của 1 tập đoàn khá lớn. Lúc mới vào vì muốn chứng tỏ bản thân nên cô hết mình lăn xả với công việc. Thời điểm đó công ty đang tổ chức 1 chiến dịch truyền thông quan trọng, đi báo chí, mạng xã hội, tổ chức event rầm rộ. Tuy nhiên, phòng Marketing của công ty con này mới mở nên nhân sự chỉ có đúng 3 người, bao gồm cả anh sếp và Trang. Để chuẩn bị cho event, nhiều hôm Trang phải ở lại công ty đến tận 11 giờ đêm, có hôm 12 giờ đêm mới về đến nhà. Sếp cũng hài lòng với Trang vì lâu rồi mới gặp được 1 nhân viên được việc và lăn xả như vậy.
Tuy dốc sức là thế nhưng chiến dịch lại không thành công, điều này không có gì bất ngờ vì nhân sự của công ty còn quá non trẻ. Sếp tổng nổi cáu gọi cả phòng Marketing vào mắng vốn. Trang cũng bị mắng vì sếp tổng cho rằng Trang thiếu chủ động, không biết hỗ trợ sếp mình trong công việc. Anh sếp nghe vậy cũng im re, không 1 lời bênh vực Trang, trong khi mới mấy ngày trước 2 anh em còn cày tới khuya để chuẩn bị cho event.
Sau đó, Trang nhận ra rằng sếp mình hoàn toàn không có tiếng nói trong công ty. Sếp luôn phải nhún nhường, van nài các phòng ban khác. Trang thì luôn bị đem ra “mắng ké” cùng sếp mỗi khi có vấn đề xảy ra. 1 người sếp còn không bảo vệ được cho chính mình thì sao nâng đỡ được team của mình? Trang bèn chuyển qua công ty khác để học hỏi từ những người sếp tốt hơn.
Tạm kết
Cuối cùng, điều mà nhân viên cần không chỉ là lương thưởng, đãi ngộ của công ty, mà họ còn cần 1 người sếp biết quan tâm lắng nghe, biết dẫn dắt, nâng đỡ cho nhân viên cấp dưới được phát triển cùng. Cái giá phải trả của 1 người sếp tồi chính là tự tay đánh mất những nhân tài trong đội nhóm của mình.
https://kenh14.vn/4-cau-noi-cua-sep-khien-nhan-vien-muon-nghi-viec-ngay-lap-tuc-nghe-soi-mau-la-mot-le-nghi-lai-cang-thay-uat-uc-20220303222836927.chn