-&-
5. BÁT CƠM KỲ DIỆU
Khoảng tháng 9 năm Kỷ Mão (1939), tôi(1) cùng một số anh em từ xã Kiến An quận Chợ Mới, An Giang đến Thánh địa Hòa Hảo để diện kiến Đức Thầy, nghe Ngài thuyết pháp và trị bịnh.
Anh em và tôi đi bộ từ bến đòThuận Giang-Hòa Hảo lên Tổ Đình. Dọc đường gần Tổ Đình thấy Đức Thầy đang tổ chức một số anh em bổn đạo khiêng mấy miếu thờ thổ thần liệng xuống sông. Chúng tôi dừng lại đứng coi. Kế thấy một chiếc ghe tam bản nhỏ hai chèo, ngược nước chèo lên, trong ghe chở một bệnh nhân coi bộ nặng lắm. Đức Thầy xuống mé sông nói trổng:
-Bệnh nặng lắm hả? Đến nhà tôi ghé lại, tôi trị cho.
Mấy người dưới ghe không thấy nói gì nhưng khi ghe chèo đến bến Tổ Đình, ngọn nước đổ xuống chảy xiết quá làm ghe chèo lên nữa không nổi, phải vất vả cận lực lắm ghe mới đi nhít nhít từ từ, lúc ấy chúng tôi cũng vừa đi đến. Nghe dưới ghe có tiếng người đàn bà hỏi:
-Thưa bà, ở đây có ai trị bịnh không bà?
Chợt ngó xuống cầu ván dưới sông, tôi thấy Đức Bà đang giặt rửa gì đó, và nghe bà trả lời:
-Có thằng con tôi nó có cơn khùng khùng điên điên, chớ có ai đâu!
Hai người chèo ghe nghỉ tay vấn thuốc hút, định một lát rồi cũng chèo đi, kế Đức Thầy từ phía dưới Tổ Đình đi về, Ngài xuống cầu rửa tay và nói:
-Ủa, tới rồi sao không đem bịnh lên đi!
Hai người chèo ghe còn do dự, vì định đi nữa để kiếm thầy chửa bịnh, nhưng người đàn bà trong ghe ngồi kế người bịnh, bàn:
-Thôi đem lên ông nầy trị thử coi.
Hai người đàn ông định lấy mền trải căng ra khiêng người bịnh lên nhà. Đức Thầy vội nói :
-Làm gì mà quá vậy. Thôi thì kè cũng được mà.
Hai ông nghe theo, kề vai sát người bịnh xốc dậy, dìu từ từ lên. Thì ra bệnh nhân là một người đàn ông trạc ngoài 30 tuổi, gương mặt hốc hác nhợt nhạc, mắt lờ đờ nhìn mọi người, coi bộ yếu lắm!
Khi lên tới nhà, bịnh nhân được đặt nằm nghỉ trên bộ ván ngựa phía trên. Đức Thầy lại gần hỏi :
-Ông có muốn ăn cơm không?
-Muốn ăn lắm, nhưng e ăn không được. Người bịnh uể oải trả lời yếu ớt.
-Muốn thì ăn được chớ gì. Đức Thầy nói xong đi vào nhà sau, bới đem ra một chén cơm nguội, một chén tương hột, một dĩa chuối chát. Thầy nói như ra lịnh:
-Ăn đi! Ăn rồi hết bịnh chớ gì!
Người bịnh nghiêng mình qua gắng gượng ăn, ăn hết chén cơm. Thấy vậy Đức Thầy hỏi tiếp :
-Ăn thêm nữa được không?
-Dạ. Bịnh nhân nhỏ nhẹ trả lời và coi mòi tươi tỉnh. Đức Thầy vào nhà sau lần nữa, đem ra lưng lửng hai phần chén cơm, người bịnh đỡ lấy ăn hết. Thầy liền múc một ly cối nước lạnh đem đến cho uống.
Chúng tôi trố mắt đứng nhìn, mà lòng ái ngại cho người bịnh. Vì thấy người bịnh đã yếu-có lẽ là đau lâu lắm rồi – lại ăn cơm, mà là cơm nguội, rồi uống nước lạnh nữa. Tôi thầm lo lắng…Nhưng thấy sắc diện người bịnh bỗng dưng thay đổi: từ chỗ da mặt xanh mét khó nhìn, trở lại hồng hào tươi thắm dễ coi. Kế Đức Thầy hỏi tiếp người bịnh:
-Giờ có muốn ngủ không? – Muốn lắm! Song sợ ngủ không được.
