Đặt ra ngân sách chi tiêu và khoản cần tiết kiệm hàng tháng, cắt giảm nhu cầu giải trí, ăn uống… là gợi ý dành cho bạn.
Ảnh: Bondora
1. Ghi lại tình hình thu chi của bạn
Bước đầu tiên để bắt đầu tiết kiệm tiền là tính xem bạn đã chi tiêu bao nhiêu. Theo dõi tất cả chi phí bạn bỏ ra như tiền cà phê, tiền mua sắm vật dụng gia đình, hóa đơn hàng tháng… Bạn có thể ghi chú bằng bút chì và giấy, bảng tính Excel hoặc ứng dụng theo dõi chi tiêu trực tuyến miễn phí. Sau khi bạn có dữ liệu, hãy sắp xếp các con số theo danh mục, chẳng hạn như xăng, chi phí ăn uống…
2. Đặt ngân sách hàng tháng
Khi đã biết mình chi cho những gì trong một tháng, bạn bắt đầu tạo ngân sách cụ thể. Ngân sách nên thể hiện những khoản chi tiêu tương ứng với thu nhập của bạn, để bạn có thể lập kế hoạch chi tiêu và hạn chế bội chi. Đảm bảo bạn đã tính đến các khoản chi thường xuyên nhưng không đều đặn hàng tháng, chẳng hạn như bảo dưỡng xe… Bạn chi tiêu hợp lý trong ngân sách và cố gắng tiết kiệm một số tiền mà ban đầu bạn cảm thấy thoải mái. Lên kế hoạch để cuối cùng tăng khoản tiết kiệm của bạn từ 15% đến 20% thu nhập của bạn.
3. Tìm cách cắt giảm chi tiêu
Nếu không thể tiết kiệm nhiều như bạn muốn, có thể đã đến lúc để bạn cắt giảm chi phí. Bạn cần xác định những thứ không cần thiế như nhu cầu giải trí và ăn uống. Bạn cũng nên thử tìm cách tiết kiệm các chi phí cố định hàng tháng, ví dụ gói cước cho điện thoại di dộng. Các ý tưởng khác để cắt giảm chi phí hàng ngày gồm:
– Tìm kiếm các hoạt động miễn phí: Tìm danh sách các sự kiện cộng đồng miễn phí hoặc chi phí thấp để tiết kiệm tiền.
– Xem lại các chi phí định kỳ: Hủy đăng ký gói thành viên của các dịch vụ bạn không sử dụng, đặc biệt là khi chúng tự động gia hạn.
– Kiểm tra chi phí khi bạn ăn ngoài và khi tự nấu: Lên kế hoạch nấu ăn ở nhà và tìm hiểu các ưu đãi từ các nhà hàng địa phương cho những ngày bạn muốn tự thưởng bản thân.
– Chờ đợi trước khi mua hàng: Khi bạn bị cám dỗ bởi một giao dịch mua bán không cần thiết, hãy đợi một vài ngày. Bạn có thể nhận ra món đồ đó là thứ bạn muốn hơn là thứ bạn cần.
4. Đặt mục tiêu tiết kiệm
Bạn cần bắt đầu bằng cách suy nghĩ về khoản tiền bạn muốn tiết kiệm, từ ngắn hạn (1-3 năm) và dài hạn (4 năm trở lên). Sau đó, ước tính xem bạn sẽ cần kiếm bao nhiêu tiền và có thể mất bao lâu để tiết kiệm được con số bạn muốn.
Các mục tiêu ngắn hạn phổ biến là quỹ khẩn cấp (đủ chi phí sinh hoạt từ ba đến chín tháng), đi nghỉ hoặc trả trước phần tiền cho xe hơi.
Các mục tiêu dài hạn phổ biến là tiền mua nhà, cải tạo nhà, chi phí giáo dục hoặc tiền cho việc nghỉ hưu.
5. Xác định các ưu tiên tài chính của bạn
Ví dụ, nếu bạn cần thay thế chiếc xe hơi của mình trong tương lai gần, bạn có thể bắt đầu bỏ tiền mua một chiếc ngay bây giờ. Nhưng hãy nhớ đến các mục tiêu dài hạn, điều quan trọng là việc lập kế hoạch nghỉ hưu không làm cản trở các nhu cầu ngắn hạn của bạn. Học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu tiết kiệm có thể giúp bạn biết cách phân bổ nguồn tiền tiết kiệm của mình.
6. Chọn công cụ phù hợp
Có nhiều tài khoản tiết kiệm và đầu tư phù hợp với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Bạn nên xem xét cẩn thận tất cả các lựa chọn, cân nhắc số dư tối thiểu, phí, lãi suất, rủi ro và thời gian bạn cần dùng tiền để có thể tiết kiệm sao cho đạt mục tiêu của mình.
Các mục tiêu ngắn hạn: Nếu bạn cần tiền sớm hoặc gấp, hãy xem xét sử dụng các tài khoản tiền gửi là tài khoản tiết kiệm theo tháng, chứng chỉ tiền gửi (giữ tiền của bạn trong khoảng thời gian cố định với lãi suất thường cao hơn lãi của tài khoản tiết kiệm).
Mục tiêu dài hạn: Nếu bạn tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc cho việc học của con, bạn có thể cân nhắc về các tài khoản hưu trí cá nhân. Có thể cân nhắc đầu từ chứng khoán, cổ phiếu, quỹ tương hỗ…
7. Tự động tiết kiệm
Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ chuyển khoản tự động để bạn gửi tiền tiết kiệm nhanh chóng. Bạn có thể chọn thời gian khi nào, chuyển bao nhiêu tiền hoặc thậm chí chia nhỏ khoản tiền từ lương để chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm.
8. Xem khoản tiết kiệm của bạn đang tăng lên như thế nào
Việc xem xét ngân sách, kiểm tra tiến độ tiết kiệm hàng tháng giúp bạn bám sát kế hoạch tiết kiệm cá nhân, xác định, khắc phục các vấn đề một cách nhanh chóng. Khi hiểu được cách tiết kiệm tiền, bạn có thể được truyền cảm hứng để nghĩ ra nhiều cách tiết kiệm hơn và đạt được mục tiêu nhanh hơn.
Hằng Trần (Theo Bettermoneyhabits)