Dạng đề nghị luận xã hội tuy không mới nhưng nhiều bạn vẫn chưa có cách thức để làm bài văn này, hãy cùng tham khảo qua bài viết này.
Nghị luận xã hội là một dạng đề tuy không chiếm điểm số cao trong đề thi nhưng lại là bài giúp phân loại học sinh. Bởi vì thông qua bài văn này thí sinh có thể nêu ra những quan điểm của mình về một hiện tượng trong đời sống, một tư tưởng đạo lý hay một đề vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.
Cách làm bài văn nghị luận xã hội
Một Số Khái Niệm Về Bài Văn Nghị Luận Xã Hội
Nghị luận xã hội là gì?
Nghị luận xã hội hiểu nôm na là những bài văn nói về xã hội, tư tưởng, đạo lý, đời sống…Đề tài của văn nghị luận xã hội cũng rất đa dạng, nó gồm những vấn đề về đạo lý, một lối sống đẹp, một hiện tượng tiêu cực hoặc tích cực trong đời sống thường ngày, cũng có thể là vấn đề về thiên nhiên, vấn đề hội nhập…Ngoài những tác phẩm nghị luận văn học thì tất cả các dạng văn bản khác đều được xếp vào bài văn nghị luận xã hội.
Cấu trúc của bài nghị luận xã hội
Một bài nghị luận xã hội tuy không dài nhưng thí sinh vẫn phải đảm bảo được cấu trúc của 1 bài văn bao gồm phần mở bài, thân bài và kết bài. Phần mở bài cần phải nêu ra được vấn đề trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Phần thân bài phải triển khai được các ý mà mình đã nêu ra ở phần đầu. Và cuối cùng phần kết luận phải tổng kết được quan điểm cá nhân của mình với vấn đề đó là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm.
Những Điều Phải Chú Ý Khi Làm Bài Văn Nghị Luận Xã Hội
Phân loại dạng bài
Bài văn nghị luận xã hội thường được chia thành 3 dạng là: Nghị luận về một tư tưởng đạo lý, đạo đức. Nghị luận về một hiện tượng trong đời sống hàng ngày. Nghị luận về một vấn đề xã hội trong một tác phẩm văn học. Vì mỗi một dạng bài sẽ có những cách thức để làm khác nhau nên các bạn thí sinh cần phải xác định đúng dạng đề để có hướng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Đảm bảo bố cục rõ ràng
Dù bài văn đó thuộc dạng nào đi chăng nữa chúng ta cũng phải biết phân chia bố cục rõ ràng, đây không chỉ là vấn đề hình thức mà nó còn là vấn đề về nội dung, tránh đưa bài viết lan man để người đọc không cảm thấy nhàm chán. Một bài văn có bố cục rõ ràng sẽ chứng tỏ được người viết có tư duy, biết cách sắp xếp các ý giúp bài văn mạch lạc, đồng thời cũng đảm bảo được các phần của một bài văn là: dẫn dắt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc được vấn đề.
Phải có những nhận xét, đánh giá của bản thân về vấn đề đó
Nghị luận xã hội là cơ hội để thí sinh được bày tỏ tất cả các quan điểm của mình. Vì thế bài văn nào cũng càng có nhiều góc nhìn đa chiều về vấn đề kèm với đó là các dẫn chứng cụ thể thì điểm càng cao. Để có thể làm thật tốt phần này thì học sinh cần phải tham khảo thật nhiều thông tin trên ti vi, trên internet…
Cách Thức Làm Bài Cụ Thể
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý
Đề tài của dạng bài này bao gồm các vấn đề nhận thức (lý tưởng, mục đích sống…), tâm hồn, tính cách, các quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày… Điều đầu tiên cần làm là thí sinh phải dẫn dắt, giới thiệu tư tưởng đạo lý cần bàn luận cũng như phải mở ra được hướng giải quyết ở ngay phần mở bài. Trong phần thân bài trước tiên hãy cắt nghĩa các từ khoá đó rồi mới đi khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng đạo lý mà đề yêu cầu.
Sau đó tập trung vào bàn luận từng luận điểm của tư tưởng đạo lý đó như mức độ chính xác, sâu sắc, đầy đủ… Đồng thời cũng cần đưa ra những dẫn chứng phù hợp để chứng minh quan điểm của mình là đúng. Tiếp theo đó là rút ra các bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống về tư tưởng đạo lý đó. Phần cuối cùng là kết bài, thí sinh nên đánh giá ngắn gọn, súc tích khái quát được tổng thể tư tưởng đạo lý mà mình đã bàn luận.
Nghị luận về một hiện tượng trong đời sống
Kiểu bài này thường tập trung vào những hiện tượng có thật trong đời sống hàng ngày mà bạn gặp phải, nó có thể là một hiện tượng tiêu cực cũng có thể là một hiện tượng tiêu cực. Với dạng đề này đòi hỏi người viết viết bằng nhận thức của chính bản thân, phải thể hiện được ý kiến của mình bằng phân tích và lập luận.
Cũng giống với dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý, cũng phải mở bài về một hiện tượng đời sống cần nêu được và khái quát được hướng giải quyết. Đến phần thân bài, cần giải thích hiện tượng đời sống đó, nêu ra các biểu hiện của hiện tượng đó trong thực tế , lý giải nguyên nhân và giải thích hiện tượng. Sau đó rút ra bài học nhận thức là một ý vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong mỗi bài văn nghị luận xã hội. Cuối cùng là phải đánh giá chung về vấn đề cần nghị luận ở kết bài.
Nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩn văn học
Đây là dạng đề tổng hợp, yêu cầu thí sinh ở cả mảng văn học lẫn đời sống, đòi hỏi cả kĩ năng phân tích văn học và kĩ năng đánh giá các vấn đề xã hội. Đề thường xuất phát từ một tác phẩm văn học nào đó để đòi hỏi thí sinh bàn bạc ra vấn đề xã hội, vấn đề xã hội này có thể rút ra từ một tác phẩm văn học (thơ ngắn, truyện ngắn…)
Cách thức làm bài của dạng đề này cũng giống tương tự như nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý hay nghị luận xã hội về một hiện tượng. Trên đây là một số những gợi ý về cách làm bài văn nghị luận xã hội mà các bạn thí sinh nên tham khảo trước khi bước vào kì thi quan trọng. Chúc các bạn có một kì thi hiệu quả!