-Muốn thì ngủ được sao lại không! Nghe tiếng nói của Đức Thầy có vẻ khẳng định sự việc. Thầy nói xong thấy bịnh nhân từ từ nhắm mắt, rồi đi vào giấc ngủ êm ái…
Đức Thầy quay sang thuyết pháp cho chúng tôi nghe. Ngài dạy cách thức vào đạo, cúng lạy, đến ăn chay, niệm Phật…
Thời gian độ hơn giờ, người bịnh trở mình thức giấc. Đức Thầy vội bước lại gần và hỏi người bịnh:
-Hồi ông lại đây tới giờ, bịnh coi có bớt phần nào không?
Người bịnh vụt ngồi dậy, mặt tươi hẳn lên, vui vẻ trả lời:
-Dạ mười phần, tôi thấy bớt hết bảy.
-Sao dữ vậy! Thầy cười và làm ra vẻ ngạc nhiên hỏi. Người bịnh nhoẽn miệng cười.
Đức Thầy vào trong nhà, khi trở ra trên tay cầm cây viết và một tập vở để ngay trước mặt người bịnh và nói:
-Ông muốn bịnh ông hết dứt hay không?
-Dạ thưa muốn, nên mới đến đây nhờ cậu trị.
-Vậy thì từ nay về sau, có ai đem nộp giấy tờ gì cho ông, ông đem cho người ta, chớ đừng có cạo sửa, viết đi viết lại, thì bịnh ông hết dứt chớ gì.
Nhìn mặt người bịnh tôi thấy ông ta có vẻ lúng túng ngại ngùng và lặng thinh không đáp, lát sau Đức Thầy ra phía trước nhà, tôi lân la lại gần người đàn bà đi theo nuôi bịnh, tìm hiểu nguyên nhân bịnh trạng của người bịnh ra sao. Được bà ấy trả lời đại ý : ông nầy làm thông phán ở Châu Đốc, làm việc hay sửa đổi giấy tờ của người ta “trắng ra đen, đen thay trắng”, để ăn tiền, có lẽ vì vậy mà vương mang bịnh nặng. Và tôi vô cùng kinh ngạc sững sờ khi thấy người bịnh sau khi chào hỏi Đức Thầy để về, bước chân của ông đi vững vàng xuống ghe, mà lòng tôi vô cùng thán phục cho “bát cơm kỳ diệu” ấy.
(1)tiếng xưng hô của người kể chuyện–
(Viết theo lời kể ông Trần Văn Điệp, Kiến Thành, Chợ Mới, An Giang)*Phụ bàn:
Trong bài Sứ Mạng Đức Thầy có viết : “…trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan…”
Cho nên từ trước đến nay, khi nói đến Đức Huỳnh Giáo Chủ khai mở đạo mầu, cứu độ chúng sanh thì người ta hay cho Ngài đã thực hiện phương pháp “tam độ nhất như”, tức gồm có : trị bịnh độ đời, thuyết pháp độ đời, và viết kinh giảng để độ đời …
Âu cũng là việc làm “tùy duyên hóa độ” chúng sanh của Ngài vậy.KIM NGÔN CUẢ ĐỨC THẦY
-“Có đeo bệnh tật vào thân
Giấy vàng xé nhỏ vái thần độ vô”
-“Thành long nước lã nên hồ
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban”-&-
6. CHƠN CHÁNH THÌ CÒN
Mùa hè năm Ất Dậu (1945) trên đường đi khuyến nông, Đức Thầy có đến địa điểm xã Kiến An, quận Chợ Mới, An Giang.
Sau thời thuyết giảng đạo pháp và khuyến tấn mọi người tăng gia sản xuất cấy cày, Ngài được ông Chủ Gương (Nguyễn Văn Gương) người ở xã Long Điền cũng ở trong quận Chợ Mới thỉnh Ngài về dùng cơm trưa tại nhà ông.Sau bữa cơm hôm ấy, ông Chủ Gương trình bày nỗi lòng trắc ẩn của ông về việc: ông có người em út tên Hà (út Hà) đang hoạt động theo Việt Minh Cộng Sản. Ông lễ phép hỏi Thầy :
-Thưa Thầy, tôi có thằng em đang theo Việt Minh. Không biết vậy rồi sao và xử trí thế nào? Thưa Thầy.
Đức Thầy trả lời với ông, lời lẽ vắn tắt:
-Làm ở đâu thì làm, miễn chơn chánh thì còn!
Ông Chủ Gương cúi đầu im lặng, nghe qua lời dạy của Đức Thầy trong lòng ông hết sức cởi mở hân hoan.
(Viết theo lời kể ông Nguyễn Văn Sóc, Kiến Thành, Chợ Mới, An Giang )*Phụ bàn:
Kinh Phật có câu:“Nhứt thiết vi tâm tạo”
Và:
“Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng thử đắc
Tố Phật giả do tha”Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy:
“Cái chữ tâm mà quỉ hay ma
Tiên hay Phật cũng là tại nó”Để tỏ rõ câu chuyện bên Thầy kể trên, chính Đức Thầy có lần khẳng định :
“Làm gian ác là quỉ là ma
Làm chơn chánh là Tiên là Phật”.Tóm lại, con người dù sống ở cương vị nào, thời đại nào mà biết giữ tâm mình chơn chánh, làm việc chơn chánh thì sẽ “còn mãi” tiếng tốt danh thơm và đâu mất quả vị Phật, Tiên, Thần, Thánh.
-&-
7. DỐT MÀ BIẾT CHỮ
Khoảng tháng chạp năm Kỷ Mão (1939) tôi (1) và một số anh chị em ở xóm cùng đi đến Hòa Hảo viếng Đức Thầy, xin được quy y và nghe Thầy nói đạo.
Sau khi quy y và nghe pháp mầu, tôi chấp tay cung kính chào Thầy để về, Thầy đứng nghiêm trang cúi đầu thủ lễ với tôi và sau đó vói tay lấy trên bàn quyển “Sám Giảng (quyển 3) trao tặng tôi. Tôi cúi đầu bạch Thầy:
-Thưa Thầy tôi không biết chữ!
Với giọng từ ái, Thầy khẻ bảo tôi:
-Ậy! Đem về đi, đọc rồi biết chữ chớ gì!
Tôi cúi đầu:-Dạ. Rồi hai tay kính cẩn nhận quyển giảng ra về…
Chiều lại, khi tôi nằm nghỉ trên chiếc võng đong đưa, bỗng nghe ở lồng ngực trống rỗng lạ kỳ, nhớ lại quyển giảng Thầy cho lúc sáng, tôi vụt ngồi dậy đem ra đọc. Ô hay ! tôi đọc từng câu chữ trong quyển giảng được, tôi mừng quá ! Rồi sự phấn khởi mừng vui tăng dần, đọc mỗi lúc âm thanh cứ lớn lên mãi…làm ông nhà tôi (1), có lẽ hơi khó chịu, nên nói:
-Cái bà nầy sáng nay đi chùa, bộ ai đó nhập vào, sao mà giờ đây đọc giảng đọc kinh um sùm vậy cà?
Thậm chí đến ông anh chồng tôi cũng nói:
-Nghe nói thiếm bảy xưa nay không biết chữ, sao nay lại đọc giảng xuôi rót. Lạ quá!
Và cũng bắt đầu từ đó những bài văn vần trong Thi Văn Sấm Giảng của Đức Thầy, bài nào miễn văn vần là tôi đều đọc được hết.
(1) (Viết theo lời kể bà Đặng Thị Gấp, 95 tuổi, Kiến Thành, Chợ Mới, An Giang)
(2) người thuật.*Phụ bàn:
Từ xưa nay các đấng giác ngộ đều tùy theo cơ duyên mà hóa độ chúng sanh. Sự
khai ngộ cho đồ chúng cũng tùy theo đời sống, trình độ của mỗi người.
