Dạo gần nghe các chị em rỉ tai nhau rằng dùng giấm táo có thể giảm cân. Thế nên hôm nay Thật Là Ngon sẽ mang đến cho bạn cách tự làm giấm táo 🍎 tại nhà. Và sau đó chúng mình sẽ “bóc phốt” chút xíu về những lợi hại của “bạn” giấm táo nha!
Từ nhiều ngàn năm trước, loài người đã tạo ra và sử dụng giấm như một thành phần dùng trong nấu nướng và y học.
Giấm được phân loại thông qua nguyên liệu và màu sắc, chủng loại khá đa dạng: từ giấm trái cây (táo, vải, hồng, mộc qua…), giấm ngũ cốc (gạo, lúa mạch, kê, mao lương..), đến giấm làm từ các đồ uống có cồn (rượu nho, rượu vang).
Tuy nhiên tùy vào mục đích sử dụng mà người ta sẽ chọn loại giấm thích hợp. Những loại giấm phổ biến thường thấy nhất là giấm gạo, giấm táo, giấm rượu và giấm balsamic.
Hôm nay, Thật Là Ngon sẽ hướng dẫn bạn làm một trong những loại giấm trái cây siêu “hot” dạo gần, đó là giấm táo. Loại này vô cùng dễ làm, thậm chí bạn có thể tận dụng ngay cả vỏ và lõi táo thừa để làm giấm nữa đó.
Nào, bắt tay làm thôi!!!
In Công Thức
from
votes
Cách Làm Giấm Táo
Giấm táo không khó thực hiện và nếu biết cách sử dụng hợp lý thì sẽ mang lại rất nhiều ích lợi cho sức khỏe.
Chuẩn bị
30
phút
Thời gian ngâm giấm
30
ngày
Tổng thời gian
30
ngày
30
phút
Khẩu phần:
500
ml
Calories:
3
kcal
Nguyên Liệu
-
1
kg
táo
-
1
lít
nước sôi nguội
-
100
g
đường cát
có thể thay bằng 80 g đường phèn hoặc 10 thìa canh mật ong
Dụng Cụ
-
Hũ, lọ thủy tinh
-
Vải xô mắt dầy
Hướng dẫn
Bước 1: Sơ chế táo
-
Táo ngâm nước vo gạo pha xíu muối tầm 20 phút rồi rửa sạch, để ráo.
-
Cắt táo thành những miếng nhỏ, để nguyên vỏ và hạt.
Bước 2: Ngâm giấm táo
-
Đổ táo và đường vào hũ thủy tinh, cứ 1 lớp táo 1 lớp đường xen kẽ, đến khi đầy ¾ hũ thủy tinh.
-
Đổ nước ngập táo đến cách miệng hũ khoảng 2 lóng (đốt) tay.
-
Đậy bằng vải xô dầy, dùng dây buộc miệng hũ.
-
Để chỗ râm thoáng mát trong 2 tuần. Vài ngày lại khuấy 1 lần. Nếu có váng màu nâu hoặc hơi xám ở phía trên thì hớt bỏ đi.
-
Sau 2 tuần thì lọc xác lấy dung dịch đổ vào lọ thủy tinh và tiếp tục để lên men trong 2-4 tuần nữa
Bước 3: Hoàn thành
-
Khi giấm bắt đầu có mùi thơm và vị chua ngọt là được.
Nutrition
Calories:
3
kcal
Bạn thử chưa?
Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!
Cách làm giấm táo chi tiết
Bước 1: Sơ chế táo
Để có được mẻ giấm táo ngon bạn nên tranh thủ làm giấm vào mùa thu. Tầm quãng tháng Tám đến tháng Mười là đương mùa, táo sẽ tươi mới và ít bị hư hỏng hơn những mùa khác. Đặc biệt tầm tháng 9 sẽ có táo mèo, một loại táo rừng có nhiều dược tính rất tốt.
Nếu bạn mua táo mèo để ngâm giấm thì bạn nên chọn những quả vỏ hơi sần nhám, màu quả hơi vàng, hình bầu dục hoặc thuôn đầu một chút. Khi bổ ra thịt táo trắng, giòn chắc và có vị chua hơi chát. Táo làm giấm bạn đừng chọn những những quả chín quá.
Bạn nào dùng táo thường thì chỉ cần lựa những quả vỏ căng, tròn đều và cầm nặng tay. Khi mình búng nhẹ vào quả táo thì nó phát ra âm thanh giòn rõ.
Lưu ý nhỏ là bạn đừng chọn những quả đã rụng cuống hoặc cuống bị héo nhé. Với những quả táo trông rất tươi nhưng cuống quả có vấn đề thì khả năng lớn là hàm lượng chất bảo quản khá cao.
Táo có rất nhiều giống khác nhau, mỗi loại sẽ cho ra màu sắc, mùi và vị giấm khác nhau. Bạn có thể làm mỗi loại một ít để tìm ra loại giấm táo mà mình thích.
Mình thì hay dùng táo xanh Granny Smith. Loại này cho ra giấm có vị chua hơi đậm một chút, với cả nó rất dễ kiếm và giá cả cũng phải chăng nữa. Bạn nào thích giấm ngọt thơm thì có thể tìm mua các giống táo Fuji của Nhật, tuy nhiên giá thành loại này sẽ hơi cao một xíu.
Và nếu được bạn nên thử làm giấm từ táo Hidden Rose nha, loại này cho ra màu giấm khá đẹp.
Nói sơ việc chọn nguyên liệu như thế, giờ mình bắt tay vào làm nhé!
Táo mua về bạn ngâm nước vo gạo pha thêm chút xíu muối tầm 20 phút để khử dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên vỏ, rồi rửa sạch và để ráo. Sau đấy bạn cắt táo thành những miếng nhỏ, không cần bỏ vỏ và hạt nhé.
Ngoài việc ngâm táo quả, bạn có thể tận dụng vỏ và lõi táo để ngâm giấm cũng được.
Bước 2: Lên men giấm
Bạn xếp táo vào hũ thủy tinh, cứ một lớp táo xen kẽ một lớp đường cho đến khi đầy ¾ hũ.
Trong công thức giấm táo này mình dùng đường cát trắng hay đường tinh. Bạn nào dùng đường phèn thì nên giã nhỏ đường ra hoặc nấu nước đường trước, để nguội hẵng đổ vào ngâm với táo. Bạn không nên dùng đường có màu làm giấm táo bị sậm màu không trong đẹp.
Tiếp đấy, bạn đổ nước ngập táo đến cách miệng hũ khoảng 2 lóng (đốt) tay. Chừa ra như thế để khi táo lên men, sinh bọt khí thì nó không bị nén tạo áp suất làm bật nắp.
Và để giữ cho táo luôn ngập trong nước thì bạn có thể dùng vỉ nén chèn thực phẩm đặt lên bề mặt. Vỉ này có rất nhiều kích cỡ cho bạn thoải mái lựa chọn, lại làm bằng nhựa nên việc vệ sinh và bảo quản cũng dễ dàng hơn nhiều.
Trước đây chưa có vỉ nhựa, mình hay dùng vỉ đan bằng mây hoặc tre già ngâm, loại này khi dùng phải tiệt trùng phơi phóng hơi mắc công chút xíu.
Ngoài vỉ nén, trên thị trường hiện nay còn có bán những loại hũ chuyên dụng cho ngâm, muối thức ăn khá tiện lợi. Bạn có thể tham khảo để tìm mua nhé.
Trong 2 tuần đầu, giấm táo vẫn cần không khí để tạo điều kiện lên men nên bạn chỉ cần bịt kín miệng hũ bằng vải xô dầy và dùng dây buộc chặt miệng hũ.
Với điều kiện nóng ẩm của nước mình thì bạn chỉ cần để hũ táo vào nơi khô ráo, râm mát một tí và cứ vài ngày bạn lại khuấy một lần cho hơi men bay bớt là được.
Để đẩy nhanh quá trình lên men bạn thể cho vào hũ 1-2 thìa cà phê giấm táo “mồi” nhé. Nếu bạn thấy hũ táo có váng màu nâu hoặc hơi xám ở phía trên thì khoan hẵng giật mình, cứ hớt bỏ đi thôi.
Sau 2 tuần, bạn lọc xác lấy dung dịch đổ vào lọ thủy tinh. Phần xác táo sau khi cho vào khăn xô vắt hết nước cốt, bạn có thể làm thức ăn cho gia súc gia cầm hoặc ủ phân hữu cơ nhé.
Phần dung dịch thu được bạn để lên men tiếp tục trong 2-4 tuần nữa, khi giấm bắt đầu có mùi thơm và vị chua ngọt là có thể dùng được.
Mình thấy một số bạn hay dùng giấm gạo thay cho nước lọc để làm dịch dung khi ngâm giấm táo. Cách này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình lên men của táo. Tuy nhiên, khi dùng giấm thì nồng độ axit của giấm táo sẽ rất cao và không tốt cho sức khỏe. Vì thế, tùy vào mục đích sử dụng mà bạn cân nhắc chọn dịch dung nha.
Nếu mẻ giấm của bạn xuất hiện một lớp sền sệt thì chúc mừng, đó là giấm cái. Bạn có thể cất riêng hoặc ngâm trong hũ giấm để sử dụng làm “giấm mồi” trong các mẻ giấm sau này.
Nếu vùng bạn ở có táo hữu cơ, không sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật thì ngoài việc sử dụng táo nguyên quả, bạn có thể sử dụng các sản phẩm thừa như vỏ, lõi táo để làm giấm nhé. Táo bị ngả màu khi tiếp xúc không khí vẫn dùng được, chỉ cần tránh loại đã bị mốc, thối thôi.
Bạn nào ngâm giấm táo dùng cho trẻ con thì có thể dùng mật ong làm dịch dung thay đường trong công thức giấm táo, theo tỉ lệ 1 mật : 5 nước. Khi dùng mật ong, quá trình lên men sẽ chậm hơn bình thường một chút nhưng thành phẩm ra sẽ có mùi rất thơm.
Giấm táo ngâm mật bạn có thể để dành dùng cho mùa lạnh để làm ấm họng và trị ho.
Bước 3: Cách Làm Giấm Táo – Hoàn thành
Giấm táo thành phẩm sau khi thu được sẽ có mùi thơm dịu, vị chua hơi ngọt. Tùy vào thành phần nguyên liệu của bạn, giấm táo sẽ có màu vàng nhạt đến nâu đỏ sậm. Để mẻ giấm trong và không lẫn cặn tạp chất thì bạn nên lọc kỹ nhiều lần.
Không riêng gì giấm táo, các loại giấm nói chung để tránh phản ứng ăn mòn, bạn nên bảo quản trong những lọ, hũ bằng thủy tinh có nắp đậy kín và để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Đối với giấm hữu cơ tự làm, tốt nhất bạn chỉ nên làm lượng vừa đủ và sử dụng trong vòng 3-6 tháng là tốt nhất.
Cách Làm Giấm Táo – Tác dụng nổi bật của giấm táo
Tác dụng nổi bật nhất của giấm táo là hỗ trợ tiêu hóa,. Vì thế, nếu dùng giấm táo đúng cách và đúng liều lượng thì nó có thể hỗ trợ bạn trong việc kiểm soát cân nặng.
Do dược tính kháng khuẩn mạnh nên giấm táo có thể sử dụng như một loại thuốc sát trùng tự nhiên. Trong y học, giấm táo pha loãng theo tỉ lệ nhất định được sử dụng để điều trị các bệnh nấm móng và các vết nhiễm trùng sưng tấy ngoài da.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng giấm táo có thể làm giảm cholesterol và triglyceride. Thế nên nó được khuyên dùng ở liều lượng thích hợp đối với những người có tiền sử huyết áp cao và mắc các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, giấm táo còn giúp giảm lượng đường trong máu nên rất có lợi cho người cao tuổi. Các bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.
Những trường hợp đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc hạ đường huyết thì không nên dùng giấm táo vì có thể gây tụt đường cấp.
Liều lượng và cách sử dụng giấm táo
Giấm táo có nhiều tác dụng như thế nhưng để đạt được hiệu quả khi sử dụng, bạn cần chú ý mấy điểm sau:
- Nên uống giấm táo khi đói: bổ sung một chút giấm táo trước khi ăn sẽ kích thích tiêu hóa, giảm hiện tượng khó tiêu, đầy hơi, nhất là với người cao tuổi. Bạn có thể trộn giấm táo trong các món salad 🥗, vừa tăng hương vị cho món ăn lại hỗ trợ tiêu hóa nữa.
- Không uống trực tiếp giấm táo: vì axit có trong giấm táo sẽ kích thích, gây tổn thương nghiêm trọng cho thực quản và dạ dày. Đặc biệt với những người bị viêm loét dạ dày thì việc dùng giấm táo sẽ khiến tình hình trầm trọng hơn.
- Không uống giấm trước khi ngủ: vì nó sẽ lưu lại ở thực quản. Ngay cả khi đã pha loãng giấm táo vẫn có tính axit, có thể kích thích thực quản và gây trào ngược.
- Không hít ngửi giấm: ngoài việc tỏa mùi mạnh thì lượng axit có trong giấm táo có thể gây kích ứng với những người nhạy cảm, gây nóng rát đường hô hấp (niêm mạc mũi, khí quản, phổi).
- Không bôi trực tiếp lên da: bạn có thể dùng giấm táo pha thật loãng để thoa lên da, sử dụng như một loại toner. Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn về nồng độ của loại giấm mình đang dùng để tránh hiện tượng bỏng rát do axit trong giấm táo.
Tuy giấm táo có nhiều công dụng rất hữu ích nhưng vì có chứa axit nên nó được các bác sĩ khuyên dùng với một lượng hạn chế, thích hợp cho từng cá nhân cụ thể.
Việc lạm dụng sử dụng giấm táo liên lục thời gian dài có thể làm loãng xương, hỏng men răng và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng với hệ tiêu hóa.
Thế nên, nếu bạn muốn sử dụng giấm táo với mục đích giảm cân thì cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé.
Hy vọng rằng công thức cách làm giấm táo và những thông tin Thật Là Ngon mang đến hôm nay sẽ hữu ích với bạn.
*Ảnh nguồn Internet
0
Shares