Cách làm siro mận đơn giản, để lâu không bị hỏng, úng váng

Cách làm siro mận thơm ngon, siro mận để được lâu không bị hỏng, váng sẽ được Cookbeo chia sẻ chi tiết trong bài viết này. Ngoài ra còn có cách làm ô mai mận dẻo ngon, căng bóng và nhất là không bị nhũn nát để các bạn có thể thực hiện và thành công ngay lần đầu.

Nên chọn những quả mận chín giữa mùa, rắn quả để làm được siro mận ngon nhất

Cách làm

Sơ chế mận

Mận bỏ núm cuống, rửa sạch rồi đem ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút, sau đó xả lại sạch sẽ và để ráo nước.

Trong lúc đợi mận khô thì chuẩn bị 1 âu nước hoặc chậu nước, hòa 2-3 thìa cà phê vôi tôi, khuấy đều. Đợi đến khi vôi lắng cặn xuống đáy thì chắt lấy phần nước vôi trong sang 1 chậu khác. Có thể pha thêm nước, ước tính sao cho mận ngâm ngập trong nước vôi là được.

Khi đã chuẩn bị xong nước vôi, bắt đầu khía mận để ngâm. Mục đích ngâm để khử vị chát của mận và nếu ngâm bằng nước vôi thì quả mận sẽ cứng hơn. 

Bạn có thể khía các đường ngang, đường dọc xung quanh quả mận. Tuy nhiên cần lưu ý các đường khía phải đều nhau và không khía quá nông hay quá sâu. Đặc biệt là các đường khía không nên chồng chéo lên nhau và kéo dài chạm đến 2 núm trên, dưới của quả mận. Vì làm như vậy thì quả mận sẽ dễ bị nát khi nấu siro hay lúc sên làm ô mai mận.

Để ô mai mận được đẹp mắt thì bạn có thể khía mận theo hình con sò. Đó là khía các đường ngang quả, sau đó xoay mặt kia quả mận lại, dựng đứng lên và khía các đường dọc.

Để làm siro mận, bạn có thể giữ nguyên vỏ hay gọt vỏ để giảm vị chát. Tuy nhiên nếu chọn được quả chín thì nếu có giữ vỏ thì độ chát cũng không đáng kể. Ngoài ra, nếu xác định tận dụng để làm ô mai mận luôn thì nên giữ lại vỏ. Còn nếu làm mứt mận thì có thể gọt vỏ đi.

Mận nên ngâm nước vôi trong khoảng 5-6 tiếng. Sau đó vớt mận ra, xả lại thật sạch rồi để ráo nước. Lưu ý cần phải xả lại mận thật sạch, nếu không mận sẽ dễ bị đắng vì bị đọng vôi.

Nếu không dùng vôi, bạn có thể thay bằng nước vo gạo đặc hoặc hòa bột gạo để ngâm mận. Tuy nhiên chỉ nên ngâm khoảng 2-3 tiếng, ngâm lâu nước vo gạo dễ bị lên men.

Làm mận ngâm đường

Mận sau khi đã ráo nước, xếp mận vào âu để ngâm ướp cùng với đường. Cứ 1 lớp mận thì rải 1 lớp đường. Tỷ lệ mận:đường sẽ là 1: 0,5. Nếu bạn thích siro mận ngọt thì có thể dùng tỷ lệ 1 mận: 1 đường. Nếu ăn ít ngọt, bạn giảm lượng đường xuống, có thể là 1 mận: 0,25 đường.

Sau khi đã ướp đường, bạn nên đóng hộp hay chậu lại để tránh các con côn trùng bay vào. Thời gian ngâm mận đường khoảng 8-12 tiếng để mận tiết ra nước và đường tan dần. Không cần phải đợi đường tan hết mới nấu siro, vì khi nấu lên đường sẽ tan chảy. Ngâm quá lâu thì mận cũng dễ lên men.

Làm siro mận hậu

Cho hỗn hợp mận và nước đường vào nồi, cùng với 1 chút muối hạt và vài lát gừng thái sợi để nước siro đậm, thơm hơn. Bật lửa nhỏ vừa, nấu sôi hỗn hợp trên rồi chỉnh lửa nhỏ lại, để sôi liu riu.

làm siro mận
Khi làm siro mận cần chú ý đến nhiệt độ và không nên đảo nhiều

Nấu siro mận khoảng 30 phút để mận tiết ra chất ngọt. Nấu đến khi mận chuyển sang màu nâu đỏ, bóng bẩy, màu trong là được. 

Quá trình nấu siro mận bạn không nên đảo nhiều để tránh làm nát mận. Nhất là trong trường hợp không ngâm vôi thì bạn càng phải hạn chế đảo mận. Và thay vì đảo, bạn có thể lắc nhẹ nồi để các quả mận thay đổi vị trí, vừa đỡ dính dưới đáy nồi vừa không bị nát.

Siro mận sau khi nấu được khoảng 30 phút, tắt bếp. Chắt nước siro ra âu riêng, để nguội rồi mới cho vào lọ. Nếu làm ô mai mận thì bạn có thể giữ lại 1 ít, xâm xấp mặt mận để lát sên cho ô mai được ngọt và ngon hơn.

Siro mận nguội cho vào lọ, đóng kín nắp, để nơi thoáng mát hoặc có thể để trong ngăn mát tủ lạnh. Lưu ý hũ, lọ đựng siro phải được rửa sạch sẽ, lau thật khô trước khi đổ siro mận vào. Có như vậy thì siro mận mới để được lâu, không bị úng, váng và nhanh hỏng.

Mỗi lần uống siro mận, bạn dùng 2-3 thìa canh nước siro, pha thêm cùng với ít nước lọc, đá lạnh uống rất ngon.

Siro mận

Cũng giống như siro dâu tằm hay ngâm mơ đường, siro mận có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, ví dụ như giảm cholesterol, bổ sung sắt, tốt cho tim mạch… Tuy nhiên vì có đường nên khi uống bạn cần điều chỉnh, tránh nạp lượng đường quá nhiều vào cơ thể, nhất là những người bị tiểu đường.

Làm ô mai mận

Trước khi sên ô mai mận, bạn cần sơ chế 1 ít gừng. Gừng sẽ chia làm 2 phần, 1 phần thái sợi, 1 phần đem xay lên rồi chắt bỏ nước, lấy bã. Sau đó trộn đều 2 phần gừng này lại với nhau.

Bước tiếp theo, bật bếp ở lửa nhỏ để sên ô mai mận. Cho 1/2 số gừng vừa sơ chế vào để sên cùng. Cũng giống như khi làm siro mận, bạn không nên đảo mận quá nhiều, thỉnh thoảng lắc nhẹ nồi để mận đảo vị trí. 

Sên đến khi mận dẻo quánh, quắt lại và nước siro gần cạn thì vắt 1/2 nước cốt chanh vào, tiếp tục lắc nhẹ nồi và sên đến khi nước siro cạn là được. Tắt bếp, đợi ô mai nguội bớt mới cho ra rổ hoặc mâm cho ráo đường. Không nên dùng đũa gắp ô mai mận ra khi nó còn nóng vì lúc này đang dẻo đường sẽ làm cho ô mai bị nát. 

Số gừng còn lại, bạn xào qua cùng với 1-2 thìa canh nước siro mận để làm giảm độ nồng gắt của gừng. Phần gừng xào này sẽ dùng để rắc lên ô mai mận, giúp cho ô mai mận thơm hơn, ăn ngon và hấp dẫn hơn.

Ô mai mận
Ô mai mận sau khi sên nên sấy khô hoặc phơi nắng để giữ được lâu

Ô mai mận sau khi cho ra rổ, bạn nên đem phơi nắng 2-3 ngày để ô mai khô và gieo lại, sẽ để được lâu hơn. Hoặc bạn cũng có thể sấy khô ô mai mận bằng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu.

Ví dụ như sử dụng nồi chiên không dầu, bạn có thể chỉnh nhiệt ở mức 100 độ C, sấy mỗi mặt khoảng 60 phút là được. Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào từng loại nồi chiên không dầu mà bạn chủ động chỉnh nhiệt độ và thời gian hợp lý.

Ô mai mận sau khi sấy khô xong, cũng nên để nguội rồi mới gắp ra và cho vào lọ. Đậy kín nắp, bảo quản nơi thoáng mát và dùng dần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *