Có một câu danh ngôn rất hay nói về nhảy múa, đại ý là: “Cuộc sống cũng giống như khiêu vũ. Nếu chúng ta có sàn nhảy rộng, nhiều người sẽ nhảy. Có người sẽ giận dữ khi giai điệu thay đổi. Nhưng cuộc đời lúc nào cũng thay đổi”. Điều đó có vẻ đúng với câu chuyện của John Huy Trần – một người làm chủ những điệu nhảy của mình dù đứng trên sân khấu lớn hay nhỏ, dù giai điệu bài hát nhanh hay chậm, dù cho đã có một quãng đường dài anh phải chật vật kiếm từng đồng để có thể theo đuổi đam mê.
Chia sẻ tại chương trình đặc biệt Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards (phiên bản WeTalk tháng 7), John Huy Trần tự nhận mình có… máu “điên”, nguồn năng lượng dồi dào lúc nào cũng có thể bộc phát trong người. Ngày trước, John Huy từng phải kìm hãm cái tôi của mình lại để chạy theo guồng sống hối hả. Sáng đi học, chiều vẫn lại đi học, tối đến tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi luyện tập võ thuật và thể dục dụng cụ đúng với truyền thống cha ông truyền lại. Chỉ có đêm về, một mình trong căn phòng nhỏ, John Huy mới được trở lại làm chính mình, với những giai điệu và động tác nhún nhảy.
Gặp John Huy Trần tại lớp học nhảy của anh nằm khuất tại khu vực Quận 2 (TP.HCM), nam biên đạo múa bận rộn với nhảy múa từ sáng đến tối. Anh mang hết tất cả những gì mà mình biết, nguồn cảm hứng vô tận truyền lại cho những cô bé, cậu bé ở đủ mọi lứa tuổi. Những học viên ở đây mỗi người có một câu chuyện khác nhau. Họ có thể không may mắn, chịu nhiều tổn thương trong quá khứ, nhưng đến với John Huy Trần, tất cả là một gia đình.
Chúng tôi tranh thủ trò chuyện cùng John Huy trong giờ giải lao. Anh ăn trưa với những món thức ăn nhanh và thừa nhận rằng mình mê mệt chúng. Trước đây, việc theo học thể dục dụng cụ khiến John Huy phải kiêng khem đồ ăn dầu mỡ để giữ cho mình một hình thể đẹp. Giờ John Huy ăn bù, mà may mắn là ăn hoài vẫn không mập.
John Huy cứ thế vừa ăn vừa kể những câu chuyện thường ngày của mình ở lớp học bằng giọng nói lơ lớ, thi thoảng phải chen đôi ba từ tiếng Anh vào vì không thể diễn tả hết ý của mình bằng vốn tiếng Việt khá trôi chảy nhưng vẫn chưa thuần thục. Điều đặc biệt nhất là John Huy luôn cười, ngay cả khi nhắc đến những chuyện buồn. Và để khép lại những điều buồn ấy, John Huy Trần luôn nhấn mạnh với chúng tôi rằng: “Khó khăn đó, anh đã vượt qua rồi! Đừng biến những điều đó trở thành cái gì quá tiêu cực trong cuộc sống của mình. Hãy cứ vui, mà sống!”.
Biên đạo múa John Huy Trần: Hãy cứ nghe những gì trái tim mách bảo! – Clip: Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 – chương trình WeTalk tháng 7.
Con đường đến với múa của John Huy Trần không trải hoa hồng. Từ 3 tuổi, John Huy đã theo bố học võ theo truyền thống gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm 19 tuổi, John Huy đến Toronto để học đại học. Trong khoảng thời gian đợi chờ đến giảng đường, chàng thanh niên ấy kiếm việc làm thêm. John Huy được nhận vào một tiệm giặt đồ và tình cờ gặp một vũ công: “Cô ấy nhìn tôi có phong cách, bắt chuyện và phát hiện tôi đam mê nhảy nên giới thiệu vào học trường múa quốc gia Canada. Tôi đã gọi về cho gia đình bảo không học đại học và sẽ theo trường múa” – John Huy Trần nhớ lại.
Hay tin con trai không tiếp tục việc học, John Huy Trần đã bị gia đình cắt hoàn toàn viện trợ và anh bắt đầu phải sống cuộc sống tự lập. Mỗi ngày, anh làm 3 công việc: Sáng đi làm văn phòng, trưa bán quần áo, tối đến thì dọn dẹp, rửa bát, gom rác ở một quán ăn. Tuy nhiên, số tiền lương ít ỏi ấy chẳng thế nào đủ để John Huy sống thoải mái và theo đuổi đam mê của mình một cách bài bản như những người khác. Có nhiều lúc, John Huy chỉ có một ổ bánh mì trong bụng từ sáng đến tối để cầm cự qua ngày.
John Huy tâm sự nhiều lúc anh đứng giữa sự lựa chọn khó khăn, phải cân nhắc xem có nên tiếp tục theo nghiệp nhảy múa nữa hay không. Nhưng cuối cùng, chẳng có gì đủ lớn, đủ mạnh mẽ để người ta có thể bỏ đi điều vốn dĩ đã ăn sâu vào máu thịt cả. John Huy Trần có thể khổ cực, nhưng không thể thiếu múa.
