Chắc chắn rằng với những người có đam mê với trồng trọt thì không thể không tìm hiểu đến cách trồng măng tây xanh, vừa giúp thỏa mãn sở thích của bản thân lại có thể tự tay tạo ra các chậu măng tây xanh sạch giàu chất dinh dưỡng phục vụ cho cả gia đình mình.
Đặc biệt, măng tây xanh mang lại giá trị kinh tế rất là cao, thay vì bỏ ra 130.000đ để mua măng tây ngoài chợ thì tại sao lại không tự tay trồng măng tây xanh đúng không nào.
Măng tây xanh là giống rau cao cấp, mang thân thảo dạng bụi, lá kim. Có thể khai thâc cây từ 4 đến 8 năm. Đây thuộc loại đối tượng cây trồng mới, có thị trường tiêu thụ rất lớn và mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến với bài viết hôm nay, Fao sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng măng tây xanh cũng như kỹ thuật trồng măng tây xanh ngay tại sân vườn nhà mình nhé!
Đặc điểm sinh trưởng của cây măng tây xanh
Để có thể thực hiện cách trồng măng tây xanh thành công thì bạn cần phải biết được những đặc điểm của măng tây xanh, cùng tìm hiểu qua nhé.
Vòng đời của cây măng tây kéo dài lên tới hơn 15 năm, thời gian để tiến hành thu hoạch măng tây tốt nhất trong vòng 7 đến 8 năm và trong một năm cây măng tây có thể cho thu hoạch từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa kéo dài trong khoảng 2 đến 3 tháng.
Không chỉ vậy, măng tây là loại cây thuộc nhóm thân thảo, ưa ánh sáng, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C, phù hợp trồng trên những chân đất nhẹ, có độ mùn cao. Fao xin giới thiệu cho các bạn kỹ thuật trồng măng tây xanh theo quy trình của VietGap.
Chuẩn bị trước khi trồng măng tây xanh
Trước khi bắt tay vào việc trồng măng tây xanh chúng ta cần chuẩn bị giống, đất trồng cũng như là phải nắm vững những cách trồng, kỹ thuật trồng cây măng tây xanh.
1, Đất trồng măng tây xanh
Đất trồng măng tây xanh phù nhất là loại đất thịt nhẹ, tơi xốp, chứa nhiều chất hữu cơ, đất cát pha, có tầng canh tác dày khoảng 40 đến 50cm; đất phù sa mới, bồi ven sông, có độ pH nằm trong khoảng 6,5 đến 7,5; mực nước ngầm phải có độ sâu lớn hơn 1m.
Tầng canh tác có độ dày lớn hơn 100 đến 150cm; thế đất cao ráo, có khả năng thoát nước tốt, đất bằng phẳng không triền dốc vượt quá 10%, không nhiễm phèn, không bị ngập úng, nhiễm mặn. Hàm lượng những kim loại nặng không được vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại quy chuẩn QCVN 03 -MT:2015/BTNMT.
2, Giống và cây con giống
a, Giống
- Lựa chọn những giống cây măng tây thích hợp với vùng sinh thái, khả năng chống chịu tốt, có khả năng cho năng suất cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường.
- Lựa chọn hạt giống măng tây phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận (đối với loại hạt giống măng tây thuần) và cấp F1 (đối với những hạt giống măng tây lai) theo quy định với hạt giống rau hiện hành.
b, Kỹ thuật sản xuất cây giống
Ươm cây giống trực tiếp trên đất:
- Chọn đất ở những nơi cao ráo, có thể chủ động để tưới tiêu, lên luống có độ rộng khoảng 12 m2, dải một lớp giá thể tơi xốp lên trên dầy khoảng 30 cm. Giá thể làm vườn ươm tiến hành trộn với tỷ lệ 1/4 đất + 1/4 cát sạch + /4 phân chuồng + 1/4 trấu hun. Nên sử dụng vòm che thấp hay có thể làm trong nhà lưới, nhà kính.
- Lượng hạt giống măng tây cho 1.000 m2, vườn ươm là 0,5 đến 0,7 kg hạt giống măng tây.
- Cần phải xử lý hạt giống măng tây trước khi đem gieo: Phơi hạt giống trong nắng nhẹ trong vòng 2h, rửa sạch, rồi sau đó ngâm trong nước ấm khoảng 45 đến 50 độ C trong khoảng 12 đến 14 giờ.
Vớt hạt ra, rửa sạch và đem ủ hạt giống măng tây trong cát ẩm (đã được làm sạch sẽ và khử trùng), để trong nhiệt độ 24 đến 25 độ C cho tới khi nhú nhầm rễ dài 0,5 đến 1 mm thì tiến hành mang đi reo. Sử dụng vật nhỏ để kéo từng rãnh dài trên mặt luống có chiều sâu là 1,5cm. Đặt hạt giống măng tây vào rãnh với khoảng cách giữa cây với cây là 15cm, rãnh với rãnh cách nhau 10cm. Lấp đất bằng với mặt luống.
Ươm giống trong bầu nilon
Chọn lựa giá thể, xử lý và ngâm ủ hạt giống măng tây giống như với cách gieo trực tiếp vào đất. Tuy nhiên, với cách ươm bằng túi bầu thì giá thể được đựng trong những túi bầu có đục lỗ với những kích thước khác nhau tùy thuộc vào thời gian ươm bầu.
(Thời gian ươm hạt trong vòng 6 tuần: Dùng túi có kích thước 8×12 cm, thời gian ươm 8 tuần bạn dùng túi bầu có kích thước 10 x 15 cm, thời gian ươm bầu 12 tuần bạn nên túi bầu có kích thước 15 x 20 cm).
3. Thời vụ trồng măng tây xanh
Thời vụ ươm hạt giống măng tây xanh: thực hiện trước khi trồng măng tây xanh từ 8 đến 12 tuần. Thông thường việc ươm giống, trồng măng tây xanh thường được thực hiện vào hai thời vụ chính:
- Vụ thu đông: tiến hành gieo hạt vào cuối tháng 8 cho tới đầu tháng 9 để trồng măng tây xanh vào tháng 2, tháng 3 năm sau.
- Vụ xuân hè: tiến hành gieo hạt vào cuối tháng 2 tới tháng 4 để có thể trồng măng tây từ tháng 4 cho tới tháng 6 dương lịch.
Cách trồng măng tây xanh
Trong cách trồng măng tây xanh Fao chia nhỏ thành 2 bước chính, mỗi bước tương ứng với một giai đoạn, mỗi giai đoạn đòi hỏi bạn phải nắm rõ cách trồng cũng như kỹ thuật trồng.
1, Làm đất
- Trước khi trồng măng tây xanh, phải cày tới độ sâu 20 đến 25cm, cày hai lần với khoảng thời gian cách nhau là 10 ngày và còn tuỳ thuộc vào chất đất.
- Đất lên luống có kích thước rộng 100cm x cao 20cm, rãnh rộng 20 cm.
- Bón một lượng phân từ 200 đến 1.500 kg vôi bột/ha. Bón lót 30 tấn phân chuồng hoai mục cùng với 300kg NPK 16.16.8.
2, Kỹ thuật trồng măng tây xanh
Kỹ thuật trồng măng tây xanh đúng chuẩn để tạo ra những cây măng tây cho năng suất cao.
Trồng măng tây xanh theo hàng đơn: khoảng cách giữa hàng với hàng l,2m; cây với cây cách nhau từ 60 đến 70 cm.
Mật độ của cây/ha: 13.000 đến 15.000
Cách trồng măng tây xanh:
Ở giữa mặt luống đất trồng măng tây xanh đã chuẩn bị sẵn, thực hiện cuốc đất tạo thành một rãnh dài hố trồng có kích thước rộng 50cm x sâu 25cm, rồi thực hiện đào trộn đều đất với phân hữu cơ bón lót trong hố.
Nhẹ nhàng rạch bỏ bao nilon bầu giống, cố gắng giữ nguyên bầu giá thể cây con đặt ngay ngắn vào trong hố trồng, mặt bầu bằng với mặt đất trồng.
Sau khi trồng măng tâ xanh xong, bạn lấy đất 2 bên mép luống đất trồng rồi phủ một lớp đất mặt dày từ 8 đến 10cm vaof những gốc cây đã trồng, kết hợp với việc tạo mặt luống đất trồng theo phương dốc nghiêng về hai bên mép luống giúp thoát nước cho cây, rồi thực hiện tưới nước thường xuyên bằng áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để giữ ẩm cho cây, hạn chế cỏ dại sinh trưởng.
Bón phân cho măng tây
Bón phân cho măng tây là việc làm không thể thiếu, muốn cho cây có đủ chất dinh dưỡng, mạnh khỏe thì bạn phải bón phân cho măng tây với liều lượng vừa đủ. Liều lượng phân bón và phương pháp bón, Fao sẽ hướng dẫn rất chi tiết ở dưới đây (tính cho 01 ha).
Bón thúc ở giai đoạn tạo cây:
- Cứ sau 15 ngày thì thực hiện bón phân 1 lần
- Lượng phân bón phù hợp sử dụng: 100 kg phân NPK 16.16.8
Bón thúc giai đoạn dưỡng cây mẹ thay thế:
- Lần 1: thực hiện sau khi tạm ngừng công đoạn thu hoạch lứa măng tây tơ 15 ngày, lượng phân bón: 400 kg NPK 16.16.8.
- Lần 2: thực hiện bón phân cho măng tây sau lần 1 khoảng 20 ngày, lượng phân bón: 12 tấn phân chuồng hoai mục cùng với 400 kg NPK 16.16.8.
Bón thúc trong thời gian thu hoạch măng tây:
Cần thực hiện bón thúc đều đặn, cứ 20 ngày 1 lần bón, lượng phân bón sử dụng là 200 kg NPK 16.16. 8.
Chăm sóc cây măng tây
Đây là bước cuối cùng trong cách trồng măng tây xanh rồi, ở bước này bạn sẽ mất khá nhiều công sức, cũng như thường xuyên chăm bón cho cây, để cây sinh trưởng tốt, năng suất cao.
1, Nước tưới
Bạn có thể dùng những nguồn nước mặt tự nhiên hay nguồn nước ngầm để tưới cho măng tây, tuy nhưng nước tưới phải có đủ những tiêu chí sau:
- Phải kiểm tra với định kỳ 1 lần/năm.
- Việc dùng mẫu nước tưới, kiểm tra chất lượng phải được người hay cơ quan đã được công nhận, chỉ định để thực hiện.
- Nước tưới cho măng tây phải đảm bảo rằng có dư lượng kim loại nặnng và hàm lượng vi sinh vật ở mức cho phép của quy chuẩn QCVN 08-MT:2016/BTNMT.
Có thể áp dụng theo phương pháp tưới rãnh, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa. Tuy vậy, tốt nhất bạn nên áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất và hạn chế dịch hại, chất lượng của măng tây thu được sẽ cao hơn.
Thời điểm để tưới nước cho măng tây tốt nhất là buổi sáng sớm hoặc chiều tối mát. Trong chu kỳ thu hoạch măng tây thì thời gian tốt nhất là nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc sau khi thu hoạch măng tây, không nên tưới nước vào buổi chiều, tránh ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng của măng tây.
Thoát nước: Đối với trường hợp thời tiết mưa kéo dài liên tục thì phải sử dụng bơm giúp thoát nước ra ngay tránh ảnh hưởng đến tới sự sinh trưởng của bộ rễ măng tây.
2, Làm cỏ cho măng tây
Bạn phải thường xuyên chủ động làm sạch cỏ dại, rác thải trên đất trồng măng tây xanh trước khi mang cây ra trồng. Kết hợp với việc vun xới, làm cỏ ở mỗi thời kỳ bón phân.
3, Làm giàn đỡ cây
Thực hiện việc làm này ngay sau khi đã trồng măng tây ra ruộng sản xuất.
Nguyên liệu làm:
- Cọc căng dây: bạn có thể dùng cọc tre, cọc sắt hộp, cọc bê tông. Tùy thuộc vào từng loại cọc mà chiều cao của cọc có thể dao dộng từ 1,2 tới 2m, khoảng cách chôn mỗi cột là từ 5 đến10 m.
- Dây đỡ cây: có thể dùng những loại dây khác nhau như dây nilon, dây cước, dây cáp điện thoại, dây cáp thép bọc vỏ nhựa… Phù hợp nhất nên căng 2 tầng dây đỡ, tầng 1 cách mặt đất chừng 70 đến 80 cm, tầng hai cách tầng một khoảng 30 đến 40 cm.
4, Cắt tỉa cành nhánh
Thường xuyên quan sát và tỉa bỏ những cây măng tây ốm yếu, bị nhiễm sâu bệnh chậm sinh trưởng, cây đổ ngã, cây nhỏ, những cây măng tây đã già để tránh tình trạng cạnh tranh chất dinh dưỡng, chỉ để lại 4 tới 6 cây mẹ to khỏe/1 bụi.
Khi ruộng măng tây bắt đầu cho những lứa thu hoạch cần nhanh chóng cắt bớt ngọn cây chỉ để lại chiều cao từ 1 tói 1,2m, tỉa bỏ bớt lá gốc với khoảng cách 30 tới 40 cm cho việc thu hoạch măng tây được dễ dàng.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho măng tây xanh
Trong suốt khoảng thời gian thực hiện cách trồng măng tây xanh thì việc cây bị nhiễm sâu bệnh là không thể tránh khỏi, vì vậy khi phát hiện cay bị nhiễm sâu bệnh bạn cần phải nhanh chóng chữa trị cũng như phòng tránh cho những cây khỏe mạnh.
Cần áp dụng tối đa những biện pháp phòng chống dịch hại tổng hợp IPM: Quản lý cây trồng tổng hợp giúp hạn chế thấp nhất việc dùng hóa chất bảo vệ thực vật như: dùng những loại giống có khả năng kháng tốt với nhiều loại sâu, bệnh hại; trước khi trồng măng tây xanh cần làm đất sớm, vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, làm sạch toàn bộ cỏ dại…
Với mục đích là diệt trừ những mầm mống sâu, bệnh hại nằm trong đất; thường xuyên quan sát, kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và ngăn ngừa sâu bệnh hại kịp thời.