Đọc chuyện bên Thầy trên, ta thấy Đức Thầy đã dùng huyền năng khai ngộ trí sáng cho môn nhơn. Một người không biết chữ như bà Đặng Thị Gấp nói trên, được Thầy khai ngộ cho biết đọc
giảng kinh. Âu cũng là:“Duyên lành rõ được khùng điên
Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”KIM NGÔN CỦA ĐỨC THẦY …
“Đức Lục Tổ ít tai dám sánh
Người dốt mà nói pháp quá rành
Lựa làm chi cao chữ học hành
Biết tỏ ngộ ấy là gặp đạo.”
…-&
8. TẤM LÒNG PHẬT
Khoảng cuối năm Kỷ Mão (1939), vào một buổi sáng sớm chúng tôi đến Tổ Đình Hòa Hảo nghe Đức Thầy thuyết pháp. Số người mộ đạo nghe pháp rất đông. Có số đang lãnh bài nguyện quy y, người chờ chực hốt thuốc… Kẻ tới người lui, quần tụ đông đảo.
Bao nhiêu gút mắc, nghi ngờ của quần chúng về giáo lý Phật đà, khi hỏi đến, được Đức Thầy ứng đáp trôi chảy mạch lạc, không chút “bựa” lời.
Đức Ông -thân sinh Đức Thầy -rất lo lắng cho số đồng đạo đến mỗi ngày mỗi đông hơn, trong khi Đức Ông lại được tin: lính của cai tổng Pho luôn rình rập! Từ chỗ lo lắng dẫn đến bực dọc, mặc dù thấy Đức Thầy: “miệng nhít môi đầy văn tao nhã”.
Đức Ông hai tay chấp sau lưng bước qua nhà Ông Út Quốc (bào đệ Đức Ông) miệng lẩm bẩm:
-Phật thì từ bi chi Phật. Còn Phật gì lanh quá lanh, mà nói Phật Phật!
Sau đó Đức Ông quày về nhà, vừa lúc Đức Thầy thuyết pháp xong, Ngài bước lại gần Đức Ông, tay vịn vai Đức Ông, Thầy nói:
-Ông Cả à! Phật từ bi chi Phật là Phật bằng cây, bằng đá không độ được ai. Ông Cả à!
Tôi đứng gần bên nghe rất rõ, lòng miên man suy nghĩ qua câu nói của Thầy.
(Viết theo lời kể Nguyễn Văn Quế -Hưng Nhơn, Hòa Hảo)*Phụ bàn:
Đọc “Chuyện bên Thầy” trên, ta thấy Đức Ông vì lo lắng cho phần xác Đức Thầy nên sanh ra bực bội mới nói những lời dỗi hờn vậy thôi. Chứ thật ra:
“Phật là tả đục hữu xông,
Sang tây cứu thế qua đông độ đời
Chớ đâu có cứ ngồi một chỗ
Giữ chùa chiền chuông mỏ kệ cơ
Không làm cho kẻ nào nhờ,
Tu hành như thế bao giờ cho nên”. (TS)
Kinh Phật chép:“Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện cõi đời”
, đủ chứng minh cho ta thấy rằng : lòng từ bi của Phật thiết tha chan chứa thắm khắp vạn loại chúng sanh, muốn cứu khổ ban vui cho muôn loài.
Theo dõi bước truân chuyên lợi sanh hoằng pháp của Đức Thầy, ta thấy Ngài luôn luôn thi thố tất cả hạnh lành, miễn sao đem lại phúc lợi cho quần chúng. Ngài đã phơi bày tâm trạng ấy, qua cuộc phỏng vấn của ký giả Hồn Quyên: “…Cái hành đạo đúng theo ý nghĩa xác thực của nó là làm thế nào th
ể hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thực tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phúc lợi cho toàn thể chúng sanh…”
Với tấm lòng từ bi bao la rộng lớn của bậc đại giác, Đức Thầy có lần đã hạ bút:
“Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,
Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.Âu cũng là đại nguyện thiết tha của Ngài!
KIM NGÔN CỦA ĐỨC THẦY
“Bể trần sóng cuộn lao xao
Xông thuyền bát nhã lướt vào một phen
Quản chi lực kém tài hèn
Dầu đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu
Soi từ đài các xá lều…”…
-&-
9. THẦN THÔNG VAY MƯỢN
Vào năm 1944, không còn nhớ rõ ngày tháng, khi Đức Thầy tạm trú tại hai căn phố đường “lơ pheo”, Sài Gòn. Tôi (1) cùng một số anh em đồng đạo đến ở chung với Đức Thầy để ẩn lánh Việt Minh và Pháp.
