–
Thứ tư, 08/09/2021 13:22 (GMT+7)
Tính từ 24.7 khi bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, đến nay, Hà Nội đã 4 lần thay đổi việc cấp, kiểm tra giấy đi đường . Đáng chú ý, có những lần thay đổi chỉ sau 2, 3 ngày ban hành vì không phù hợp với tình hình thực tiễn, khiến người dân, doanh nghiệp lúng túng.
Lần 1: Áp dụng mẫu chung toàn thành phố
Ngày 23.7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Chỉ thị 17, thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24.7.
Ngay sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, nhiều cơ quan, đơn vị tự xây dựng mẫu giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, ngày 27.7, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã giao thành phố thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại các khu vực ven thành phố, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào thành phố làm việc.
Mẫu giấy đi đường của UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: V.T
Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2434, thống nhất mẫu giấy sử dụng chung cho các đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách. Mẫu giấy gồm thông tin cá nhân, địa chỉ, nơi làm việc, mục đích tham gia giao thông… với xác nhận của UBND xã hoặc xác nhận của đơn vị.
Lần 2: Giấy đi đường kèm lịch trực
Ngày 8.8, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường.
Theo đó, yêu cầu ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành theo mẫu chung của thành phố, phải xuất trình kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, văn bản này đã gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý, để cấp giấy đi đường, nhiều phường đã phải làm việc đến nửa đêm, song vẫn không cấp kịp do số lượng hồ sơ quá lớn.
Sáng 10.8, Hà Nội lại có văn bản cho biết các đơn vị hiểu chưa thống nhất nên còn “lúng túng trong triển khai thực hiện”. Theo đó, UBND thành phố đã yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18 của Chủ tịch UBND thành phố.
Cụ thể, người đi đường chỉ phải xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường theo mẫu.
Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trung ương trên địa bàn thành phố; cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thuộc thành phố, người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.
Lần 3: Cấp giấy đi đường mới có nhận diện QR Code
Trước tình trạng người dân vẫn còn ra đường nhiều, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu công an nghiên cứu kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường. Công an Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện đề nghị chuẩn bị các điều kiện cần để triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường nhận diện.
Chiều 3.9, thông tin tại cuộc họp phân theo 3 vùng chống dịch, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường. Tuỳ theo phân nhóm, thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc công an thành phố; công an phường, xã, thị trấn.
Ngày 5.9, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường, điều chỉnh lại so với dự kiến ban đầu. Trong đó, nhóm các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhà nước… thẩm quyền cấp giấy đi đường được điều chỉnh như cũ, do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp.
Văn bản điều chỉnh cấp giấy đi đường ban hành trong dịp nghỉ lễ 2.9 khiến người dân và doanh nghiệp lúng túng. Vì thế, tối 5.9, Hà Nội ra thông báo trong 2 ngày 6 và 7.9, các lực lượng chức năng chưa xử phạt nếu người đi đường chưa có giấy đi đường theo quy định mới.
Lần 4: Dùng cả mẫu cũ và mới, tiến tới gộp làm 1
Tới chiều tối 7.9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.