Thực tập là một cơ hội tốt để các bạn sinh viên học hỏi và tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Khi kết thúc kỳ thực tập, viết báo cáo thực tập là một phần không thể thiếu, nhưng không phải ai cũng biết cách làm.
Nếu bạn vẫn đang băn khoăn không biết trình bày bài báo cáo thực tập như thế nào cho hợp lý, Glints tin chắc bài viết này là dành cho bạn!
Báo cáo thực tập là gì? Tại sao bạn cần nó?
Báo cáo thực tập là bản tóm tắt kinh nghiệm thực tập của bạn mà nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu bạn phải hoàn thành sau khi thực tập xong. Báo cáo thực tập rất quan trọng vì nó thông báo cho nhà trường của bạn biết về những kinh nghiệm và kỹ năng đã lĩnh hội được trong quá trình thực tập.
Báo cáo thực tập của bạn bao gồm các chi tiết liên quan về kinh nghiệm thực tập của bạn, chẳng hạn như mô tả về vị trí trong tổ chức, các nhiệm vụ bạn đã hoàn thành và các kỹ năng bạn đã học được. Cấp quản lý của bạn có thể sử dụng báo cáo này để cải thiện cơ hội thực tập hoặc bài học cho sinh viên sắp bước vào thử thách thực tập sắp tới.
Báo cáo thực tập quan trọng thế nào?
Không phải tất cả các chương trình giáo dục sẽ yêu cầu viết báo cáo thực tập. Tuy nhiên, nếu trường học và doanh nghiệp của bạn yêu cầu điều đó, hãy đảm bảo bạn dành đủ thời gian và tâm sức để chuẩn bị.
Ngay cả khi bạn không được yêu cầu viết mẫu báo cáo thực tập, việc viết báo cao cũng có thể được xem là nguồn tư liệu cá nhân để đánh giá kinh nghiệm làm việc của bạn.
Nội dung cơ bản của báo cáo thực tập
Viết báo cáo thực tập tốt nghiệp nghe qua có vẻ đầy học thuật và khó nhằn, nhưng thường nó sẽ bao gồm 6 chương cốt lõi. Chỉ cần neo theo những phần quan trọng ấy, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành bài báo cáo thực tập của mình.
Chương I: Tổng quan về cơ sở thực tập
Đầu tiên và trên hết, bạn cần giới thiệu tổng quát về nơi bạn thực tập. Các đề mục dưới đây sẽ giúp bạn xác định đâu là những thông tin cần bỏ vào bài:
- Tên đầy đủ và địa chỉ chính xác của cơ sở thực tập.
- Lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp.
- Cơ cấu và bộ máy tổ chức trong công ty (bao gồm cả sơ đồ cây về các vị trí và tên của người đảm nhiệm vị trí ấy).
- Chức năng, mục đích và phạm vi ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.
- Quy mô của doanh nghiệp.
- Định hướng phát triển, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới
Chương II: Cơ sở lý thuyết
Ở chương tiếp theo này, bạn cần nói tóm gọn về các cơ sở kiến thức, lý thuyết bạn đã được học trong trường để từ đó áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình thực tập.
Đây là phần khá quan trọng trong bài, vì nếu bạn không thể đưa ra cơ sở lý thuyết phù hợp và liên quan tới vấn đề cần giải quyết thì bài của bạn sẽ không đạt được độ tin cậy cao nhất.
Nội dung báo cáo thực tập tốt nghiệp cần những gì?
Chương III: Nội dung nghiên cứu tại cơ sở thực tập
Sau khi đưa ra cơ sở lý thuyết cũng như bản khái quát hóa những vấn đề gặp phải trong công việc, bạn sẽ tiếp tục ghi xuống nội dung nghiên cứu tại cơ sở thực tập. Có thể nói, đây chính là phần gom nhặt lại kết quả bạn đã đạt được sau khoảng thời gian thực tập tại đây.
Ở phần này, nội dung chủ yếu sẽ xoay quanh:
- Mô tả công việc được giao của bạn trong quá trình thực tập.
- Phương thức, quy trình thực hiện công việc.
- Kết quả nghiên cứu sau khoảng thời gian thực tập.
