Khi luộc vịt bạn đừng quên nướng hành và gừng, thêm vài khúc sả để luộc cùng. Món vịt luộc của bạn sẽ thơm, mềm ngọt thịt, ngon hết sẩy.
Ngoài các nguyên liệu cần thiết thì cách chọn vịt, thời gian luộc, cách sơ chế để vịt không hôi cũng rất quan trọng. Chớ mua vịt già, vịt đẻ thịt sẽ rất khô dai và thâm.
Cách làm
Sơ chế vịt
Vịt làm sạch lông, lông vịt còn sót cũng là nguyên nhân khiến vịt luộc bị hôi. Sau đó, bỏ phao câu. Chặt rời 2 chân vịt, tước lớp da vàng bên ngoài và chặt móng chân.
Sơ chế vịt
Nếu giữ lại đầu vịt, bạn cần phải tước vỏ lưỡi vịt, lớp vỏ viền quanh miệng và mũi vịt, đây là bộ phận tích tụ nhiều chất bẩn của con vịt, cũng giống như phao câu vậy. Đặc biệt, cần phải bỏ phổi vịt. Không bỏ phổi là 1 trong những nguyên nhân khiến vịt luộc chặt ra phần tủy xương hay bị đỏ, giống như luộc chưa chín vậy.
Tiếp đến, để vịt sạch và không bị hôi, bạn nên bóp kỹ vịt với muối hạt, rượu trắng và gừng giã nhuyễn. Dùng hỗn hợp này chà xát kỹ ngoài da vịt và bên trong. Sau đó rửa sạch lại vịt, để ráo.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Sả bóc bỏ bớt lớp bẹ già bên ngoài. Sau đó đập dập, cắt khúc dài khoảng 1 ngón tay.
Gừng rửa sạch, cắt bỏ những phần nạm đen, héo. Rồi đem nướng gừng và hành khô, nướng đến khi xém vàng lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, bóc vỏ hành và cạo những phần cháy xém ở vỏ gừng.
Sả, gừng và hành nướng sẽ giúp vịt luộc thơm ngọt hơn, khử hoàn toàn mùi tanh đặc trưng của vịt.
Hành lá, mùi tàu (ngò gai), rau ngổ nhặt, ngâm rửa nước muối sạch sẽ.
Ký sinh trùng nhỏ thường hay bám vào đầu ngọn rau ngổ, chính vì thế khi nhặt loại rau này bạn cần ngâm rửa kỹ.
Luộc vịt
Cho nước vào nồi, lượng nước ước tính ngập con vịt. Thả sả, gừng, hành nướng vào, đun sôi lên.
Luộc vịt với hành, sả và gừng
Khi nước già sôi, thả vịt vào để luộc. Có như vậy, lớp da ngoài của vịt mới giòn, không bị nứt. Đậy kín nắp nồi, hạ nhỏ lửa để sôi liu riu.
Luộc vịt
Nước sôi già mới cho vịt vào luộc.
Thời gian luộc vịt lâu hơn luộc gà 1 chút vì thịt vịt dai hơn. Trung bình, vịt luộc chín trong khoảng 20 phút, tùy vào khối lượng con vịt và cả vịt già hay non. Nếu vịt già, cần luộc lâu hơn. Hoặc bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng chiếc đũa xiên vào đùi vịt, thấy không có nước đỏ hồng chảy ra nghĩa là vịt đã chín.
Vịt chín, tắt bếp, ủ thêm trong nồi khoảng 10 phút nữa rồi vớt ra để nguội.
Món thịt vịt luộc
Trong quá trình luộc, có thể hớt lớp mỡ béo nổi lên trên cho vào bát, sau khi cho vịt ra đĩa, bạn phết 1 lớp mỡ béo này lên để da vịt bóng, không bị khô.
Da vịt bóng không bị khô
Khi vịt nguội, chặt thành miếng vừa ăn. Thường thì vịt sẽ chặt hình chữ nhật, còn gà hay chặt miếng vuông. Vịt còn nóng chặt hay bị vỡ nát, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của món ăn.
Đĩa thịt vịt luộc
Làm nước chấm
Thường thì có 3 loại nước chấm vịt luộc mà mọi người hay pha chế. Đó là:
3 loại nước chấm vịt luộc
- Xì dầu tỏi ớt: Cho 3 thìa canh xì dầu (nước tương) vào bát, 1/2 thìa canh đường, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho tỏi, ớt băm.
- Nước mắm tỏi ớt: Cho 3 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1/2 thìa canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho tỏi, ớt, gừng băm vào.
- Muối tiêu chanh: Cho 2 thìa canh bột canh, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho tỏi, ớt băm.
Vịt luộc khi ăn chấm cùng với nước chấm, kèm với 1 ít đầu hành, mùi tàu và rau ngổ để gia tăng thêm hương vị. Có thể ăn vịt luộc với bún và nước canh măng, tiết vịt.
Nước luộc vịt dùng để nấu với măng tươi, ăn với bún và các loại rau thơm