Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Lời khuyên mẹ cần biết

Chào đón bé mới sinh ra là niềm hạnh phúc của cả gia đình. Cùng với niềm vui này, cha mẹ cũng cực kỳ quan tâm đến cách chăm sóc bé mới chào đời. Để giúp cha mẹ khỏi bỡ ngỡ cũng như có thêm kiến thức hữu ích, Góc của mẹ đã tổng hợp về cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Cả nhà cùng đọc nhé!

1. Một số lưu ý về cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Có một số điều cơ bản cha mẹ cần nhớ khi chăm sóc bé dưới 1 tháng tuổi:

  • Rửa tay trước khi bế/ chăm sóc cho bé. Trẻ sơ sinh chưa có hệ thống miễn dịch mạnh, vì vậy bé có nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, mỗi khi cha mẹ đang làm việc gì đó mà chuyển sang bế bé, cho bé ăn hay thay tã cho bé, hãy rửa tay sạch sẽ nhé.
  • Đỡ đầu và cổ bé. Khi bế bé hay đặt bé nằm xuống, cha mẹ hãy nhớ đỡ đầu và cổ bé. Bới mới sinh, bé chưa thể tự giữ đầu và cổ mình được.
  • Không bao giờ lắc trẻ sơ sinh. Lắc trẻ sơ sinh có thể gây chảy máu trong não, thậm chí tử vong. Nếu mẹ cần đánh thức bé, hãy gõ nhẹ chân bé hay chạm vào người bé nhé.
  • Đảm bảo bé nằm chắc chắn trên xe đẩy/ ghế xe oto
  • Tránh những trò chơi dễ gây nguy hiểm cho bé: cho bé đùa giỡn trên chân cha mẹ hoặc ném bé lên không trung.

2. Tạo gắn kết với bé – Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Tạo gắn kết với bé có lẽ là một trong những phần thú vị nhất khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, xảy ra trong những giờ đầu tiên và những ngày sau khi sinh. Sự gần gũi về thể xác có thể thúc đẩy kết nối cảm xúc. Đối với trẻ sơ sinh, sự gắn kết góp phần vào sự phát triển cảm xúc của bé. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tăng trưởng thể chất.

Chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi tạo gắn kết với bé giúp bé cảm nhận được tình cảm yêu thương

Một cách khác để nghĩ về sự gắn kết là yêu thương bé. Trẻ em phát triển từ việc có cha mẹ hoặc người lớn yêu thương chúng vô điều kiện. Cha mẹ có thể bắt đầu gắn kết bằng cách bồng bé và nhẹ nhàng vuốt ve bé theo những kiểu khác nhau. Cha mẹ có thể “da kề da” với bé.

Cha mẹ có thể có thể massage cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non và những bé có vấn đề y tế. Một số loại massage có thể tăng cường liên kết và giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ sơ sinh. Cha mẹ có thể tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau, đi học hoặc tìm đến những dịch vụ massage cho trẻ sơ sinh uy tín.

Các bé thường thích những âm thanh như giọng nói, hát và dỗ dành. Bé có thể cũng sẽ thích nghe nhạc. Âm nhạc cũng là cách để kích thích thính giác của trẻ. Nếu bé đang quấy khóc, mẹ hãy thử hát, đọc thơ cho bé. Một số bé có thể nhạy cảm một cách bất thường khi chạm vào, với ánh sáng hoặc âm thanh. Và bé có thể giật mình và khóc dễ dàng, ngủ ít hơn ​​hoặc quay mặt đi khi ai đó nói hoặc hát với chúng. Mẹ hãy giữ tiếng ồn và mức độ ánh sáng từ thấp đến trung bình nhé.

