Cách làm măng chua phổ biến nhất là muối với tỏi ớt cay nồng, hoặc nước giấm đường chua ngọt giúp bảo quản được lâu. Đồng thời, các thành phần nguyên liệu này còn giúp măng ngâm chua giữ được màu trắng đẹp mắt, vị giòn giòn ngon chứ không mềm ỉu. Thời gian lưu trữ măng chua còn tùy thuộc cách bạn chế biến và bảo quản. Nếu thực hiện đúng từng bước được webnauan.vn hướng dẫn sau đây, đảm bảo bạn sẽ luôn có hũ măng ngâm để nấu canh chua, xào thịt bò, ăn với bún,…vô cùng thơm ngon và tiện lợi tại nhà. Nào, cùng vào bếp thực hiện ngay bí quyết ngâm măng chua ngon và không còn độc tố, không đắng, không nổi váng nhé.
1. Những cách làm măng chua trắng giòn ngon không bị đắng
1.1. Cách muối măng chua cay với tỏi ớt bằng nước vo gạo và dấm
1.1.1. Nguyên liệu
Cách làm măng chua muốn có độ trắng giòn mà không bị đắng thì phải làm sao? Măng chua vốn là một thực phẩm rất được ưa chuộng và phổ biến trong các bữa ăn của người Việt Nam. Măng chua được dùng để chế biến thành rất nhiều món ăn thú vị như: dùng để nấu canh măng chua, trộn gỏi, măng kho, nấu lẩu, nấu bún măng vịt,…Măng chua rất dễ ăn mà không gây bị ngấy. Đó là chưa kể nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Để trả lời câu hỏi ở đầu bài, webnauan.vn sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từng bước muối măng chua tỏi ớt vừa ngon, vừa khử hết độc tố và để được lâu tại nhà.
- 2 búp măng tre tươi Mạnh Tông (khoảng 1,5 kg)
- 3 muỗng canh muối ăn
- 2 lít nước vo gạo
- 1 chén dấm trắng
- Nước lọc
- 2 củ tỏi đã bóc vỏ, thái lát
- 50 gram ớt tươi đã bỏ cuống, thái lát (có thể tăng thêm nếu thích ăn cay)
- Nguyên liệu làm nước ngâm măng tỏi ớt: 1 lít nước lọc; 2 thìa cơm muối ăn; 2,5 thìa cơm đường trắng.
- 1 hũ thủy tinh đã tráng nước sôi tiệt trùng và phơi nắng cho khô
Mẹo chọn măng tươi ngâm chua ngon: Nên chọn măng tươi mới, không bị dập úng để muối chua ngon, để được lâu và dễ khử vị đắng.
1.1.2. Mẹo sơ chế măng chua với nước vo gạo không bị đắng, không bị thâm đen
- Dùng dao rọc dọc vỏ măng tre một đường hơi sâu, rồi lấy tay tách các lớp vỏ ngoài đó ra. Tách đến khi nào còn lại phần lõi trắng bên trong là được. Dùng dao gọt bỏ lớp vỏ nâu ở ngoài để búp măng trắng đều.
- Hòa tan 1 muỗng canh muối ăn với một thau nước sạch, cho 2 búp măng vào ngâm nửa tiếng. Dùng dao thái dọc búp măng thành các lát mỏng vừa phải. Khi này, bạn sẽ thấy măng tươi ngâm nước muối có màu hơi trắng đục, đây chính là nhựa đắng trong măng tiết ra.
- Vớt măng ra rổ, rửa nước sạch nhiều lần, đến khi nước hết đục là được.
- Tiếp tục ngâm măng tươi trong 1 thau nước muối pha loãng mới (hòa tan 2 muỗng muối còn lại). Đổ thêm nước vo gạo vào thau măng, ngâm ít nhất 12 tiếng, hoặc để qua đêm. Bước này sẽ giúp khử nhựa đắng măng hiệu quả hơn, giữ được độ trắng giòn ngon chứ không mềm.
1.1.3. Cách làm măng tươi muối chua sơ chế với dấm
- Sau khi ngâm nước muối pha nước vo gạo, bạn vớt măng tươi ra rổ, đợi ráo hoàn toàn.
- Cho măng vào một cái tô sạch. Thêm dấm vào trộn với măng, đổ nước sạch vào cho ngập măng, ngâm nửa tiếng. Khi này, bạn sẽ thấy măng trắng và giòn hơn bước sơ chế ban đầu với nước vo gạo. Hơn nữa, sơ chế măng với dấm còn giúp tăng mùi thơm, độ ngon tốt hơn.
1.1.4. Cách phơi khô măng tươi để muối chua
- Sau khi ngâm dấm, vớt măng chua ra để ráo nước.
- Lấy một cái nia sạch, rải măng tươi cùng với ớt, tỏi lên nia, đem ra ngoài nắng phơi. Bước này giúp giữ độ giòn và tăng thời gian bảo quản cho măng sau khi ngâm chua.
- Phơi nắng khoảng 1 – 2 giờ thì đem nguyên liệu vào, chuẩn bị nấu nước ngâm măng chua.
1.1.5. Cách nấu nước muối đường làm măng tươi ngâm chua cay với tỏi ớt
- Cho các nguyên liệu nấu nước ngâm muối đường vào nồi, bắc lên bếp, nấu cho sôi. Sau đó, tắt bếp, để nước muối đường nguội hoàn toàn.
- Đổ nước muối đường vào hũ đã chuẩn bị, nhấn măng và tỏi, ớt đã phơi khô vào hũ sao cho ngập nước ngâm.
- Đậy nắp lại, đặt hũ ngâm ở nơi thoáng mát. Khoảng 1 tuần sau là bạn có thể lấy măng chua ra thưởng thức.
- Nếu muốn dùng măng chua hơn, bạn có thể ngâm khoảng 1 tháng nhé.
1.2. Hướng dẫn cách làm măng chua ngâm ớt cay
1.2.1. Nguyên liệu
- 1 cây măng tươi thơm giòn khoảng 1,3 kg (măng tre hoặc măng rừng đều được, sơ chế tương tự công thức thứ nhất ở trên)
- 3 thìa cơm + 1 thìa cà phê muối ăn
- 3 thìa ăn cơm đường trắng
- 1,5 lít nước lọc
- 200 gram ớt sừng xay nhỏ
- 150 gram tỏi bóc vỏ xay nhỏ
- 5 thìa ăn phở dấm ăn
1.2.3. Cách làm măng ớt ngâm chua cay ngon giòn
- Thái lát măng theo chiều ngang, ngâm nước muối (pha 2 thìa) qua đêm để khử nhựa đắng và độc tố. Rửa nước lạnh nhiều lần, để ráo nước.
- Hòa tan 1 thìa cơm muối với 2 thìa đường, nước lọc trong một nồi vừa, bắc lên bếp, nấu sôi, để nguội.
- Sau khi xay nhuyễn, bạn trộn tỏi ớt với dấm ăn, phần muối và đường còn lại, khuấy đều. Bạn có thể nếm nhẹ để điều chỉnh gia vị cho phần tỏi ớt ngâm giấm vừa miệng hơn. Bọc màng nilon lại, để ở nhiệt độ phòng qua đêm cho tỏi ớt giấm lên men.
- Cho giấm tỏi ớt lên men vào hũ sạch, thêm măng đã sơ chế vào, đổ nước muối đường ngập các nguyên liệu. Múc thêm ít ớt tỏi xay lên trên cùng, nhấn ngập nước, đậy nắp hũ măng lại.
- Ngâm măng ít nhất 12 giờ sẽ không còn vị đắng mà có vị chua cay thơm nồng, the the đầu lưỡi rất ngon. Tốt nhất là ngâm măng 3 ngày sau mới thưởng thức nhé.
1.3. Cách làm măng chua ngâm dấm ớt chua ngọt ăn ngay
1.3.1. Nguyên liệu
- 1 kg măng củ
- 3 – 4 trái ớt tươi
- 2 củ tỏi đã bóc vỏ
- 2 thìa cơm tương ớt cay (Xem cách tự làm tương ớt ngon tại nhà)
- 2 thìa cơm ớt bột Hàn Quốc (Tham khảo cách làm ớt bột để chế biến món ăn đa dạn)
- Nửa chén dấm trắng
- 2 thìa cơm muối ăn
- 2 thìa cơm đường trắng
- 2,5 chén nước lọc
1.3.2. Cách muối măng chua ngọt cay với dấm ớt ăn liền
- Dùng dao thái măng thành các lát mỏng hình vuông. Bắc nồi nước nấu sôi, thêm 1 thìa muối ăn vào, cho măng vào luộc khoảng 3 – 5 phút, rồi vớt ra. Tiếp tục nấu nồi nước muối sôi khác, luộc măng lần nữa cho đến khi nước luộc không còn đục trắng nữa là được. Vớt măng ra, để ráo nước hoàn toàn.