Quay lại với câu danh ngôn “Cuộc sống cũng giống như khiêu vũ. Nếu chúng ta có sàn nhảy rộng, nhiều người sẽ nhảy. Có người sẽ giận dữ khi giai điệu thay đổi. Nhưng cuộc đời lúc nào cũng thay đổi”. Vì sao nói nó đúng với John Huy Trần? Đơn giản vì cuộc đời của anh cũng giống như múa, khiêu vũ, gắn liền với những bước nhảy. Giữa vô vàn thăng trầm, biến cố, nhiều người trên sàn nhảy cuộc đời đã buộc phải từ bỏ đam mê.
Nhưng cuộc đời lúc nào cũng thay đổi, ngày mai tùy thuộc vào sự cố gắng và nỗ lực của ngày hôm nay. John Huy Trần đã không ngừng đam mê và từng bước chinh phục nó. Để rồi ngày hôm nay anh không chỉ là một biên đạo, mà còn là người thắp ngọn lửa đam mê cho biết bao người trẻ khác. Họ khác John Huy về xuất thân, về hoàn cảnh sống, nhưng giống anh về khát khao mãnh liệt được tìm thấy chính mình.
Năm 2006, nhân kỳ nghỉ Đông giá buốt, John Huy Trần về Việt Nam du lịch, thăm quê hương. Những ngày đầu, khác biệt về thời tiết, ngôn ngữ khiến John Huy Trần chỉ muốn trở về Canada ngay lập tức. Thế nhưng, cơ duyên đã khiến anh gặp những biên đạo có tiếng trong làng múa và cảm thấy mình cần phải ở lại. Ở Việt Nam, việc dàn dựng những tiết mục múa không mang lại thu nhập cao, thế nhưng John Huy vẫn chấp nhận. Một phần vì đây là điều kiện tốt để anh theo đuổi đam mê, một phần nữa John Huy đã học được cách bớt than vãn và cố gắng nhiều hơn. Anh từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng anh đã chứng kiến nhiều những người tàn tật, những người nghèo mưu sinh ngoài đường, nhưng họ vẫn lạc quan, vẫn cười hạnh phúc. Do đó, John Huy cũng học cách bằng lòng và chấp nhận những gì mình đang có.
Sau này, ngoài thời gian làm giám khảo cho các chương trình giải trí, John Huy Trần thành lập Urban Dance Group (UDG). Đây không chỉ là một lớp dạy nhảy thông thường mà còn là niềm khao khát nhiều năm của John Huy Trần với mong muốn truyền cảm hứng đam mê nhảy múa đến thế hệ trẻ Việt Nam. Các học viên ở đây mỗi người có một quá khứ khác nhau, không giới hạn độ tuổi, ngoại hình, phong cách, điều quan trọng nhất chính là sự đam mê.
Tại đây, John Huy Trần vừa là thầy dạy nhảy vừa là người giữ lửa đam mê. Anh chia sẻ mình cũng được học lại cách cảm nhận cuộc sống bằng trái tim qua từng câu chuyện mà học trò mang đến.
John Huy Trần trong một buổi lên lớp với UDG. Anh luôn khuyến khích các học viên tự do thể hiện sự khác biệt.
Nếu tiếp xúc với John Huy Trần, sẽ dễ dàng thấy anh không hay nói mình lạc quan nhưng ở anh luôn tỏa ra thứ năng lượng đầy tích cực. Đứng ở vị trí người thuyền trưởng của một nhóm nhảy chuyên nghiệp, John Huy Trần mang trên vai vất vả về tài chính, con người, có những lúc sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của những khó khăn chồng chất. Nhưng đó lại chính là động lực để anh vững bước cùng những người học trò, hay nói đúng hơn là gia đình của mình vượt qua tất cả. Với John Huy Trần, sống phải có lý do, phải biết mình làm gì và muốn gì, điều đó mới khiến chúng ta có cuộc sống viên mãn. Và đừng quên nung nấu ngọn lửa đam mê bên trong mỗi chúng ta, dù lớn hay nhỏ thì chúng ta cũng biết rằng, nó vẫn còn đang cháy.
Hãy chia sẻ với BTC WeChoice Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn trong cuộc sống qua email: truyencamhung@wechoice.vn.
Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng – WeChoice Awards xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Chương trình đặc biệt “Hành trình truyền cảm hứng” phiên bản WeTalk do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác sản xuất cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam), và đơn vị đồng hành triển khai Công ty cổ phần truyền thông PSC được phát sóng vào lúc 20h10 ngày thứ Bảy của tuần thứ Ba trong tháng trên kênh VTV1.
WeTalk là không gian gặp gỡ của những con người, những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong mọi lĩnh vực trong suốt 1 tháng. Xem thêm thông tin về giải thưởng WeChoice Awards tại: http://wechoice.vn/.