3. Dùng tã cho bé – Cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

3.1. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Quấn tã 

Quấn tã là một trong những hoạt động tốt cho một số bé trong vài tuần đầu tiên. Quấn tã đúng cách giúp hai tay bé ôm sát cơ thể, đồng thời cho phép một số chuyển động của chân. Không chỉ giữ ấm cho bé mà quấn tã dường như còn mang lại cho hầu hết trẻ sơ sinh cảm giác an toàn và thoải mái. Việc quấn tã cũng có thể giúp hạn chế phản xạ giật mình, có thể đánh thức em bé.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Mẹ lưu ý về cách quấn tã, thay tã cho bé nhé

3.2. Các loại tã khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Bên cạnh tã vải, tã xô, mẹ có thể lựa chọn tã dùng một lần. Với trẻ sơ sinh, mẹ cần thay tã khoảng 10 lần một ngày. Góc của mẹ đã có loạt bài chi tiết về tã cho bé, mẹ có thể tham khảo ở đây để hiểu rõ thêm về cách lựa chọn tã cho bé hay cách thay tã cho bé nhé. Bên cạnh đó, hăm tã cũng là mối quan tâm của nhiều cha mẹ. Góc của mẹ cũng đã có loạt bài chi tiết về hăm tã:

6 cách ngừa hăm tã mẹ nhất định cần biết

Nguyên nhân sâu xa khiến bé bị hăm – Mẹ đã biết hay chưa

4. Tắm cho bé – Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Mẹ nên tắm cho bé bằng miếng bọt tắm cho đến khi:

  • Dây rốn rơi ra và rốn lành hoàn toàn (1-4 tuần)
  • Bao quy đầu lành sau khi cắt (1-2 tuần)

Với chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, mẹ chỉ cần tắm cho bé 2 – 3 lần/ tuần là đủ, miễn là vùng quấn tã của bé sạch sẽ. Mặt, mũi, tay chân bé mẹ có thể lau sạch nhiều lần trong ngày. Khi bé lớn hơn, mẹ có thể tắm cho bé thường xuyên hơn.

Trước khi tắm cho bé dưới 1 tháng tuổi, mẹ nhớ chuẩn bị:

  • Khăn lau mềm, sạch
  • Dầu tắm gội/ bọt tắm gội cho bé
  • Bàn chải mềm để kích thích da đầu bé
  • Khăn/ chăn
  • Tã sạch
  • Quần áo sạch

4.1. Tắm cho bé dưới 1 tháng tuổi bằng miếng bọt tắm

  • Mẹ đặt bé nằm trên mặt phẳng (trên một chiếc khăn tắm sạch cũng được). Mẹ chuẩn bị sẵn chậu nước ấm
  • Cởi quần bé và quấn bé trong một chiếc khăn
  • Lau mắt cho trẻ sơ sinh bằng khăn lau làm ẩm bằng nước, lau từ trong ra ngoài. Làm sạch mũi và tai của bé bằng khăn ướt. Sau đó làm ướt miếng vải một lần nữa, rửa mặt nhẹ nhàng và lau khô cho bé
  • Dùng dầu gội/ bọt tắm gội cho bé nhẹ nhàng làm sạch tóc và đầu bé.
  • Nhẹ nhàng rửa phần cơ thể còn lại. Mẹ đặc biệt chú ý đến nếp nhăn dưới cánh tay, sau tai, quanh cổ và ở vùng sinh dục.
  • Sau khi lau sạch cho bé, mẹ hãy lau khô lại cơ thể bé. Sau đó mặc tã và quần áo cho bé.

4.2. Tắm cho bé dưới 1 tháng tuổi trong chậu tắm

Cuống rốn bé rụng là lúc mẹ có thể cho bé tắm ở bồn/ thau

Khi bé sẵn sàng để tắm bồn, những lần đầu tắm đầu tiên mẹ nên làm nhẹ nhàng và nhanh gọn. Ngoài những dụng cụ cần chuẩn bị ở phía trên, mẹ cần chú ý về chậu tắm cho bé dưới 1 tháng tuổi. Mẹ đổ lượng nước cao khoảng 5cm là đủ tắm cho bé. Nhiệt độ nước pha ở nhiệt độ vừa phải. Trước khi tắm, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay/ cổ tay để thử nước. Mẹ nên tắm cho bé trong phòng ấm nhé.

