Ngày 22/07/2019 06:10 AM (GMT+7)
Bởi vì hương vị dai dai, giòn giòn và ăn không ngấy như các loại giò khác nên giò xào được rất nhiều người yêu thích. Thực hiện theo cách làm giò thủ dưới đây, bạn có thể thưởng thức món ngon này ngay tại nhà mà không cần phải ra chợ hoặc siêu thị.
Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) là món ăn truyền thống của Việt Nam với thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt. Giò thường được các gia đình làm trong dịp lễ Tết cổ truyền như một nét văn hóa ẩm thực. Đĩa giò đầy đặn tượng trưng cho sự trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà.
Nguyên liệu làm giò thủ
– Tai heo: 500 g
– Lưỡi heo: 500 g
– Thịt chân giò: 300 g
– Nấm mèo: 50 g
– Nấm hương: 100 g
– Hành tím: 2 củ
– Lá chuối (hoặc khuôn inox, chai nhựa)
– Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
Những nguyên liệu chính để làm món giò thủ
Hướng dẫn cách làm giò xào ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên vật liệu
– Rửa sạch tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò với nước muối loãng. Sau đó cho tất cả vào luộc sơ qua, bỏ thêm vào một thìa muối và một thìa giấm (không nên luộc riêng từng bộ phận mà nên luộc chung với nhau, sẽ ngon và đậm vị hơn. Nếu luộc riêng, thịt dễ bị nhạt). Khi nước sôi thì tắt bếp, vớt tất cả ra ngâm với nước lạnh để thịt không bị thâm.
– Ngâm nấm mèo trong nước nóng khoảng 10 phút để nở hoàn toàn. Sau đó, đem cắt bỏ chân, rửa sạch và thái sợi nhỏ. Cách làm tương tự đối với nấm hương.
– Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và cắt nhỏ.
Sơ chế các nguyên liệu để làm món giò thủ
Bước 2: Ướp và xào thịt
– Thái nhỏ tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò thành miếng vừa ăn rồi tiến hành tẩm ướp với 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm, ½ thìa đường, 1 thìa hành tím băm nhỏ và 1 thìa hạt tiêu. Trộn đều cho thịt ngấm vị. Để khoảng 30 phút là được.
– Đặt chảo lên bếp, cho vào một thìa dầu ăn. Đợi cho dầu sôi thì bạn cho vào một thìa hành tím băm nhỏ vào phi thơm.
– Khi hành đã dậy mùi thơm thì cho tất cả thịt heo vào xào, cho thêm một chút hạt nêm và nước mắm sao cho phù hợp với khẩu vị. Bạn cần đảo đều tay để thịt ngấm gia vị và chín đều. Sau khi thịt heo đã săn lại thì cho nấm mèo và nấm hương vào xào cùng.
Lưu ý: Đun lửa vừa cho đến khi thịt heo ra mỡ và nấm thấm gia vị thì tắt bếp. Không nên xào quá chín sẽ khiến giò bị khô, cứng.
Bước 3: Cách gói giò thủ
Ở bước này, bạn có thể lựa chọn gói giò bằng khuôn, bằng lá chuối hoặc bằng chai nhựa:
Gói giò thủ bằng chai nhựa:
– Bạn rửa sạch chai nhựa, đem phơi ráo nước rồi cắt bỏ phần đầu chai. Đục vài lỗ nhỏ ở đáy chai để giò có chỗ thoát khí.
– Khi thịt vẫn còn nóng, bạn bắt đầu cho vào chai và nén thật chặt để thịt lấp đầy chai, không có kẻ hở (có thể dùng chày để nén cho chặt). Sau đó dùng túi nilon hoặc lá chuối bọc phần miệng chai lại.
Các bước gói giò thủ bằng chai nhựa
Gói giò thủ bằng lá chuối
– Lá chuối rửa sạch, đem phơi khô.
– Trước khi gói, để làm lá chuối mềm hơn và giúp việc cuốn thịt dễ dàng, bạn hơ nhanh lá chuối trên lửa nhỏ.
– Trải lá chuối ra, đổ hết phần thịt đã xào lên. Gói lá chuối lại rồi dùng dây lạt hoặc dây nilon để cột chặt giò thủ để định hình cho cây giò thẳng, không bị méo.
Lưu ý: nên gói giò khi giò còn nóng để có độ kết dính. Gói lá chuối thật chặt tay để thành phẩm sau khi hoàn thành tròn đều, đẹp mắt.
Các bước gói giò thủ bằng lá chuối
Gói giò xào bằng khuôn inox
– Chuẩn bị một chiếc khuôn inox đã được rửa sạch.
– Lót nilon vào đáy khuôn hình trụ. Sau đó, nhồi thật chặt tay phần nguyên liệu giò thủ vừa xào vào khuôn. Nếu có thể, đặt một vật nặng phía trên để nén chặt giò xào bên trong.
Gói giò thủ bằng khuôn
– Sau khi gói xong, đợi thịt nguội thì cất giò vào trong ngăn mát tủ lạnh, khoảng 8 tiếng thịt đông lại là dùng được. Có thể bảo quản được trong vòng 1 tuần. Khi ăn, bạn chỉ cần cắt khoanh ra, vô cùng thuận tiện.
Giò thủ sau khi đã hoàn thành
Giò thủ sau khi hoàn thành
– Giò thủ có màu hơi hồng, màu mỡ đông xen kẽ với màu nâu của nấm.
– Ăn miếng giò có vị giòn, ngọt, béo, thơm mùi của thịt cũng như nấm và tiêu.
MỘT SỐ CÁCH LÀM GIÒ THỦ KHÁC
Áp dụng cách làm tương tự như đối với giò thủ truyền thống, bạn cũng có thể làm một số loại giò thủ khác như sau:
Cách làm giò thủ chay
Nguyên liệu làm giò thủ chay:
– Mộc nhĩ: 70g
– Váng đậu: 2 miếng
– Nấm tuyết: 1 cái
– Mì căn: 1 bát
– Bột rau câu: ⅓ gói
– Ngũ vị hương: nửa gói nhỏ
– Gia vị: nước mắm, gia vị, mì chính, hạt tiêu…
Hướng dẫn làm giò thủ chay:
– Sau khi sơ chế và cắt nhỏ các nguyên liệu, bạn đem ướp hỗn hợp với ngũ vị hương, mì chính, mắm, hạt tiêu rồi để khoảng 1-2 giờ cho ngấm vị.
– Cho các nguyên liệu lên xào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
– Đun sôi 2 bát con nước, cho bột rau câu vào và khuấy đều trong 5 phút rồi tắt bếp.
– Trộn đều nước bột rau câu với các nguyên liệu đã xào, tiến hành gói giò rồi sau đó để vào tủ lạnh khoảng 4 – 5 tiếng là có thể thưởng thức.
Cách làm Giò bò xào
Nguyên liệu:
– Bắp bò: 700g
– Hành tây: 1 củ
– Da heo: 300g
– Gừng: 5 lát
– Gia vị: nước mắm, đường trắng, bột ngọt, hạt tiêu
Cách làm giò bò xào:
– Sơ chế, rửa sạch các nguyên liệu.
– Nấu 1 nồi nước sôi cùng với vài lát gừng và 1 củ hành tây. Cho thịt bắp bò và da heo vào luộc cỡ 10 phút.
– Cho thịt bắp bò và da heo đã luộc vào thau nước đá, ngâm cho nguội hẳn. Đem nguyên liệu ra cắt thật mỏng. Ướp với nước mắm, bột ngọt , đường, tiêu trong khoảng 30 phút.
– Sau đó, cho nguyên liệu vừa ướp lên chảo xào chín thật khô, khi nào thấy da heo bám vào thành nồi thì tắt bếp.
– Gói giò, đợi cho nguội rồi cho vào tủ lạnh để thịt đông lại là được.
Giò gà xào nấm
Bạn có thể thay thế thịt chân giò lợn bằng thịt gà để nấu món giò thủ. Với món ăn này, bạn lọc gà chỉ lấy phần thịt để làm giò. Áp dụng cách làm tương tự như món giò thủ thông thường, bạn đã có một món giò thủ lạ miệng nhưng rất thơm ngon.
Với cách làm giò thủ thơm ngon mà chúng tôi cung cấp, hy vọng bạn sẽ có thêm được một món ăn Việt truyền thống để thêm vào mâm cơm gia đình.
Theo Linh Linh (Khám phá)