Chăm sóc trẻ sinh non, sinh thiếu tháng đúng cách

Trẻ sinh non (sinh thiếu tháng) là những trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi của một thai kỳ. Trẻ sinh càng sớm thì nguy cơ gặp phải các biến chứng càng cao. Cùng tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sinh non hay nuôi trẻ sinh non đúng cách qua sự tư vấn của Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương – Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để giúp bé khỏe mạnh và phát triển bình thường, ba mẹ nhé!

Đặc điểm của trẻ sinh non 

Ba mẹ cần hiểu đúng các đặc điểm cơ bản của trẻ sinh non để từ đó có cách chăm sóc trẻ sinh non tháng phù hợp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sinh non khi trẻ sinh trước 37 tuần tuổi thai và trẻ sơ sinh nhẹ cân khi cân nặng lúc sinh thấp hơn 2500 gram.

Trẻ sinh càng non thì nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn sơ sinh cũng như nguy cơ chậm phát triển tâm thần vận động trong những năm đầu đời càng cao. Những trẻ sinh cực non (trước 28 tuần tuổi thai) sẽ có nhiều biến chứng hơn những trẻ sinh non khác. Em bé sinh non dễ bị lạnh trong nhiệt độ phòng bình thường do cơ thể của bé chưa có khả năng tự ổn định thân nhiệt trong khi lớp mỡ dự trữ dưới da không có hoặc rất ít. Khi đó, bé cần phải được điều trị và hỗ trợ tích cực trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (còn gọi là NICU). Tại đây, cơ thể của bé sẽ được giữ ấm bằng cách đặt trong lồng ấp (còn gọi là incubator) hoặc dưới một hệ thống sưởi ấm đặc biệt (còn gọi là warmer).

Ngoài ra, trẻ sinh non có thể phải đối mặt với những nguy cơ trong quá trình phát triển như:

  • Trẻ có thể gặp vấn đề về thở do hội chứng nguy kịch hô hấp cấp hoặc loạn sản phế quản phổi. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao việc hỗ trợ hô hấp và dinh dưỡng đúng cách rất quan trọng.
  • Trẻ có thể bị vàng da ảnh hưởng đến thần kinh, dễ bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt và số lượng hồng cầu thấp gây thiếu máu, ngưng thở.
  • Trẻ cũng dễ bị nhiễm trùng hơn do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh và do các cơ quan chưa trưởng thành.
  • Một số trẻ có bệnh lý võng mạc của trẻ sinh non do võng mạc chưa được phát triển đầy đủ.
  • Trẻ có thể gặp phải vấn đề về nuôi ăn. Trẻ cần được cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng để bắt kịp đà tăng trưởng như trẻ sinh đủ tháng. Trong khi đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa trưởng thành, gây khó khăn cho việc nuôi ăn qua đường tiêu hóa. Bạn cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để việc chăm sóc dinh dưỡng trẻ sinh non được phù hợp và an toàn.
  • Trẻ có nguy cơ bị chậm phát triển tâm thần vận động gồm kỹ năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động hoặc gặp các vấn đề về hành vi, tâm lý và sức khỏe sau này. Do đó, việc theo dõi sức khoẻ lâu dài trong nhiều năm cho trẻ sinh non rất quan trọng.

Tuy nhiên, mỗi em bé sinh non đều khác nhau về tuổi thai, cân nặng và có những yếu tố nguy cơ khác nhau, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay, nhờ tiến bộ của y học, những trẻ được sinh ra từ sau 28 tuần tuổi thai và nặng hơn 1kg thì cơ hội sống sót cao và vẫn có cơ hội phát triển bình thường như trẻ đủ tháng.

Khi nào trẻ sinh non có thể được xuất viện?

