Cách Nấu Lẩu Cua Đồng Hải Sản Ngon Ngọt Đậm Đà

Lẩu cua đồng hải sản đậm đà với gạch cua thơm béo, đan xen cùng các loại hải sản tươi ngọt, nước lẩu đậm đà với màu đỏ gạch bắt mắt chắc chắn sẽ làm bạn phải mê mẩn. Cách nấu lẩu cua đồng hải sản cũng rất đơn giản, bạn có thể ghi lại và thực hiện theo công thức của Hướng Nghiệp Á Âu nhé!

lẩu cua đồng hải sản

Lẩu cua đồng hải sản vị dân dã nhưng đầy cuốn hút

Mùa mưa đang bắt đầu đến, mang theo chút không khí se lạnh, quay quần bên nhau và thưởng thức lẩu cua đồng hải sản nóng hổi nghi ngút khói, đậm đà còn gì tuyệt vời hơn. Với những nguyên liệu cơ bản cùng cách nấu lẩu riêu cua hải sản đơn giản, bạn đã có ngay một nồi lẩu thơm nồng, đậm vị. Một chút ngọt thanh của nước lẩu, vị béo bùi của riêu cua, thơm ngon của hải sản tươi chắc chắn bạn sẽ hài lòng ngay từ lần đầu tiên thưởng thức.

Nguyên liệu nấu lẩu cua đồng hải sản

  • 500g cua đồng
  • 500g xương ống heo
  • 500g xương gà
  • 400g mực
  • 300g nghêu
  • 4 miếng đậu hũ
  • 300g tôm sú
  • 300g mực ống
  • 250g phi lê cá chẽm
  • 100g thanh cua
  • 2 con ghẹ
  • 200g khế chua
  • 200g cà chua
  • 5g hành lá
  • 1 nhánh gừng nhỏ
  • 2 nhánh sả
  • 10g tỏi
  • 20g hành tím
  • Gia vị: muối, hạt nêm, nước mắm, dầu điều, giấm, mắm tôm
  • Rau ăn kèm: rau nhút, rau muống, rau mồng tơi, mướp hương…

Cách làm món lẩu cua đồng hải sản

Bước 1: Nấu nước dùng lẩu

Chần xương gà và xương ống heo qua nước sôi để loại sạch chất bẩn. Sau đó, vớt ra ngâm vào nước đá lạnh.

Sau đó cho xương gà và xương ống heo vào nồi chứa khoảng 5 lít nước và đun trong khoảng 1 – 2 tiếng để lấy nước dùng cho lẩu.

Lưu ý là xương rửa thật sạch để không ảnh hưởng đến chất lượng của nước dùng.

chần xương qua nước sôi

Chần xương qua nước sôi, sau đó ngâm đá để đảm bảo chất lượng nước dùng

Bước 2: Cách sơ chế cua đồng sạch

Cua đồng sau khi mua về, bạn đổ vào thau nước, dùng đũa khuấy nhiều lần để loại bỏ sạch bùn đất và các chất bẩn dính lên mình cua. Sau đó, bạn tách riêng phần mai và thân cua ra, dùng muỗng gỡ gạch cua để riêng. Đem phần thân cua ngâm trong nước muối loãng rồi rửa lại thật sạch, cho vào cối giã nát.

sơ chế cua đồng

Sơ chế cua đồng để làm riêu cua và nước lẩu

Bước 3: Cách lọc cua

Lần thứ nhất: Bạn cho cua đã giã nhuyễn vào 500ml nước khuấy đều lên, lọc qua rây.

Lần thứ 2: Bạn cũng cho 500ml nước vào khuấy đều với phần xác cua ở lần 1, lọc qua rây, lấy nước, bỏ xác.

Trộn phần nước cua lần 1 và lần 2 với nhau.

lấy nước làm riêu cua

Bạn có thể lọc 2 lần để lấy nước làm riêu cua

Bước 4: Sơ chế các loại hải sản

Mực ống rửa sạch, để ráo, khứa trang trí rồi cắt thành những miếng khoảng 3cm.

Cá chẽm rửa sạch, cắt miếng khoảng 2cm.

Tôm sú bỏ đầu, chẻ lưng lấy chỉ, rửa sạch.

Thanh cua rửa sạch, chia thành 2 đoạn theo chiều dọc.

Nghêu rửa sạch.

Ghẹ rửa sạch, tách mai rời ra khỏi phần thịt cua.

khứa mực

Bạn có thể khứa tạo hình đẹp mắt hơn cho mực

Bước 5: Sơ chế các loại rau củ

Cà chua cắt làm 4, loại bỏ hạt.                  

Khế cắt lát mỏng.

Hành lá cắt khúc.

Gừng, hành tím cắt lát.

Tỏi đập dập.

Sả đập dập, cắt khúc.

Đậu hũ cắt miếng vuông, chiên vàng giòn.

chiên đậu hũ

Chiên đậu hũ vàng, giòn

Bước 6: Chần hải sản

Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi, cho gừng vào rồi lần lượt chần các loại hải sản sơ qua. Sau đó, vớt ra, ngâm vào thau nước đá.

chần sơ hải sản

Chần sơ các loại hải sản trừ ghẹ

Bước 7: Xào rau củ

Bắc chảo lên bếp cho vào một ít dầu ăn, phi thơm hành tím, đầu hành, một ít gừng rồi cho sả, cà chua, khế vào xào sơ qua.

Bước 8: Xào gạch cua

Bắc chảo lên bếp cho vào một ít dầu ăn, phi thơm hành tím, tỏi, hành lá rồi cho phần gạch cua vào xào chín. Bạn cho thêm 1 muỗng dầu điều để tạo màu sắc bắt mắt hơn cho món lẩu.

Bước 9: Nấu nước lẩu

Nước dùng lọc bỏ xương, để nguội. Sau đó đổ nước lọc cua vào, bắc lên bếp nấu với lửa lớn, cho phần gạch cua vào, dùng vá khuấy liên tục cho đến khi nước nóng lên khoảng 60 độ. Lúc này, thịt cua sẽ nổi lợn cợn thì ngừng khuấy, giảm nhỏ lửa cho riêu cua đông lại, sau đó mở lửa lớn và dùng vá vớt riêu cua ra.

Sau đó cho các loại rau củ xào, ghẹ vào, nêm muối, hạt nêm, mắm tôm, nước mắm, giấm sao cho vừa ăn, đợi sôi, cho tất cả các loại hải sản còn lại vào, đun sôi trong khoảng 2 phút, vớt bọt, giảm nhỏ lửa, nêm nếm lại rồi tắt bếp.

Cuối cùng, múc lẩu ra nồi nhỏ, cho đậu hũ, riêu cua và dọn lên bàn ăn, khi sôi nhúng các loại rau vào thưởng thức cùng với bún tươi.

lấy riêng phần riêu cua

Lấy riêng phần riêu cua

Lẩu cua đồng ăn với rau gì?

Đặc trưng của món lẩu Việt là thưởng thức cùng với đa dạng các loại rau tươi và lẩu cua đồng cũng vậy. Với hương vị dân dã, bình dị, các loại rau ăn kèm với lẩu cua đồng cũng rất mộc mạc. Bạn có thể nhúng vào nước lẩu các loại rau như: rau nhút, rau muống cọng, mồng tơi, mướp hương, bông bí, ngò gai… Rau ăn kèm sẽ giúp cho món lẩu thêm ngọt thơm, thanh mát, hấp dẫn.

các loại rau ăn kèm với lẩu cua đồng

Các loại rau ăn kèm với lẩu cua đồng hải sản

Lẩu cua đồng hải sản có vị ngọt tự nhiên từ cua đồng và các loại hải sản tươi, nước dùng thanh vị, đậm đà chắc chắn sẽ đem đến cảm giác ngon miệng cho bạn. Nếu muốn học hỏi thêm các món ăn dân dã hoặc các món lẩu khác, bạn có thể để lại thông tin vào form bên dưới hoặc liên hệ đến tổng đài 1800 6148 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn chi tiết hơn nhé!

Điểm: 4 (8 bình chọn)

{{#error}}

{{error}}

{{/error}}
{{^error}}

Cảm ơn đã bình chọn!

{{/error}}

Lỗi! Xin vui lòng thử lại sau!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *