Bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu
Top những bài làm văn hay bình luận về câu nói ” Lương y như từ mẫu” hay nhất của các bạn học sinh giỏi đạt điểm cao. Mời các bạn đọc tham khảo và dựa vào đây viết cho mình một bài văn bình luận về câu nói ” Lương y như từ mẫu” hay. Chúc các bạn luôn luôn học tập tốt và đạt được kết quả cao.
Bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu – Bài làm 1
Mỗi người khi trưởng thành đều sẽ lựa chọn cho mình một công việc nhất định. Chắc hẳn khi lựa chọn cho mình công việc, mỗi người đều cần phải tính toán chính xác, phù hợp với sở thích của bản thân. Thực tế trong xã hội, việc chọn cho mình một chỗ đứng rất khó, đặc biệt đòi hỏi trong nghề nghiệp cần phải có đủ đức, đủ tài. Nghề Y thực tế cũng vậy, mỗi người trong ngành cần phải có cho mình kiến thức nghề nghiệp, trên hết yêu cầu ở mỗi người trong nghề nghiêp cần phải có đạo đức như câu nói “Lương y như từ mẫu”.
Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu câu nói “Lương y như từ mẫu” là gì? Lương y được hiểu là người thầy thuốc, người bác sĩ chữa bệnh, bốc thuốc cho mọi người. Nghề Y là nghề đặc biệt, xuất hiện sớm và có lịch sử rất lâu đời. Người làm nghề Y là những con người rất khéo léo và cẩn trọng trong chuyên môn. “Từ mẫu” nghĩa là người mẹ rất là hiền lành, rất mực thương yêu con cái. Ở một góc độ nào đó, “Từ mẫu” còn là tình mẫu tử, tình cảm mà người mẹ dành cho con của mình.
bình luận về câu nói ” Lương y như từ mẫu”
Câu nói “Lương y như từ mẫu” có thể hiểu theo nghĩa Người làm nghề Y phải luôn đề cao đạo đức của nghề nghiệp. Người thầy thuốc là người phải có lòng nhân ái, thương yêu quý trọng người bệnh như người mẹ hiền chăm sóc thương yêu con mình. Người thầy thuốc trước hết phải là người giỏi, có năng lực, có đạo đức. Người “Lương y” là người không nhất thiết phải chữa hay chẩn đoán được tất cả các bệnh, mà với bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân phải luôn thân thiện, ân cần, chu đáo.
Khi đặt “Lương Y” cạnh “Từ mẫu” và dùng phép so sánh ngang bằng, nghĩa là, có thể hiểu, người thầy thuốc đối với bệnh nhân, cũng như người mẹ, đối với con mình. “Lương y” và “từ mẫu” đặt cạnh nhau cho thấy điểm tương đồng, “lương y như từ mẫu” thể hiện cho đạo đức – y đức của người thầy thuốc, phải luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết, không nhắm mắt mà làm bừa, đoán bừa. Y đức phải dựa trên nền tảng kiến thức mà mình có.
Nghề y là nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của con người. Khi ốm đau, hay thậm chí là đứt tay, người ta cũng luôn mong gặp được bác sỹ. Ngành y là ngành vô cùng cần thiết trong cuộc sống, không một quốc gia, một đất nước nào lại không cần và không có bác sỹ. Nếu một ngày thế giới không có người hành nghề y, thì sẽ không có ai khám bệnh, chữa bệnh cho mọi người.
Nghề y và những người hành nghề Y thật là quý, nhưng không phải cứ mặc áo Blue là được mọi người gọi là bác sỹ, gọi là “lương y”. Những người khoác áo Blue phải là những người giỏi trong chuyên môn nghề nghiệp, phải luôn có trí tiến thủ. Song, từng ấy sẽ thiếu nếu vị “lương y” đó không có lòng tận tụy và lòng thương người thì sẽ dễ đi đến lỗi lầm. Trong thời buổi kinh tế thị trường, mỗi người luôn phải gánh trên vai những trách nhiệm khác nhau, chúng chồng chất lên nhau và đòi hỏi một chữ “Tiền”, lấy vợ cần tiền, xây nhà cần tiền, mua xe cần tiền,.. trong khi đó, người bệnh đi khám luôn muốn nhanh chóng, kết quả chính xác,.. chính vì vậy mà một số bác sỹ trong nghề đã không từ thủ đoạn để “kiếm thêm” chút tiền bôi trơn của bệnh nhân, chút quà cáp khiến con người mờ mắt. Một số y bác sỹ mở trung tâm khám chữa bệnh đội đơn, tăng thành phần thuốc để kiếm thêm “chút ít”,.. Thế mới thấy, trong xã hội hiện đại, đồng tiền làm cho con người ta mờ mắt.
