Cách tính lương hưu của lao động nhà nước và doanh nghiệp có khác nhau?
Hỏi:
Cách tính lương hưu của lao động nhà nước và doanh nghiệp có khác nhau?
Trả lời:
Trước 1/1/2018, lương hưu của lao động trong khu vực nhà nước đang được tính là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trong khi đó tại khu vực tư nhân, người lao động được hưởng lương hưu tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian làm việc.
Tuy nhiên, kể từ 1/1/2018 thì lương hưu của cán bộ, công chức nhà nước sẽ được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian làm việc như người LĐ làm viêc ngoài nhà nước. Cụ thể:
– Đối với lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
– Trường hợp lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% (nội dung này chỉ thay đổi đối với LĐ nữ vì trước năm 2018 cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau khi đạt tỷ lệ 45% lao động nữ được tính thêm 3%).
– Như vậy, lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%.
– Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%)