Sữa chua là món ăn tốt cho sức khỏe và phù hợp khẩu vị của mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già. Tất cả nguyên liệu sẽ tạo nên hương vị ngọt thanh kết hợp với chua nhẹ. Cùng học ngay cách làm sữa chua “chuẩn không cần chỉnh” của CET để chiêu đãi gia đình món sữa chua nhà làm thơm ngon, hấp dẫn và đảm bảo an toàn nhé!
Những Lợi Ích Của Sữa Chua Mà Bạn Cần Biết
Sữa chua là món tráng miệng phổ biến được làm từ sữa. Nhờ quá trình lên men mà sữa chua có vị chua thanh kích thích vị giác và độ sánh dẻo ấn tượng cùng với những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Các thành phần dinh dưỡng chính có trong sữa chua: protein, carbohydrate, probiotic, vitamin và khoáng chất. Sử dụng thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện thể trạng bản thân tốt hơn.
Sữa chua là món tráng miệng được mọi lứa tuổi yêu thích. Nguồn: Internet
Bổ sung các lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa
Khi bạn gặp các vấn đề như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, ăn không tiêu,… thì hãy bổ sung sữa chua vào thực đơn mỗi ngày. Bởi các vi khuẩn sống probiotic được sản sinh sau khi lên men sẽ giúp tăng cường tiêu hóa hấp thu, tăng cường chức năng miễn dịch tại đường ruột và toàn bộ cơ thể.
Tốt cho xương
Trong sữa có lượng lớn vitamin D, photpho và canxi sẽ giúp bạn phát triển, duy trì sự dẻo dai của khung xương từ đó làm giảm nguy cơ gãy xương. Đặc biệt đối những người trên 30 tuổi dùng sữa chua thường xuyên sẽ phòng ngừa được căn bệnh loãng xương.
Hỗ trợ giảm cân
Sữa chua không đường được xem là một món ăn giảm cân hiệu quả vì giúp tăng nồng độ hormone giảm sự thèm ăn, tạo cảm giác no lâu. Chính việc thúc đẩy tiêu hóa sẽ giúp ngăn ngừa hình thành mỡ thừa ở bụng, cân đối vóc dáng.
Tăng cường sức khoẻ trái tim
Theo các nghiên cứu, sữa chua làm giảm 30% nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ, 19% ở nam giới. Ngoài ra, những người bị huyết áp cao cũng được bác sĩ khuyên nên dùng sữa chua vì giúp giảm lượng muối dư thừa trong cơ thể.
Cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết
Với tỉ lệ hấp thu các chất dinh dưỡng trong sữa chua cao gấp 3 lần so với sữa tươi sẽ giúp cơ thể của bạn được cung cấp đầy đủ protein, acid béo, vitamin và khoáng chất để duy trì vận động, thể trạng sức khỏe tốt.
Công Thức Sữa Chua Nhà Làm Chuẩn Vị
Nguyên vật liệu
- 1 lon sữa đặc.
- 1 lít sữa tươi không đường hoặc có đường (tùy vào độ ngọt bạn mong muốn).
- 1 hộp sữa chua (men cái).
- Hũ thủy tinh.
- Nồi, muỗng khuấy.
- Thùng xốp hoặc nồi cơm điện dùng để ủ sữa.
Quy trình thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị hỗn hợp sữa
Cho sữa đặc và sữa tươi vào nồi và dùng muỗng khuấy đều. Sau đó, đem lên bếp đun đến khi nóng thì tắt bếp, lưu ý không đun sôi. Khi hỗn hợp nguội (khoảng 50 độ C) thì cho sữa chua men cái vào và khuấy nhẹ tay để các nguyên liệu được hòa quyện vào nhau. Tiếp theo, chia hỗn hợp sữa trên vào các hũ đựng đã được chuẩn bị.
Cho sữa đặc vào khuấy đều cùng với sữa tươi. Nguồn: Internet
Bước 2: Ủ sữa chua
Bạn có thể sử dụng thùng xốp hoặc nồi cơm điện để ủ sữa chua. Sau khi đặt các hộp sữa chua vào thùng hoặc nồi thì bạn cho nước nóng 40 độ C vào cho ngập 2/3 hũ. Đối với thùng xốp, bạn đậy kín nắp thùng và đem ủ ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào. Còn đối với nồi cơm điện, bạn sẽ cắm điện và chỉnh chế độ giữ ấm (warm) để ủ sữa chua. Thời gian ủ trung bình là từ 6-8 tiếng, thời gian ủ càng lâu thì sẽ giúp cho sữa chua của bạn càng có độ chua.
Ủ sữa chua bằng nồi cơm điện giúp bạn duy trì nhiệt độ ủ tốt hơn. Nguồn: Internet
Yêu cầu thành phẩm
Khi sữa chua sẽ được bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông của tủ lạnh. Bạn thành công với món này khi thành phẩm có độ sánh mịn, không bị tách nước, không nhớt và độ chua vừa phải.
Gợi Ý Một Số Cách Biến Tấu Cho Món Sữa Chua Quen Thuộc
Sữa chua dẻo
Để làm sữa dẻo thì bạn cần thêm nguyên liệu gelatin. Cho 20g lá gelatin đã được ngâm với nước ấm vào hỗn hợp sữa đặc, sữa tươi và sữa chua rồi khuấy đều để hòa tan. Sau đó bạn thực hiện quy trình ủ theo hướng dẫn trên.
Sữa chua dẻo mềm mịn thật hấp dẫn. Nguồn: Internet
Sữa chua nếp cẩm
Các bạn trẻ hiện nay khá thích thú với món sữa chua nếp cẩm. Hương vị mới lạ được tạo ra từ sự bùi bùi, dẻo thơm của từng hạt nếp. Khi bạn đã làm được mẻ sữa chua thơm ngon thì hãy chuẩn bị thêm nếp cẩm là có thể thưởng thức.
CET sẽ hướng dẫn bạn cách nấu nếp cẩm ủ đường đơn giản. Đầu tiên, bạn ngâm 1kg nếp cẩm với nước trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tiếng rồi vo sạch và nấu chín. Lưu ý khi nếp vừa sôi bạn cho lá dứa vào nấu cùng cho đến đi nước cạn. Cuối cùng bạn cho khoảng 100ml nước cốt dừa cùng 100g đường nâu vào và đun với lửa nhỏ trong 5 phút. Khi nếp cẩm ráo nước, dẻo thơm thì bạn tắt bếp và để nguội. Cho nếp cẩm và sữa chua vào ly và thưởng thức ngay nào.
Sữa chua nếp cẩm đang được các bạn trẻ ưa chuộng bởi hương vị đặc biệt. Nguồn: Internet
Sữa chua uống
Sữa chua uống là sư biến tấu đơn giản nhất của công thức trên. Bạn chỉ cần thêm 500ml – 1 lít nước lọc vào hỗn hợp sữa tươi, sữa đặc rồi đun ấm. Và thực hiện các bước còn lại thực hiện tương tự là có ngay món sữa chua uống dành cho những ngày hè nóng bức. Món sữa chua uống thường sẽ ăn kèm cùng các loại trái cây như dâu, kiwi, nho, việt quất,…
Một Số Điểm Cần Lưu Ý
Bí quyết để sữa chua được sánh mịn
Để sữa chua sau khi hoàn thành có độ sánh mịn như mong muốn, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Các dụng cụ làm sữa chua cần được khử trùng qua nước sôi để đảm bảo vệ sinh và chất lượng cho thành phẩm.
- Chú ý đến nhiệt độ của hỗn hợp sữa khi đun, tuyệt đối không đun sôi vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
- Sữa chua men được cho vào khi hỗn hợp sữa còn ấm, nhiệt độ khoảng 40 độ C, nếu nhiệt độ cao quá sẽ khiến men chết.
- Trong quá trình thực hiện, bạn cần lưu ý khuấy các nguyên liệu nhẹ tay và theo một chiều để sữa chua không tách lớp, bị vữa sau khi hoàn thành.
- Nhiệt độ ủ là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của món sữa chua. Nhiệt độ ủ lý tưởng là 40 độ C và bạn phải duy trì nhiệt độ này suốt quá trình ủ. Nếu nhiệt độ thấp sẽ khiến men không đủ điều kiện phát triển. Còn nhiệt độ quá cao sẽ khiến men chết và không phát triển.
- Đừng ủ quá lâu vì như vậy món sữa chua sẽ chua nhiều và ăn không còn ngon miệng nữa.
Cách thức bảo quản
Bạn nên đựng sữa chua trong hũ thủy tinh thay cho túi nilong hay hũ nhựa để đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường. Nhớ đậy kín nắp và bảo quản lạnh trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh tùy ý. Với nhiệt độ lạnh (6-8 độ C) sẽ giúp quá trình lên men xảy ra chậm hơn, sữa chua của bạn sẽ giữ được độ chua vừa phải.
Sữa chua nhà làm thì chắc chắn không có chất bảo quản nên thời gian sử dụng sẽ không lâu như sữa chua có sẵn trên thị trường. Thời gian sử dụng trung bình là 14 ngày, nếu bạn thấy sữa chua có dấu hiệu bị nhớt thì nên bỏ đi và không dùng.
“Thời điểm vàng” ăn sữa chua
Ngoài việc lựa chọn loại chất lượng, phù hợp thì thời điểm ăn đúng sẽ giúp cơ thể hấp thụ hết các chất dinh dưỡng mà sữa chua cung cấp. Trong một ngày có 3 mốc thời gian vàng để bạn thưởng thức:
Thời điểm ăn đúng giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Nguồn: Internet
Sau bữa ăn chính từ 1-2 tiếng
Khi bụng đói hoặc quá nó thì không nên dùng sữa chua vì các acid amin sẽ không tốt cho dạ dày lúc này. Bạn nên dùng sau các bữa ăn chính trong ngày khoảng 1-2 giờ. Độ PH cùng dịch dạ dày đã cân bằng tạo mội trường tốt cho các lợi khuẩn trong sữa chua phát triển tốt giúp bạn có hệ tiêu hóa tốt và cơ thể khỏe mạnh.
Lúc xế chiều
Đối với những bạn văn phòng, công việc tiếp xúc nhiều giờ với màn hình máy tính thì việc ăn sữa chua lúc xế chiều là rất tốt. Nhóm vitamin B sẽ giúp chống lại bức xạ điện tử và hỗ trợ giải tỏa áp lực giúp tinh thần tích hơn để tiếp tục làm việc.
Vào buổi tối
Trong khoảng thời gian từ 18h đến 21h là thời điểm hàm lượng canxi trong sữa chua được hấp thụ vào cơ thể tốt nhất. Điều này giúp cung cấp lượng protein cần thiết cho việc nuôi dưỡng, phát triển cơ bắp khi ngủ.
Hi vọng với công thức cùng những thông tin hữu ích ở trên đã giúp bạn có thể thực hiện và thưởng thức trọn vẹn món sữa chua giàu dinh dưỡng. Hãy tiếp tục theo dõi CET để cập nhật thêm nhiều công thức nấu ăn mới nhé!