Mặt khác, một số trường hợp y bác sỹ lơ đãng trong công việc, không tập chung vào nhiệm vụ của mình, quên một số trang thiết bị y tế trong cơ thể của bệnh nhân. Hay những trường hợp chẩn đoán sai dẫn đến bệnh nhân không biết bệnh tình của mình. Hay khi bệnh nhân đi khám da liễu mà chỉ vào phòng khám xương khớp và chẩn đoán đưa ra kết quả về xương khớp. Còn rất nhiều ví dụ về tính tắc trách của y bác sỹ mà dẫn đến hậu quả không lường trước được. Thế mới thấy, đức tính: “Lương y như từ mẫu” cần phải đươc nêu cao.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người,không có nghề nào vô nhân đạo bằng thiếu đạo đức” cũng như Bác Hồ từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” quả thật đúng. Đức và tài luôn phải song song với nhau tồn tại. Tài và đức của con người giống như hai mặt của đồng tiền, khi tách rời không có giá trị sử dụng. Trong xã hội, nghề nào cũng là nghề đáng quý, nghề Y là một trong những nghề cao quý nhất. Bàn về đạo đức nghề nghiệp không chỉ riêng ngành y cần đề cao “Lương y như từ mẫu” mà tất cả các nghề cần phải có đạo đức nghề nghiệp riêng. Một người bác sỹ, một lương y, luôn cần phấn đấu trở thành từ mẫu. “Lương y như từ mẫu” luôn là kim chỉ nang cho nghề nghiệp, lĩnh vực con người cần hướng đến.
Bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu – Bài làm 2
Trong xã hội này, 2 nghề được xem là cao quý và thiêng liêng nhất, được mọi người tôn trọng và tôn vinh lên làm “thầy” đó là nghề giáo và nghề y. Chính vì mà ngạn ngữ Trung Quốc đã từng ví von rằng “ Lương y như từ mẫu” mà sau nay Bác Hồ đã dịch qua là “thầy thuốc như mẹ hiền”.
Để làm rõ điều này chúng ta cần hiểu rõ như thế nào “lương y như mẹ hiền”. Trước hết là hai chữ “lương y”, theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “thầy thuốc giỏi”. Thật ra, trong dân gian nói đến lương y, người ta người hành nghề chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Kế đến là hai chữ từ mẫu, dĩ nhiên có nghĩa là mẹ hiền. Như vậy, câu lương y như từ mẫu có thể hiểu là người thầy thuốc cổ truyền giỏi như là một người mẹ hiền. Nhưng theo cách hiểu của thời đại y học phương Tây ngày nay, người ta cũng hiểu câu đó là người bác sĩ tốt cũng như là một bà mẹ hiền.
Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” có nghĩa thầy thuốc phải giống như mẹ hiền của thời hiện đại. Người mẹ hiền thời nay không còn là người mẹ quê mùa, chỉ biết thương yêu con với tình yêu mù quáng, chỉ biết rầy la mắng mỏ con với thái độ gia trưởng. Mà là bà mẹ có học thức, biết chăm sóc con với kiến thức khoa học, giỏi tâm lý tiếp xúc, khi cần là người bạn chân tình ngang hàng con cái chứ không phải kẻ cả.
Thời nay, rõ ràng con cái dù mẹ hiền và tốt đến đâu vẫn thích tâm sự với bạn thân chí cốt của mình, sẵn sàng thố lộ tình cảm và đón nhận ý kiến của bạn bè nếu người mẹ không sẳn sàng làm bạn với con mình.
Nếu hiểu sâu sắc vừa nêu trên thì “lương y như từ mẫu” vẫn có thể áp dụng cho y học hiện đại. Thầy thuốc giỏi trong thời đại hiện nay là bác sĩ hành nghề theo y học thực chứng đã nêu ở trên. Và nếu thầy thuốc đó có tấm lòng mẹ hiền sẽ làm tốt việc phối hợp kiến thức kỹ năng chuyên môn được cập nhật những chứng cứ khoa học là thử nghiệm lâm sàng có độ tin cậy cao nhất với sự tôn trọng nỗi đau và kỳ vọng của bệnh nhân. Thầy thuốc giỏi không phán lệnh như gia trưởng mà đối xử bệnh nhân như người bạn chân tình (partnership), để bác sĩ và bệnh nhân cùng đóng vai trò quyết định phương án điều trị dựa vào chứng cứ tốt nhất.
Xem thêm:
Phân tích hình ảnh đoàn tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Như vậy, ta thấy câu “lương y như từ mẫu” nếu hiểu một cách sâu sắc vừa có thể xem là cách ví von tuyệt vời về từ ngữ vừa có ý nghĩa phù hợp với y học hiện đại dựa trên y học thực chứng.
Trong bức thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Rồi Người kết luận: “Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.
Thực tế, không chỉ trong bức thư ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói câu “Lương y phải như từ mẫu”, mà trong suốt thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 20 bức thư gửi ngành Y tế và viết rất nhiều bài báo về ngành Y tế, hay trong những lần đi thăm các bệnh viện, trạm xá, bên cạnh việc động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành Y tế nước nhà, Người thường xuyên căn dặn một câu “Lương y phải như từ mẫu” hoặc “Lương y phải kiêm từ mẫu”.
Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y, được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”
Đến tháng 6 năm 1953, cũng nhân dịp Hội nghị Y tế toàn quốc được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ngành Y tế nước nhà, trong thư Người viết: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y phải kiêm từ mẫu”
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc Chính phủ thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ vào cuối tháng 7 năm 1954. Theo đó, lập lại hoà bình ở Việt Nam; lấy vĩ truyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc; quân Pháp rút khỏi miền Bắc; miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội XHCN… Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 10/10/1954, từ 5 cửa ô, bộ đội ta đã tiến vào giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày 15/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức trở về Hà Nội. Nơi đầu tiên Người đến ở là Nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Hữu nghị)[4]. Người chọn Nhà thương Đồn Thuỷ làm nơi dừng chân trong những ngày đầu trở về Thủ đô Hà Nội không phải bởi sức khoẻ của Người, mà là để tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và bộ đội. Qua đó cho thấy, những ngày đầu giành thắng lợi, dù bận trăm công nghìn việc, vừa lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua lao động sản xuất xây dựng và kiến thiết nước nhà, vừa ra sức xây dựng và củng cố lực lượng để tiếp tục trường kỳ kháng chiến cứu nước, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới ngành Y tế.
Hiểu theo nghĩa trên, tôi nghĩ câu “lương y như từ mẫu” khó có thể áp dụng cho y học hiện đại. Khi đã nói “từ mẫu” là gián tiếp đặt vị trí của người thầy thuốc trong vai trò của người mẹ, cấp trên, gia trưởng. Người mẹ dù hiền đức vẫn là người có thể ra lệnh cho con, dù thương con vẫn có thể cho roi cho vọt. Người thầy thuốc (hay bác sĩ) thời xưa thì có thể là người ra lệnh cho bệnh nhân, nhưng ngày nay, trong thế giới y học thực chứng và bình đẳng thì bác sĩ là người ra khuyến nghị. Do đó, vai trò và chức năng của người thầy thuốc khó có thể so sánh với “từ mẫu”. Có thể (chỉ “có thể” thôi) vai trò của người y tá, nay gọi là “điều dưỡng”, thì mới tương xứng và so sánh với hành vi của người mẹ hiền.
Câu “lương y như từ mẫu” có thể xem là một cách ví von hay về từ ngữ, nhưng ý nghĩa thì khó mà phù hợp với y học hiện đại dựa vào nguyên lí của y học thực chứng. Tôi biết nói ra những suy nghĩ này là đi ngược lại tư duy đã ăn sâu vào nhiều bạn bè và đồng nghiệp, và không chừng sẽ bị chỉ trích, nhưng tôi nghĩ trong thực tế khó có một “chân lí” nào là vĩnh cửu.
Bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu – Bài làm 3
Trong cuộc sống của chúng ta nghề y là một nghề vô cùng quan trọng. Một nghề nghiệp vô cùng cao quý có tính chất cứu đời cứu người. Đúng như câu nói mà Bác Hồ thường nói với chúng ta “thầy thuốc phải như mẹ hiền”, bởi khi làm nghề thầy thuốc bạn phải có tâm, có đức, có tài thì bạn mới có thể nhìn thấy nỗi đau khổ của những người bệnh mà tận tình giúp đỡ, không vì bất kỳ lợi ích nào.
Nghề thầy thuốc là một nghề có từ rất sớm ở cả Phương Tây và Phương Đông, bởi nó liên quan tới mạng người. Khi có cung ắt sẽ có cầu, con người chúng ta sống trong cuộc sống không ai thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử, không ai là không ốm đau và mất đi. Trong quá trình chúng ta gặp khó khăn về sức khỏe, mắc bệnh thì cần có nhu cầu được cứu chữa kịp thời để khỏe mạnh, chính vì vậy mà nghề thầy thuốc đã ra đời.
Nghề thầy thuốc không chỉ ra đời sớm mà nó còn ngày một nâng cao, khả năng y học ngày càng hiện đại nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, con người đã đầu tư rất nhiều cho trang thiết bị y học, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như nghiên cứu ra nhiều loại thuốc, loại vacxin mới điều trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo mà trước kia chúng ta không thể nào cứu chữa được. Nền y học của con người hiện nay còn chữa được nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, rồi nhiều bệnh thế kỷ khác.
Câu nói lương y như từ mẫu nghĩa là gì? Theo như chúng ta có thể hiểu rằng lương y là một người làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người khác, là người cứu người cứu đời. Đã làm nghề thầy thuốc thì nên hiểu rằng chỉ cần một chút sai sót, sơ ý của mình có thể dẫn tới mất mạng của người khác, cướp đi sự sống của một con người khỏe đang sống. Chính vì vậy, làm nghề thầy thuốc cần phải có tâm và có tài. Cái tâm để cống hiến hết mình có sự nghiệp y khoa, sự nghiệp cứu người, coi bệnh nhân lên trên tất cả.
Cái tài để có thể tìm kiếm khám phá ra những phương pháp cứu chữa bệnh hiệu quả, luôn tìm tòi khám phá ra những phương thức mới, không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức trong y học đề cao nâng cao tay nghề của mình, có như thế người bác sĩ, lương y không bị tụt hậu, thụt lùi theo thời cuộc, tự mình chinh phục những đỉnh núi cao trong y khoa.
Chính vì vậy, người làm nghề lương y được coi như từ mẫu có nghĩa là người mẹ hiền lành của những người bệnh, là người mang tình thương trời biển bao la của mình cứu chữa cho tất cả bệnh nhân một cách công tâm, công bằng không vì lợi ích cá nhân, nào cả. Đó mới thật sự là một vị lương y, bác sĩ đúng nghĩa đáng trân trọng.
Xem thêm:
Phân tích bài thơ “Thề non nước” của thi sĩ Tản Đà
Câu nói “Lương y như từ mẫu” thể hiện tình cảm của người làm nghề lương y bác sĩ dành cho bệnh nhân phải xuất phát từ tình người, từ cái tâm của người thầy thuốc phải hết lòng thương yêu người bệnh của mình, chăm sóc tận tâm tỉ mỉ, cẩn trọng như một người mẹ hiền chăm đứa con bé bỏng của mình. Người làm nghề lương y, bác sĩ cần phải hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của mình trước tính mạng sự sống của mỗi người bệnh, chỉ cần người thầy thuốc, người bác sĩ đó lơ là chủ quan, hoặc vô cảm một chút là có thể dẫn tới án mạng, khiến cho người bệnh đó mất mạng ngay lập tức.
Đây là câu nói hoàn toàn đúng đắn, dù trong thời kỳ xưa hay hiện đại bây giờ thì câu nói “Lương y như từ mẫu” và là câu nói đúng đắn mà ông cha ta muốn giáo dục con cháu mình phải nhớ lấy.
Đồng thời câu nói này muốn đề cao những người làm nghề lương y, bác sĩ, những người được cả xã hội gọi bằng một từ vô cùng kính trọng yêu mến “Thầy”. Chính vì vậy, mỗi người làm nghề lương y, thầy thuốc cần phải hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình mà sống sao cho xứng đáng với tên gọi mà xã hội đã đặt cho.
Mỗi ngày người thầy thuốc, bác sĩ phải tiếp xúc, va chạm với rất nhiều bệnh nhân với những căn bệnh, vấn đề về sức khỏe khác nhau, những giọt nước mắt những nỗi buồn của người bệnh sẽ khiến người thầy thuốc, người bác sĩ có lúc cảm thấy vô cùng căng thẳng mệt mỏi. Họ thường xuyên chịu những áp lực vô hình trong công việc, khi nhìn một bệnh nhân qua đời trước mắt họ làm nghề mà chẳng thể nào cứu được bệnh nhân, khiến họ cảm thấy day dứt buồn bực.
Bởi những người bệnh nhân kia đã tin tưởng vào tài năng, đức độ của những người thầy thuốc, bác sĩ cứu chữa cho họ, thoát khỏi nỗi đau về thể xác, và tâm hồn. Người lương y, bác sĩ cần phải có những phẩm chất đạo đức, tấm lòng yêu thương con người thì họ mới có thể tiến cao trong sự nghiệp cứu đời cứu người của mình.
Trong cuộc sống của con người bất kỳ ngành nghề nào khi sai sót cũng xảy ra những điều đáng tiếc gây ra những hậu quả đau lòng nhưng nghề bác sĩ, thầy thuốc nếu có sai phạm sẽ trực tiếp giết người, làm cho bệnh nhân chết ngay lập tức chứ không từ từ gián tiếp.
Trong sự phát triển của ngành y học, trên toàn trái đất đạo đức của người thầy thuốc luôn là một vấn đề được con người coi trọng hàng đầu, bởi nó có khả năng ảnh hưởng tới tính hiệu quả, cũng nhưng tính nhân đạo trong nghề nghiệp của người thầy thuốc, của cả nền y học nói chung.
Trong quá khứ chúng ta có những nhân vật vô cùng nổi danh với tài chữa bệnh cũng như lòng nhân đạo cao quý biết thương yêu con người như Hải Thương Lãn Ông, một người làm nghề y từ rất sớm và có tâm cứu người không màng danh lợi. Ông là một tấm gương sáng cho những người học trò thế hệ ngày sau noi theo.
Trên thế giới những ai đã từng học qua nghề y đều phải đọc và tuân thủ lời thề của Hippocrate. Đây là ông tổ của ngành y học Phương Tây là người đã viết ra mười hai lời thề dành cho những người muốn theo ngành y, muốn theo sự nghiệp cứu người cao quý này.
Trong xã hội hiện đại con người ngày càng có những nhu cầu cao hơn, khoa học hiện đại, nền kinh tế khấm khá nên việc chăm sóc sức khỏe càng được coi trọng nhiều hơn. Chính vì vậy, ngành y tế, thầy thuốc trở thành một ngành nghề vô cùng thu hút nhiều nhân tài muốn tham gia
Tuy nhiên, nhiều người có tài muốn tham gia ngành y, muốn làm thầy thuốc không phải vì mục tiêu cao quý là cứu người, cứu đời mà vì ngành này hiện đang là nghề nghiệp dễ kiếm tiền, có thể mang lại mức thu nhập khấm khá và cuộc sống sung túc cho người thầy thuốc, bác sĩ.
Nhiều bác sĩ nhìn thấy nỗi đau của bệnh nhân mà vẫn thản nhiên như không, có thể ngồi ăn cơm trưa mặc bệnh nhân kêu gào thảm thiết, đau đớn vật vã, nhiều tai nạn sản khoa dẫn tới tử vong cả mẹ cả con trong những bệnh viện lớn ở nước ta, mà nguyên nhân đều do thái độ vô tâm, chủ quan của bác sĩ
Nhiều bác sĩ mổ nhầm, mổ sót, rồi mổ xong quên băng gạc, quên kéo, dao mổ trong bụng của người bệnh… thật đáng buồn biết bao. Chính vì vậy, mà toàn xã hội của chúng ta, đặc biệt là ngành y cần phải đẩy lùi những mặt tiêu cực, những điều còn thiếu sót trong y đức của những người làm nghề thầy thuốc, lương y.
Câu nói “Lương y như từ mẫu” là một câu nói hoàn toàn đúng đắn nhằm nhắc nhở thái độ ứng xử của những người làm nghề thầy thuốc, bác sĩ với người bệnh cần phải từ tốn, chân thành, chăm sóc tận tình chu đáo, chứ không phải có tiền thì mới chu đáo, còn không có tiền thì mặc kệ.
Câu nói này là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đang làm nghề y cần phải ý thức về vai trò trách nhiệm của mình với những người bệnh.
Bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu – Bài làm 4
Cuộc sống hiện đại chạy đua theo giá trị đồng tiền đôi lúc khiến con người ta quên đi những đạo lí căn bản nhất để làm người. Trong khi đó, càng vào những thời điểm như thế này, bài học làm người cơ bản được đúc kết qua những câu nói, những quan niệm, phát ngôn… càng quan trọng và ý nghĩa hơn. Câu nói “Lương y như từ mẫu” là một trong số đó.
Câu “Lương y như từ mẫu” vốn bắt đầu xuất hiện trong một bức thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27 tháng 2 năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Bác muốn nhắc nhở các cán bộ, nhân viên y tế rằng: một người thầy thuốc cũng giống như một người mẹ hiền. Hai điều kiện người thầy thuốc cần có là “Lương y” và “Từ mẫu”. Lương y tức là lòng nhân ái, thương yêu bệnh nhân. Từ mẫu là người mẹ hiền. Tất nhiên, đã là người mẹ hiền thì không mong muốn con mình bị ốm đau, bệnh tật. Như vậy, câu nói là lời nhắc nhở những người làm nghề y rằng: đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Vậy như thế nào mới là “Lương y như từ mẫu”? Một vị bác sĩ có lương y trước hết phải là một bác sĩ giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ. Người bác sĩ ấy phải có năng lực dùng kiến thức và kỹ năng của mình để chữa bệnh cho mọi người. Vị bác sĩ giỏi còn phải vững vàng về chuyên môn, luôn không ngừng học hỏi, tiếp thu cái mới, cái tiến bộ để có phương pháp chữa trị tốt nhất, hiệu quả nhất cho người bệnh. Vị bác sĩ giỏi còn phải biết cách thấu hiểu tâm lý, nguyện vọng của bệnh nhân giống như người mẹ luôn luôn hiểu được tâm tính của đứa con mình sinh ra.
Và hơn hết, lương y của người bác sĩ thể hiện ở sự tôn trọng sinh mạng con người. Cụ thể, bác sĩ phải nghĩ cho bệnh nhân trước hết, làm mọi điều có lợi nhất cho bệnh nhân, chăm sóc chu đáo, tận tụy. Giữa các bệnh nhân với nhau cũng không được phân biệt sang giàu hay nghèo hèn. Bác sĩ cần có sự công bằng và chính trực trong mọi suy nghĩ và việc làm.
Tại sao cái tâm của người làm y lại quan trọng đến thế? Bởi làm bác sĩ là công việc liên quan tới tính mạng con người. Sự sống chết của con người nằm trong tay của các bác sĩ. Chỉ một chút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách hay vô cảm của người thầy thuốc đều có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của con người.
Xem thêm:
Nghị luận văn học: Anh/ chị phân tích bài thơ vội vàng của tác giả Xuân Diệu
Nhưng mọi thầy thuốc đâu phải tự nhiên đều trở thành “mẹ hiền”, mà chỉ có thầy thuốc chịu phấn đấu, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, cách xử sự với bệnh nhân, mới có thể trở thành mẹ hiền được.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không ít các y, bác sĩ bị chi phối bởi ma lực của đồng tiền mà bỏ qua đạo đức nghề nghiệp. Đó là hành động lấy phong bì làm thước đo cho sự tận tình, ai phong bì “sang” hơn sẽ được ưu ái hơn. Đó là bỏ qua bệnh nhân nguy cấp không chữa chỉ vì họ không có khả năng thanh toán viện phí. Đó là thờ ơ, vô tư trước bệnh tình bệnh nhân khiến cho bệnh tình bệnh nhân chuyển biến xấu… Tình trạng đó báo hiệu vấn đề y đức đang đi theo chiều hướng tha hóa, mai một, xuống cấp nghiêm trọng.
Trái lại, đáng khen thay vẫn có những bác sĩ trẻ tình nguyện về các bệnh viện nghèo thăm khám, chữa bệnh từ thiện và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng khó khăn. Những con người ấy vẫn hằng ngày hằng giờ thầm lặng làm việc, cống hiến hết mình vì nghề nghiệp, góp phần làm dịu cơn đau về cả thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân theo đúng nghĩa đen của nó.
Tóm lại, trong cuộc sống, khi làm bất kì nghề nghiệp gì, đạo đức nghề nghiệp luôn là yếu tố quan trọng nhất. Như Bác Hồ đã nói “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng”. Nghề y là một nghề cao quý và giúp ích rất nhiều cho xã hội. Mong rằng những ai đã, đang và sẽ trở thành người làm về y học sẽ có nhận thức đúng đắn đề chăm sóc tốt cho người dân.
Bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu – Bài làm 5
Bên cạnh hình ảnh người thầy giáo được tôn vinh thì người thầy thuốc cũng được ca ngợi không kém. Nếu nói người thầy giáo là kĩ sư tâm hồn thì người bác sĩ chính là người bảo toàn sự sống để chúng ta có cơ hội nuôi dưỡng tâm hồn. Chính vì thế, mà mọi người vẫn cho rằng: “Lương y như từ mẫu”.
Không ngạc nhiên khi người thầy thuốc được ví như người mẹ hiền từ luôn chăm sóc cho chúng ta từng bữa ăn, giấc ngủ. Khi khó khăn, mẹ cũng là người luôn sốt sắng và lo lắng cho sự an toàn của chúng ta. Vào thời khắc sinh tử của con người, người bác sĩ có tay nghề, và tâm đức (lương y) cũng ra sức giúp đỡ chúng ta không khác nào người mẹ. Câu nói trên nhằm ca ngợi những người bác sĩ có tài, có đức đã luôn dùng cái tâm với nghề, tình yêu tương với con người để làm việc.
Thực tế cho thấy, trong xã hội, có rất nhiều những người lương y như vậy. Trước tiên hãy thử nghĩ đến sự vất vả của họ khi theo cố gắng để theo đuổi sự nghiệp. Học y chí ít là bảy năm, hơn nữa đầu vào của trường y lại luôn luôn cao hơn những ngày khác. Đặc biệt, thứ mà họ tiếp xúc hằng ngày là máu, là những bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch. Nếu người bình thường sợ đến bệnh viện, sợ mùi thuốc sát trùng, sợ những người bệnh với khuôn mặt xanh lét, sợ màu trắng lạnh lùng của giường bệnh thì đó lại chính là nơi các bác sĩ làm việc. Hơn nữa, bệnh viện chính là nơi có khả năng lây nhiễm rất cao. Các bác sĩ nếu chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể cũng có thể lây nhiễm từ người bệnh. Đó chỉ là một trong số ít những điều mà chúng ta mắt thấy tai nghe về nghề y.