Mẹ cởi quần áo em bé, dùng tay để đỡ đầu bé. Sau đó, từ từ đưa bé xuống nước. Sử dụng khăn để rửa mặt và tóc. Mẹ nhẹ nhàng dùng ngón tay hoặc bàn chải mềm xoa bóp da đầu của bé. Khi mẹ dùng khăn/ miếng tắm chứa bọt tắm gội/ dầu tắm gội, mẹ hãy đưa tay lên trán bé để nước chảy về hai bên, không vào mắt bé.

Sau đó, mẹ nhẹ nhàng làm sạch cơ thể bé bằng nước và một lượng dầu/ bọt tắm gội. Trong suốt quá trình tắm, thường xuyên đổ nước nhẹ nhàng lên cơ thể bé để bé không bị lạnh. Sau khi tắm, quấn em bé bằng khăn ngay lập tức, đảm bảo che đầu cho bé. Mẹ nên chọn loại khăn có mũ trùm đầu để dùng cho bé khi vừa tắm xong. Trong khi tắm bé, không bao giờ để bé một mình. Nếu mẹ cần rời khỏi phòng tắm, hãy quấn em bé vào chiếc khăn và đưa bé đi cùng.

5. Chăm sóc dây rốn của bé dưới 1 tháng tuổi

Chăm sóc rốn trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi cũng rất quan trọng. Cuống rốn sẽ khô lại và rụng trong khoảng 10 ngày đến 3 tuần. Mẹ nên để cuống rốn được thoáng khí. Khi cuống rốn chưa rụng, mẹ nên tắm nhanh cho bé bằng miếng bọt biển thay vì tắm bé trong bồn/ thau tắm. Sau khi cuống rốn rụng, mẹ hoàn toàn có thể tắm cho bé trong bồn/ thau tắm sau.

Nếu cuống rốn bị rỉ màu vàng, có mùi hôi hoặc bị đỏ/ sưng tấy, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ nhé.

6. Cho bé dưới 1 tháng tuổi bú đầy đủ

Mẹ hãy lưu ý khi cho bé dưới 1 tháng tuổi bú bằng bình sữa hoặc bú trực tiếp nhé

Các mẹ nên cho các bé dưới 1 tháng tuổi ăn theo nhu cầu – bất cứ khi nào bé có vẻ đói. Khi đói, bé có thể ra hiệu bằng cách khóc, đưa ngón tay vào miệng hoặc tạo ra tiếng ồn.  Một em bé sơ sinh cần được cho ăn mỗi 2 đến 3 giờ. Nếu mẹ đang cho con bú, hãy cho bé bú khoảng 10 phút 15 phút ở mỗi bên. Với sữa công thức, mỗi lần bé có ăn khoảng 60 – 90ml. Lượng sữa bé ăn tuỳ thuộc vào thể trạng của mỗi bé, mẹ có thể điều chỉnh sau mỗi lần cho bé ăn.

Bé có thể nuốt không khí trong lúc bú khiến bé quấy khóc. Để ngăn chặn điều này, mẹ có thể giúp bé bằng cách:

  • Với bú mẹ, mẹ hãy vỗ nhẹ vào lưng bé sau mỗi lần đổi vú
  • Với bú sữa công thức, mẹ hãy chọn bình sữa cổ rộng và núm ti được thiết kế chống sặc, đầy hơi
  • Giữ đầu bé tựa vào vai mẹ, nhẹ nhàng vỗ lưng bé

7. Giấc ngủ của bé dưới 1 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh có thể ngủ 16 tiếng một ngày. Điều quan trọng trong giấc ngủ của trẻ là luôn đặt bé dưới 1 tháng tuổi nằm ngửa để ngủ, giảm nguy cơ SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên đặt quá nhiều thứ vào trong nôi/ cũi của bé. Chẳng hạn như thú nhồi bông, chăn, gối,… bởi những thứ này có thể làm bé ngạt thở. Mẹ sẽ cần tìm ngay cách khắc phục khi gặp trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi ngủ ít mẹ nhé!

Trên đây là tất tần tần những điều mẹ cần biết về cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Mẹ hãy đọc thật kỹ nên tạo cho bé những bước chân đầu đời thật chắc chắn và đầy hạnh phúc mẹ nhé!

Nguồn tham khảo: https://www.mustelausa.com/blogs/mustela-mag/caring-for-your-1-month-old-baby

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *