Ngoài tình thân máu mủ thì tình làng nghĩa xóm cũng được xem là một trong những thứ tình cảm đẹp và đáng có của mỗi người. Cho nên tục ngữ xưa có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” bởi vì cuộc sống của người dân Việt Nam xưa và nay thường sống gắn bó với nhau trong một xóm, làng xã, họ thân quen với nhau và trở nên thân thiết như ruột thịt. Cùng bài viết để tìm hiểu nhiều hơn về câu tục ngữ này.
Ý nghĩa sâu sắc của “Bán anh em xa mua láng giềng gần” từ xa xưa
Ở đây, câu tục ngữ không hàm ý chỉ việc mua bán thông thường. Mà việc sử dụng cách nói “bán anh em xa mua láng giềng gần” có ý nghĩa là tình cảm ruột thịt xa xôi không bằng được tình cảm láng giềng gần gũi. Câu tục ngữ có ý muốn khuyên răn chúng ta nên ăn ở có tình có nghĩa, vui vẻ với hàng xóm láng giềng kế bên để tạo được mối quan hệ tốt với họ. Biết rằng là anh em máu mủ ruột rà là thứ tình cảm thiêng liêng và trân quý vô cùng, dù là giọt máu đào với nhau nhưng ở xa xôi không gần gũi thì khi có việc gì khẩn cấp xảy ra không thể có mặt ngay lập tức để giúp đỡ ta. Còn hàng xóm dù không cùng máu mủ nhưng lại là những người luôn ở bên cạnh nhà chúng ta, có thể giúp đỡ, san sẻ khó khăn với ta kịp thời, bởi vậy mà cần phải “mua láng giềng gần”.
Có lẽ chỉ có những người xuất thân từ những vùng quê mới cảm thấy thấm thía và trân trọng cái tình làng nghĩa xóm. Vì ở thành thị nhịp sống hối hả, một số nhà ai nấy ở, cửa đóng kín mít, thậm chí là không biết mặt hay tên của hàng xóm mình, nhưng đó chỉ chiếm một số ít. Người sống ở miền quê lúc nào cũng vậy, sống thật thà, chất phát và luôn san sẻ ngọt bùi cùng nhau. Sẽ có rất nhiều người nhớ lại cảm giác cả xóm vui túm tụm lại một nhà để xem tivi màn hình màu, nói cười rộn vang, cùng nhau ăn khoai mì nấu,…Những kí ức đó mỗi khi nhớ lại khiến cho người ta cảm thấy bồi hồi vì giờ đây kí ức đó có thể được tái hiện lại.
Bởi thế, mà người ta mới trân trọng những người láng giềng tốt bụng, phải có căn cứ ông cha ta mới có câu tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Nhưng tình cảm hàng xóm chỉ thực sự vui vẻ khi đôi bên cùng biết giữ khoảng cách đúng mực. Hãy thử tưởng tượng xem nếu phải sống cạnh một gia đình mà họ thường xuyên dòm ngó sang nhà mình, để hóng hớt chuyện gia đình mình, bình phẩm chuyện này, chê bai chuyên kia, hát hò ồn ào, đậu xe bừa bãi chắn lối đi, hay có những người được gọi là “camera chạy bằng cơm” chuyện nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã bị các bà ấy đồn đại khắp nơi thì làm sao mà đời sống của mình thoải mái, ăn ngon ngủ yên cho được.
Bài học trong cuộc sống về câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”
Vì vậy mà, trong mối quan hệ láng giềng với nhau, mỗi gia đình phải tự ý thức được giới hạn là ở đâu, phải biết nhường nhịn và giữ hòa khí để cuộc sống của gia đình mình trong khu xóm luôn được êm đẹp. Tất nhiên, bên cạnh ta vẫn còn rất nhiều hàng xóm tốt bụng, không thiếu những lúc chúng ta nhờ cậy họ mà họ vẫn vui vẻ giúp đỡ. Khi cần mượn cái thang, cái búa, đang nấu ăn mà cần thêm gia vị nhưng không tiện đi mua,…thì cứ ới a với hàng xóm là sẽ có ngay. Hay là những khi nhà có người già neo đơn nhưng bận việc, có người đau ốm thì hàng xóm là chỗ tự nguyện nhận trông nhà hay đưa người bệnh đến bệnh viện giúp mà không cần trả công. Đôi khi nhà có đám ma, đám cưới, đám giỗ, những gia đình kế bên cũng sang phụ giúp một tay rất vui vẻ.
Bên cạnh những người hàng xóm tốt bụng như thế cũng có tồn tại một số người sống rất hẹp hòi, ví dụ điển hình là câu chuyện “Cháy nhà hàng xóm” đã để lại một bài học cảnh tỉnh cho những ai sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình rồi phải hối hận. Hàng xóm bị cháy nhà, ai ai cũng đổ xô để dập lửa, có mỗi lão kia nằm trong chăn ngủ. Lão nghĩ rằng việc đó chẳng hề liên quan đến mình và quên mất hàng xóm láng giềng như một chuỗi liên kết, người ta được lợi thì mình cũng được lợi. Cứ thế mà lão nằm đấy ngủ, rồi ngọn lửa kia bén qua tới nhà lão và cháy trụi cả căn nhà. Lúc đó, lão ấy có khóc cũng chẳng giải quyết được gì vì lão phải trả giá cho sự ích kỷ của mình.
Chúng ta phải nhớ rằng: chúng ta không thể sống một mình, chúng ta sống với mọi người xung quanh. Vậy nên, hãy đưa tay và đừng từ chối giúp đỡ hàng xóm cho dù nó đến từ phía bạn hay là từ những người khác. Khi họ gặp khó khăn mình giúp đỡ họ nghĩa là mình đang mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình và cả người được giúp. Hơn nữa, mọi người cũng sẽ đáp trả và giúp đỡ lại khi bạn cần sự tương trợ trong tương lai. Ai rồi cũng có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn nên đừng bỏ mặc họ, cuộc sống này không ai có thể đoán trước điều gì, ngày nay mình ích kỷ không giúp người ta thì sẽ đến lúc bạn gặp hoàn cảnh tương tự và chẳng ai muốn giúp bạn cả. Hãy vui vẻ đón nhận và chân thành giúp đỡ hàng xóm hết mình khi điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Và hãy biết trân trọng những người luôn sẵn sàng giúp đỡ mình và mình cũng hãy sống đáp trả họ như vậy. Cuộc sống sẽ trở nên thật ý nghĩa khi ta biết cùng nhau đoàn kết, san sẻ những niềm vui hay nỗi buồn.
Qua câu tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, bài học được rút ra chính là mỗi người cần sống biết cách đối nhân xử thế và biết được sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của những người hàng xóm. Có một mối quan hệ tốt với hàng xóm, thân thiện trong đời sống hối hả hiện nay là việc rất quan trọng. Mỗi người lớn chúng ta hãy chủ động cởi mở, thân thiện hơn với những người hàng xóm để kéo khoảng cách lại gần hơn cho cuộc sống thêm ý nghĩa và đừng để tình làng nghĩa xóm bị nhạt phai.