Đậu phụ là món có giá trị dinh dưỡng cao, giá rẻ, chay mặn đều dùng được, nấu được nhiều món thơm ngon,… nên đậu phụ (hay đậu hũ) là món ăn có lượng tiêu thụ cực kỳ lớn hàng ngày và nghề kinh doanh đậu phụ chưa bao giờ là lỗi thời. Vậy nếu bạn muốn học nghề làm đậu phụ mềm béo truyền thống hay chỉ muốn tự làm tại nhà để đảm bảo vệ sinh, an toàn thì hãy xem ngay bài viết dưới đây Đông Nam sẽ giới thiệu các cách làm đậu phụ rất đơn giản nhé!
Cách làm đậu phụ để bán đơn giản nhất
Tuy giá thành bán đậu phụ không cao chỉ tầm 3.000 đồng/thanh tuy nhiên lượng tiêu thụ lại rất lớn (theo thống kê mỗi gia đình ăn ít nhất 1-2 bữa đậu phụ/tuần). Chính vì thế cái hay của nghề làm đậu phụ chính là dễ theo nhưng cần kiên trì, tầm nhìn lâu dài thì mới thu lãi và làm giàu được. Vậy cách làm đậu hũ kinh doanh như sau:
Quy trình làm đậu phụ
Cách làm đậu phụ để bán gồm có 5 bước:
Ngâm đậu nành (đậu tương) – Xay đậu nành – Nấu đậu phụ – Làm đông – Ép khuôn thành hình
Để làm được đậu phụ mềm, mịn như ngoài quán thì từng giai đoạn có bí kíp, công thức riêng như sau:
Cách chọn mua đậu nành tươi ngon
- Hạt đậu tương có màu vàng ngà, đều màu, sáng, vỏ bóng, không bị nhăn.
- Hạt tương mẩy, tròn, kích thước đều nhau, bóp chắc, không mủn, không mềm. Vỏ hạt đậu không bị nứt hay đã nảy mầm, hoặc bị sâu đục khoét.
- Nên chọn mua hạt sau các vụ đậu nành, hoặc sau 3-4 tháng mùa vụ để chọn được đậu tương ngon, mới.
Nơi mua khuôn làm đậu hũ
- Để làm được đậu hũ vuông vắn, đẹp mắt, chắc miếng thì cần phải có khuôn đậu hũ chuyên dụng.
- Bạn có thể mua khuôn làm đậu hũ tại cửa hàng, chợ hay siêu thị. Ngoài ra bạn cũng có thể tự chế khuôn làm đậu hũ theo mẫu có sẵn.
Cách ngâm đậu nành làm đậu hũ
- Đậu tương (đậu nành) bạn rửa sạch, đổ nước ngập hạt và ngâm từ 6-8 giờ để hạt trương ra mềm hơn giúp quá trình xay dễ dàng hơn và lượng sữa đậu nhiều hơn.
- Thời gian ngâm từ 6-8 giờ là đẹp bởi ngâm ít thì đậu vẫn còn cứng, còn ngâm lâu quá đậu dễ bị chua và hỏng. Thông thường để không mất công chờ đợi nhỡ việc người ta ngâm đậu từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau.
Xay đậu nành
- Sau khi ngâm đậu hạt, bạn đem đậu rửa sạch lại một lần nữa, bạn không cần phải chà xát để ra vỏ mà chỉ cần cho đậu vào rổ lớn và chuẩn bị đem xay.
- Nếu như ngày xưa người ta dùng cối đá để xay đậu nành sau đó vắt bỏ bã thì bây giờ đã có máy ép trục vít
Lưu ý: Phần bã đậu nành bạn có thể dùng làm món ăn ngon như trứng chiên bã đậu, hoặc làm bánh hay thức ăn cho động vật, phân bón cho cây trồng.
Nấu đậu phụ
- Khi bạn đã có sữa đậu, bạn cho vào nồi để nấu. Sữa đậu lọc bã chính là nguyên liệu để làm đậu phụ, tào phớ hay sữa đậu nành mà bạn vẫn hay ăn đó.
- Thông thường người bán hay làm cả 3 món để gia tăng tỷ lệ mua cho khách hàng
Bí quyết nấu đậu phụ
Bí quyết nấu đậu phụ mịn, mềm, ngon đó là lượng nhiệt nấu sữa đậu vừa phải, không để sôi bùng lên, để sữa chín từ từ. Bạn nhớ để sữa đậu sôi liu riu từ 3 – 4 phút để đảm bảo đậu chín và mịn nhé!
Làm đông
Nếu chỉ dừng lại ở bước trên và bạn thêm sữa, đường tùy thích là đã có ngay món sữa đậu nành thơm ngon, nhưng nếu bạn muốn làm đậu phụ thì cần phải thêm một giai đoạn làm đông óc đậu như sau:
- Đây thực chất là phản ứng tạo kết tủa nhờ chất xúc tác tạo kết tủa, mà chất xúc tác ở đây là nước chua lần trước làm đậu phụ là ngon nhất.
- Nếu bạn không có sẵn nước chua thì có thể đi đến quán làm đậu phụ xin nước chua của họ là tốt nhất hoặc có thể pha chế công thức nước chua dưới đây.
Các bước làm nước chua đậu phụ bằng giấm:
- Pha hỗn hợp gồm giấm trắng, nước và muối theo tỷ lệ 1:5:2 cụ thể là 1 lít nước : 5 thìa cà phê giấm trắng 25% và 2 thìa cà phê muối.
- Khi tắt nồi nấu sữa đậu, sau đó bạn đổ 1 ít nước chua vào nồi, dùng muỗng khuấy thật nhẹ tay để đều ra cả nồi.
- Bạn đậy nắp lại trong khoảng 10s rồi lại thêm nước chua vào tiếp tục đảo để đậu đông tụ lại.
- Khi nồi sữa đậu không còn màu trắng đục của sữa mà chuyển sang nước trong hơi ngả màu vàng và những mảng đậu trắng thì đậu đã kết tủa hết.
- Quá trình vừa cho nước chua, khuấy nhẹ, ủ thành óc đậu chỉ diễn ra trong vòng vài phút thôi nhé.
- Sau đó bạn lấy 1 chiếc rổ lớn sạch, nhẹ nhàng cho vào nồi để tách phần đậu xuống dưới và nước lên trên. Lưu ý phải thật nhẹ nhàng để không làm nát khối đậu đã kết.
- Phần nước chua thừa bạn đừng đổ đi mà để dành cho những lần làm mẻ đậu sau. Phần nước này chỉ để được khoảng 1 ngày thôi nhé, khi sử dụng lại nước chua bạn lưu ý cho thêm 1 ít muối vào nhé.
Ép khuôn thành hình
- Sau khi múc lượng nước chua dư ra khỏi nồi xong, bạn lấy rổ ra và múc óc đậu đổ vào khuôn đã lót sẵn vải màn.
- Khuôn là đậu phụ truyền thống thường đóng bằng gỗ, bạn ép từ từ và chặt để đậu đóng bánh mịn đều nhé.
- Tùy bạn muốn đậu chắc hay không mà để thời gian, lực ép khác nhau. Đậu ép khuôn mà không bán ngay thì bạn hãy ngâm vào nước lạnh bảo quản sẽ tốt hơn đó nha.
Cách làm đậu phụ bằng sữa đậu nành, chanh tại nhà cực dễ
Nếu bạn muốn ăn đậu phụ mà ngại công đoạn ngâm đậu tương và xay, lọc bã thì hãy thử ngay công thức làm tại nhà siêu nhanh bằng sữa đậu nành dưới đây nhé, đảm bảo không làm bạn thất vọng đâu.
Nguyên liệu làm đậu hũ
- Sữa đậu nành tự làm 1,5 lít (hoặc sữa đậu nành mua)
- Nước cốt chanh 15 ml
- Giấm (5% acid) 15 ml
Cách làm đậu hũ bằng sữa đậu nành, chanh
- Bạn lấy 1 chén nhỏ thêm nước cốt chanh và giấm vào khuấy đều.
- Nấu sữa đậu nành bạn hay uống hay tự làm nấu với lửa to, vừa đun vừa khuấy đều sữa để tránh váng nổi lên bề mặt. Khi đun mỗi lần sữa sôi và bốc khói thì bạn hạ lửa, lặp lại quá trình này khoảng 2-3 lần là được.
- Rót từ từ hỗn hợp chanh giấm và nồi sữa đậu nành, vừa rót vừa khuấy nhẹ đều. Sau khi rót xong bạn đậy nắp nồi và giữ ấm sữa đậu khoảng 5 phút.
- Sau thời gian ủ bạn sẽ thấy óc đậu đã đông đặc và phần nước chua có màu vàng nhạt, bạn dùng rây ấn nhẹ xuống để múc bớt lượng nước chua ra ngoài.
- Cho đậu kết tủa hết và múc ra khuôn để ép, sau đó giữ đậu trong khuôn khoảng 1-2 giờ để đậu nguội thì bạn lấy ra và chế biến món ăn theo sở thích nhé.
Như vậy cách làm đậu phụ tại nhà hoặc kinh doanh rất dễ làm phải không nào. Đông Nam chúc bạn thành công khi làm đậu hũ đơn giản tại nhà nhé!