>>CẢM XÚC XUÂN: Tết và “cuộc đua” lì xì con trẻ
Không biết từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi.
Lì xì là cách gọi theo người Hoa, nghĩa tiếng Việt là “Tiền mừng tuổi đầu năm”. Lì xì là tục lệ có xuất xứ bên Trung Quốc từ xa xưa, phổ biến rộng khắp các nước Á Đông, đến nay vẫn còn tồn tại. Tuy về ý nghĩa đã dần thay đổi theo thời đại, nhưng đây là một mỹ tục mang nét hay, đẹp khi thăm hỏi, chúc tụng nhau nhân dịp đầu Xuân, nhất là để người lớn bày tỏ sự ưu ái, thương mến dành cho trẻ con… bằng phong bao lì xì.
Phong bao mừng tuổi tượng trưng cho tài lộc
Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.
Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn…
Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan trọng là ở thông điệp. Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Người Việt không trực tiếp đưa tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng, kín đáo trong những phong bao lì xì đỏ thắm (màu sắc tượng trưng cho sự may mắn) và còn thơm mùi giấy mới. Việc làm này cũng thể hiện sự ý nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt khi không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết.
Bởi theo niềm tin của người Việt cũng như người dân ở các nước châu Á, đầu năm như thế nào thì cả năm sẽ như vậy, nên họ sẽ làm tất cả mọi điều có thể để tránh xui xẻo và những gì không mong muốn.
Chuyện kể rằng, thuở ấy ở xứ Trung Hoa có một loài yêu quái rất thích chọc phá trẻ con, tên gọi là con Tuỵ. Đặc biệt nó thường xuất hiện vào đêm Giao Thừa, chuyên xoa đầu trẻ con đang ngủ, khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét đến hảng loạn…
Một đêm Giao Thừa nọ, Bát Tiên (tám vị tiên) trên đường lên Thiên Đình chầu Ngọc Hoàng, bay ngang phố thị, thấy con Tuỵ rình mò trước một ngôi nhà, sắp quấy phá hài nhi đang ngon giấc. Bát Tiên hạ mây đáp xuống, báo cho gia chủ hay rằng sẽ đuổi Tuỵ giúp họ, đoạn hoá thành tám đồng tiền, nằm quanh gối trấn giữ đầu cậu bé.
Hào quang của Bát Tiên từ đồng tiền chiếu sáng khắp phòng, sợ con Tuỵ thấy không dám vào. Các Tiên gọi người mẹ dung giấy gói đỏ gói tám đồng tiền lại, đoạn giấu dưới gối hài nhi. Lát sau, con Tuỵ thò tay vào định xoa đầu đứa trẻ. Bỗng từng chùm tia sáng vàng rực dưới gối xẹt bắn khắp mình mẩy con Tụỵ, bốc cháy. Nó hoảng hổn, bỏ chạy.
>>CẢM XÚC XUÂN: Dạy trẻ cách ứng xử với tiền lì xì
Đuổi yêu quái xong, Bát Tiên bay về Trời. Cha mẹ cậu bé mừng lắm, hôm sau đem chuyện được Tiên giúp trừ con Tuỵ thuật lại cho khắp xóm làng hay biết, lại chỉ cách gói tám đồng tiền vào giấy đỏ, đặt dưới gối ra sao để đuổi Tuỵ.
Mọi người, mọi nhà có trẻ nít đều làm theo. Từ đó trở thành một tục lệ – cứ tết đến người ta lại bỏ những đồng tiền vào phong bao đỏ cho trẻ con, cầu mong chúng luôn mạnh khoẻ, chóng lớn. Đó chính là tiền Lì Xì mừng tuổi đầu năm.
Đưa phong tục trở về với ý nghĩa tốt đẹp nhất
Câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Ngày nay, trẻ em biết được giá trị của đồng tiền khá sớm. Bởi do trẻ nhỏ ngày càng được tiếp xúc nhiều với đồng tiền hơn như bố mẹ cho trẻ tiền ăn quà sáng, tiền mua sách truyện, tiền lì xì…
Ngay cả những đứa trẻ mới được 3,4 tuổi cũng đã biết: “Cháu thích tờ polyme hơn”. Cũng không ít những đứa trẻ bóc phong bao lì xì ra khi thì với vẻ mặt vui mừng, phấn khởi vì được mừng đồng tiền to, lúc thì bóc lì xì ra và thái độ không hồ hởi, tiu nghỉu với món tiền mừng tuổi đó.
Theo các nhà giáo dục học, cha mẹ nên dạy trẻ tiêu tiền cũng như hiểu được giá trị của tiền ngay từ khi trẻ biết cầm những đồng tiền đầu tiên trong đời. Vì nhiều trẻ sau khi nhận được tiền lì xì, đã dùng nó vào những việc vô bổ như chơi điện tử, mua đồ chơi, tiêu phung phí và những đồng tiền lì xì khi đó lại có thể làm hư trẻ.
Để giữ được nét đẹp của tục lì xì, TS. Nguyễn Thị Hồng, chuyên gia văn hóa cho rằng, trước hết người lớn phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng. “Cái cho không quan trọng bằng cách cho”, không quan trọng bằng cách biếu nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, cầu cho tốt đẹp… chứ không phải để mua những giá trị đó. Đưa phong tục trở về với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó, làm sao đó để phong tục này là mỹ tục đừng biến thành hủ tục.
Hãy luôn nhớ phong bao lì xì màu đỏ chỉ đơn giản là món quà may mắn đầu năm. Màu đỏ là biểu tượng của may mắn, Như ý – Cát tường – An khang – Thịnh vượng, tất cả đều chứa đựng trong chiếc phong bao lì xì. Đặc biệt, việc dùng bao lì xì còn thể hiện việc không so bì hơn thua, một sự kín đáo nhã nhặn bởi tiền mừng tuổi chỉ là tiền may mắn không quan trọng số lượng.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Từ khóa
- CẢM XÚC XUÂN
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.