Sau giai đoạn tập viết các nét và chữ to, bé sẽ làm quen với kiểu chữ nhỏ 1 ô ly. Đây chính là kiểu viết chữ bé sẽ viết từ lớp 1 trở về sau. Do đó, việc uốn nắn nét chữ nhỏ ngay từ đầu là vô cùng quan trọng. Để đảm bảo bé viết đúng kiểu chữ, bố mẹ cần giúp con tuân thủ các nguyên tắc nhất định và rèn luyện thêm cho con ở nhà.
Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học tại trường tiểu học ở Hà Nội gợi ý 5 bước từ dễ đến khó giúp con hạ cỡ chữ. Với mỗi bước, bố mẹ có thể triển khai thành một buổi luyện chữ cho con, mỗi buổi kéo dài từ 20 đến 25 phút.
5 bước cụ thể như sau:
Cô Lương Ngọc Anh gợi ý 5 bước từ dễ đến khó giúp con hạ cỡ chữ.
Buổi 1: Luyện viết các nét cơ bản
Mỗi một chữ cái đều được cấu tạo bởi những nét cơ bản. Vậy nên phải viết đẹp các nét này thì các con mới có thể viết được các chữ, các câu đúng chuẩn.
Với chữ cỡ nhỏ, những nét cong, cao 2 li rộng 1,5 li giờ chỉ còn cao 1 li và rộng gần 1 li. Những nét móc trên, móc dưới cao 2 li rộng 1 li thì giờ chỉ còn cao 1 li và rộng nửa li. Các nét khuyết trên và khuyết dưới cao 5 li, rộng 1 li thì giờ chỉ còn cao 2 li rưỡi và rộng nửa li. Một số nét thắt giữa và nét thắt trên cũng vậy, giờ chỉ còn cao 1 li và độ rộng giảm đi một nửa.
Những nét cong, nét móc trên, móc dưới, nét khuyết trên và khuyết dưới đều thay đổi chiều cao và độ rộng.
Ở buổi đầu tiên, phụ huynh hãy cho con viết các nét cơ bản này. Sau đó, bố mẹ sẽ xem xét nét nào của con đã viết tốt rồi thì con chỉ cần viết một đến hai dòng. Nét nào chưa tốt thì cho con viết nhiều hơn, từ 3 đến 4 dòng.
Buổi 2: Luyện viết các chữ cái
Khi kỹ năng viết các nét cơ bản đã tốt rồi thì bố mẹ có thể chuyển sang buổi hai đó là luyện viết các chữ cái. Ở buổi này bố mẹ sẽ cho con luyện viết các chữ cái theo từng nhóm chữ. Ví dụ: Nhóm chữ có nét cong, hay nhóm chữ có các nét khuyết trên, khuyết dưới và một số nhóm chữ khác.
Buổi 2, bố mẹ sẽ cho con luyện viết các chữ cái theo từng nhóm chữ.
Ở nhóm chữ có nét cong, một nét cong kín khi về cỡ chữ nhỏ chỉ còn gần 1 li. Tuy nhiên khi con mới viết, bố mẹ cho phép các con viết trong vòng 1 ô li, tức các con chỉ cần lượn các nét trong 1 hình vuông nhỏ của vở là đã đạt yêu cầu.
Ở nhóm chữ có nét khuyết, chỉ cần nhớ độ cao của các nét khuyết này là 2 li rưỡi và rộng nửa li. Cô Ngọc Anh lưu ý, có rất nhiều bạn đã nhầm độ cao của các nét khuyết này là 3 li. Vì vậy, bố mẹ nên nhắc các con độ cao các nét khuyết không quá đường kẻ ngang thứ ba là được.
Sau khi con đã nắm chắc việc viết các chữ cái, bố mẹ cho con chuyển sang luyện viết các chữ ghép.
Sau khi luyện chữ cái, bố mẹ cho con chuyển sang luyện viết các chữ ghép.
Buổi 3: Luyện viết các tiếng và các từ
Bố mẹ có thể cho con một số các tiếng và từ mẫu (con ong, chuồn chuồn, bắt cá…), sau đó lưu ý con khoảng cách và các nét nối giữa các tiếng các từ đó.
Luyện viết các tiếng và các từ theo mẫu.
Buổi 4: Luyện viết câu
Bố mẹ sẽ viết sẵn một số câu và cho con viết lại. Chú ý khoảng cách các tiếng, từ trong câu là 1 con chữ “o”, là khoảng gần 1 ô li.
Khoảng cách các tiếng, từ trong câu là 1 con chữ “o”, là khoảng gần 1 ô li.
Buổi 5: Luyện viết đoạn thơ, văn
Đối với đoạn thơ bao giờ cũng lùi vào một số ô nhất định, bố mẹ nhắc con xuống dòng và lùi vào số ô đó. Vì cỡ chữ nhỏ rồi nên các con không cần cách một dòng, viết một dòng mà ở dòng nào cũng có thể viết chữ.
Đối với đoạn thơ bao giờ cũng lùi vào một số ô nhất định.
Đối với đoạn thơ, các con luôn phải lùi vào một ô. Khi viết hết, xuống dòng, các con sẽ viết ngay từ ngoài mà không cần lùi vào một ô nữa.
Cô Ngọc Anh chia sẻ, với các bạn có kỹ năng viết chưa thực sự tốt, các bố mẹ có thể triển khai từng bước này thành hai đến ba buổi. Lưu ý là đối với cỡ chữ nhỏ, tất cả các nét khuyết trên, khuyết dưới hoặc móc ngược, móc xuôi… các con chỉ cần đưa đúng về đường kẻ thì chữ sẽ rất đẹp.