Một hôm trên căn gát, có mặt Đức Thầy, tôi thầm ao ước: Phải chi mình có chút thần thông để thấy biết ở quê mình lúc nầy ra sao? Vì tôi có người bạn tu phát huệ, theo lời ông ta thuật lại là ông ta biết rõ ý niệm và nghe thấy tất cả sự vật xa gần.
Liền đó Đức Thầy bước lại gần tôi, Ngài vịn vai tôi và nói:
-Bộ ông muốn có thần thông lắm sao? Mình tu thì sau nầy phát huệ thấy biết hết chớ gì. Ông rán tu đi rồi sẽ có…Nói xong Đức Thầy lui gót xuống lầu.
Thế rồi không hiểu tại sao khi tôi có ý nghĩ nhớ nhà quá. Nhìn về quê, tôi thấy rõ mồn một, từ: gia đình nhà cửa, tới vợ con cô bác anh em. Họ nói chuyện với nhau tôi cũng nghe rõ chẳng thiếu sót câu nào.
Tôi để tâm ý hướng về miệt Cần Thơ, nghĩ coi có ai đem đổ tiếp tế lên trên nầy không. Liền đó cảnh tượng được diễn biến y như trên ti vi bây giờ (1980) vậy. Thấy bà Hương Bộ Thạnh cùng đi với một người phu trạo chèo chiếc ghe hai bổ. Trời ngả chiều, ghe tới Thủ Thừa đậu lại. Tôi còn nghe thấy rõ, anh chèo ghe bàn với bà Hương Bộ Thạnh:
-Thôi đậu ghe ở đây tắm rửa xong, rồi hả đi nghe bà? Chớ vào Sài Gòn chỗ đậu ghe nước dơ lắm !
-Ừ! Chú tắm trước đi, tôi cũng tắm nữa. Và bà hỏi tiếp: -Chú nhắm coi ghe mình chừng nào tới trển hén?
-Nếu chèo suốt đêm nay, ngày mai khoảng 9 giờ tới chớ gì.
Tôi thơ thẩn xuống lầu nhìn hai anh bạn (xin miễn nhắc tên) có bổn phận cơm nước cho Thầy và anh em. Tôi không thể giấu kín sự thấy nghe kỳ lạ đó, nên khoái trá ngỏ lời:
-Nè hai chú! Ngày mai nấu cơm dư cho hai người khách ăn nữa nhé!
Một anh nhìn tôi nguýt ngang:
-Bày đặt ăn no rồi nói dốc.
Tôi cười mơn:
-Thiệt mà chú. Đã tu rồi lẽ nào tôi nói dốc mấy chú.
-Nấu cơm nhiều nếu không có khách ăn, anh phải ăn hết à nghe.
-Ừ! Mà hai chú dám cá với tôi không?
-Cá hả? Cá thì cá. Mà… (chú ta rờ rờ túi tôi). Túi không có một đồng bạc mà đòi cá. Ý chà! Anh ta cười hề hề.
Tiền tôi thiếu gì. Một tủ của Thầy đó.Thầy dặn tôi xài lấy xài kia mà!
-Ừ ! Vậy thì hai tô hủ tiếu, hai ly cà phê nhen. Ngừng giây lát anh ta nói tiếp:
-Mà mấy giờ mới được chứ?
-9 giờ sáng. Tôi cười vui vẻ, đáp một cách quả quyết. Vì theo lời anh phu trạo, mà tôi nghe lúc ban nãy.
Quả thật, ngày hôm sau đúng 9 giờ sáng bà Hương Bộ Thạnh đi đến. Tôi mở cửa cho hai người vào. Khi hai người lên lầu diện kiến Đức Thầy, tôi vào bếp cười nắc nẻ cùng hai chú nấu cơm:
-Sao chịu thua chưa? Chiều đãi hủ tiếu, cà phê nghe hông.
-Không được đâu! Chắc anh giáo có hẹn với bà Hương Bộ sao chớ …Chớ có lý nào anh biết rõ vậy cà!
Chúng tôi còn đang dang ca cải lý với nhau, kế bà Hương Bộ Thạnh từ trên lầu đi xuống.
-Cái gì mà vui vẻ thế, mấy chú? Bà Hương Bộ Thạnh hỏi.
Chú nấu cơm vội vả trả lời và hỏi lại:
-Dạ không có chi. Nhưng thưa bà Hương ạ, có phải trước khi đến đây bà có báo trước phải không?
-Đâu có. Độ nầy khó khăn lắm! Lại với đường xá xa xôi tôi đâu có liên lạc trên nầy được.
-Đó. Đó. Thấy chưa. Chịu thua đi thôi. Tôi cười xòa và nói.
-Chịu thì chịu chớ sao. Hai ông bạn vừa trả lời vừa cười.
Xế chiều, ba chúng tôi lén Thầy đi đến Cầu Ông Lãnh ăn hủ tiếu và uống cà phê. Lúc ăn uống, một trong hai ông bạn ấy hỏi:
-Anh giáo. Anh giáo. Anh coi nhà tôi ở Rạch Giá, vợ con tôi giờ ở nhà có gì không anh?
Tôi trực nhướng mắt lên, thấy vợ anh ta đang sang xe ở bắc Mỹ Thuận, nên trả lời:
-Vợ chú bây giờ đang trên đường lên đây thăm chú. Tôi thấy đang sang xe ở bắc Mỹ Thuận. Có lẽ chiều nay khoảng 5 giờ sẽ lên tới.
-Vậy hả anh! Nếu thiệt vậy tôi thưởng anh. Anh ta rối rít vui mừng. Tôi thì hân hoan như mở cờ trong bụng, vì sắp được ăn hủ tiếu nữa.
5 giờ chiều tôi dẫn anh ta lại điểm chỗ vợ anh đang trông đợi-xéo góc đường cách chỗ chúng tôi 200 thước. Vì vợ anh ta không biết lại chỗ Đức Thầy ở có sao không, nên do dự chẳng dám đến. Thấy hai chúng tôi, cô ta vô cùng mừng rỡ. Chuyện trò giây lát, hai chúng tôi về.
Khi đến nhà, chú nấu cơm ở nhà hỏi chú kia:
-Sao có gặp chị không?
-Có. Thiệt anh Giáo tài quá!
-Anh Giáo, anh cũng làm ơn coi giùm ở nhà tôi ra sao? Anh Giáo.
Tôi cũng muốn giúp anh nầy một phen, song nhứng mắt chẳng còn thấy và hai tai chẳng còn nghe xa được nữa. Tôi giật mình đánh thót, vội trả lời:
-Giờ nầy thì tôi cũng như mấy chú rồi!
-Sao vậy? Anh ta ngạc nhiên vặn hỏi.
-Tôi cũng không biết tại sao nữa. Giờ tự nhiên như lúc bình thường. Tôi trả lời với chú nấu cơm kia mà nghe lòng mình có cái gì thèn thẹn và lương tâm cắn rứt không an. Tôi thầm nghĩ : Có lẽ sự mầu nhiệm huyền diệu ấy do Đức Thầy ban bố cho mình, an ủi mình trong lúc xa cách quê hương và cũng khuyến khích mình trên bước đường tu. Mình vì một phút dại dột đem ra khoe khoang và còn “ăn cá” để được thụ hưởng một chút nhỏ nhoi về vật chất.
Mấy ngày liền tâm hồn tôi nặng trĩu, một mối âu sầu nuối tiếc vấn vương…
(Viết theo lời ông Giáo Khương, Bình Thạnh Đông, Châu Đốc)KIM NGÔN ĐỨC THẦY …
“Dạy chúng chưa xong dạ rối bù
Mấy chục năm trường lạc chữ tu
Sanh chúng say mê, mê khó tỉnh
Bồ đề chẳng mến, ấy người ngu”.-&-
10. VÁN CỜ THỨ BA
“Muốn lánh phồn hoa, lánh thị thành,
Tìm nơi non thẳm ngỏ mai danh.
Đợi cơ thiên địa xây vần đến,
Chờ cuộc phong lôi đổi vận lành.
Sớm hứng sương trong cùng vũ trụ,
Chiều mong gió mát với trời thanh.
Xa nơi đa sự điều cao hạ,
Muốn lánh phồn hoa lánh thị thành”.Bài thơ bát cú trên, chính Đức Thầy đã sáng tác vào năm 1944 lúc Ngài ở Sài Gòn. Nội dung đã nói lên nỗi lòng trắc ẩn của Ngài lúc tạm trú giữa chốn phồn hoa đô hội, mà thời thế bấy giờ tràn ngập những “
…Sự độc đoán, sự ngờ vực đã đưa đến chỗ chia ly, mà kẻ thức thời nhìn qua sự thật không khỏi ngậm ngùi than trách…”
(Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên bố).
Cho nên, có những đêm tôi gần gũi Đức Thầy thấy Ngài ít ngủ. Ngài đi đi lại lại trong phòng, mắt đăm chiêu nhiều ưu tư lo nghĩ!
Để vơi bớt phần nào sự ưu tư ấy, có đêm Đức Thầy rủ tôi cùng Ngài chơi cờ tướng. Và xin nói rõ, nước cờ của Ngài có những thế cờ kỳ đặc. Có thể ăn hay thua chỉ là “tùy hứng”. Tôi cũng là một tay chơi cờ tướng có hạng. Thế mà nhiều ván tôi phải giật mình kinh ngạc qua lối “dàn trận” quân cờ của Ngài.
Vào một đêm, không nhờ rõ ngày tháng… -Đức Thầy cùng tôi chơi cờ. Qua hai ván cờ đầu, không biết vô tình hay hữu ý Ngài thua tôi luôn. Trong lúc sắp quân cờ để tiếp tục ván thứ ba, Ngài cười nói:
-Bây giờ Thầy cho biết trước, bàn nầy Thầy ăn à. Mà coi chừng Thầy sẽ ăn trong thế “bí”. Rán chuẩn bị để đi cho trúng nước nghe ông Giáo.
Nói xong Thầy nhường tôi đi trước. Mới đi có ba nước tôi đâm ra lúng túng trong thế cờ sắp “bí” tới nơi. Tôi rờ rẫm những quân cờ của Đức Thầy, hết con này đến con kia. Muốn ăn “xe” song thấy thế bí còn ê chề hơn nữa. Đầu óc tôi lung tung suy nghĩ. Thầy giục:
-Đi. Đi, đi chớ ông Giáo. Làm gì rờ rờ cờ Thầy hoài vậy. Rồi Thầy nói tiếp:
-Bí rồi phải không? Bí thì thua đi chớ!
-Dạ. Tôi nhỏ nhẹ thốt lời, Thầy cười xòa và nói:
-Thôi, giờ khuya rồi đi nghỉ hén ông Giáo.
-Dạ. Thế rồi tôi xuống gát đi ngủ, mà tâm trí bắt nghĩ suy về ván cờ vừa rồi. Cờ đánh mà cho hay trước sẽ “bí”, lại phải “bí”. Tôi chợt nhớ ra câu giảng của Đức Thầy ở quyển nhì:“Cờ đã thất còn chờ nước chiếu
Mà còn ăn con chốt làm chi”.Dầu tôi có ăn “xe” hay ăn “chốt” gì cũng thế thôi, cũng đi vào ngả “bí”.
Cảnh nhộn nhịp ồn ào của đô thành về đêm cũng lắng dịu, con buồn ngủ đã đưa tôi vào giấc mộng trong đêm.
Thời gian sau tôi chợt suy ra qua việc “chơi cờ tướng”, Thầy có dụng ý tiên tri và khéo dạy cho tôi bài học thực tiễn…Bởi:“Bại rồi thành lại nên tuồng,
Vạn dân hưởng được nước nguồn ma ha”.(Viết theo lời ông Giáo Khương, Bình Thạnh Đông, Châu Đốc)
KIM NGÔN CỦA ĐỨC THẦY …
-“Mặt nước biển lô nhô lặn hụp
Chim đua bay, cá lại tranh mồi
Ngọn thủy triều nô nức sục sôi
Bầu trái đất một phen luân chuyển.”
-“Nước cờ mới nay đà khởi sắc
Trổ tài hay biển lấp non dời”