Chia sẻ cách làm bánh đúc ngon, đơn giản kiểu miền Nam

Bánh đúc mặn là món bánh được ưa chuộng, dễ ăn cũng rất dễ thực hiện. Với hướng dẫn cách làm bánh đúc ngon dưới đây bạn hoàn toàn có thể thực hiện thành công món bánh truyền thống của Việt Nam kể cả lần đầu tiên thử sức. Tự nấu bánh đúc vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa đảm bảo khẩu vị cho gia đình.

Nguyên liệu làm bánh đúc

Để làm bánh đúc mặn truyền thống ngon, bạn chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu dưới đây:

Phần bột bánh

  • Bột gạo lọc: 150g;
  • Bột năng: 10g;
  • Nước cốt dừa: 150g:
  • Nước lọc: 340g;

Phần nhân bánh

  • Thịt heo xay: 100g;
  • Tôm khô đã ngâm: 20g;
  • Củ sắn: 100g;
  • Cà rốt: 50g;
  • Hành tím: 5 -6 củ;
  • Nước chấm: ớt, chanh, tỏi;
  • Rau ăn kèm: dưa leo, xà lách, giá, rau thơm;

Hướng dẫn thực hiện

Cách làm bánh đúc không quá khó, thực hiện đơn giản nhưng gồm nhiều công đoạn khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:

Pha bột bánh đúc

Cho 150g bột gạo lọc + 10g  bột năng vào tô lớn. Tiếp tục thêm vào hỗn hợp bột ½ thìa cafe đường, ¼ thìa cafe muối và 150g nước cốt dừa lon. Sau đó bạn cho 340g nước lọc vào và dùng phới lồng khuấy bột. Bột sau khi tan thì lược qua rây để thu được hỗn hợp bột mịn, cho bột nghỉ trong 15 – 20 phút.

Khuấy nhuyễn bột

Khuấy nhuyễn bột

Làm nhân bánh

Trong khi đợi bột nghỉ bạn làm nhân bánh:

Sơ chế nguyên liệu

Rau ăn kèm với bánh đúc rửa sạch, trụng giá chín. Cà rốt gọt vỏ, bào sợi và thêm vào 1 thìa cafe đường và ½ cafe giấm. Rau và đồ chua giúp ăn bánh đỡ ngán hơn.

Củ sắn cắt chỉ và luộc chín trong thời gian 3 phút. Khi thấy củ sắn trong nghĩa là đã chín, bạn vớt ra khỏi nồi nước. Sau đó, cho củ sắn vào trong khăn, vắt ráo nước. Bạn tiếp tục cắt nhỏ và băm nhuyễn củ sắn, cho vào đĩa.

Nhân bánh gồm tôm khô và thịt xay nhuyễn

Nhân bánh gồm tôm khô và thịt xay nhuyễn

Xào nhân bánh

Bắt chảo lên bếp, thêm dầu ăn và phi thơm với hành tím. Cho thịt heo xay vào đảo đều, thêm tôm khô (đã ngâm nở và thái nhỏ hạt lựu). Nêm nếm gia vị gồm ½ muỗng cafe hạt nêm, ¼ thìa cafe đường và trộn đều để ngấm gia vị.

Khi thấy thịt và tôm đã chín thì bạn thêm vào củ sắn, đảo đều cho nhân chín và rắc một ít tiêu. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, lưu ý phần nhân gia vị vừa phải, không quá mặn.

Lưu ý: Bạn có thể thay thế tôm khô bằng tôm tươi để làm nhân bánh. Sơ chế sạch, bóc vỏ tôm và thái hạt lựu. Sau đó xào chung với thịt heo xay. Nêm nếm tương tự hoàn toàn với nguyên liệu tôm khô.

Hấp bánh

Bạn sử dụng khuôn tròn, đường kính khoảng 20cm. Trước khi hấp quét một lớp dầu thật mỏng trong lòng khuôn để gỡ bánh dễ hơn và thêm 1 muỗng canh dầu ăn vào bột, khuấy đều.

Chuẩn bị nồi hấp, đun sôi trong nồi hấp 5 phút. Đặt khuôn bánh vào nồi hấp, đổ lớp bột đầu tiên khoảng 1-2cm, hấp 5 phút trong lửa vừa. Khi bột vừa chín tới bạn đổ tiếp lớp bột thứ hai để hấp trong 5 phút. Tiếp tục đổ bột hấp cho đến khi hết bột. Bạn có thể phủ khăn trên miệng nồi hấp để hơi nước không rơi rớt vào bột trong quá trình hấp.

Hấp chín bột ở lửa vừa

Hấp chín bột ở lửa vừa

Lớp bột cuối cùng hấp trong thời gian 10 phút. Sử dụng que xóc vào phần bột nếu bột không dính que nghĩa là bánh đã chín, lấy ra khỏi khuôn. Bánh đúc hấp đạt tiêu chuẩn khi bột dai, mềm, không bị nhão. Bạn để nguội rồi mới cắt bánh thành miếng vừa ăn, không cắt bánh khi còn nóng vì bột nhão.

Làm nước mắm

Cho 6 muỗng canh nước lọc, 1 muỗng canh đường, 1 thìa canh nước cốt chanh, khuấy đều. Độ chua ngọt của nước mắm có thể gia giảm tùy thuộc vào khẩu vị của bạn. Thêm 1 muỗng canh nước mắm, thêm tỏi ớt đã băm nhuyễn là đã có nước mắm ăn bánh đúc.

Nước chấm bánh đúc 

Nước chấm bánh đúc 

Hoàn thiện bánh và thưởng thức

Khi bột bánh đúc đã nguội, bạn cho tất cả phần nhân lên trên bột. Sử dụng dao gợn sóng để lấy bánh đúc ra khỏi khuôn có hình dạng đẹp hơn. Nhớ bôi dầu vào dao để bột không bị dính. Bạn chấn bột thành kích thước vừa ăn, tránh quá dày vì như vậy ăn rất mau ngán. Bánh đúc bày ra đĩa cùng với rau ăn kèm, đồ chua và nước chấm chua ngọt.

Cắt bánh bằng dao gợn sóng thành miếng vừa ăn

Cắt bánh bằng dao gợn sóng thành miếng vừa ăn

Yêu cầu thành phẩm

Bánh đúc truyền thống sau khi thực hiện phải đạt được độ dẻo, mịn và dai. Hương thơm của bánh thoang thoảng mùi bột năng và bột lọc. Khi thưởng thức từng miếng bánh có vị ngọt, thanh và hấp dẫn. Bánh đúc ăn cùng nước cốt dừa tạo nên độ ngọt, béo không thể cưỡng lại.

Một số lưu ý cần nhớ khi làm bánh đúc

Món bánh đúc để thơm ngon và chuẩn vị hơn cần nắm ngay một số lưu ý sau:

  • Nếu bạn chọn loại bột bánh tự làm nên ngâm và thay nước để bột nở đều và loại bỏ mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên, lượng nước không nên cho quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hương vị của bánh.
  • Bánh đúc muốn ngon phải tăng thêm lượng bột gạo, bánh dẻo, mềm thì phải bổ sung thêm bột năng.
  • Bánh đúc muốn đạt được độ cứng cần giảm lượng nước.
  • Nếu bột bánh càng đặc, sệt thì khi nấu phải điều chỉnh nhỏ lửa.
  • Trong quá trình khuấy bột phải dùng phới lồng để tạo độ mịn.

Với hướng dẫn từ bài viết trên đây, cách làm bánh đúc ngon thực hiện không quá khó phải không nào. Mong rằng với công thức này bạn sẽ bổ sung thêm được công thức làm bánh chiêu đãi gia đình nhé!

Advertisement

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *