Thứ Hai 06/06/2022 , 07:38 (GMT+7)
Câu thành ngữ, vế trước là nói về nón đẹp Ba Đồn, vế sau nói gái xinh Đức Thọ, nhưng nhiều người lại trốn từ vì bị ám ảnh từ ấy là từ tục.
Bến Tam Soa. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Buổi sáng thanh vắng, ngồi ở cái quán bên bờ sông Lam phía Hà Tĩnh. Mặt sông êm đềm, mờ ảo sương giăng, lòng như chùng theo.
Hà Tĩnh, cầu Bến Thủy từ Nghệ An sang, ngước lên là thấy bầu trời cao vút, mênh mang, nhìn ngang xuống là mặt sông Lam mênh mông… Sông Lam, còn có tên là sông Cả, sông Ngàn Cả, hợp lưu từ nhiều dòng: Sông Hiếu (sông Con), sông Giăng, sông Nậm Giải, và quan trọng nhất, là nguồn nước từ sông La. “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc! Nước mô xanh bằng dòng nước sông La!”. Sông Lam chảy qua cả Hà Tĩnh và Nghệ An. Nghệ An lấy sông Lam làm biểu tượng. Thì Hà Tĩnh chọn sông La. Con gái Hà Tĩnh gọi là “Người con gái sông La”, thành tên bài hát của nhạc sỹ Doãn Nho, phổ thơ Phương Thúy. Trai tài nhiều nơi thường nhẩm theo: “Ai về Hà Tĩnh mà quê ta, nhớ chăng đôi mắt người con gái sông La. Đôi mắt trong tựa ngọc! Đôi giọt nước sông La, thương như trời quê ta”…
Sông La là hợp lưu của hai dòng sông có tên rất thơ mộng là Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Hai sông này hợp thành sông La ở ngã ba có tên gọi rất gợi cảm là bến Tam Soa, nơi huyện Đức Thọ.
Trời Hà Tĩnh mênh mang, sông Hà Tĩnh thăm thẳm… Bao nhiêu tên tuổi quân tử, văn nhân xưa nay, thì số xuất thân từ Hà Tĩnh chiếm phần lớn. Thơ, văn, và đặc biệt là những bài hát hay nhất, nhiều nhất, viết về đất và người, thì có lẽ Hà Tĩnh chỉ xếp sau Hà Nội. Con gái Hà Tĩnh nổi tiếng đẹp, ngoan và lãng mạn, tình tứ. Mà gái đẹp nhất Hà Tĩnh thì lại ở vùng bến Tam Soa, gọi là gái Đức Thọ.
Có một câu thành ngữ, vế trước là nói về nón đẹp Ba Đồn, vế sau nói gái xinh Đức Thọ. Mười người trai tuổi trưởng thành trở lên ở nước Việt này, có đến chín người rưỡi biết câu ấy. Trong số chín người rưỡi ấy, thì có đến chín người khi đọc câu thành ngữ này, là trốn từ, hoặc loay hoay tìm từ thay thế. Là bởi vì trong đầu họ, cứ bị ám ảnh về từ ấy là từ tục. Tôi không thấy nó tục. Đó là một từ bình thường. Cái từ ấy vẫn rất nhã, rất thanh nếu trong trong đầu không vẩn lên cái tục. Đây là câu chuyện biến thái, tha hóa của ngôn ngữ, có dịp nào đó, tôi sẽ viết kỹ về vấn đề này và trích dẫn các câu thành ngữ tục ngữ để cho mọi người đọc.
Buổi sáng ở quán vắng bên sông, chuyện cứ dông dài, tôi bảo, mười người biết câu thành ngữ trên, thì có lẽ cũng đến tám, chín người chỉ hiểu cái vỏ của nó thôi. Nó còn có một tầng nghĩa khác, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử, mang đặc trưng của những biến thiên, ly tán…
Ba Đồn bên sông Gianh (Ba Đồn, Quảng Bình), không phải là đất làm nón. Nón đẹp nổi tiếng ở Huế, sao lại có chuyện “nón Ba Đồn”? Cái tên Ba Đồn xuất phát từ chuyện có ba cái đồn bên sông Gianh thời Trịnh – Nguyễn. Sau này hình thành cái chợ, cũng lấy tên là chợ Ba Đồn. Lính thú vùng biên tái được trả tiền cao. Mỗi lần nghỉ phép về quê thì vung tiền mua thứ tốt đẹp nhất, đắt nhất làm quà. Quà cho người thương thường là cái nón. Thế là những cái nón đẹp nhất ở các nơi được chọn mang ra Ba Đồn bán.
Còn gái đẹp Đức Thọ thì sao? Cũng là từ nơi khác đến! Một thái tử, vì lẽ gì đó, bị khép vào phản nghịch. Thay vì giết đi, vua cha cho mang theo cung tần mỹ nữ, bắt đi đày ở phía nam. Bầu đoàn ra đi tê tái. Một chiều dừng lại bến Tam Soa. Thái tử ngắm nhìn non sông cẩm tú, tưởng sắp về tay, bỗng thành nơi đày ải mình. Phẫn uất, chàng lao xuống sông. Theo lệ, tất cả mỹ nữ phải trẫm mình chết theo. Trong số ấy, có nhiều cô tài giỏi (biết bơi lặn) và thông minh (ngu gì chết theo người thối chí) nên đã lặn một hơi, rồi ngoi lên bờ, mai danh ẩn tích, tỏa ra nhiều vùng ở xứ Nghệ, sau đó lấy chồng, sinh con đẻ cái. Gái đẹp và thông minh thì ắt phò trợ cho chồng phát đạt và sinh ra con giỏi, con xinh, thế mới thành truyền tụng.
Tôi phân tích thêm cho mọi người thấy, những cô gái đẹp xứ Nghệ, như là ca sỹ mới đoạt giải ấy, ra Hà Nội hôm trước, hôm sau đã nói đúng giọng Hà Nội. Đang nói giọng Hà Nội, có điện thoại trong quê gọi ra, thì lại nói rặt giọng Nghệ, xong rồi, lại giọng Hà Nội… Thế có phải các cô ấy chính là hậu bối của những mỹ nữ ngày xưa, nay trở lại kinh kỳ không? Vợ tôi cũng kể là đẹp, có mấy cô bạn đồng nghiệp xinh, khi đã thân thân rồi, hỏi nhau gốc tích, thì đều bảo: “Em quê xứ Nghệ đó!”.
Trong lúc tôi nói chuyện, tay chủ quán cứ đi lòng vòng, nghiêng nghiêng tai nghe. Rồi hắn tiến đến, hỏi: “Rứa là bác lấy vợ Đức Thọ, chứ răng mà tỏ rứa?”. Tôi hỏi lại, rằng tôi nói chuyện thế có tục không, hắn bảo: “Chẳng tục mô, rứa mới thanh cao chơ!”. Hắn bảo vợ mang lên một đĩa cá sông La phơi một nắng nướng sơ mời mọi người. Chao ôi, ngon, ngọt, thơm ghê lắm. Khi ra về, mọi người đều hỏi mua. Riêng tôi, hắn đưa bằng hai tay một gói to, nói, em biếu bác đọ. Ồ, hay! Đâu cứ phải đi nói chuyện trên giảng đường hay tại hội nghị, mới có quà, nhỉ?
Nguyễn Thành Phong
Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.
Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.
Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: [email protected]
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: [email protected]
NNVN