Biểu diễn khoả thân giữa London gây sốc
5 tháng 8 2016
Chụp lại hình ảnh,
Nhóm nghệ sĩ Tân Tự Nhiên toả sáng bằng màn trình diễn khoả thân đầy ấn tượng vào thập niên 1980. Ảnh: Từ kho lưu trữ của nghệ sĩ Tân Tự Nhiên
“Lặng người choáng ngợp” là phản ứng của khán giả trước buổi trình diễn của những nghệ sĩ theo trào lưu Tân tự Nhiên ở Nhà hát Opera Hoàng gia ở London, nghệ sĩ Wilma Johnson, một trong những thành viên sáng lập của nhóm này nói.
Nhóm thể hiện một màn cổ vũ, trong tư thế hoàn toàn khoả thân nhưng trên mình được trang điểm bằng những hình vẽ, và trên tay họ là những trái cầu bông đặc trưng của màn cổ vũ. Họ đã khiến cả khán phòng thấy sốc.
Nhóm nghệ sĩ được diễn viên và biên đạo múa đồng thời là một vũ công ballet, Michael Clark, mời đến tham gia trong một sự kiện gây quỹ.
Sự kiện này đã trở thành ký ức thú vị nhất của Johnson. “Khi còn bé, tôi bị loại khỏi trường múa ballet vì quá vụng về,” bà nói với BBC Culture. “Vì thế, sự im lặng sững sờ trong Nhà hát Opera Hoàng gia thật tuyệt vời.”
Nhóm nghệ sĩ Tân Tự Nhiên toả sáng bằng màn trình diễn khoả thân mô tả sự gián đoạn, đối đầu, sự hỗn loạn và nhầm lẫn của dòng nghệ thuật ngầm tại London suốt thập niên 1980.
Những màn trình diễn khoả thân của họ làm khán giả kinh ngạc tại các câu lạc bộ, phòng triển lãm và rất nhiều nơi công cộng, nơi nhóm thường bất ngờ xuất hiện và ngay lập tức trình diễn theo kiểu “du kích”.
Hoang dại, phá cách và đầy khiêu khích, nhưng các nghệ sĩ này từng sớm bị rơi vào quên lãng.
Giờ đây, nghệ thuật của họ đang được khám phá lại, và họ đã tái hiện buổi diễn ở Studio Voltaire, London.
Cuộc trình diễn lồng phim và ảnh chụp vào phần biểu diễn trực tiếp, dù rằng lần này họ không khoả thân hoàn toàn.
Nói chung, cuộc trình diễn của nhóm hài hước một cách kỳ lạ.
Chụp lại hình ảnh,
Vào năm 1984, nhóm biểu diễn tác phẩm thể nghiệm “Bơi và đi dạo” ngay trước Toà nhà Centrepoint ở trung tâm London. Ảnh: Từ kho lưu trữ của nghệ sĩ Tân Tự Nhiên
Christine Binnie cùng với chị gái Jennifer, và Wilma Johnson, là những người sáng lập nhóm, tái hiện cảnh “ngư phủ và nàng tiên cá” bên ngoài toà nhà Centrepoint nổi tiếng ở ngay trung tâm London.
Bà nhớ lại cuộc trình diễn thu hút rất nhiều sự quan tâm, và trong số khán giả có cả cảnh sát: “Chúng tôi trò chuyện với một cảnh sát trong vòng 10 phút, cuối cùng viên cảnh sát đó đã không bắt giữ mà chỉ yêu cầu chúng tôi mặc áo khoác vào.”
Theo một luật định có từ thời Victoria đến nay vẫn còn hiệu lực tại Anh, thì chỉ có đàn ông bị cấm phô diễn thân thể ở nơi công cộng còn phụ nữ thì không.
Ba phụ nữ này cộng tác với một cộng đồng sáng tạo rộng lớn ở London, trong đó có một số người đạt được thành công đáng chú ý – như Michael Clark, nghệ sĩ Grayson Perry, ca sĩ Boy George, và các nhà làm phim Derek Jarman và John Maybury.
Toả sáng có thể là một từ chưa tương xứng lắm với nhóm các nghệ sĩ này, gồm các sinh viên trường nghệ thuật, người từ các câu lạc bộ, nghệ sĩ trình diễn và những nam nghệ sĩ giả gái nằm trong nhóm sáng tạo ra phong trào Tân Lãng mạn.
