.
Mới đây, cơ quan của chồng tôi có một người là F1 đã được đưa đi cách ly y tế tập trung. Do có tiếp xúc với ca F1 này nên chồng tôi trở thành F2, tôi và các con là F3. Theo nguyên tắc phòng dịch, cả gia đình tôi phải cách ly y tế tại nhà. Ngay trong ngày, chúng tôi cũng đã được nhận quyết định yêu cầu cách ly y tế tại nhà do UBND phường gửi đến.
Đọc quyết định cách ly do phường gửi đến, ngoài tên, tuổi, địa chỉ người phải thực hiện cách ly thì có đến 4 đoạn “căn cứ” với hơn 200 chữ, chiếm tới gần 3/4 văn bản. Cuối cùng chỉ có 3 gạch đầu dòng khoảng 35 chữ liên quan đến trách nhiệm người nhận quyết định, đó là: “Áp dụng cách ly trong trường hợp trên; sau khi nhận được quyết định này, trường hợp trên phải chấp hành việc cách ly y tế theo quy định; thời gian cách ly y tế”.
Tôi thấy, trong quyết định cách ly do phường gửi đến chưa thể hiện được thông tin cần thiết đối với những người phải cách ly y tế tại nhà. Do đó, theo tôi, ngoài quyết định cách ly y tế như trên, chính quyền các địa phương cần kèm theo bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng những việc phải làm và không được làm khi cách ly y tế tại nhà. Cụ thể như: giữa người F2 và những người F3 có được tiếp xúc bình thường hay vẫn cần có sự giãn cách nội bộ. Gia đình cách ly y tế có cần thông báo cho những người xung quanh rằng nhà có F2, F3 đang phải cách ly y tế và yêu cầu mọi người không nên đến nhà trong thời gian này. Người cách ly cần tự theo dõi sức khỏe như thế nào, cụ thể là những triệu chứng cụ thể nào nếu bị nhiễm SARS-CoV-2. Khi có những biểu hiện sốt, ho, khó thở… thì phải thông báo cho cơ quan nào, liên hệ ra sao.
Nếu người cách ly y tế tại nhà được cung cấp đầy đủ thông tin sẽ không hoang mang, lo lắng hay lúng túng vì không biết ứng phó như thế nào cho đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tránh tình trạng vô tình rơi vào trường hợp bị xử phạt vì không tuân thủ đúng quy trình cách ly phòng dịch.
Đặng Thế (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa)