Với cách làm nước chấm bún chả chuẩn vị sau đây, Digifood đảm bảo đĩa bún chả sẽ trôi vèo vèo, bao ăn cũng hết. Cùng vào bếp trổ tài ngay hôm nay để gia đình cùng thưởng thức nhé.
1. Nước chấm bún chả có gì khác với các loại nước chấm thông thường?
Một trong những yếu tố làm nên thương hiệu cho bún chả Hà Nội chính là nhờ bát nước chấm đủ vị chua – cay – mặn – ngọt. Đặc biệt là trong bát nước chấm không thể thiếu dưa góp giúp cân bằng hương vị, gia tăng sức hấp dẫn cho từng miếng thịt, miếng chả nướng.
Ảnh: @pinkypig3883
Tỷ lệ pha nước mắm bún chả ngon thường là 1 mắm : 3 nước : 1 giấm : 2 đường. Pha mặn nhạt trước, rồi đến vị chua và sau cùng là vị ngọt thì sẽ dễ điều chỉnh. Nếu thích vị nước mắm ngọt thanh, bạn hãy sử dụng thêm 1 cục nhỏ đường phèn.
Cách làm nước chấm bún chả chi tiết như sau, hãy xem ngay nhé.
2. Công thức làm nước chấm bún chả
Công thức được chia làm 2 phần: phần đầu là cách làm dưa góp, sau đó là cách pha nước chấm. Nguyên liệu và các bước thực hiện như sau.
Khẩu phần
Thời gian chuẩn bị
Thời gian nấu
Tổng thời gian
4 người ăn
15 phút
5 phút
20 phút
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 Củ cà rốt nhỏ
- 1 Quả đu đủ xanh (hoặc 1 củ su hào hoặc 1 khúc củ cải trắng)
- 2 thìa canh nước mắm ngon
- 6 thìa canh nước lọc
- 2 thìa canh giấm
- 4 thìa canh đường trắng
- 1 cục đường phèn nhỏ hoặc đường vàng hoa mai (nếu có)
- Tỏi, ớt, chanh, hạt tiêu, rau mùi
Ảnh: Sưu tầm
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cà rốt, su hào, củ cải gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng hình hoa. Xóc với muối cho mềm và ra hết nước rồi rửa lại nước lạnh, vắt khô
- Đu đủ bỏ cuống, gọt vỏ, nạo ruột, ngâm với nước muối thật loãng 5p để cho ra hết nhựa thì rửa sạch. Lúc này đu đủ đã mềm hơn, bạn có thể thái miếng dễ dàng
- Tỏi, ớt giã hoặc băm nhuyễn. Ớt bỏ hạt.
- Chanh vắt lấy nước cốt, bỏ hạt
- Rau mùi rửa sạch, để ráo
Bước 2: Làm dưa góp
- Pha nước giấm chua ngọt với tỷ lệ: 1 nước ấm : 1 giấm : 1/2 đường. Cho cà rốt, củ cải, su hào, đu đủ vào hũ thủy tinh và đổ nước giấm chua ngọt vào ngâm khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Làm nước mắm chấm bún chả
- Cách pha dùng đường phèn: Đặt nồi lên bếp, cho nước mắm, nước lọc, giấm, đường trắng, đường phèn (hoặc đường vàng hoa mai) và đun sôi lăn tăn cho tan hết đường. Thấy nước mắm sánh lại thì tắt bếp. Khi nước mắm đã nguội thì cho tỏi, ớt băm, vắt thêm 1 miếng chanh cho thơm. Khuấy đều cho các gia vị hòa quyện vào nhau.
- Cách pha không dùng đường phèn: Chuẩn bị một bát lớn cho nước ấm và đường trắng vào khuấy đều cho đường tan hết. Sau đó cho nước mắm, nước cốt chanh vào khuấy đều. Cuối cùng cho tỏi và ớt bằm là hoàn thành bát nước chấm. Đun nước chấm hơi ấm trước khi ăn là dùng được.
Digifood gợi ý: Cách làm món chấm thịt bò nướng
Bước 4: Thưởng thức
Bạn lấy dưa góp cho vào bát nhỏ (bỏ phần nước dưa góp), đổ nước mắm chua ngọt lên, rắc thêm chút tiêu và rau mùi cho thơm. Sau đó bạn chỉ cần cho chả miếng, chả băm, rau sống và bún và thưởng thức món bún chả ngon đúng điệu.
Ảnh: @bunchaobuncha
3. Thành phẩm
Nước mắm có vị ngọt dịu, không gắt, hài hòa với vị chua của giấm, vị cay của tỏi ớt. Nước chấm sánh đẹp, thơm lựng. Dưa góp chua ngọt vừa đủ, giòn, ngon, ăn cực đã.
Ảnh: @fuongsfood
4. Mẹo nhỏ để pha nước chấm bún chả thơm ngon chuẩn vị
- Với cách làm nước chấm bún chả như trên, bạn có thể dùng để dùng với các món hải sản, ốc, cơm tấm, món chiên, món luộc. Nếu ăn với bánh tráng, bánh cuốn thì có thể pha thêm chút nước để vị dịu hơn.
- Để bảo quản nước mắm được lâu thì bạn phải đun sôi hỗn hợp nước mắm. Chai thủy tinh đựng nước mắm phải sạch, tráng qua nước sôi và để ráo hoặc lau khô.
- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, đậy kín nắp. Trước khi ăn bạn làm ấm nước mắm là được.
- Sử dụng loại nước mắm 40 độ đạm (hoặc thấp hơn) thì nước chấm sẽ có mùi thơm hơn.
- Chanh chọn quả vỏ mỏng nhiều nước hoặc dùng chanh đào
- Ớt sừng ít cay sẽ phù hợp với trẻ nhỏ hoặc người không ăn được cay. Nếu muốn cay hơn bạn hãy dùng ớt chỉ thiên.
- Để gọt đu đủ không bị ngứa tay thì bạn cho quả đu đủ vào chậu nước lạnh, dùng dao gõ nhẹ lên quả để ra bớt nhựa rồi đổ nước đó đi. Khi gọt vỏ dùng bao tay. Sau khi gọt xong thì mới ngâm đu đủ vào chậu nước muối loãng để ra hết nhựa.
- Hương vị của nước chấm có thể thay đổi tùy theo sở thích và khẩu vị vùng miền. Bạn có thể gia giảm các nguyên liệu trên để được vị thích hợp nhất nhé.
Trên đây là cách làm nước chấm bún chả đủ vị chua – cay – mặn – ngọt theo tỷ lệ chuẩn. Tuy cầu kỳ nhưng đảm bảo bạn sẽ có bữa ăn như ý, cảm nhận trọn vẹn vị ngon của món ăn nổi tiếng này. Hãy follow Blog Digifood để cập nhật thêm nhiều công thức thú vị nhé.
Xem thêm: