Nếu đã từng đặt chân đến Mumbai, bạn sẽ được thưởng thức các loại ẩm thực đường phố. Trong các món ăn đường phố nổi tiếng ở Mumbai, không thể không kể đến Pav Bhaji – một món bánh mì chấm kèm nước sốt.
Pav Bhaji bao gồm bánh mì phết bơ, ăn kèm một hỗn hợp sốt được làm từ Bhaji (một loại rau cà ri), khoai tây nghiền và cà chua thái hạt lựu, thêm một chút ớt đỏ và trang trí với rau mùi, hành tây, vắt một chút chanh. Món ăn này xuất hiện ở 99% cửa hàng và hầu hết các con phố tại Mumbai. Giá của một suất bánh mì Pav Bhaji khoảng 100 rupee Ấn Độ (gần 35.000 đồng).
Một buổi chiều mùa hè, tôi rất đói và mệt sau cuộc họp với khách hàng vào đúng giờ ăn trưa, tôi lập tức nghĩ đến việc tìm một quán bánh mì Pav Bhaji trên đường.
Tại thời điểm này giá hành tây đã tăng khoảng 80 rupee/kg và giá cà chua tăng 60 rupee/kg. Hành tây và cà chua là 2 nguyên liệu chính làm nên món nước sốt bánh mì Pav Bhaji. Giữa thời điểm bão giá này, hầu hết các cửa hàng bán bánh mì vỉa hè đều đưa ra 2 lựa chọn cho khách hàng: 1 là tăng giá tiền và chất lượng món bánh Pav Bhaji không đổi; 2 là giữ nguyên mức giá và giảm lượng nước sốt.
Sau khi gọi một suất bánh mì Pav Bhaji với mức giá cũ, tôi đã nhận được một khẩu phần ăn vẫn đầy đủ nước sốt và 2 chiếc bánh mì. Tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi ông chủ: “Giá hành tây và cà chua đều tăng chóng mặt như vậy, tại sao anh vẫn bán bánh mì Pav Bhaji với nước sốt đầy đủ mà không tăng giá. Liệu anh có bị lỗ không?”
Anh ta trả lời: “Ồ, anh biết đấy. Mỗi suất bánh mì Pav Bhaji chỉ có 2 chiếc bánh mì. Khi tôi đưa ra bát nước chấm đầy và ngon như thế này, khách hàng thường sẽ gọi thêm bánh mì để ăn kèm. Một chiếc bánh mì tôi nhập vào với giá 1 rupee, và tôi bán cho khách hàng với giá 5 rupee. Thông thường, một khách hàng sẽ gọi thêm 2 bánh mì ăn thêm. Vậy là mỗi khách hàng tôi lãi được thêm 8 rupee chỉ riêng tiền bánh mì”.
“Tôi biết có rất nhiều cửa hàng và cả những người bán hàng rong đã giảm lượng nước sốt do nguyên liệu tăng giá; một số nơi thì tăng giá bánh mì. Nhưng chiến lược kinh doanh của tôi thì khác. Tôi trung thành với những khách hàng quen thuộc của mình và tôi dùng cách này để duy trì cũng như kiếm được lợi nhuận”, anh bán bánh mì tiếp tục.
Tôi há hốc mồm lắng nghe từng lời mà anh bán hàng chia sẻ. Thực sự mà nói, những bài học mà anh bán bánh mì vỉa hè dạy tôi hôm nay còn giá trị gấp trăm lần tấm bằng MBA từ trường top đầu của tôi.
Tôi đã quên mất rằng, trong môi trường kinh doanh khốc liệt và cạnh tranh như hiện nay, việc duy trì niềm tin và giữ chân khách hàng quen thuộc mới là yếu tố quyết định lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tôi đã áp dụng chiến lược của anh bán bánh mì vỉa hè này trong cuộc sống. Và bạn tin tôi đi, mọi thứ thật tuyệt vời!
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Vipul Shah – một doanh nhân có bằng MBA đang sống tại Ấn Độ, chia sẻ trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn.
Theo
Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=Ch%E1%BB%89+1+c%C3%A2u+n%C3%B3i+c%E1%BB%A7a+anh+b%C3%A1n+b%C3%A1nh+m%C3%AC+%C4%91%C3%A3+th%E1%BB%A9c+t%E1%BB%89nh+t%C3%B4i%2C+n%C3%B3+gi%C3%A1+tr%E1%BB%8B+g%E1%BA%A5p+tr%C4%83m+l%E1%BA%A7n+t%E1%BA%A5m+b%E1%BA%B1ng+MBA+t%E1%BB%AB+tr%C6%B0%E1%BB%9Dng+%C4%90H+top+%C4%91%E1%BA%A7u+c%E1%BB%A7a+t%C3%B4i