Chỉ còn vẻn vẹn 2 tháng nữa chúng ta sẽ lại đón một cái Tết nguyên đán, trong mỗi mâm cỗ đặc biệt của người dân miền Bắc Việt Nam, chúng ta sẽ không thể thiếu được món thịt nấu đông như một nét văn hóa của người dân Bắc đặc biệt vào tiết trời xuân, trời se lạnh, một miếng thịt đông và một miếng dưa hành sẽ làm cho bạn nhớ mãi không quên. Bài viết này mình sẽ giới thiệu cách nấu thịt đông ngày Tết ngon chuẩn vị. Hãy cùng theo dõi nhé.
Cách nấu thịt đông chân giò bằng nồi áp suất
Nguyên liệu nấu thịt đông chân giò
- Thịt chân giò: 500 gr
- Bì heo (da heo): 250 gr
- Hành tím: 4 củ
- Hành tây: 1 củ
- Mộc nhĩ (nấm mèo): 50 gr
- Nấm hương: 50 gr (có thể dùng nấm tươi hoặc nấm khô)
- Dầu ăn: 1 thìa canh
- Nước mắm
- Hạt nêm
- Muối (muối, hạt nêm, nước mắm tùy khẩu vị từng gia đình)
Chú ý chọn mua nguyên liệu:
- Thịt chân giò
- Phần thịt ở chân giò trước sẽ mềm và ngọt hơn, phù hợp để chế biến các món luộc, hầm, giả cầy…
- Phần chân sau của lợn hoạt động ít hơn nên phần thịt nhiều hơn nhưng cũng có nhiều mỡ hơn, phù hợp để nấu cháo, kho, xào hoặc thịt băm…
- Nên chọn khối thịt chân giò rắn chắc, thớ thịt đều, khi ấn tay xuống thịt có độ đàn hồi cao.
- Nên chọn những miếng chân giò có màu hồng tươi
- Thịt không có mùi hôi, tanh, không bầm đen.
- Bì heo
- Bì heo chính là một chất tạo độ đông
- Bì heo ngon nên chọn phần da dưới lớp thịt thăn hoặc thịt nạc vai, miếng da dày, kích thước lớn sẽ dễ sơ chế hơn. Không nên chọn phần da thịt bụng vì phần này không có độ căng và mỏng khi sơ chế dễ bị nát, không giòn ngon.
- Chọn bì heo có màu hồng hào, có độ đàn hồi, không có mùi hôi, tanh.
Quá trình thực hiện:
Bước 1: Sơ chế thịt chân giò
- Để khử mùi hôi, chân giò sau khi mua về dùng dao lam cạo sạch phần lông, rồi dùng muối chà – xát nhiều lần, sau đó rửa thật sạch. Chặt chân giò ra miếng vừa phải và lọc bỏ mỡ và xương.
- Sau đó, ướp thịt chân giò với ½ thìa café muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm trong khoảng 30 phút để thịt chân giò ngấm gia vị.
Lưu ý: 3 cách loại bỏ mùi hôi của chân giò
- Cách 1: giống như ở phần trên, thay vì dùng muối thì có thể dùng chanh/ giấm ăn/ hoặc rượu trắng chà xát nhiều lần sau khi cạo lông rồi rửa thật sạch.
- Cách 2: Dùng một chiếc khò gas mini để lửa ở chế độ vừa hoặc có thể dùng giấy đốt, rơm thui sơ chân giò heo, loại bỏ được triệt để phần lông cứng trên bề mặt bì heo.
- Cách 3: Sau khi cạo lông và rửa sạch sẽ có thể trần thịt chân giò qua nước sôi khoảng 3 phút
Bước 2: Sơ chế bì heo
- Ngâm bì heo trong nước muối pha loãng tầm 15 phút, sau đó rửa lại qua 3 lần nước sạch rồi chặt thành miếng vừa ăn.
- Đặt nồi nước lên bếp, cho vào 1 ít muối, khi nước sôi, cho bì heo vào chần sơ khoảng 2 – 3 phút rồi vớt ra, cho vào một tô nước lạnh để bì giữ độ giòn, không bị thâm rồi cho ra rổ, để ráo.
Bước 3:
- Cho vào chảo lớn 1 ít dầu ăn và phi với 1 củ hành khô băm nhỏ.
- Tiếp đến, cho tô thịt vừa ướp vào trong chảo đã phi dầu và tiến hành đảo đến khi thấy thịt săn lại thì tắt bếp.
Bước 4:
- Cho thịt vào nồi áp suất, đổ nước vào đủ để ngập thịt, rồi tiến hành nấu trong khoảng 5 phút.
- Khi nồi chuyển sang chế độ hâm, thì xả áp suất trong nồi ra.
- Tiếp theo, mở nắp nồi áp suất ra, cho bì heo và hành tây (hành tây thái lát theo chiều ngang của củ) vào nấu cùng thịt trong khoảng 15 phút. Tương tự như trên, khi nồi chuyển sang chế độ hâm, thì xả áp và vớt bì heo, hành tây ra.
- Nấm hương và mộc nhĩ ngâm nước cho nở ra rồi đem cắt thành sợi cho vào nồi, cho thêm một ít hạt tiêu và đảo đều, nấu tiếp khoảng 5 phút.
- Khi thịt đã nhừ thì múc ra tô, để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng để thịt đông là hoàn thành hoặc nếu trời lạnh, bạn có thể để ngoài để thịt tự đông, nhưng sau đó phải cất ngăn mát tủ lạnh tránh thịt đông bị hỏng.
Chú ý cách bảo quản thịt đông:
- Thịt đông bọc kín có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được khoảng 1 tuần
- Có thể chia thịt đông thành từng phần nhỏ rồi cho vào các hũ thủy tinh đựng thực phẩm, sau đó mới cho vào ngăn mát tủ lạnh, khi lấy ra ăn sẽ tiện hơn.
- Nếu để nguyên vào tủ lạnh thì khi ăn dùng thìa/ dao cắt 1 góc nhỏ vừa đủ dùng
- Thịt đông sau khi lấy ra ăn chỉ nên sử dụng trong vòng 5 – 7 tiếng nếu không sẽ dễ bị thiu.
Cách nấu thịt đông bằng thịt gà
Nguyên liệu làm món thịt gà nấu đông
- Thịt gà: 700gr (hoặc khoảng ½ con gà, nên chọn gà trống vừa thì thịt sẽ dai và ngon hơn)
- Cà rốt: 1 củ
- Mộc nhĩ, nấm hương.
- Gia vị: muối, mắm, hạt tiêu…
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Gà mua về xát ít muối rồi rửa sạch, sau đó lọc bỏ bớt phần mỡ ở thịt, tiếp theo chặt gà thành miếng nhỏ vừa ăn. (Mẹo để chặt gà đẹp: trước khi chặt gà nên để gà vào tủ lạnh 1 lúc để miếng gà cứng lại, khi chặt sẽ không bị nát và đẹp mắt hơn). Hoặc gà có thể rút bỏ xương để ninh lấy nước và chỉ lấy phần thịt để nấu thịt đông.
- Bước 2: Ướp thịt gà với nước mắm, muối và một chút hạt tiêu (gia vị mắm muối tùy theo khẩu vị gia đình) từ 20 – 30 phút. Nên có hạt tiêu vì hạt tiêu tạo nên mùi vị cho món thịt đông thơm ngon hơn.
- Bước 3: Cho thịt gà vào chảo, bật bếp và xào qua khoảng 10 phút cho ngấm gia vị.
- Bước 4: Mộc nhĩ, nấm hương rửa sạch và ngâm với nước cho nở rồi thái thành sợi (nấm hương có thể để nguyên cái). Cho mộc nhĩ và nấm hương vào xào cùng thịt gà khoảng 5 phút.
Nếu lọc xương và ninh xương thì đổ nước dùng xương vừa ninh vào nồi gà đã xào/ hoặc không lọc xương thì cho nước lã, lượng nước vừa đủ để nấu gà chín mềm. Nước sôi thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Có thể thêm 1 ít chân gà hoặc miếng bì lợn để gà dễ đông hơn.
- Bước 6: Khi thịt gà đã chín mềm thì múc ra tô hoặc hũ thủy tinh. Để món ăn được đẹp mắt hơn nên chuẩn bị sẵn 1 tô hoặc hũ thủy tinh vài lát cà rốt tỉa hình hoa đã chần qua nước sôi để dưới đáy bát rắc thêm chút hạt tiêu cho đẹp mắt rồi múc thịt lên trên, để thịt nguội hẳn rồi bọc lại cất vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 5 tiếng. Thịt sẽ đông lại và hôm sau là có thể thưởng thức được ngay.
Cách bảo quản thịt gà nấu đông cũng sẽ tương tự như thịt chân giò nấu đông.
Cách nấu thịt đông chay
Đối với các tín đồ ăn chay thì món thịt nấu đông chay sẽ vô cùng thú vị, phải không nào? Món thịt đông chay không có bì lợn hay da gà thì làm như thế nào để đông? Hãy cùng theo dõi nhé!
Nguyên liệu làm món thịt nấu đông chay
- Nấm hương: 5 cái
- Mộc nhĩ: 200 gr
- Có thể thêm các loại nấm khác tùy sở thích
- Bí đỏ hoặc cà rốt: 150 gram
- Bột gạo lứt rang: 50 gr
- Tảo spiruna: 4 viên hoặc có thể thay thế bằng bột rau câu dẻo
- Gia vị: Muối, bột nêm chay, dầu ăn
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Đem nấm hương và mộc nhĩ rửa dưới vòi nước. Sau đó, cho ngâm riêng với nước ấm cho đến khi nở mềm. Sau đó, lấy kéo cắt bỏ phần chân nấm và dùng dao thái nhỏ sợi
Bí đỏ/ cà rốt đem gọt vỏ, rửa sạch và thái hạt lựu.
- Bước 2: Cho 4 viên tảo spiruna vào nước ấm (lượng nước đủ dùng) ngâm trong vòng 5 phút rồi khuấy tan, để riêng ra một chỗ.
Tiếp theo, bắc chảo lên bếp và cho dầu ăn vào, đun đến khi dầu nóng thì cho phần nấm và bí đỏ hoặc cà rốt đã sơ chế vào xào rồi nêm gia vị cho vừa ăn.
Khi mộc nhĩ đã chín, cho phần nước tảo vào và đun sôi trên lửa lớn. Khoảng 5 phút sau, giảm lửa nhỏ lại, rồi tắt bếp.
Đợi phần thịt đông nguội, đổ vào tô hoặc hũ thủy tinh và cho vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 3 đến 4 tiếng cho đông lại và sau đó có thể lấy ra dùng ngay.
Khi dùng bữa chỉ cần lấy món thịt đông chay ra và thưởng thức, nên dùng dao cắt thành từng miếng vừa ăn, phần còn lại cất ngăn mát tủ lạnh.
Chú ý trong quá trình thực hiện món thịt đông chay: có thể thay thế tảo spiruna bằng thạch rau câu dẻo để làm món thịt đông chay. Chỉ cần hòa 1 muỗng thạch rau câu vào khoảng 500ml nước rồi đun sôi đến khi thạch gần đông thì đổ vào phần nguyên liệu đã xào chín là được.
Các món thịt nấu đông có thể kết hợp ăn với dưa chua rất đưa cơm. Với việc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể lấy món ăn ra bất cứ lúc nào để dùng trong bữa cơm gia đình hoặc đãi khách đến nhà chơi dịp Tết nguyên đán. Hãy lưu ngay cách nấu thịt đông ngày Tết ngon chuẩn vị vào sổ tay của mình để khi cần là có thể bắt tay vào làm luôn nhé. Chúc các bạn thành công!
Đánh giá post