Jennifer Binnie nói: “Chúng tôi thuộc về cuộc sống phóng khoáng, và việc mở toang cuộc sống đó ra đã cho phép chúng tôi làm được những gì chúng tôi từng biểu diễn. Đó là cách chúng tôi thể hiện nữ tính của mình.”
Chụp lại hình ảnh,
Sử dụng hình vẽ cơ thể và đạo cụ là bông cổ vũ, các nghệ sĩ biểu diễn hài hước ngay cả với những chủ đề nghiêm túc nhất trong kỷ nguyên của nữ quyền. Ảnh: Từ kho lưu trữ các nghệ sĩ Tân Tự Nhiên
Khoả thân hoàn toàn nhưng lại vẽ trên cơ thể là phong cách ba nữ nghệ sĩ theo đuổi đến mức cực đoan, gây sốc và quyết liệt.
Đặc biệt Grayson Perry là thành viên chủ chốt của nhóm thời đó, và tham gia vào rất nhiều buổi trình diễn của phụ nữ, sau này đã mô tả các nghệ sĩ Tân Tự nhiên là “những người Bohemia thực thụ”.
Ngôn ngữ cơ thể
Tất nhiên, ba nghệ sĩ theo đuổi lý tưởng của người Bohemia từ sớm.
Với Christine, chuyến thăm Đức vào cuối thập niên 1970 là một trong những tia sáng ban đầu của nguồn cảm hứng.
“Những cô gái Đức giang hồ tắm nắng khỏa thân quanh hồ, trong khi đám dân chơi ở Anh lúc nào trông cũng xanh đớt, mặc đồ đen và ru rú trong nhà.”
Chị em Binnie được cha mẹ là nghệ sĩ giáo dục từ bé và luôn tin vào phong cách “sống tự nhiên”. Ở nhà, tự do thể hiện luôn được khuyến khích, với đồ thủ công và thức ăn trồng tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
“Tất cả chúng tôi đều yêu thích hoạt động ngoài trời,” Christine kể lại.
Thời ấu thơ, hai chị em họ cũng tham gia hoạt động hướng đạo sinh, và niềm đam mê cắm trại ban đầu sau đã theo họ đi vào những cuộc trình diễn theo trường phái Tân Tự nhiên, khi họ khỏa thân biểu diễn một nghi thức nấu ăn với một cái bếp gas du lịch.
Chụp lại hình ảnh,
Christine Binnie, nghệ sĩ đồng sáng lập của nhóm, được Wilma Johnson chụp ảnh trong cuộc biểu diễn trước Bảo tàng Anh Quốc năm 1982. Ảnh: Từ kho lưu trữ các nghệ sĩ Tân Tự nhiên
Mặc dù được thực hiện một cách vui vẻ và hài hước, có một điểm thực sự nghiêm túc trong các cuộc trình diễn của những người phụ nữ này.
“Đó là vấn đề tự do và thể hiện cơ thể phụ nữ theo cách thật tự nhiên,” Christine nói.
“Nhìn tổng quan, ba chúng tôi không phù hợp lắm vì tất cả các cô gái khác trong buổi diễn được trang điểm rất kỹ càng, ăn mặc đẹp, và những người đàn ông ăn mặc rất thời trang và cực kỳ đẹp. Chúng tôi thì theo phong cách lộn xộn, cảm xúc hơn. Chúng tôi không cố làm vừa lòng ai cả, và chúng tôi không tỏ ra gợi tình. Đây là sự tự do thể hiện.”
Nhóm nghệ sĩ cũng đối diện với một số khía cạnh không mấy dễ chịu của kỷ nguyên phong trào nữ quyền.
“Chúng tôi đặt câu hỏi liệu những nhà nữ quyền có thực sự khiến phụ nữ có thêm sức mạnh hay không,” Jennifer nói. “Trong thời cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1980, chúng tôi không phù hợp với những hình mẫu lý tưởng về nữ quyền – chúng tôi choàng khăn lông, sơn vẽ lên cơ thể và chúng tôi vui vẻ.”
Chị em nhà Binnie kể từ đó đã trở thành thợ gốm, và Wilma Johnson giờ là “một người tập lướt ván” tại một bãi biển tự nhiên ở Pháp và đã viết một quyển sách tên Surf Mama, nói về cuộc đời của bà.
Cả ba vẫn là bạn bè thân thiết của nhau qua nhiều thập niên. “Sức mạnh lớn nhất từ những việc chúng tôi làm, đó là chúng tôi chưa bao giờ trình diễn đơn độc,” Christine nói.
“Chúng tôi luôn trình diễn cùng nhóm, việc này khiến chúng tôi dám mạnh dạn hơn và trở thành một nhóm đầy sức mạnh, và đó là một phần lý do khiến chúng tôi trở lại cùng nhau trong buổi biểu diễn này.”
“Khi bạn là phụ nữ đến độ tuổi nào đó, bạn bắt đầu cảm thấy mình trở nên vô hình. Mọi người chẳng ai thèm chú ý đến bạn.”
Chụp lại hình ảnh,
Spencer Tunick với tác phẩm do 3.000 người tình nguyện khoả thân tạo ra. Ảnh: PA
Đam mê khoả thân
Khoả thân luôn gây sốc, khêu gợi hoặc khiến ta bật cười – như những người bị rách quần khi chơi thể thao hay các sự kiện công cộng từng gặp phải suốt nhiều thập niên qua.
Những người theo chủ nghĩa tự nhiên và nghệ sĩ khoả thân cũng thường bị coi là đối tượng chọc cười.
Nhưng ngày càng có nhiều chủ đề khoả thân được sử dụng trong những bối cảnh khác nhau.
Nghệ sĩ Spencer Tunick đã xây dựng những tác phẩm phi thường và sống động bằng cách sử dụng hàng ngàn người mẫu khoả thân.
Tác phẩm gần đây nhất của ông là với 3.000 người tình nguyện khoả thân với màu sơn xanh trên cơ thể – trong một tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn trình diễn tại Hull khi chào đón năm Thành phố Văn hoá 2017 của nơi này.
Trong khi đó, một chương trình truyền hình và thể nghiệm xã hội trên kênh Channel 4 của Anh, có tên “Life Stripped Bare” (Cuộc sống trần truồng), khám phá cách một nhóm người cởi bỏ quần áo, đồ đạc trong suốt ba tuần.
Ngoài ra, biểu tình khoả thân hay bán khoả thân vẫn là hình thức thể hiện mạnh mẽ.
Chẳng hạn như, cuộc đạp xe khoả thân toàn thế giới World Naked Bike Ride là một trong những cuộc biểu tình “ăn mặc tuỳ thích” chống lại việc thiếu các tuyến đường an toàn cho người đạp xe.
Và dĩ nhiên, ta có thể nhắc tới nhóm các nhà hoạt động người Ukraine, nhóm Femen, và nhóm nhạc punk Pussy Riot của Nga, là những nhóm đều nổi danh với phong cách để ngực trần.
Jessica Vaughan, người giới thiệu cho buổi trình diễn Tân Tự Nhiên, nói rằng những gì mà chị em Binnies và Johnson thực hiện vào thập niên 1980 đã đi trước thời đại và thật không công bằng khi không được lịch sử đề cập đến.
“Có nhóm Femen và nhóm Pussy Riot, nhưng những nghệ sĩ Tân Tự nhiên hoàn toàn khoả thân, họ chính là những người bứt phá giới hạn,” bà nói với BBC Culture.
“Và họ không được đại diện đủ mức trong những năm 1980, có thể vì tại trong những bối cảnh mà họ xuất hiện thì đàn ông luôn đóng vai trò quan trọng hơn. Họ hành động cùng với những nhân vật này nhưng theo cách hoàn toàn đối nghịch. Họ lộn xộn hơn, hỗn loạn hơn những người thường được gọi hài hước là Trường phái Tân Lãng mạn.”
Những người theo trường phái Tân Tự nhiên giờ đã phù hợp xu thế hơn, nếu không muốn nói là vẫn hơn, Jessica Vaughan nói.
“Tôi nghĩ giờ đây còn có nhiều áp lực hơn lên phụ nữ, buộc họ phải tuân theo những hình ảnh cơ thể nhất định, trông có vẻ trơn mịn, mượt mà và cạo sạch lông. Những người theo Tân Tự nhiên hoàn toàn đối nghịch.”
“Tôi không thể tưởng tượng thấy một phụ nữ khoả thân theo cách khiêu khích đến vậy ở nơi công cộng. Mọi thứ đều bị truyền thông và mạng xã hội thao túng và chỉnh sửa cho hoàn hảo.”
“Thật hài hước khi được xem sự nguyên bản và ngẫu hứng khi họ đi ra ngoài kia và chứng kiến những phản ứng mà họ gặp phải giữa đám đông. Đó là sự hồn nhiên và vui vẻ của họ.”