Nhưng, thực sự ta cũng như đã thấy có rất nhiều những bác sĩ đã vượt lên trên những sự khó khăn mà những người bình thường khó vượt qua vượt. Chúng ta quả thật không thể nào quên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, quyết định dùng vắc-xin Sa-bin để phòng bệnh bại liệt. Nhờ vậy, từ năm 1961, số người bệnh bại liệt có tỷ lệ mắc giảm xuống còn 3,09/100 nghìn dân, mà trước đó có tỷ lệ mắc hơn 120/100 nghìn dân tại các vụ dịch bại liệt lớn trong ba năm 1957, 1958, 1959. Hay như bác sĩ Nguyễn Duy Thăng đã được rất nhiều người biết đến khi ông là người đầu tiên ở Việt Nam đẩy lui nhiều bệnh ung thư dường như cũng đã hoàn toàn bằng tế bào gốc. Với những bệnh nhân của ông thì đây quả là phép màu, là kì tích mà họ chưa từng một lần dám mơ. Chúng ta cũng từng xem một clip cảm động được chia sẻ trên mạng xã hội mới đây về một bác sĩ- giám đốc bệnh viện về hưu được tất cả các bác sĩ trong viện chia tay đầy lưu luyến. Đó chỉ là một trong số vô vàn những bác sĩ- lương y tiêu biểu đang từng ngày từng giờ cống hiến thời gian và sức lực của mình cho người dân, cho xã hội. Tất cả những cố gắng của họ sẽ luôn được người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả xã hội ghi nhận và biết ơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những người bác sĩ chân chính luôn hết mình cống hiến thì cũng có bác sĩ tha hóa về đạo đức và nặng hơn là những “đao phủ” đội lốt bác sĩ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chưa bao giờ, xã hội lại lên án gay gắt về lương tâm, tài đức của nghề y như thời điểm hiện tại. Nếu lúc trước, người dân hoàn toàn tin tưởng về bác sĩ thì bây giờ, nhiều nơi họ hoang mang đến tột độ khi để người thân của mình đến bệnh viện. Chẳng khi nào, trẻ em đến bệnh viện tiêm vác- xin để chống lại bệnh tật lại chết đột ngột một cách không rõ nguyên do. Những vụ án “dở khóc dở cười” của ngành y như: quên băng gạc trong bụng bệnh nhân, khám một đằng khâu một nẻo đã không còn là chuyện hiếm. Có nhiều người chỉ chập chững bước vào ngành y, mới biết đọc tên dăm ba loại thuốc nhưng không hề ngần ngại khi cầm dao mổ để phẫu thuật cho bệnh nhân. Và tất nhiên, hậu quả của những vụ việc như vậy đều là sự mất mát về người mà không điều gì bù đắp nổi. Không chỉ yếu kém và nghiệp vụ, một số bác sĩ lại tha hóa về đạo đức khi coi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là cái máy cấp tiền để vòi vĩnh, dọa nạt. Có tiền thì tiêm nhẹ, hết tiền thì tiêm đau không phải là câu chuyện vui vẫn kể mà lại xảy ra trong chính bệnh viện, nơi duy nhất có thể giảm thiểu tối đa nỗi đau đớn thể xác cho con người. Người ta vẫn không bao giờ quên vụ án bác sĩ Cát Tường của thẩm mỹ viện, do thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả chết người hơn nữa còn giấu xác phi tang. Quả thật, với những người bác sĩ chưa đủ tài đức, họ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho cả xã hội cái nhìn xấu đi về hình ảnh người thầy thuốc vốn đẹp và đáng được tôn vinh.
Khi Bác Hồ dành tặng cho ngành y câu nói: “Lương y như từ mẫu” không phải chỉ nhằm ca ngợi những người bác sĩ mà hơn hết là luôn nhắc nhở họ tôn chỉ làm nghề: Hãy coi người bệnh như người thân để ra sức cứu chữa. Và dù thế gian có xoay vần như thế nào thì cả xã hội sẽ luôn kề vai sát cánh bên những người bác sĩ có tài và có đức.
Cảm ơn các bạn các bạn vừa đọc xong những bài làm văn bình luận về câu nói Lương y như từ mẫu hay nhất. Chúc các bạn viết được một bài văn bình luận về câu nói “Lương y như từ mẫu” thật hay và đạt được điểm cao nhé.