- Đem thái tỏi, ớt thành dạng lát.
- Bắc một nồi vừa lên bếp, đổ nước lọc cùng giấm, đường và muối ăn vào, khuấy đều, nấu cho sôi lên. Sau đó, bạn tắt bếp, thêm tương ớt vào khuấy đều với nước giấm đường, để qua một bên đợi nguội.
- Trộn măng đã ráo nước với tỏi, ớt và ớt bột cho đều. Đổ nước dấm đường đã nguội vào hũ sạch, rồi cho măng trộn bột ớt vào hũ, nhấn xuống cho ngập nước ngâm.
- Đậy nắp hũ ngâm măng lại, để 15 phút ở nhiệt độ phòng. Sau đó, cho hũ măng chua vào ngăn mát tủ lạnh, để qua đêm là có thể ăn ngay với vị chua ngọt cay nồng rất độc đáo.
1.4. Cách làm măng sặt muối chua ăn sống
1.4.1. Nguyên liệu
- Măng sặt: 2 kg
- Muối tinh: 2 thìa (loại dùng ăn cơm) và một ít để ngâm măng
- Đường trắng: 2 thìa ăn cơm
- Tỏi, ớt thái lát: điều chỉnh theo khẩu vị (càng nhiều tỏi thì măng ngâm càng thơm, nhiều ớt thì món ngâm có vị cay)
1.4.2. Cách muối chua măng sặt ngâm tỏi ớt ăn sống
- Tách lớp vỏ ngoài măng sặt, rồi cắt bỏ phần gốc già, giữ lại búp non bên trong.
- Pha thau nước sạch, thêm 1 thìa muối vào khuấy đều. Cho toàn bộ măng sặt vào ngâm qua đêm để khử độc tố và vị đắng. Sau đó, vớt măng ra, xả nước lạnh nhiều lần, đến khi nước hết đục. Cắt măng thành các khoanh tròn vừa ăn.
- Đem tỏi và ớt thái lát vào cối, giã nhuyễn. Hoặc bạn có thể cho 2 thành phần này vào máy sinh tố đánh nhuyễn.
- Luộc măng trong nước đun sôi 5 phút mà không cần đậy nắp. Vớt măng ra, xả nước sạch, rồi luộc nước mới thêm 5 phút nữa. Tiếp tục rửa măng với nước lạnh, rồi vớt ra, để ráo nước hoàn toàn.
- Đổ 2,5 lít nước lọc cùng đường, muối ăn vào, đun sôi. Đợi nước muối đường nguội hoàn toàn thì đổ vào hũ sạch đã được khử trùng sạch. Xếp măng vào hũ ngâm, rồi cho tỏi ớt giã nhuyễn vào ngập nước muối đường, đậy nắp kín, để ở nơi nhiệt độ ổn định, không khí thoáng mát.
- Khoảng 3 – 4 ngày nữa là bạn có thể mở hũ măng ngâm tỏi ớt ăn sống được rồi, hoặc chế biến thành món ăn ngon cho bữa cơm gia đình thêm đa dạng.
2. Bí quyết bảo quản măng chua ngâm để được lâu, không bị nổi váng mốc
Để măng chua ngon, để lâu, trắng giòn, không chứa độc tố, bạn cần sơ chế đúng cách. Theo đó, sau khi tách vỏ, bạn ngâm măng với nước muối và xả nước lạnh thật nhiều lần để khử nhựa đắng. Sau đó, tiếp tục ngâm măng với nước vo gạo để khử bỏ độc tố. Nếu không có nước vo gạo, bạn có thể ngâm nước pha bột gạo. Muốn măng có màu trắng đẹp, bạn có thể ngâm măng tươi với dấm nhé.
Sau khi nấu nước ngâm, bạn nhớ để nước ngâm thật nguội mới cho nguyên liệu vào muối chua. Nếu không, măng sau khi ngâm sẽ bị nổi váng, có vị đắng và nhanh hư. Ngoài ra, mỗi lần mở nắp hũ măng, cần dùng đũa sạch gắp ra nhé.
3. Ăn măng chua có tác dụng gì, có gây hại cho sức khỏe không?
3.1. Ăn măng chua có tác dụng gì?
Măng non của tre không chỉ ngon, mà còn giàu thành phần dinh dưỡng. Trong đó, chủ yếu là các chất như protein, carbohydrate, khoáng chất và chất xơ, ít chất béo và đường. Do đó, có thể nói, ăn các món ngon chế biến từ măng, kể cả măng chua, đều không gây béo.
Ngoài ra, trong măng còn chứa phytosterol cùng một số thành phần có tác dụng cải thiện sự thèm ăn, tăng cường khả năng tiêu hóa, giảm cân, chữa bệnh tim và ngăn ngừa ung thư (Nghiên cứu của Nertala Chongtham, Madho Singh Bisht và Sheena Haorongbam, 2011). Măng tươi còn là nguồn cung cấp thiamine, niacin, vitamin A và vitamin B6, E dồi dào. Hàm lượng xenlulo cao trong măng giúp kích thích cơn thèm ăn. Đó chính là thành phần tạo nên độ giòn giòn mềm mềm với hương vị ngọt ngào, độc đáo, giúp chế biến thành các món khai vị dễ hấp thụ hơn.
3.2. Ăn măng chua có độc không?
Măng thường được tiêu thụ với 3 dạng: tươi, lên men và đóng hộp. Trong đó, măng ngâm chua dù ít phổ biến vì có mùi hăng, nhưng lại giúp tăng hương vị cho món ăn kèm thêm ngon miệng hơn. Tuy nhiên, măng non ở dạng thô có khả năng gây độc và đem đến một số nguy cơ đối với sức khỏe vì có chứa hóa chất độc hại có tên gọi là glycoside cyanide.
Măng có nồng độ xyanua cao nhất ở phần chóp, tiếp theo là phần giữa. Phần búp măng non thì nồng độ xyanua thấp nhất. Theo các chuyên gia của WHO, nồng độ thấp chất này có thể dẫn đến một số dấu hiệu quan sát được như nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, thở gấp, chóng mặt, đau dạ dày, rối loạn tâm thần và thậm chí hôn mê giai đoạn cuối. Do đó, dù tiêu thụ ở dạng nào, bạn cũng cần sơ chế măng đúng cách để muối chua ngon và an toàn cho sức khỏe. Bao gồm: luộc măng trong nước sôi (giảm 90% hàm lượng xyanua), gọt vỏ và ngâm nước muối như các công thức đã hướng dẫn ở trên.
3.3. Ăn măng chua có gây nóng trong người không?
Nếu không luộc chín và sơ chế kỹ, măng sẽ còn vị đắng và khó tiêu hóa hơn. Ăn măng sống chế biến không đúng cách rất nguy hiểm, vì glycoside độc hại có thể gây nhiễm độc cấp tính và một số vấn đề sức khỏe mãn tính khác. Người có tiền sử mắc bệnh về đường ruột, tiêu hóa, bệnh Gút, thận,…đều không nên ăn các món ngon chế biến từ măng, nhất là măng lên men. Bởi vì, măng ngâm chua khá nóng, nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho dạ dày của bạn.
3.4. Bà bầu ăn măng chua được không, có gây mất sữa không?
Theo một số chuyên gia, ăn măng chua khi mang thai hoặc sau sinh là bình thường, miễn bạn sơ chế măng đúng cách và luộc kĩ trước khi lên men. Tuy nhiên, với bà bầu 3 tháng đầu thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng món ăn này nhé.
3.5. Măng ngâm chua ăn với gì ngon nhất?
Một số món ngon chế biến từ măng chua: canh măng chua, cá chép om măng chua, thịt bò xào măng, măng chua xào tỏi,…
Không thể phủ nhận một thực tế rằng, vì lợi nhuận, phần lớn măng chua được bán trên thị trường ngày nay đều được ngâm hóa chất vô cùng độc hại mà lại không giữ được hương vị thuần khiết như tự tay mình làm ở nhà. Song, không phải ai cũng biết cách làm măng chua ngon, không bị nổi váng, khử được những độc tố có hại mà vẫn giữ được những giá trị dinh dưỡng cần thiết. Với những các bước thực hiện đơn giản trên đây, bạn có thể tự ngâm măng chua ngon và đảm bảo được những yếu tố vừa nêu. Chúc các bạn thành công và có được những món ăn ngon tuyệt vời từ măng chua do chính tay mình làm.
Bích Tuyền tổng hợp