Cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 10
Cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 10
Bài viết dưới đây Cunghocvui sẽ giúp các bạn làm sáng tỏ nội dung lý thuyết về bài văn nghị luận xã hội lớp 10!
I. Dàn ý bài văn nghị luận xã hội lớp 10
Để có một bài văn nghị luận xã hội đạt điểm cao, các bạn cần nắm được những điều cơ bản như sau:
1.Mở bài:
– Cần ngắn gọn súc tích nhưng phải đầy đủ những vấn đề:
– Đưa ra lí lẽ để dẫn dắt yêu cầu của đề bài.
– Nêu tư tưởng, đạo lí cần nghị luận
2.Thân bài
Cần có đoạn văn dẫn dắt để đi vào phân tích từng luận điểm của vấn để. Trong từng bài, cần phân tích đầy đủ những luận điểm như sau:
-Luận điểm 1: Giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lí(Bằng cách giải thích các từ ngữ,các khái niệm..trong câu nói chứa đựng đạo lí tư tưởng)(Dùng thao tác lập luận:nêu câu hỏi –sau đó trả lời).
-Luận điểm 2: Phân tích các mặt đúng của nội dung tư tưởng đạo lí(Dùng luận cứ từ cuộc sống và xã hội để chứng minh).
-Luận điểm 3: Bác bỏ những biểu hiện chưa đúng,hoặc cách hiểu sai lệch có liên quan đến nội dung tư tưởng đạo lí(Dùng luận cứ từ cuộc sống và xã hội để bác bỏ).
-Luận điểm 4: Đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí đã nghị luận đối với đời sống và con người(Đặc biệt trong xã hội hiện nay). Rút ra bài học cho bản thân.
3.Kết bài:
– Tổng kết lại vấn đề đã nghị luận ở trên.
Soạn văn, phân tích tác phẩm: Nghị luận xã hội lớp 10
II. Bài mẫu về văn nghị luận
Đề bài: Nghị luận xã hội: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ.
Nhà doanh nhân thành đạt, nhà tỉ phú Bill Gates có nói: “ước mơ còn vĩ đại hơn tiền bạc”. Vâng, trong cuộc sống này, ắt hẳn không ai là chưa từng ước mơ. Đôi khi, đó chỉ là ước mơ của một cậu bé không được đi học rồi một ngày nào đó sẽ khoác lên chiếc áo màu trắng tinh khôi và đến trường trong tiếng cười đùa với bạn bè hay chỉ là mơ ước của một cô bé sẽ trở thành bác sĩ giỏi để giúp đỡ những người mắc bệnh hiểm nghèo… Dù ước mơ là gì, chắc chắn trong chúng ta cũng phải tâm niệm một điều rằng: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”.
“Ước mơ” chính là những ước mong, mong muốn và mục đích ta luôn muốn đạt được. Ước mơ còn là trí tưởng tượng của ta về những điều ta luôn tâm niệm trong lòng. Ước mơ đôi khi là những điều nhỏ nhoi nhất về tình cảm hay có thể là những khát khao cháy bỏng mà ta xác định sẽ thực hiện được. Dù ước mơ có là gì đi chăng nữa thì chắc chắn đó cũng là điều xuất phát từ trái tim ta. Chính vì vậy, khi ta đã biết ước mơ, biết đặt ra cho mình mục tiêu thì khi ấy, con tim của ta đã lên tiếng. Vì lẽ đó, chúng ta rất cần có ước mơ và “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”.
Vì sao vậy? Vâng, đường đời có lẽ là con đường dài nhất và nhiều khó khăn, trở ngại nhất. Liệu rằng trên đường đời này mấy ai được trải sàn hoa hồng. Và đế cảm nhận được mùi hương thơm ngát của cành hoa thành công thì những mũi gai của thất bại luôn rình rập vây quanh. Vì vậy, chúng ta phải giữ cho mình một ước mơ và không được nản lòng mà từ bỏ ước mơ ấy vì ước mơ chính là ý nghĩa của cuộc sống, là sức mạnh giúp ta vươn lên. Nhưng đôi lúc, ước mơ có thể dễ bị lung lay do các tác nhân bên ngoài, và đôi lúc ta phải nếm trải cả những đắng cay, tủi khổ nhưng nếu là người bản lĩnh, ắt hẳn ta sẽ vượt qua tất cả? Hình ảnh Bác Hồ sẽ sáng mãi trong lòng chúng ta về ước mơ và bản lĩnh để thực hiện. Với khát khao mang ánh sáng cách mạng đúng đắn soi rọi dân tộc, Người đã ra đi, dù bao chông gai, sóng gió đến với Người nhưng ước mơ ấy mãi sáng lấp lánh như vì sao Hôm – vì sao sáng nhất trên bầu trời và Người đã thực hiện được ước mong của Người, của cả dân tộc: Việt Nam là một nước độc lập. Đấy chính là minh chứng hùng hồn nhất, vĩ đại nhất về ý chí, không từ bỏ ước mơ của mình. Có lẽ đó là hình ảnh đầy nghị lực, dám ước mơ, dám thực hiện mà lớp trẻ ngày nay rất cần để học tập.
Và phát huy tinh thần ấy, thanh niên ngày nay cũng đã rất táo bạo để thực hiện ước mơ của mình như chàng trai Lê Việt Hồng đã chạy bộ với hành trình xuyên Việt Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội nhằm tuyên truyền về an toàn giao thông và gây quỹ ủng hộ các bệnh nhân ung thư nghèo. Có người thốt lên rằng: “Thật là một kẻ điên rồ”,, nhưng có người lại bảo: “Quả là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại”. Phải chăng đây là tấm gương tiêu biểu về thanh niên biết suy nghĩ cho cộng đồng, chia sẻ tình yêu thương với tất cả. Và ắt hẳn, ước mơ để hoàn thành việc đó rất lớn lao và cao cả trong tim Hồng. Dường như ước mơ của Hồng là ngọn lửa, là động lực giúp cậu vượt qua khó khăn, trở ngại để đi đến đích cuối cùng.
Có lẽ, ước mơ rất quan trọng đối với chúng ta, có ước mơ chúng ta sẽ có thêm một phần sức mạnh để thực hiện bao mục tiêu phía trước. Ước mơ thì nhiều vô tận, tôi ước tôi có nhiều thời gian hơn để làm được nhiều việc hơn, bạn ước kết quả với mình thật tốt,… nhưng ta cần xác định rõ đâu chỉ là mong muốn phút chốc và đâu mới là mục tiêu ta cần đạt được. Có như thế, ta mới vững vàng hơn trong cách suy nghĩ và không dễ dàng bị lung lay tinh thần mà từ bỏ ước mơ chân chính của mình. Có như thế, ta sẽ rèn luyện cho mình một cách suy nghĩ đúng đắn, hành động có chủ đích và không dễ dàng từ bỏ những mơ ước của mình. Nói như thế cũng không có nghĩa là ta phải thực hiện mơ ước bằng mọi giá. Bởi nếu thành công mà bạn có được lại là sự tổn hại đến người khác thì quả là chẳng hay chút nào. Vì vậy, ta phải rèn cho mình cách suy nghĩ tích cực, không cực đoan và không bao giờ được nản chí, thất bại dù có cay đắng đến bao nhiêu nhưng ta dám ước mơ, dám thực hiện thì nhất định bạn sẽ tự hào vì mình đã dám nghĩ và dám thực hiện.
Vậy, ngay từ lúc này, chúng ta cần làm gì để làm rõ đích đến của mình và cách thức để thực hiện ước mơ đó thành công. Là học sinh — chồi non của đất nước, cả xã hội đang trông chờ vào sự nỗ lực của chúng ta, ngay từ bây giờ, trong học tập, chúng ta cần đạt ra mục tiêu rõ ràng, ước mơ chân chính và bắt tay vào thực hiện theo hướng tích cực. Nếu gặp khó khăn, ta không nên nản lòng, đừng bao giờ từ bỏ mong muốn của mình và hãy đứng dậy sau cú vấp ngã ấy mà tiếp tục ý chí để hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra. Có như thế, ta sẽ rèn luyện cho mình một cách suy nghĩ đúng đắn, hành động có chủ đích và không dễ dàng từ bỏ những mơ ước của mình. Nói như thế cũng không có nghĩa là ta phải thực hiện mơ ước bằng mọi giá. Bởi nếu thành công mà bạn có được lại là sự tổn hại đến người khác thì quả là chẳng hay chút nào. Vì vậy, ta phải rèn cho mình cách suy nghĩ tích cực, không cực đoan và không bao giờ được nản chí, thất bại dù có cay đắng đến bao nhiêu nhưng ta dám ước mơ, dám thực hiện thì nhất định bạn sẽ tự hào vì mình đã dám nghĩ và dám thực hiện ước mơ chính đáng của mình.
Và có lẽ, điều quan trọng nhất là ta cần phân biệt rõ ràng giữa “Đừng từ bỏ ước mơ” và “ngoan cố’ để đạt được ước mơ bằng mọi giá. Đó là ranh giới khá mong manh nhưng cũng dễ dàng phân biệt. Nếu không bao giờ từ bỏ ước mơ là nỗ lực, cố gắng, quyết chí thì “ngoan cố” lại là cách suy nghĩ, ứng xử tỏ vẻ bất cần, bảo thủ và gây khó chịu cho những người xung quanh. Ước mơ là điều tốt và đáng có ở mỗi người nhưng cứ loanh quanh với suy nghĩ nông cạn và cố chấp, bảo rằng: “Tôi đang cố gắng cho ước mơ của mình” thì thật khó có thể hoàn thành một cách trọn vẹn. Khi đã xác định rõ mơ ước, ta cần xác định việc ta nên làm để duy trì mà thực hiện chứ không nên bảo thủ và luôn cho rằng mình đúng, mình làm theo lẽ phải. Có như thế, ta sẽ hoàn thiện hơn lối suy nghĩ của mình, trưởng thành và chững chạc hơn.
Có ước mơ đã rất quan trọng nhưng thực hiện nó lại càng quan trọng hơn và ta nên bắt đầu từ những hành động nhỏ ngay từ hôm nay để biến ước mơ thành hiện thực. Ước mơ chính là sức sống trong tâm hồn ta và đó sẽ là sức mạnh đưa ta vươn lên những tầm cao mới. Trong mỗi chúng ta, hãy luôn tâm niệm cho mình rằng: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”.
Với những gì mà Cunghocvui đã giúp các bạn khái quát nội dung về bài viết văn nghị luận xã hội lớp 10 trên đây, hy vọng sẽ giúp các bạn đạt kết quả cao trong học tập!