Với những trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc bảo vệ thực vật thì bạn phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc về cách dùng, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn được in trên bao bì.
Sau mỗi đợt làm cỏ, bón phân cần thực hiện phun thuốc để ngăn ngừa tuyến trùng, nấm, sâu bệnh hại với cây. Cần chú ý ngăn ngừa kịp thời một vài đối tượng dịch hại như bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp… một số bệnh thán thư, phấn trắng, mốc sương, đốm lá, thối rễ, thối măng…
Khi tới mùa mưa măng tây rất dễ bị dính một vài bệnh hại như: Thán thư, sương mai, phấn trắng, thối rễ, đốm lá… nên ưu tiên dùng những loại thuốc trừ sâu có xuất xứ từ thảo mộc và vi sinh để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khi thu hoạch.
Lưu ý: Trong giai đoạn thu hoạch măng tây không nên sử dụng những loại thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV tại vì chồi măng tây xanh rất nhạy cảm với những loại thuốc độc này, có thể nên sử dụng lúc ngưng thu măng tây để dưỡng cây mẹ.
Thu hoạch, sơ chế và bảo quản măng tây
Có lẽ đây là thời kì mà mọi người mong chờ nhất trong 1 khoảng thời gian dài thực hiện cách trồng măng tây xanh, tuy nhiên bạn đừng quá vội vàng mà thu hoạch măng tây sớm nhé. Hãy dựa vào những đặc điểm, thời gian của măng tây rồi thực hiện thu hoạch.
1, Thu hoạch
Thời gian thu hoạch: thu hoạch lứa đầu tiên sau khi trồng măng tây xanh khoảng 4 đến 5 tháng. Hàng ngày thu hoạch măng tây vào buổi sáng trước 8h sáng (vào mùa đông) và trước 7 giờ sáng (vào mùa hè).
Phương pháp thu hoạch: bạn thu hoạch măng tây bằng tay, nắm lấy sát gốc cây măng nghiêng 1 góc 30 độ xoay và giật nhẹ. Có thể sử dụng kéo cắt chồi măng tây, sát phần thân ngầm dưới đất nhưng phải để ý để hạn chế ảnh hưởng tới những chồi khác.
Lưu ý: Chỉ tiến hành thu hoạch lứa măng tây tơ trong vòng 1 tháng (phải thu hoạch toàn bộ kể cả cây không đạt tiêu chuẩn). Những lứa măng tây sau chu kỳ thu hoạch kéo dài trong vòng 2,5 đến 3 tháng, thu hoạch măng tây hàng ngày. Khi quan sát thấy đường kính của thân măng tây nhỏ hơn 5mm, cây mẹ già sẽ chuyển sang màu vàng úa thì ngừng thu hoạch thực hiện trẻ hóa vườn măng tây.
2, Sơ chế
Sau khi thu hoạch măng tây về cần phải rửa sạch đất cát nhưng không được để đầu măng bị ướt đầu, xếp những ngọn măng tây bằng nhau, cắt gốc theo tiêu chuẩn để phân loại:
- Loại 1: chiều dài từ 19 đến 23cm, đường kính thân lơn hơn hoặc bằng 8mm
- Loại 2: chiều dài từ 19 đến 23cm, 8mm ≥ đường kính của thân ≥ 5 mm.
Sau khi phân loại măng tây xong, bó chúng thành từng bó nhỏ có khối lượng nằm trong khoảng 0,5 đến 1,0 kg/bó tùy theo nhu cầu của người mua, bao bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, sau đó xếp gọn vào ngăn mát tủ lạnh, nếu có thể bạn để chúng trong kho lạnh. Nếu có thể đóng măng tây thành các túi nhỏ, hút hết không khí ở trong rồi hàn kín có thể bảo quản lâu hơn.
Lưu ý: Bạn không nên thu hoạch măng tây vào ngày mưa, nếu bắt buộc phải thu hoạch măng tây thì cần phải hong khô măng trước khi đóng gói và bảo quản.
3, Bảo quản
Tốt nhất là bạn bảo quản lạnh để tránh tình trạng măng tây bị mất nước, khi măng tây bị mất nước chất lượng và màu sắc sẽ giảm sút.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong kỹ thuật trồng cũng như cách trồng măng tây xanh rồi. Qua bài viết này, Fao hy vọng bạn có thể tự tay trồng cho mình những cây măng tây xanh tốt, cho năng suất cao và kinh tế thu được vô cùng lớn nhé. Chúc các bạn thành công.