Nộm hoa chuối là một trong những thực đơn món Á phổ biến nhất, vừa tốt cho sức khỏe lại vô cùng dễ thực hiện tại nhà. Vậy tại sao không cùng Thật Là Ngon thực hiện cách làm nộm hoa chuối Ngon – Bổ – Rẻ này ngay nhỉ?
Ở cái xứ được xem là “vựa chuối” như Việt Nam thì hẳn nhiên các món ăn làm từ cây chuối nhiều vô kể. Nào là ốc đậu nấu chuối, nộm hoa chuối, bánh chuối, chè chuối, mứt chuối v.v.. Từ khai vị sang món chính, từ món tráng miệng đến quà vặt, mặn ngọt đủ cả.
Nhưng hôm nay chúng ta sẽ chỉ bàn đến thực đơn “heo-thỳ” (healthy) thôi, thế nên Thật Là Ngon sẽ chọn món Nộm (gỏi) hoa chuối dân dã, siêu siêu dễ làm để giới thiệu đến các bạn.
Nộm hoa chuối (miền Nam gọi là gỏi) có nhiều loại tùy theo khẩu vị: có nộm hoa chuối “chay”, có loại nộm cùng với thịt ba chỉ, thịt gà hoặc tôm tươi bóc vỏ nhưng đều sử dụng hoa chuối là nguyên liệu chính. Với vị ngọt bùi thanh mát mà lại dễ tiêu, nộm hoa chuối là món ngon đổi vị lý tưởng cho ngày hè oi bức hay những ngày Tết ngán thịt.
Chàng, nàng nào đang trên đường chinh phục cân nặng mơ ước thì càng không nên bỏ qua món này đâu nha.
Nào, bắt tay làm thôi!!!
In Công Thức
from
votes
Cách Làm Nộm Hoa Chuối
Nộm hoa chuối dân dã dễ làm, thích hợp với cả những bữa ăn gia đình lẫn những bàn tiệc tùng. Thế nên, nếu phải dùng 3 từ để khái quát về món nộm hoa chuối thì: Ngon-Bổ-Rẻ là thích hợp nhất.
Chuẩn bị
20
phút
Nấu
10
phút
Tổng thời gian
30
phút
Khẩu phần:
4
người
Calories:
119
kcal
Nguyên Liệu
-
1
bắp (hoa)
chuối
300-400 g
-
100
g
xoài xanh
-
100
g
cà rốt
-
30
g
hành tây
-
30
g
ớt chuông
-
60
g
lạc rang
-
Rau thơm
húng, ngò..
-
Ớt, hành tím
Nước trộn nộm
-
2
thìa canh
nước mắm
-
3
thìa canh
nước cốt chanh
-
1-2
thìa cà phê
mật mía
-
Tỏi, ớt băm
Hướng dẫn
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Bắp chuối rửa sạch, thái sợi mỏng, ngâm trong âu nước đá có vắt thêm chanh tầm 20 phút.
-
Xoài xanh, cà rốt, hành tây, ớt chuông rửa sạch, bào/thái sợi, xóc qua với chút đường, rồi rửa ráo và ngâm nước đá 10-15 phút.
-
Rau thơm rửa sạch.
Bước 2: Pha nước trộn nộm
-
Cho nước mắm, mật mía, nước cốt chanh và nước lọc vào khuấy đều, sau đấy thêm tỏi và ớt băm tùy theo khẩu vị.
Bước 3: Hoàn thành
-
Rưới nước trộn nộm và xóc đều rồi bày ra đĩa thưởng thức.
Nutrition
Calories:
119
kcal
Bạn thử chưa?
Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!
Chi tiết cách làm nộm hoa chuối
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Nộm hoa chuối thì tất nhiên nguyên liệu chính là hoa chuối rồi. Nhưng để chọn được một bắp (hoa) chuối ngon thì bạn cần lưu ý vài chi tiết nhé.
Để làm nộm, mình hay chọn hoa của cây chuối tây (có nơi gọi là chuối sứ, chuối mật). Bạn nào nhà có trồng thì chọn bắp chuối vừa mới ra hết buồng là tươi và ngọt nhất. Không nên chọn hoa chuối tiêu vì loại này làm nộm sẽ chát và không được giòn.
Hoa chuối ngon, tươi mới là loại có màu đỏ tía sậm, vỏ căng và vẫn còn lớp phấn trắng phủ bên ngoài, khi cầm lên thì thấy chắc và nặng tay. Hoa chuối tây thường sẽ hơi dài và thuôn đầu chứ không “mập” như hoa chuối tiêu nhé.
Sau khi mua hoa chuối về, bạn rửa sạch bên ngoài, gỡ những cánh bắc cứng ngoài cùng bỏ đi hoặc nếu thích thì giữ lại để trang trí cũng được.
Cách sơ chế đơn giản và thường gặp là bạn để nguyên hoa chuối rồi thái ngang thành những lát mỏng, lúc rửa thì giũ cho tơi rối lên.
Tiếp đấy bạn chuẩn bị một âu nước đá nhé, cho vào xíu muối và vắt thêm chút chanh tươi nữa. Hoa chuối thái ra thì thả vào ngâm để giữ cho hoa trắng, rút nhựa và giòn. Trước khi thái hoa chuối, bạn nhớ chà chanh hai mặt lưỡi dao nhé, như thế để lưỡi thái ngọt và không bị dính nhựa chuối.
Nếu không có sẵn nước đá bạn có thể ngâm hoa chuối với nước vo gạo vắt chanh cũng có hiệu quả làm trắng giòn tương tự.
Một cách sơ chế hoa chuối khác là bạn tách từng cánh bắc (cánh màu đỏ tía, hồng), bỏ bớt những cánh cứng. Tiếp đến, bạn tách những bông hoa ở giữa các lớp lá bắc để riêng, tách bỏ lá đài và nhụy hoa. Cứ tách đến khi còn phần lõi hoa chuối màu trắng xanh thì ngừng lại, cắt bỏ đài rồi thái sợ mỏng như bình thường.
Bạn nào muốn tiện, mua luôn loại hoa chuối thái sẵn ở chợ thì lưu ý màu sắc sợi chuối một tí. Hoa chuối bình thường sau khi thái, ngâm chanh sẽ hơi ngả màu ngà ngà chứ không trắng phếu như loại đã ngâm qua hóa chất nha.
Về phần xoài xanh, cà rốt bạn bào sợi, cho vào ngâm với nước đá tầm 15 phút rồi vớt ra để ráo.
Với hành tây và ớt chuông thì bạn thái mỏng và xóc với chút giấm đường để khử mùi hăng rồi ngâm với nước đá tầm 10 phút để giữ độ giòn.
Rau thơm trộn gỏi mình chỉ dùng rau húng, bạn nào thích dùng ngò, quế… thì thêm vào nha.
Bước 2: Cách Làm Nộm Hoa Chuối – Pha nước trộn nộm
Một đĩa nộm ngon thì công lao phân nửa thuộc về nước mắm trộn. Tuy nhiên, công thức nước trộn của các món nộm không khác nhau nhiều lắm, chủ yếu nhấn vị chua ngọt nên bạn có thể gia giảm tùy theo khẩu vị nhà mình nha.
Bạn cho mật mía vào dầm với nước cốt chanh khoảng 2-3 phút, sau đấy thêm mắm vào khuấy đều, cuối cùng thêm tỏi ớt băm nhỏ.
Mình thấy pha mắm nộm dùng mật mía thì vị đậm đà hơn nhưng nhà bạn nào không có thì thay thế bằng đường nâu hoặc đường cát trắng đều được.
Mắm pha bạn cũng lưu ý một tí nhé. Nếu nhà dùng các loại mắm thủ công như mắm Nam Ô, mắm Phú Quốc thì thì vị sẽ hơi mặn và mùi nồng một tí; bạn chỉ cần giảm lượng mắm một chút là được.
Bước 3: Cách Làm Nộm Hoa Chuối – Hoàn thành
Nộm hoa chuối ngon phải có vị chua của chanh, chút ngọt của đường/mật mía, hơi cay the the của ớt, vị bùi của lạc rang quyện với vị chát chát ngọt ngọt của hoa chuối. Và tất nhiên không thể thiếu vài cọng rau húng thơm thơm rồi.
Bạn nào thích thì phi thêm một ít hành rắc lên nộm để tăng hương vị nhé.
Với các món nộm, khi nào gần dùng bạn hẵng rưới nước trộn để nộm không bị ỉu mềm nha. Yêu cầu thành phẩm món này rất đơn giản, chỉ cần hoa chuối và các nguyên liệu khác giữ được độ giòn, không bị thâm đen, vị đậm đà không bị đắng là đạt.
Trên đâu là công thức làm nộm hoa chuối chay đơn giản. Các bạn có thể sử dụng thêm một số nguyên liệu như thịt lườn gà luộc, tai heo hay sứa để món ăn thêm dinh dưỡng mà vẫn “heo-thỳ” nha.
Một số kiểu nộm hoa chuối khác
Đối với món nộm, bạn chỉ cần thêm bớt vài nguyên liệu thì đã cho ra một hương vị mới. Một số loại thực phẩm còn mang những dược tính nhất định có lợi cho sức khỏe. Vì thế nếu biết kết hợp những nguyên liệu có ích với nhau sẽ càng nâng cao hiệu quả với cơ thể chúng mình.
Dưới đây mình sẽ giới thiệu thêm một vài công thức nộm ít đạm để các bạn tham khảo nhé.
Cách làm nộm hoa chuối ngó sen
Để làm món này ngoài những nguyên liệu chính bạn cần chuẩn bị thêm khoảng 200-300 g ngó sen. Các bước sơ chế nguyên liệu bạn làm như mình đã hướng dẫn ở bước 1 trong công thức trên. Riêng ngó sen, bạn nhặt sạch, cắt khúc vừa ăn rồi ngâm với nước giấm đường cho ngó giòn và trắng.
Sau khi chuẩn bị các nguyên liệu, bạn pha nước trộn nộm như ở bước 3 và cho các nguyên liệu vào trộn đều là món nộm hoa chuối ngó sen đã sẵn sàng.
Ngó sen và hoa chuối đều là những thực phẩm giàu chất xơ vì thế đây là thực đơn lý tưởng cho những người muốn cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa nhằm kiểm soát cân nặng. Hàm lượng vitamin C và khoáng chất khá cao có trong ngó sen cũng giúp ngăn ngừa và cải thiện đáng kể tình trạng lão hóa da đấy.
Cách làm nộm hoa chuối ốc cay kiểu Thái (Yum Hua Plee)
Đặc trưng của ẩm thực Thái là vị chua, cay và hầu hết các món ăn đều sử dụng nước dừa. Nộm hoa chuối kiểu Thái cũng không ngoại lệ.
Để làm nộm hoa chuối ốc cay kiểu Thái bạn cần chuẩn bị: hoa chuối, ớt xiêm, chanh, hành tím, tương ớt, nước mắm, ốc bươu luộc, nước dừa và ngò rí.
Người Thái làm nộm hoa chuối lúc nào cũng chẻ bắp chuối làm tư, chà chanh lên các bề mặt để bắp chuối không xỉn màu rồi rút bỏ những hoa chuối non, sau đấy mới thái sợi mỏng và ngâm nước đá chanh. Riêng ốc bươu thì hơi mất thời gian sơ chế một chút.
Khi mua ốc bạn chú ý chọn những con ốc có vỏ mỡ trơn bóng, mày ốc nằm sát miệng vỏ, ốc còn sống khi sờ đầu mày nó sẽ rụt ra rụt vào. Những con ốc có mày thụt vào trong vỏ và có mùi hôi là ốc chết, không nên chọn nhé.
Ốc mua về bạn ngâm với nước vo gạo có cho thêm ít ớt thái lát, ngâm khoảng 2-3 giờ cho ốc nhả hết chất bẩn. Tiếp đấy, bạn lãi bỏ vỏ ốc, phần thịt ốc bạn bóp qua với muối hạt hoặc giấm để khử mùi tanh và chất nhầy nhớt. Sau đó, bạn mang ốc đi hấp với ít sả và lá chanh rồi để nguội, cắt nhỏ vừa ăn.
Phần nước trộn nộm kiểu Thái sẽ hơi khác với mình. Vì nhấn vị chua cay nên ngoài ớt tươi người ta sẽ cho thêm tương ớt chưng, trộn đều với hành tím thái mỏng và nước cốt chanh.
Sau đấy, bạn mới cho lần lượt ốc và hoa chuối vào trộn. Cuối cùng là rưới nước dừa, đảo đều cho ngấm gia vị rồi bày ra đĩa. Nhớ rắc thêm một ít ngò rí cho thơm nha.
Món nộm hoa chuối ốc cay này tùy vào khẩu vị gia đình mà bạn gia giảm gia vị cho vừa miệng.
Một lưu ý nhỏ với món này là dù rất bổ nhưng vì ốc bươu có tính hàn, dễ gây lạnh bụng nên món này sẽ không thích hợp với những người mắc các bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa… nhé.
Hơn nữa các món ốc giàu đạm cũng không thích hợp dùng kèm rượu, bia đâu, sẽ gây tích tụ đạm dẫn tới nguy cơ bị gout hoặc tắc nghẽn mạch máu vô cùng nguy hiểm đấy.
Cách bảo quản hoa chuối tươi
Hoa chuối đã thái sẽ không bảo quản được lâu nên bạn dùng chừng nào thì thái từng ấy nhé.
Về phần hoa chuối tươi mua về nhưng chưa dùng ngay hoặc dùng không hết thì bạn có thể lấy màng bọc thực phẩm bọc kín bắp chuối rồi cất vào tủ lạnh.
Nếu không có màng bọc thực phẩm, bạn dùng dây cột chặt đầu hoa chuối lại, cho vào túi ni lông buộc kín rồi cất tủ lạnh cũng được.
Cách này có thể giúp bảo quản hoa chuối được từ 3-5 ngày.
Tác dụng của hoa chuối
Trong đông y, hoa chuối cũng được xem là một vị thuốc. Nó có vị ngọt chát, tính hàn. Hàm lượng các chất khoáng, đặc biệt là chất xơ và các chất chống oxy hóa trong hoa chuối khá cao nên rất tốt với những người mắc bệnh mỡ máu hoặc tiểu đường.
Và do giàu chất xơ nên hoa chuối giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn, đồng thời làm giảm tình trạng thèm ăn. Vì thế các món ăn làm từ hoa chuối thường được các chuyên gia dinh dưỡng đưa vào thực đơn cho những người mắc chứng thừa cân béo phì.
Hơn thế, chất xơ trong hoa chuối còn có thể hạn chế những cơn đầy hơi do axit và ngăn ngừa trào ngược. Việc bổ sung các món ăn làm từ hoa chuối cũng sẽ giúp hệ tiêu hóa cải thiện đáng kể nhu động ruột, nhờ đấy làm giảm tình trạng táo bón và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Các chất chống oxy hóa có trong hoa chuối như tannin, axit flavonoid,… giúp trung hòa các gốc tự do, giúp cơ thể ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư.
Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú thì việc tăng cường hoa chuối vào thực đơn sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu máu thai kỳ và kích thích tuyến sữa. Bên cạnh đó, lượng ethanol có trong hoa chuối có tác dụng kháng khuẩn và thúc đẩy tiến trình chữa lành vết thương. Thế nên trong giai đoạn sắp sinh, các mẹ bầu nên tích cực sử dụng hoa chuối nhé.
Thời kỳ sau sinh các mẹ bầu có thể mắc chứng trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng việc cho con bú sẽ khiến các mẹ e ngại trước chỉ định dùng thuốc. Đừng lo, nếu tình hình không quá nghiêm trọng thì lượng magie dồi dào có trong hoa chuối có thể phần nào giúp bạn cải thiện tâm trạng và giảm lo âu đấy.
“We are what we eat!” (Chúng ta là những gì chúng ta ăn!) – Hipocrates.
Hẳn bạn cũng như mình, đồng ý với Hipocrates phải không?!
Tất cả những gì chúng ta đưa vào cơ thể đều sẽ có những tác dụng và ảnh hưởng nhất định với sức khỏe. Vậy nên giữa những món ăn ngập tràn thịt thà giàu đạm, thi thoảng bổ sung vào thực đơn nhà mình những món gỏi theo mùa như nộm hoa chuối, nộm sứa,… là rất cần thiết.
Mong rằng công thức nộm hoa chuối thanh đạm Thật Là Ngon mang đến hôm nay sẽ có ích với các bạn. Và đừng quên chia sẻ với chúng mình những ý kiến đóng góp cũng như kinh nghiệm của bạn ở dưới comment nha!
*Ảnh nguồn Internet
0
Shares