Giao tiếp là hoạt động cần thiết hằng ngày, nhằm duy trì những mối quan hệ (công việc lẫn cá nhân), xây dựng lòng tin, sự tín nhiệm và tạo ra trải nghiệm thú vị cho chính bản thân cũng như những người khác.
Không có gì bất ngờ khi “ăn nói” là kĩ năng cơ bản nhất cần được thực hiện tốt. Một trong những điều tối quan trọng trong giao tiếp là tránh những từ ngữ xúc phạm hoặc gây mất lòng. Điều này trở nên đặc biệt khó khăn khi bạn không ý thức được rằng những từ ngữ bạn dùng có thực sự được xem là gây tổn thương hay không. Những từ lóng và những câu nói thông tục thường được dùng bởi giới trẻ có thể vô tình tỏ ý xúc phạm đấy. Để tránh gây hiểu lầm, sau đây là một số ít từ hoặc cụm từ thực sự gây tổn thương mà bạn dù biết hoặc chưa biết cũng nên tránh.
1.”Gay/ Pê-đê / 3D”
Những từ này không phải lúc nào cũng có thể tuỳ tiện sử dụng, vì đối với một số người, những từ này đôi khi mang ý nghĩa miệt thị, mạt sát. Trong xã hội vẫn còn kỳ thị đối với người đồng tính, nếu bạn không thật sự thân với người nghe thì không nên tuỳ tiện nhắc đến những từ này. Chẳng hạn như bạn có thể thường nói “Tôi ghét thiết kế của cái áo này, nhìn nó thật là 3D quá đi”. Khi được sử dụng sai tình huống, nó có thể trở nên vô cùng xúc phạm đặc biệt khi có những người đồng tính xung quanh. Họ có thể không thích nghe bản thân mình được dùng để miêu tả như một cái gì đó gây bực mình hoặc quái đản đâu.
2. “Thiểu năng / Điên rồ / Ngớ ngẩn / Hại não”
Cụm từ này thường được dùng để chỉ những tình huống điên rồ hoặc vô lí, ví dụ như: “Kì thi đó thật hại não”. Khi thốt ra những từ này, chúng ta dễ dàng quên đi rằng có nhiều người gặp khó khăn về thần kinh ngoài kia. Người thần kinh chậm phát triển và những người thân của họ chắc chắn không thích bản thân được so sánh với một thứ gì đó điên khùng hoặc ngớ ngẩn đâu. Họ phải vật lộn với cuộc sống và đáng được tôn trọng, cụm từ này tốt nhất là nên được xóa khỏi vốn từ vựng hàng ngày của bạn đi nhé.
3. “Chỉ đùa thôi mà”
Nếu một người không dễ tha thứ cho những gì bạn vừa nói, nhiều khả năng là họ sẽ không chịu tin rằng bạn chỉ đùa. Bất kể thân thiết như bạn bè hay người trong gia đình, nếu bạn đưa ra một lời chỉ trích mang tính xúc phạm và mong họ xem nó như là một câu nói đùa, có lẽ khó lòng mà thỏa đáng được. Dù cho bạn có ý tốt đi chăng nữa, nhớ luôn “uốn lưỡi 7 lần” với những gì bạn sẽ nói, đặc biệt khi biết đối phương là người hơi nhạy cảm.
4. “Thôi bỏ đi, bạn không hiểu đâu”
Không một ai thích bị cho “ra rìa” cả, và khi dùng sai ngữ cảnh, câu nói này nghe có vẻ như việc cố tình bỏ mặc đối phương vậy. Mặc dù bạn chỉ có ý chấm dứt đề tài đang nói một cách nhanh chóng, đây là cách kết thúc khá thô lỗ và suồng sả trong giao tiếp, thứ sẽ phá vỡ những mối quan hệ của bạn hơn là duy trì chúng. Lần tới hãy cố đưa ra một lời giải thích, dù ngắn bạn nhé.
5. “Chắc tôi tự tử quá!”
Có lẽ bạn chỉ có ý tượng trưng trong lời nói thôi, tuy nhiên trong nhiều hoàn cảnh nhất định, ví dụ, xung quanh bạn có ai đó có người thân mất do tự sát, điều này có thể tạo ra một tình huống vô cùng khó xử. Vì chúng ta không thể nào hiểu hết mọi điều về tất cả những người bạn sẽ trò chuyện cùng, cho nên tốt nhất là tránh dùng câu nói này.
6. “Hôm nay tôi thấy bấn loạn / thần kinh quá”
Rối loạn thần kinh không chỉ đơn giản như có chút thay đổi tâm trạng trong một ngày. Những người bị rối loạn tâm thần rất phức tạp và phải chịu căng thẳng hơn gấp nhiều lần so với một người bình thường. Một số người chẳng may có người thân mắc bệnh này có thể dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm bởi ngôn từ mà bạn đã thốt ra. Nếu không có sự hiểu biết thấu đáo về thuật ngữ này, có lẽ sẽ tốt hơn khi cân nhắc một cụm từ khác để diễn tả tâm trạng của bạn vào một ngày ẩm ương.
7. “Bạn là con nuôi thôi”
Không có gì hay ho khi sử dụng câu nói này khi trò chuyện với một người thực sự không phải được nhận nuôi cả. Khi bạn sử dụng nó trong những tình huống không hợp lí, nó sẽ trở thành vấn đề thực sự đấy. Ví dụ: “Bạn không giống anh chị em ruột của bạn gì cả, có vẻ như bạn chỉ là con nuôi thôi.”. Một người có khiếu hài hước chắc sẽ không để tâm quá nhiều, tuy nhiên một số người không mấy vui tính có thể cảm thấy bị xúc phạm trước câu nói này. Những nhận định kiểu như vậy, dù có ý gì đi chăng nữa, có thể “đe dọa” cuộc trò chuyện của chúng ta.
8. “Bạn____như đàn bà vậy”
Khi nói câu này, chắc chắn một điều bạn đang xúc phạm đến một nửa dân số thế giới đấy. Những cô gái trên khắp thế giới, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa bình đẳng giới, cảm thấy điều này sỉ nhục vô cùng. Những câu nói chẳng hạn như: “Bạn đi đứng như đàn bà vậy” thường mang hàm ý lăng mạ. Câu nói này đôi vẫn gây ra nhiều tranh cãi, dù chỉ mang ý đùa vui, đặc biệt với bạn thân hoặc thành viên trong gia đình. Nhưng đó cũng có thể là một lời nói khiếm nhã khi được sử dụng sai hoàn cảnh và sai đối tượng.
9. “Đồ lùn”
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý là một số người rất nhạy cảm về chiều cao, đề cập đến một người nào đó như một “chú lùn”, dù không có ý xúc phạm nhưng nghe có vẻ như bạn đang cách ly họ ra và xem họ như một thứ tiêu cực vậy. Có thể thông cảm là bạn đã và đang sử dụng cụm từ này để gọi những người thấp bé từ xưa đến nay rồi. Tuy vậy, hãy lời lẽ nghe ít xúc phạm hơn đối với những người có chiều cao khiêm tốn để không vô tình gây tổn thương cho bất kỳ ai.
10. “Đồ Phát-xít”
Cho là bạn đã khá quen thuộc với các khái niệm về Phát-xít Đức, bạn nên biết rằng cách dùng của từ này đã thay đổi đôi chút trong những năm qua. “Phát-xít” thường được dùng để diễn tả một người thiếu khoan dung, với tính cách vô cùng tàn nhẫn. Sử dụng từ này để diễn tả một ai đó có thể được xem là một sự xúc phạm nặng nề là điều dễ hiểu. Lần sau, nếu muốn thể hiện sự bức xúc của mình, bạn có thể gọi họ là kẻ cứng rắn, sắt đá… sẽ tốt hơn là so sánh họ với một dân tộc gây tranh cãi
11. “Đi uống thuốc đi”
Khi một người bị căng thẳng, đây có thể là điều tồi tệ nhất để nói với họ trong tình huống khó khăn. Đối với những người nhạy cảm, có thể họ sẽ cảm thấy họ có vấn đề về thần kinh hay vô duyên. Câu này có thể dùng để pha trò, tuy nhiên nếu dùng sai tình huống sẽ làm đối phương thực sự tổn thương.
12. “Tôi không quan tâm”
Dù đôi khi bạn chỉ muốn đùa vui hoặc chỉ là “khẩu bất đối tâm”. Nhưng người nghe sẽ dễ hiểu lầm rằng bạn thật sự không quan tâm đến họ. Và sự hiểu lầm này sẽ khá là tổn thương và đau long đấy.
13. “Thôi đừng có xạo/ làm bộ nữa”
Thậm chí cho là bạn đúng đi chăng nữa, điều này gây xúc phạm sâu sắc khi bạn truyền đạt với một giọng điệu gay gắt hay trịch thượng. Bạn thường nghĩ bạn hiểu thấu toàn bộ câu chuyện trong hoàn cảnh đấy, nhưng cũng rất có thể là không. Hãy lịch sự với một người đang ở trong tình trạng khủng hoảng nhé. Điều đó có thể giúp bạn duy trì mối quan hệ của mình nếu bạn ủng hộ đối phương hơn là gạt bỏ sang một bên tình cảnh của họ
14. “Để làm gì?”
Mặc dù bạn đã hỏi với quan điểm tò mò mà thôi, câu hỏi này không dễ lọt tai đâu. Tùy thuộc vào độ nhạy cảm hay đối tượng và ngữ cảnh mà câu nói này nghe như là bạn đang bác bỏ lời giải thích của họ thậm chí trước khi họ cố làm điều đó. Như vậy nghe thật thô lỗ và có nhiều cách lịch sự hơn để hỏi vềý định của đối phương mà.
15. “Bạn căng thẳng quá mức rồi./ Mày rối quá à.”
Con người có một số đam mê và động lực nhất định, và khi bạn có ý bảo họ “quá căng” điều này có thể gây phật lòng đấy. Nếu họ dồn cảm xúc mạnh mẽ vào một điều gì đó mà bạn không rõ tại sao, tốt hơn là nên hỏi họ lý do chứ đừng vô ý mà ám chỉ nó là chả quan trọng gì cả.
16. “Bạn/Mày ở trên núi mới xuống à?”
Đây là một cách diễn đạt thường thấy được dùng với hầu hết những người ít hiểu biết về thế giới quanh họ. Nên nhớ rằng họ có thể không nhận thức được điều này và đang nghĩ mình bị phớt lờ, thậm chí chỉ một câu nói đùa có thể tình cờ gây tổn thương. Đại đa số mọi người hòa hợp với môi trường xung quanh họ, tuy nhiên, không có lí do gì bạn lại đi chỉ trích những người ít bắt kịp thời đại hơn mình cả.
17. “Bạn đâu có ngốc/ngu đến vậy”
Mặc dù thường có ý nghĩa như một lời khen, trong trường hợp nào đó nó cũng có thể hóa thành một lời lăng mạ. Ví dụ, nếu một người thân thiết của bạn muốn làm một việc gì đó mà bạn biết không tốt, bạn sẽ có khuynh hướng đưa ra những lời nhận định như: “Đừng làm thế, bạn đâu ngốc đến vậy”. Ở giai đoạn này, đối phương sẽ thấy lời nói như một sự xúc phạm, vì nó ngụ ý rằng họ không đủ sáng suốt để tự đưa ra những quyết định cho bản thân. Nói chung, cụm từ này ở đa số ngữ cảnh có hại hơn là có lợi.
Học nói là cái quan trọng đứng vị trí thứ hai mà ta cần phải học, cho nên thận trọng một tí vẫn không thừa chút nào, phải không nè!
St by luu.vn
Bình luận