Chương IV: Áp dụng trên công việc thực tế
Ở phần Áp dụng trên công việc thực tế, bạn sẽ cần phải tổng hợp và phân tích những công việc thực tế mình đã áp dụng một cách chi tiết: quy trình thực hiện, cách thức thực hiện, mức độ hiệu quả,…
Ví dụ:
- Nếu bạn thực tập trong bộ phận Thương Mại, bạn có thể đề cập đến quy trình vận hành của một lô hàng mà bạn đã được giao quản lý.
- Nếu bạn thực tập ở vị trí Content Marketing, bạn có thể đưa ra những nội dung mà bạn thực hiện để chứng minh những điều bạn viết ra là có giá trị với người tiêu dùng.
Để mẫu báo cáo thực tập của bạn có nền móng vững chắc hơn, bạn nên dựa trên cơ sở lý thuyết và phần đặt vấn đề. Thật không hay nếu như công việc áp dụng thực tế không thể áp dụng được cho những vấn đề mà bạn đặt ra ngay từ đầu bài.
Kết luận và kiến nghị
Như tên gọi, người viết sẽ phải đưa ra những kết luận xác đáng, có cơ sở sau toàn bộ thời gian thực tập tại doanh nghiệp cũng như trong quá trình viết mẫu báo cáo thực tập.
Bên cạnh đó, người viết báo cáo còn phải đề xuất những kiến nghị mà họ cho là cần thiết để có thể giải quyết vấn đề được đề cập ở phần đầu.
Các nội dung “xương sống” trong phần kết luận báo cáo thực tập sẽ là:
- Kết luận điểm mạnh và điểm cần phát huy khi thực tập tại công ty.
- Kết luận về những điều người viết báo cáo đã học hỏi và rút ra trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp.
- Kiến nghị các đề xuất đối với cơ quan thực tập về chủ đề thực tập.
- Kiến nghị với nhà trường về những vấn đề còn tồn đọng trong môi trường đại học: kiến thức chuyên ngành chưa thể áp dụng được trong công việc thực tế; những kỹ năng bổ trợ vẫn chưa được đáp ứng,…
Tài liệu tham khảo
Đây thường là phần bị “ngó lơ” nhiều nhất bởi người viết báo cáo thực tập vì nghĩ rằng tài liệu tham khảo không quan trọng. Ngược lại, tài liệu tham khảo là cơ sở vững chắc nhất để bạn xác minh những thông tin, dữ liệu, con số mà bạn đưa ra trong bài.
Ở phần này, người viết mẫu báo cáo thực tập sẽ liệt kê toàn bộ các tác giả, tạp chí, bài báo, thống kê,… xuất hiện trong bài. Tài liệu tham khảo được liệt kê theo thứ tự chữ cái, có thể bao gồm cả tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Từ mở đầu đến kết luận báo cáo thực tập đều cần sự chăm chút tỉ mỉ.
Đọc thêm: Cách viết Cover Letter xin thực tập
Cách làm báo cáo thực tập
Sau khi hoàn thành những phần nội dung cứng trong bài báo cáo thực tập, tiếp đến bạn cần trình bày, bố cục lại bài để mọi thông tin được trình bày thật mạch lạc, rõ ràng.
1. Bố cục
- Trang bìa
- Trang bìa trong (trình bày giống trang bìa)
- Trang “Lời mở đầu” (không đánh số trang)
- Trang “Nhận xét của giảng viên hướng dẫn” (không đánh số trang)
- Trang “Nhận xét của người phản biện” (không đánh số trang)
- Trang “Mục lục” (không đánh số trang)
- Trang “Danh mục các bảng biểu, sơ đồ, hình”,.. (không đánh số trang)
- Các trang nội dung.
- Trang “Tài liệu tham khảo”
- Các trang Phụ lục
2. Hình thức
Khổ giấyA4 (210x297mm)Hình thức inIn 1 mặtBìaGiấy cứng, khổ A4Số trangTối thiểu 20 trang, tối thiểu 70 trangPhông chữTimes New RomanSize chữ14Dãn dòng1,5Canh lềTrái: 3.5cm; phải: 2.0cm; trên: 2.0cm; dưới: 2.0cmThanh tiêu đềKhông sử dụngTrang số 1Bắt đầu sau Mục lục, hay trang đầu tiên của chương 1Hình thức trình bày nội dungViết theo chương, mục, các tiểu mụcVới các bảng, hình ảnh, sơ đồ, bản đồĐánh số thứ tự và ghi tên đầu mỗi bảngTừ viết tắtHạn chế viết, nếu có thì phải để phần giải nghĩa trong dấu ngoặc “()”, sau đó liệt kê thành trang, đưa vào sau các trang Danh mục các bảng biểu, sơ đồ, hình,…Lưu ý ở đầu mỗi trang, mỗi chương, đề mụcTránh trích dẫn các câu tục ngữ, thành ngữ, sử dụng các hoa văn, hình vẽ để trang trí hoặc làm đề mục
Lưu ý trong cách viết báo cáo thực tập
1. Ngôn ngữ, văn phong
Cẩn thận trong việc sử dụng từ ngữ, hạn chế viết tắt. Hãy chắc chắn là bạn đã rà soát hết tất cả những “hạt sạn” chính tả. Để viết một cách có trọng tâm, có luận điểm, bạn có thể bắt đầu với một câu chủ đề và từ đó triển khai các ý phụ.
Tránh viết sai chính tả. Một trong những lỗi hay mắc nhất của các bạn sinh viên là không để ý đến chính tả, ngữ pháp. Ngoài ra, còn những lỗi cơ bản khác như viết lan man, sử dụng đại từ ngôi thứ nhất (tôi, ta, chúng ta,…) hay từ ngữ mang tính dư thừa, thường được sử dụng trong văn nói (thì, mà, là, rất,…).
2. Trình bày
Không nên sử dụng quá nhiều font chữ trong một bài báo cáo, size chữ quá nhỏ hoặc quá to. Có nhiều bạn còn sử dụng các dấu câu tùy tiện, căn chỉnh lề không có sự thống nhất giữa các chương, gây rối mắt cho người đọc.
3. Bố cục
Bạn hãy lập dàn ý trước khi viết báo cáo và chắc chắn bạn luôn tuân theo một trình tự nhất định.
Không nên nghĩ gì viết đấy, không theo một thứ tự hay quy tắc nào. Một bài báo cáo không hoàn chỉnh “thiếu trước hụt sau” sẽ làm bạn mất điểm như chơi đấy!
Cách làm báo cáo thực tập bao gồm một số lưu ý quan trọng.
4. Tài liệu tham khảo
Hãy đọc những mẫu báo cáo khóa trước để tham khảo và học hỏi cách viết. Hãy lựa chọn nguồn thông tin uy tín, đáng tin cậy. Quan trọng nhất, bạn nhớ là phải luôn trích nguồn đầy đủ và ghi tên tác giả đấy.
Tuyệt đối không đạo văn, sao chép 100% bài làm trên mạng hay của những anh chị khóa trước. Thông thường, những báo cáo thực tập thường được quét đạo văn trước khi chấm điểm. Bạn sẽ không muốn bị phát hiện là gian dối trong học tập đâu, đúng không? Chưa hết, việc copy lung tung còn gây ra tình trạng “râu ông này cắm cằm bà kia” khiến bài báo cáo rời rạc, khó hiểu.
5. Hình ảnh, biểu đồ
Bạn nên đánh số và ghi chú thích rõ ràng, ngắn gọn vào tất cả hình ảnh, biểu đồ. Để cho người đọc dễ theo dõi, hãy chắc chắn là hình ảnh minh họa phải liên quan đến nội dung và luôn rõ nét, không được mờ, nhòe.
Không nên nhồi nhét thật nhiều hình ảnh chỉ để lấp đầy bài báo cáo. Điều này không những giúp ích mà còn gây phản tác dụng nếu nội dung một đằng, hình ảnh một nẻo. Ngoài ra, sử dụng hình ảnh chất lượng thấp, không đọc được nội dung cũng là một điểm trừ siêu to nữa đấy!
Kết luận
Để có một bài báo cáo thực tập chuyên nghiệp, bạn cần đầu tư chất xám cũng như sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Với những hướng dẫn trên, Glints hi vọng các bạn sẽ khắc phục được những lỗi sai và hoàn thành tốt bài báo cáo của mình nhé!
Bài viết được đóng góp bởi Trang Hình
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả