Cách dạy con của người phương Tây
1. Tôn trọng con trẻ
Tuy các con còn nhỏ nhưng các bà mẹ phương Tây không vì thế mà bỏ đi sự tôn trọng “nhỏ nhoi” đối với con mình. Khi đến chơi nhà bạn và được mời thức ăn, các bé được toán quyền nói “có” hoặc “không” đối với món ăn đó. Rất ít khi các mẹ Tây ngăn cản con không được ăn (do sĩ diện hoặc e ngại làm phiền) hay ép con chọn món ăn được mời (để lấy lòng gia chủ).
Ngoài ra, khi con mắc lỗi, hầu như bố mẹ không bao giờ quát mắng con nơi công cộng mà thường có những buổi “nhỏ to tâm sự”. Trẻ nhỏ cũng học theo sự tôn trọng này một cách vô thức và lâu dần hình thành thói quen tôn trọng người khác. Do đó, những trẻ được bố mẹ tôn trọng tỏ ra rất hợp tác với bố mẹ, hữu hảo với bạn bè và không có cảm giác mất tự nhiên khi nói chuyện với người lớn.
2. Đâu đâu cũng là cửa hàng “tự phục vụ”
Tùy vào khả năng của bé theo độ tuổi mà phụ huynh Tây thường “khai thác tối đa” khả năng tự phục vụ của con. Chẳng hạn, khi bé đã có thể tự ngồi và cầm nắm đồ vật, các bé sẽ được làm quen ngay với thìa và bát bột. Trẻ có thể múc lung tung song các mẹ Tây vẫn để con tự xoay sở để “chiến đấu” với khẩn phần ăn của mình như một bản năng sinh tồn tự nhiên. Trong khi đó, mẹ chỉ là người giám sát và hỗ trợ bé khi cần thiết. Tương tự, bé lớn hơn một chút đã phải tự thay quần áo, mang giày.
3. Tự giải quyết vấn đề
Các mẹ Tây để con tự giải quyết các vấn đề phát sinh với bạn bè hoặc anh chị em của bé. Nếu trẻ tranh giành đồ chơi của nhau thì bé có thể tự chọn giải pháp hoặc chơi đồ chơi của mình một mình hoặc chấp nhận chia sẻ chung với bạn. Nhiều trẻ ban đầu cũng chọn giải pháp chơi một mình nhưng bé nhanh chóng nhận ra sự buồn tẻ trong khi các bạn khác đang tíu tít chơi với nhau. Thế là tự bé biết mình nên chọn giải pháp “thế giới đại đồng” để được hòa mình vào niềm vui chung đó.
Do phải tự giải quyết các vấn đề của mình từ khá sớm nên trẻ lớn lên thường rất độc lập trong cách hành xử nhưng vẫn biết cách để làm việc nhóm hiệu quả.
4. Phương pháp “con lật đật”
Đây là phương pháp “Nếu con ngã, con sẽ phải tự đứng dậy”, “Nếu con biết cách tự kích hoạt chế độ khóc, con cũng phải tự biết bấm nút ngừng khóc”. Các mẹ Tây ít khi dỗ dành con nín khóc như các mẹ châu Á.
Ngược lại khi con khóc, họ sẽ vẫn tiếp tục làm việc của mình và để trẻ tự ngừng khóc. Họ chỉ đến xem và kiểm tra bé có ổn không trong trường hợp bé khóc quá lâu hoặc đột ngột ngừng khóc. Ở phương Tây, ít xuất hiện cảnh đòn roi trong cách dạy con của các bố mẹ. Thế nhưng các bé lại rất ngoan, rèn được tính kỷ luật và không mè nheo, hờn dỗi như các bé châu Á.
5. Lắng nghe và kiên nhẫn
Nếu xét về tính kiên nhẫn với con, các bà mẹ Tây phương có thể bỏ ra hàng giờ để “bi bô” với trẻ hay chỉ đơn giản là chơi xếp hình cùng con. Một điểm dễ thấy khác ở trẻ con phương Tây là chúng rất hay hỏi “Tại sao?” và “Tại sao không?”.
Ngược lại với các mẹ Á Đông đôi khi chỉ trả lời qua loa hoặc ậm ừ qua chuyện, các mẹ Tây lại rất nhẫn nại trong việc giải thích cho con mình đến thỏa mãn mới thôi. Điều này đòi hỏi họ cũng phải tự trau dồi kiến thức và tìm cách giải thích một cách hợp lý nhất cho con mình. Khi con làm sai, họ luôn nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên định trong việc bảo cho biết “Không được” kèm lời giải thích cụ thể. Các mẹ Tây luôn kiên trì nói “Không được” cho đến khi đứa trẻ hiểu ra mới thôi.
6. Hào phóng lời khen
Trái với suy nghĩ khen con nhiều sẽ khiến chúng tự phụ hoặc dùng chiêu bài “khích tướng” để con cố gắng hơn, cách dạy con của các bà mẹ Tây là luôn cho con sống trong thế giới “lạm phát” của những lời khen và động viên.
Tuy nhiên, họ không bao giờ khen suông mà luôn hướng lời khen vào hành động cụ thể của con. Ví dụ, khi trẻ biết tự mặc quần áo, mẹ sẽ không bao giờ chỉ khen: “Con mẹ giỏi quá” mà thay vào đó là: “Con biết tự mặc quần áo rồi đây. Con thật giỏi!”.
Cách dạy con ngoan theo tính cách của bé
1. Bé năng động
Với các bé thuộc nhóm năng động, mẹ đừng quá trông mong bé có thể ngồi yên một lúc lâu. Ngay cả khi còn nhỏ, những bé thuộc nhóm này cũng cần được thường xuyên thay đổi tư thế, quang cảnh xung quanh hơn so với những bé khác.
Bé nhóm này cực thích những trò chơi kích thích sáng tạo và khám phá. Vì vậy, thay vì ép con vào khuôn khổ, mẹ nên cho con cơ hội tự do khám phá an toàn, nhưng chú ý không để bé phấn khích thái quá. Bởi khi bé quá mệt, bé sẽ không kìm chế được cảm xúc của mình và bị chính những cảm xúc này làm cho “choáng ngợp”. Mẹ nên để ý dấu hiệu của việc quá tải, và nên tránh những cơn “thịnh nộ” của bé. Khi bé sắp lên cơn, mẹ nên tìm cách đánh lạc hướng trẻ, đưa trẻ đi nơi khác cho đến khi bé bình tĩnh lại.
2. Bé cáu kỉnh
Mẹ nên xác định ngay từ đầu rằng bé sẽ không cười nhiều, vì vậy mẹ nên tạo cho cơ hội cho bé sử dụng mắt, tai chứ không phải cơ thể của mình.
Nếu bé đang chơi, mẹ nên “lùi” lại và để bé chọn đồ chơi mà bé thích. Bé rất dễ buồn bực và nổi cáu với những món đồ chơi hoặc tình huống lạ. Đặc biệt, mẹ nên cẩn trọng với những giai đoạn chuyển tiếp. Chẳng hạn, nếu bé đang chơi và chuẩn bị tới giờ đi ngủ, hãy nhắc nhở, sau đó cho bé vài phút để làm quen với điều này.
3. Bé nhạy cảm
Hãy bảo vệ không gian của con. Nhìn xung quanh trẻ và cố gắng tưởng tượng thế giới theo cách của bé. Những bé thuộc nhóm này thường rất dễ bị ảnh hưởng. Bất cứ kiểu kích thích giác quan nào, như tiếng tivi ầm ĩ, ánh sáng chói mắt, hay tiếng chuông chói tai cũng có thể làm bé khó chịu.
Khi gặp phải những tình huống mới, mẹ nên cố gắng hỗ trợ con hết mình, nhưng đừng xoa dịu trẻ quá nhiều. Đôi khi sự xoa dịu của mẹ lại là nguyên nhân làm bé thêm sợ hãi. Giải thích mọi việc mẹ định làm với bé, từ việc thay tã đến việc đưa bé ra ngoài. Luôn trấn an bé rằng mẹ sẽ luôn ở bên cạnh bé.
4. Bé bài bản
Nếu bé thuộc nhóm bài bản, mẹ nên thiết lập một lịch trình sẵn, và cố gắng theo sát lịch trình này hết mức có thể. Điều này sẽ giúp cuộc sống của cả mẹ và bé trở nên dễ dàng hơn. Khi bé lớn hơn một chút, thỉnh thoảng mẹ có thể thử sai “lịch”, bỏ qua một vài giấc ngủ trưa ngắn chẳng hạn. Tuy nhiên, cố gắng không thay đổi thói quen của trẻ quá nhiều. Bé có thể sẽ cảm thấy khó chịu.
5. Bé thiên thần
Tạo cho con nhiều cơ hội để tương tác với mọi người, như đưa bé ra ngoài chơi thường xuyên chẳng hạn. Các bé thuộc nhóm thiên thần thường rất thích tiếp xúc với mọi người cũng như rất dễ làm quen với bạn mới. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên quá ép buộc con hòa nhập vào một không gian hoàn toàn mới, vẫn nên cho bé thời gian thích nghi.
Cách dạy con kiềm chế tính hung hăng
1. Đặt ra giới hạn
Giới hạn là điều cần thiết cho bất kỳ đứa trẻ nào. Bên cạnh việc đưa ra các giới hạn, bạn cần nhớ rằng trẻ cần cảm giác được yêu thương và quan tâm trìu mến để tin tưởng vào những lời khuyên của bố mẹ. Những em bé cảm thấy mình được yêu thương gần như lúc nào cũng muốn làm vui lòng cha mẹ và sẽ tán thành lời chỉ dẫn và cách dạy con mà phụ huynh đưa ra. Đặt ra những giới hạn hợp lý đối với hành vi của trẻ là một phần của tình thương, giống như cho con ăn, vỗ về, chơi đùa và đáp ứng mong muốn của con.
2. Cố tìm hiểu điều gì đã kích thích hành vi hung hăng ở trẻ
Tự hỏi mình xem chuyện gì có thể khiến bé bị kích động. Có thể bé đang quá mệt hoặc không khỏe. Bị xô đẩy, bất ngờ bị chạm vào người, bị từ chối điều bé muốn… thường gây ra cảm giác thất vọng và giận dữ dẫn đến hung hăng trong hành vi.