Ba mẹ thường mong ngóng bé khỏe dần theo từng ngày để được về nhà, nhưng đồng thời ba mẹ cũng thường lo lắng vì chưa biết cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà như thế nào cho đúng đắn, khoa học.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương cho biết, các bác sĩ sẽ cho trẻ sơ sinh nói chung và trẻ sơ sinh non tháng nói riêng về nhà khi trẻ và cả ba mẹ đã sẵn sàng. Để được xuất viện, trẻ sinh non phải đáp ứng được những yếu tố cần thiết để đảm bảo sức khỏe tốt và không cần hỗ trợ y tế đặc biệt khi về nhà. Cụ thể:

  • Trẻ đạt cân nặng 1800- 2000 gram.
  • Trẻ bú tốt, có tăng cân đủ với tư thế kangaroo ít nhất 3 ngày (15 – 20 g/kg/ngày).
  • Trẻ tự điều hòa thân nhiệt ở tư thế kangaroo, đồng thời có sự kết hợp bú, nuốt, và thở tốt.
  • Trẻ đã ngưng được hỗ trợ hô hấp tuần hoàn và tự thở tốt, ổn định 48 – 72 giờ.
  • Trẻ ổn định ít nhất 24 giờ về nhịp thở từ 30 đến 60 lần/phút, nhịp tim 120 – 160 lần/phút, nhiệt độ nách 36.5 đến 37.5oC
  • Trẻ không bị thiếu máu (Hct > 30%).
  • Trẻ đã hoàn tất đợt điều trị nếu có.
  • Bà mẹ tự tin có thể về nhà chăm sóc con mình.
  • Bà mẹ phải thành thạo trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và da kề da.

Đây là các yếu tố quan trọng cần đảm bảo để ba mẹ có thể tự chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng khi về nhà một cách an toàn.

Hầu hết, các bé sinh non thường đáp ứng các tiêu chí trên sớm hơn từ 2 đến 4 tuần so với dự đoán xuất viện ban đầu. Tuy nhiên, những bé sơ sinh cần được phẫu thuật, gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, hoặc những bé trải qua nhiều tuần hỗ trợ hô hấp bằng thở máy có thể phải ở lại bệnh viện lâu hơn để được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

nu ho sinh tai tam anh

Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại nhà đúng cách

Sau một thời gian được nuôi trong lồng ấp, trẻ sinh non sẽ được xuất viện về nhà. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương lưu ý ba mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà đúng cách:

Theo dõi trẻ (nhịp thở, thân nhiệt,…)

Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên dễ bị bệnh hơn trẻ sinh đủ tháng. Do đó, ba mẹ phải luôn chủ động theo dõi các dấu hiệu ở con, như nhịp thở, màu sắc da, tri giác, thân nhiệt, …, nếu chẳng may xuất hiện các bất thường ở trẻ thì cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Cho trẻ ăn

Khi chăm sóc bé sinh non tại nhà, mẹ cần chuẩn bị nguồn sữa mẹ tốt nhất, vì trong sữa mẹ có chứa các protein và kháng thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của trẻ, chống nhiễm trùng. Ngoài dinh dưỡng cung cấp qua đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, trẻ cần được nuôi ăn qua đường tiêu hóa bằng sữa mẹ sớm. Khi trẻ ổn định và có thể xuất viện, lượng sữa mẹ cần cho trẻ mỗi ngày có thể lên đến 140 – 160ml/kg cân nặng/ngày.

Để tăng cân tốt bắt kịp với tăng trưởng như trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có thể cần được bổ sung dinh dưỡng dưới dạng: chế phẩm tăng cường sữa mẹ, vitamin bổ sung hoặc sữa công thức năng lượng cao dành cho trẻ sinh non.

Cho trẻ ngủ

Một trong những lưu ý trong việc chăm sóc trẻ sinh non đúng cách là quan tâm đến thời gian ngủ của trẻ. Trẻ sẽ tăng trưởng trong lúc ngủ, do đó trẻ cần được ngủ ngon yên tĩnh trong nhiều giờ mỗi ngày (16 – 20 giờ/ngày), sau mỗi cữ sữa. Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ quá 4 giờ/giấc, bố mẹ nên chủ động thức bé dậy để cho bé bú sữa. Bố mẹ cũng cần lưu ý rằng tất cả trẻ sơ sinh kể cả trẻ sinh non đều phải nằm ngửa khi ngủ, không nên nằm sấp. Cho trẻ nằm nệm không quá mềm và không nên có gối nhỏ, thú nhồi bông trong nôi. Nằm sấp và ngủ trên 1 tấm nệm quá mềm có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS). Trẻ cũng nên được nằm ngủ riêng trong nôi, không nên nằm chung với người lớn vì bố mẹ có thể ngủ quên và gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ cũng không nên được mặc quá nhiều đồ hoặc đồ quá chật.

tre sinh non

Tiêm phòng

Mũi tiêm phòng đầu tiên cho trẻ là viêm gan siêu vi B (VGSV B) và lao (BCG). Trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh trên 2.000 gram sẽ được tiêm phòng sớm trước khi xuất viện. Trẻ có cân nặng nhỏ hơn 2.000 gram sẽ được tiêm phòng BCG lúc trẻ tăng trưởng đạt cân nặng trên 2000 gram. Nếu trẻ sinh non có cân nặng từ 1000 – 2000 gram và mẹ bị nhiễm VGSV B, trẻ có thể được tiêm ngừa vaccine VGSV B sớm sau sinh.

Ngoài ra, cần phải tiêm phòng các mũi vaccine còn lại như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, phế cầu,… Có thể tiêm theo lịch thông thường dựa trên tháng tuổi của trẻ.

Đặc biệt, có những khuyến cáo về thời điểm tiêm chủng cho trẻ sinh non, bố mẹ cần quan sát trẻ thường xuyên hơn, tuân thủ lịch tiêm ngừa theo sự tư vấn của bác sĩ về cân nặng cũng như tình trạng sức khỏe thực tế của trẻ.

Vệ sinh và massage cho bé

Một trong những lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non là cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tắm cho trẻ sinh non ít nhất 3 – 4 lần/tuần bằng khăn mềm với nước sạch đủ ấm, không nóng, khoảng 37 – 38 độ C và sữa tắm “pH trung tính” dành cho trẻ sơ sinh. Lưu ý, vì da của trẻ sơ sinh khá mỏng manh và dễ bị tổn thương nên bạn cần phải rất cẩn thận khi làm vệ sinh cho trẻ. Trong các ngày bé không tắm, bạn có thể dùng bông cotton và nước ấm sạch vệ sinh toàn thân cho bé nhất là các vị trí kẽ da, rốn và vùng tã che. Bạn cũng nên tránh tắm bé quá nhiều lần vì sẽ làm bé bị khô da.

Khi massage cho trẻ bạn nên sử dụng loại dầu phù hợp với da của bé và được các bác sĩ khuyên dùng cho trẻ sinh non. Bố mẹ nên trực tiếp massage cho bé thay vì nhờ sự hỗ trợ từ người thân, bởi sự tiếp xúc qua da nhẹ nhàng từ bố mẹ và trò chuyện âu yếm cùng bé sẽ giúp bé phát triển thể chất và tâm lý, giúp trẻ có giấc ngủ ngon và tăng trưởng tốt hơn.

Bổ sung vitamin

Khi trẻ sinh non bú sữa mẹ, bác sĩ có thể bổ sung thêm vitamin cho trẻ:

  • Vitamin D: 400 – 800 đơn vị/ngày.
  • Sắt: 2 – 4 mg/kg/ngày từ sau tuần thứ 2.

Lưu ý, những loại bổ sung trên chỉ được dùng cho trẻ sơ sinh thiếu tháng khi được bác sĩ cho phép. Nhu cầu của mỗi trẻ sinh non là khác nhau, lượng dinh dưỡng trên cũng có thể thay đổi cho từng trẻ.

Da kề da

Da kề da (còn gọi là phương pháp kangaroo) là phương pháp chăm sóc trẻ được khuyến khích bố mẹ áp dụng trước khi xuất viện; các nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn cho bạn thực hiện đúng cách. Tại nhà, bố mẹ chỉ mặc tã cho bé, sau đó đặt bé nằm trên ngực và quay đầu của bé sang một bên sao cho tai của bé áp vào tim bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp kangaroo có thể tăng cường mối liên kết giữa bố mẹ và bé, thúc đẩy quá trình cho bé bú và cải thiện sức khỏe của trẻ sinh non.

Một số lưu ý khác

Ngoài ra, ba mẹ cần chú ý việc chăm sóc và giữ cuống rốn cho trẻ sạch sẽ, an toàn vì cuống rốn rất dễ nhiễm trùng, giữ cuống rốn càng khô và sạch sẽ giúp cuống rốn càng sớm rụng. Bố mẹ cũng cần hạn chế người thân đến thăm, tiếp xúc, hôn hoặc sờ vào người bé do trẻ sinh non dễ nhạy cảm với kích ứng và nhiễm trùng.

Hãy tắm nắng cho bé để bé có thể tạo vitamin D từ ánh sáng mặt trời, thời gian tốt nhất để tắm nắng cho bé là trước 9 giờ sáng, khoảng 10 – 15 phút mỗi lần.

Ba mẹ tự chăm sóc bản thân

Ba mẹ thường dành rất nhiều thời gian để chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng trong vài tháng đầu ở nhà. Người mẹ thường có từ 6 đến 8 tuần để nghỉ ngơi và hồi phục sau khi sinh, Tuy nhiên, việc có em bé sinh non có thể làm bố mẹ ngoài việc mất nhiều công sức, còn phải chịu nhiều lo lắng và các áp lực tâm lý khác trong giai đoạn đáng lẽ cần được phục hồi này.

Tuy nhiên, ba mẹ hãy nhớ rằng việc chăm sóc tốt cho bản thân sẽ giúp bạn nuôi trẻ sinh non tốt hơn.

  • Bạn có thể có nhiều cảm xúc trong những tháng đầu tiên này. Nếu trẻ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bạn có thể cảm thấy lo lắng, thậm chí tức giận. Và giống như tất cả phụ nữ sau sinh khác, bạn cũng có thể trải qua sự thay đổi nội tiết tố hoặc trầm cảm sau sinh nghiêm trọng. Lúc đó, bạn cần được chăm sóc, nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.
  • Để giúp bạn điều chỉnh cuộc sống với trẻ mới sinh dễ dàng hơn, bạn có thể cần sự giúp đỡ từ phía gia đình hoặc bạn bè. Họ có thể giúp bạn làm việc nội trợ, thu xếp hoặc vệ sinh nhà cửa… để bạn có thời gian chăm sóc em bé hoặc nghỉ ngơi.
  • Hãy đối xử tốt với bản thân bằng cách tìm thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ và tập thể dục điều độ.
  • Và nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc quá căng thẳng, mọi thứ dường như mất kiểm soát, bạn đừng ngần ngại tìm sự giúp đỡ từ người thân xung quanh hoặc từ các chuyên gia.

cham soc tre sinh non

Để theo dõi và chăm sóc sức khỏe thai kỳ toàn diện, chăm sóc trẻ sinh non đúng cách, hoặc để được tư vấn về các gói sinh, tư vấn dinh dưỡng, tâm lý sau sinh, bạn có thể đặt lịch khám với bác sĩ của BVĐK Tâm Anh TP.HCM tại đây hoặc liên hệ trực tiếp:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

– Hà Nội:

  • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội

– TP.HCM:

  • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí  Minh

– Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin cần thiết về cách chăm sóc trẻ sinh non hay chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng và nuôi trẻ sinh non một cách khoa học, giúp trẻ thích nghi và phát triển tốt như trẻ sinh đủ tháng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *