CÂY CHUỐI – BÀ MẸ
QUÊ
Nguyễn
Đặng Mừng
(Kính tặng những bà
mẹ quê và làng Cổ Lũy của tôi)
Nếu cây tre được ví,
được xem như là biểu tượng của sự vững chãi
cứng rắn, mang dáng dấp người cha, thì cây
chuối ngược lại luôn mềm mại, dịu dàng như
người mẹ vậy. Người ta đã ca ngợi nhiều về
cây tre, nhưng ít ai nói về cây chuối.
Có chăng chỉ lạc lõng trong vài câu
ca dao thường là buồn bã: “ Gió
đưa bụi chuối sau hè ”.
Có điều gì đó không công bằng
với chuối.
Mỗi lần về làng
quê, nhìn những bụi chuối luôn khiêm
nhường sau hè nhà, bên chuồng bò
chuồng lợn, lại nghĩ về những bà mẹ quê.
Trải qua hàng ngàn năm phong kiến, thân
phận người phụ nữ bị rẻ rúng, cây chuối
cũng mang thân phận như thế, cho mà không
nhận. Ở rất nhiều vùng quê Việt Nam, nếu bạn
quan sát kỹ
thì ít khi chuối được trồng trước nhà.
Vì sao ư, tôi cũng không biết nữa. Có
người giải thích với tôi rằng “ tiền
đàng bất khả thụ ba tiêu ”
(Trước nhà thì không được trồng chuối),
hoặc là “ chuối
sau cau trước ”.
Người ta sợ cây chuối mang nhiều điều xui xẻo
chăng! Lại liên tưởng đến hình ảnh người
mẹ, người chị,
mỗi lần đến nhà bà con hàng xóm,
không bao giờ các người ngồi căn giữa. Hay là
cây chuối chỉ có giống cái, không
chồng mà có chửa.
Chuối khoe rằng chuối
đồng trinh
Chuối ở một mình
sao chuối có con
Nhớ lại những năm tháng
còn ở làng quê, trong lúc cha ngồi
đánh
cờ tướng uống trà với bạn bè, thì mẹ
ngồi ở nhà dưới, bên chuồng heo xắt chuối.
Tiếng xoàn xoạt của nhát dao hòa trong
tiếng kêu đói của bầy heo. Những lát
chuối trắng nõn nà mà bạn có thể
xếp ra chơi đồ hàng, bạn có thể nghịch với
nó bằng cách lấy ra từ tim lát chuối
những khoanh tròn, kéo thành kính đeo
mắt. Đôi mắt của mẹ sẽ nhìn xuống cười
buồn như thông cảm với hoàn cảnh của con
mình, chẳng có món đồ chơi nào
ngoài chuối, với mẹ. Nếu lúc đó mà
em bé khóc, mẹ sẽ ngắt ngọn lá chuối
cuốn lại thành kèn để dỗ em. Âm nhạc
đầu đời mà bạn nghe đó là tiếng te –
te của kèn chuối sau tiếng hò da diết:
Gió đưa bụi chuối
te tàu
Chồng Nam vợ Bắc làm
giàu ai ăn
Mẹ cũng có thể tết
cho em bé một chiếc võng toàn bằng dây
chuối, buộc giữa hai bụi chuối, vừa mát lại vừa
êm.
Mẹ đi chợ. Hai anh em ngồi
đợi mẹ về. Những trò chơi lại bắt đầu từ
chuối. Này nhé, bạn có thể lấy cọng lá
chuối cắt thành khẩu súng trường, phía
trên tỉa năm sáu lá, gỡ lên, dùng
tay phải vuốt từ sau ra trước, bạn sẽ có khẩu
súng nổ liên thanh đấy nhé. Nếu cần đánh
võ, thân chuối sẽ là đối thủ mềm mại
và ngoan
ngoãn để bạn tha hồ đấm đá. Bạn cần đá
banh ư, hãy xin
chuối một ít
lá khô, dùng dây chuối buộc thành
trái banh. Nếu bạn khéo tay hãy dùng
dây chuối khô nhúng trong nước năm mười
phút, tước nhỏ để bện trái banh tròn,
đá cũng “kêu” không kém banh da.
Trong lúc đùa nghịch nhớ
đừng để mủ chuối dính áo, nhất là áo
trắng đi học, thì
có mà ăn đòn.
Rồi mẹ về, ngoài
những thức ăn như ruốc, cá khô, được gói
trong lá chuối (không ô nhiễm
môi trường như bao ni lông bây giờ), còn
quà của bạn không thể thiếu vài ba trái
chuối.
Bạn lớn lên cùng
chuối, bên mẹ. Mẹ sẽ hò:
“ Được mùa
chớ phụ môn khoai
Đến năm Thân Dậu
biết lấy ai bạn cùng ”.
Năm đói Thân Dậu
thì làm gì có môn có khoai,
chỉ có củ chuối đấy thôi. Thân chuối
non thì thái ra ngâm nước muối làm
dưa. Heo và người đều nhờ vào chuối để
sống. Rồi lụt lội ngập tràn thôn xóm,
cây chuối sẽ làm bè cứu bạn. Sau một
trận chiến làng xóm tan hoang, cháy rụi,
cây chuối sau khi làm nhiệm vụ che chắn cho bà
con sẽ chết sau cùng vì thân chuối nhiều
nước và sẽ là cây mọc lên nhanh nhất
để che mát và cứu đói dân làng.
Những ngày hoạn nạn
cơ cực sẽ qua đi. Những ngày hạnh phúc sẽ
tới. Chuối luôn bên cạnh bạn để chia ngọt sẻ
bùi. Ngày tết đến, trên bàn thờ tổ
tiên không thể thiếu nải chuối. Nem, chả, bánh
chưng, bánh tét đều mát rượi màu
xanh của chuối. Ngoài những mâm cỗ giỗ chạp
được lót bằng một tàu chuối xanh bên
dưới xôi, thịt luộc, chuối chát khế bên
trên ; còn bắp chuối sẽ là loại “rau
sống” hảo hạng. Bắp chuối đem bóp thấu với
đậu phụng da heo thì trở thành món cao
lương mỹ vị. Trong thời buổi rau gì cũng bị ô
nhiễm thuốc sâu rầy, có lẽ bắp chuối là
loại “rau” tinh khiết nhất. Tôi chưa thấy loại
cây nào mà ta có thể dùng từ
gốc đến ngọn, thậm chí còn dùng làm
phân xanh, chất đốt như cây chuối.
Bạn muốn dạy em học mà
không có giấy để viết ư, hãy xin chuối
cho một “trang” lá, trải ra bạn sẽ có một
“trang giấy” màu xanh có kẻ dòng đều
đặn. Dùng viết bi đã hết mực, bút chì
hoặc chiếc đũa vạt nhọn cũng được, viết trên
lá chuối bạn sẽ có nét chữ sắc sảo
lạ thường. Ông Châu Trí bên Tàu
ngày xưa có thể cũng đã dùng lá
chuối để viết, lá chuối khô đốt lên
làm đèn để học chăng
Còn ông “ Trần
Minh khố chuối ” nữa, cây chuối đã giúp
ông vượt qua đói nghèo, những bẹ chuối
khô được đóng khố để qua ngày rét
mướt (?)…Cuộc đời khi cùng cực lao đao cũng được
ví “ te
tua như tàu lá chuối ”.
Bạn đi học đường xa,
cha đi làm ruộng tối mới về, mẹ sẽ gói cho
những gói cơm bọc trong lá chuối. Cơm nóng
bọc trong lá chuối, trưa mang ra ăn với ruốc sẽ
cho bạn hương vị đặc
trưng để cả đời
không quên nổi.
Những nhà hàng cao cấp hiện giờ vẫn dùng
bẹ chuối, lá chuối
trong các món
nướng. Đã có nhiều công ty Việt Nam xuất
khẩu lá chuối ra nhiều nước trên thế giới.
Chuối luôn ở bên
cạnh bạn từ thuở thơ ấu cho đến lúc nhắm mắt
xuôi tay, bạn sẽ được nằm trong chiếc quan tài
êm ái ở quê nhà, thăng bằng nhờ vào
những đòn gối làm bằng thân chuối. Bát
nhang cũng được làm bằng thân chuối con, thật
tiện.
Tôi có nghe kể về
tục lệ ở một vùng quê Quảng Nam, khi người
mẹ đang mang thai qua đời, chôn cất xong, gia đình
phải trồng bên mộ một cây chuối, cho đến lúc
trổ buồng người mẹ mới làm tròn thiên
chức và mới được siêu thoát. Người
“ mẹ chuối ” cũng chỉ sinh nở một lần
trong đời rồi chết, thân rục xuống làm phân
bón cho những cây chuối con tiếp tục lớn lên
để giúp ích cho người.
Tôi có đến thăm
ngôi mộ người mẹ của bạn đưa từ Mỹ về, rất
ngạc nhiên khi bạn tôi chôn cất mẹ giữa
một vườn chuối. Anh ta sưu tầm đủ loại chuối. Nào
là chuối già, chuối chà, chuối sứ, chuối
cau…Phải kể là hàng chục loại chuối. Sau
khi thắp nhang bạn tôi nhìn sâu vào
vườn chuối, đôi mắt đẫm lệ, anh kể:
-Tôi
đưa mẹ tôi sang Mỹ định cư đã được mười
năm, vì ở đây không còn ai. Tôi
là con duy nhất của mẹ. Người già
ở Mỹ thì anh biết đấy, cô đơn lắm. Những
năm gần đây bà ốm đau luôn. Thương mẹ
quá có lần tôi nói: “ Bây
giờ mẹ thích gì con chiều nấy ”. Mẹ
tôi nói:
“ Mẹ
về Việt Nam thì không còn ai, mẹ sẽ ở
lại với con cháu đến lúc qua đời, nhưng con
hứa với mẹ một điều là phải đưa xác mẹ
về làng, và nhớ trồng bên mộ mẹ một
bụi chuối ”. Im lặng một hồi mẹ tôi lại
nói: “ Ở
vườn nhà mình có trồng được chuối
không con? ”.
Tôi
bảo: “ Được nhưng mùa đông sẽ chết ”.
Mẹ tôi im lặng, trong mắt bà có ngấn
nước. Mùa xuân năm ngoái tôi đi công
việc ở Nam Mỹ, đem về một cây chuối con, trồng ở
vườn, gần phòng mẹ. Cây chuối lớn nhanh phổng
phao lắm. Thân chuối trắng như lông tơ trên
da con gái dậy thì. Sáng chiều mẹ tôi
ra thăm, có lúc ngồi hàng
giờ với cây chuối. Rất buồn khi mấy đứa cháu
nghịch rách lá. Mùa hạ rồi mùa thu
cây chuối lớn nhanh như thổi. Những búp chuối
con cũng nhú lên từ gốc. Tôi đọc được
trong mắt mẹ niềm hạnh phúc về ngày đơm hoa
kết trái. Năm đó mùa đông đến sớm.
Khi cây chuối mới nhú bắp thì nhiệt độ
ngoài trời thay đổi đột ngột. Tuyết rơi trắng
khắp vườn. Sáng ra, như thường lệ mẹ tôi ra
thăm chuối. Nhìn cảnh tượng cây chuối vỡ
toác, ứa ra màu trắng của tuyết, mẹ tôi
đột quỵ và qua đời ngay sáng hôm đó.
Trước khi đưa thi hài mẹ về quê, tôi lập
một am thờ ngay vị trí cây chuối đã
chết, để thờ chuối và mẹ ”.
Bạn tôi khóc, tôi
cũng khóc. Tôi nhớ làng quê và mẹ
tôi da diết. Tôi tin các bạn từng ở vùng
quê cũng cảm động khi tôi kể chuyện này.
Những năm bỏ làng
vào vùng Đông Nam bộ, khi thu hoạch chuối
thấy người ta phạt ngang thân chuối cho gục xuống
để cắt buồng, tôi xót trong lòng. Khi đốt
rẫy chuối cũng cháy theo, tôi lại nhớ những
năm chiến tranh ở quê nhà. Hồi còn ở bậc
trung học tôi rất ghét phải đọc “ Chém
treo ngành ” của Nguyễn Tuân. Trong truyện
ngắn ấy biết bao thân chuối tội nghiệp gục dưới
tay đao phủ. Tôi chỉ đọc một lần mà rờn
rợn đến bây giờ.
Khoảng năm 1992 tôi có
viết một tạp ghi ngắn trên tờ Tuổi Hồng về lợi
ích của cây chuối trong mục “ Tuổi hồng
tìm hiểu ” dành cho tuổi mới lớn hiểu
về những phong tục tập quán Việt Nam. Bạn bè
bảo bài viết xúc động. Còn tôi,
tôi vẫn nợ cây chuối đến tận bây giờ.
Tôi có xem một số
tranh ảnh nước ngoài, khi mô tả về phong tục
tập quán Việt Nam, có rất nhiều tranh ảnh
dùng cây chuối làm nền, như là một
biểu tượng làng quê chứ không phải cây
tre. Người ta nhìn mình như thế. Còn tôi,
tôi lại nghĩ, nếu thiếu cây chuối trên đất
nước mình thì nền văn hóa lịch sử có
khác bây giờ không; biết đâu tính
hiền hòa nhân ái của dân Lạc Việt
lại không bắt đầu từ cây chuối, từ mẹ.
Mẹ già như chuối
ba hương
Như xôi nếp một
như đường mía lau.
Nguyễn Đặng Mừng