Cách nấu giả cầy Nghệ An chuẩn vị – VnExpress Cooking

  1. Thịt móng giò cạo rửa sạch, dùng đèn khò hoặc rơm rạ thui cho vàng thơm lớp da bên ngoài. Cạo sạch lớp cháy nếu có, chặt miếng vừa ăn.

  2. Lá chè xanh (chọn lá già, xanh mướt, to) rửa sạch, vò hơi dập rồi cho vào ấm tích hoặc bình thủy tinh, cho ít nước sôi vào tráng bỏ đi. Sau đó, đổ nước sôi vào 2/3 ấm, đậy nắp kín và om 15 phút sẽ có nước chè. Nếu không có nước chè, dùng nước trà xanh cũng được.

  3. Riềng, sả rửa sạch, cát lát mỏng. Lá tắt (quýt hôi) rửa sạch, vỏ quả tắt rửa sạch.

  4. Ướp thịt chân giò với riềng, sả cùng 1 thìa canh ruốc hôi (mắm tôm), 1 thìa canh nước mắm, 2 thìa cà phê muối hạt, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 1/2 thìa cà phê mì chính (hoặc hạt nêm), 1/2 bát nhỏ mật mía, 1/2 bát nhỏ rượu nếp (giúp cân bằng vị và khử mùi) và ớt (nếu nhà có trẻ nhỏ thì bỏ qua ớt). Ướp tối thiểu trong 1 giờ. Nếu có thời gian bọc màng bọc thực phẩm, để qua đêm trong tủ lạnh thấm vị sẽ ngon hơn.

  5. Thịt sau khi ướp thì bật bếp xào săn để rút gia vị vào trong giúp đậm đà hơn. Để món ăn ngon nên nấu 2 lần lửa. Lần 1: Thêm nước chè xanh xâm xấp và đun  trên lửa nhỏ vừa trong 1 giờ cho thịt mềm. Khi nấu, nếu nước cạn thì chêm thêm nước chè xanh hoặc nước sôi. Nêm nếm lại gia vị cho phù hợp với gia đình bạn. Tắt bếp.

  6. Trước khi ăn thì nấu lại lần 2 sẽ giúp thịt đậm đà, dậy mùi thơm, đặc biệt nước sóng sánh màu nâu đỏ đẹp mắt.

  7. Trình  bày và thưởng thức: Múc thịt giả cầy ra mắt, ăn kèm cùng cơm trắng, bún hoặc bánh mướt (bánh cuốn Nghệ An) đều rất ngon, nhất là vào tiết trời mùa đông.

  8. Yêu cầu thành phẩm: Thịt giả cầy mềm mà không bở, có vị ngọt nhẹ từ mật mía, dậy mùi thơm của lá tắt, mắm tôm và sánh màu nâu đỏ đẹp mắt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *