Kí hiệu Rubik bao gồm những chữ cái để mô tả các bước xoay khác nhau của khối lập phương. Học được những kí hiệu này, chúng ta mới có thể tiếp tục thực hiện những phương pháp giải, từ dễ đến khó, từ 3×3 đến 15×15, vv… Suy cho cùng, nó là bước đầu tiên nếu bạn muốn giải bất cứ khối Rubik nào.
Kí hiệu Rubik 3×3 – Các chữ cái chính trong khối rubik
Để diễn đạt cho một thao tác xoay hoặc một chuỗi các vòng xoay bằng cách viết, có một số chữ cái được thống nhất nhằm xác định chính xác di chuyển cần thực hiện. Có 6 kí hiệu chữ cái cơ bản, mỗi chữ cái tượng trưng cho 6 mặt của khối Rubik, bao gồm:
- F (Front): mặt trước (đối diện với người giải)
- B (Back): mặt sau
- R (Right): mặt phải
- L (Light): mặt trái
- U (Up): mặt trên
- D (Down): mặt dưới (đối diện với mặt trên)
Xoay các mặt của rubik 3×3
Một chữ cái in hoa được hiểu là xoay 1/4 mặt tương ứng (90°) theo chiều kim đồng hồ ↻.
Một chữ cái in hoa và theo sau nó có dấu nháy đơn (‘) được hiểu là xoay 1/4 mặt tương ứng (90°) theo chiều ngược kim đồng hồ ↺.
Một chữ cái in hoa và theo sau nó có số “2” được hiểu là xoay 2 lượt đơn = 1/2 mặt tương ướng (180°) .
Lưu ý:
- Những kí hiệu xoay một mặt sẽ luôn được viết bằng chữ in hoa. Lý do tôi nói điều này vì bạn có thể sẽ nhầm với chữ cái nhỏ.
- Tác dụng của dấu nháy đơn hoặc số đằng sau áp dụng tương tự với các ký hiệu ở mục bên dưới.
- Nếu bạn quên mất cách xoay, hãy quay thẳng mặt đó về phía đối diện với mắt và tưởng tượng nó là một chiếc đồng hồ.
Xoay hai tầng cùng lúc
Một chữ cái nhỏ được hiểu là xoay cùng lúc hai tầng, bao gồm một mặt và lớp giữa tương ứng của nó. Lý do chúng ta cần thực hiện những động tác như vậy là vì nó có thể cắt giảm số lần di chuyển của bạn.
Nó cũng được chấp nhận ở hai hình thức, một là sử dụng chữ in hoa + w ở sau, hai là sử dụng chữ cái nhỏ.
Ví dụ: Rw – giống hệt với r.
Xoay toàn bộ khối
Đây không phải lượt xoay thực tế, đơn giản chỉ là bạn định hướng lại cách cầm khối Rubik mà thôi. Việc thực hiện phép quay này giúp bạn tránh được các move B hoặc D, thường chúng không tiện để xoay nhanh hay Finger Trick.
Có 3 trục quay trong toán học, bao gồm: x, y và z. Đó cũng chính là những chữ cái được sử dụng làm kí hiệu Rubik.
- x: xoay toàn bộ khối Rubik theo R (mặt R và L giữ đúng vị trí).
- y: xoay toàn bộ khối Rubik theo U (mặt U và D giữ đúng vị trí).
- z: xoay toàn bộ khối Rubik theo F (mặt F và B giữ đúng vị trí).
Các phép xoay toàn bộ khối thường được viết dạng chữ cái nhỏ, nhưng chữ cái in hoa cũng được chấp nhận và có ý nghĩa tương tự.
Xoay lớp giữa (Slice)
Có 3 lớp giữa khác nhau có trong khối Rubik 3×3, được diễn đạt bằng các chữ cái in hoa sau:
- M (Middle): xoay lớp giữa theo L (song song với các mặt R và L)
- E (Equator): xoay lớp giữa theo D (song song với các mặt U và D)
- S (Side): xoay lớp giữa theo F (song song với các mặt F và B)
Chỉ có M là kí hiệu phổ biến nhất trong các công thức phổ biến, 2 kí hiệu còn lại là E và S hiếm khi được sử dụng.
Tổng kết – Các kí hiệu Rubik 3×3 cơ bản
Kí hiệu Rubik 4×4 (hoặc các khối lớn hơn)
Tương tự như Rubik 3×3, kí hiệu Rubik 4×4 cũng xoay quanh các chữ cái và cách xoay trên. Nhưng với các bước cần xoay nhiều tầng cùng lúc, hoặc xoay các tầng bên trong ta phải dùng các kí hiệu khác. Sau đây tôi sẽ liệt kê một số kí hiệu thường dùng trong Rubik 4×4 (áp dụng tương tự cho các khối Rubik lớn hơn như 5×5, 6×6,…)
– Số thứ tự trước chữ cái. Ví dụ: 2R – Lớp thứ hai ở mặt R.
– Số nhỏ sau chữ cái. Ví dụ: R2 – 2 lớp cùng lúc ở mặt R tính từ ngoài vào (xoay nhiều lớp 1 lúc – deep turn)
Ngoài ra, với các khối Rubik lớn hơn (tối thiểu 7x7x7), chúng ta sẽ thấy cả số phía trước chữ cái và w đằng sau để thể hiện phép quay sâu:
– 3Fw: được hiểu là ba lớp ở mặt F.
– 3Fw2: xoay 3 lớp cùng lúc ở mặt F 180 độ (số 2 giống với F2 ở rubik 3x3x3).
Sau khi thuộc lòng các kí hiệu của khối rubik, bạn có thể tham khảo thêm các thuật ngữ thông dụng nhất hiện nay, giúp bạn giao tiếp tốt hơn với các Cuber khác.
Thuật ngữ Rubik liên quan đến thành tích
- Single: thành tích đơn, thành tích của một lần solve.
- Average: thành tích trung bình của 5, 12, vv… lượt solve.
- Ao5, Ao12, vv…: Ao là từ viết tắt của Average of. Ví dụ Ao5 là thời gian trung bình của 5 lần giải, được tính bằng cách loại bỏ thời gian nhanh nhất và chậm nhất, sau đó giữ lại 3 kết quả còn lại và tính trung bình ra.
- Best: thành tích tốt nhất.
- Worst: thành tích tệ nhất.
- Sub – x: thời gian nằm dưới x giây
- Inspection: thời gian được phép nhìn khối Rubik trước khi solve (15s). Từ 15-17s sẽ tính +2, từ 17s trở đi sẽ tính DNF.
- PB (Personal best): nếu một Cuber tự phá vỡ kỷ lục của chính mình, thì được gọi là FB.
- DNF (Did not finish): bạn nhận hình phạt này khi inspection quá 17 giây (cho 3×3) hoặc Cube không nằm ở đúng vị trí mà đã bấm dừng bộ hẹn giờ.
- DNS (Did not start): bộ hẹn giờ chưa chạy do nhiều lý do, nhưng bạn vẫn solve và lần giải đó được xem như chưa thực hiện.
Các kỷ lục chính thức:
- NR (National Record): kỷ lục quốc gia.
- CR (Continental Record): kỷ lục lục địa.
- WR (World Record): kỷ lục thế giới.
Qua bài viết trên về các ký hiệu và quy ước khi chơi rubik của bách hóa review sẽ phần nào giúp bạn trở thành người chơi rubik giỏi. Và có thể giải được những khối rubik lớn hơn trong thời gian nhanh nhất.