Vì sao ta lại có cảm giác vui, buồn, giận, chán chường, sợ hãi…? Nếu đã từng xem bộ phim hoạt hình “Những mảnh ghép cảm xúc” (Inside Out) thì ắt hẳn bạn vẫn còn nhớ 5 nhân vật “cảm xúc” trong cô bé Riley dễ thương – Vui Vẻ, Giận Dữ, Chán Ghét, Sợ Hãi và Buồn Bã. Chính 5 “mảnh ghép cảm xúc” đáng yêu này đã chi phối từng cử chỉ, hành động và tâm trạng của Riley để giúp cô bé vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Thế nhưng, sự cấu thành và tác động của “cảm xúc” trên thực tế phức tạp hơn là trong bộ phim hoạt hình của Pixar. Hãy cùng Prudential tìm hiểu sâu hơn về bản chất, cũng như sự ảnh hưởng của cảm xúc đối với tinh thần và thể chất. Từ đó, bạn sẽ có thể hiểu rõ chính mình và mang đến những cảm xúc tích cực cho những người xung quanh.
Cảm xúc là một chu kỳ vô tận của các tín hiệu điện hóa
Cảm xúc là một chu kỳ vô tận của các tín hiệu điện hóa tạo ra từ não, phản ánh nhận thức của chúng ta trước một sự vật hay sự việc. Các tín hiệu điện hóa này được truyền đến mọi cơ quan trên cơ thể và truyền ngược trở lại não. Quá trình này diễn ra liên tục hàng ngày, hàng giờ. Tùy thuộc vào thế giới quan của từng cá nhân, cảm xúc của mỗi người trước cùng một sự vật sự việc vẫn có thể khác nhau.
Có tất cả 8 loại cảm xúc cơ bản
Dù tâm trạng chúng ta có phong phú ra sao thì vẫn sẽ xoay quanh 8 loại cảm xúc cơ bản: Vui vẻ, Buồn bã, Sợ hãi, Chán ghét, Giận dữ, Ngạc nhiên, Hy vọng, và Tin tưởng. Tâm trạng của chúng ta có thể nằm trọn trong một loại cảm xúc hoặc bị chi phối bởi nhiều cảm xúc khác nhau.
Để minh hoạ dễ hiểu hơn, Robert Plutchik, tiến sĩ tâm lý người Mỹ, đã vẽ ra Bánh xe cảm xúc giúp ta hình dung được vô vàn những cảm xúc khác nhau là sự kết hợp của 8 loại cảm xúc này. Các loại cảm xúc sẽ được chia thành 3 cấp độ tăng dần khi vào gần tâm, và khi hai cảm xúc gần nhau sẽ tạo ra một hỗn hợp cảm xúc mới. Ví dụ, như “Tình yêu” sẽ được tạo từ cảm xúc “Vui vẻ” và “Tin tưởng”, trong khi “Sự khinh rẻ” sẽ là kết hợp giữa “Giận dữ” và “Chán ghét”.
Không có cảm xúc tốt cũng như cảm xúc xấu
Bạn có thể nghĩ rằng: Cảm xúc Vui vẻ hẳn phải tốt hơn Buồn bã, bởi có ai muốn buồn bao giờ? Tuy nhiên, cảm xúc là một phạm trù trung tính và ta không thể gọi một cảm xúc là tốt hay xấu.
Ví dụ, đứng trước một điều bạn mong muốn, thì bạn sẽ vui vẻ nếu như đạt được điều bạn mong muốn, và sẽ buồn bã nếu vuột mất nó. Tuy nhiên, đặt lại vấn đề, nếu bạn không cảm thấy buồn khi vuột mất điều gì đó, thì làm sao bạn có thể cảm nhận được sự vui sướng khi đạt được điều mình muốn. Thực tế, hai cảm xúc trái ngược nhau này là hai mặt thiết yếu của một nhu cầu.
Thứ hai, mọi cảm xúc trong chúng ta đơn giản là một tín hiệu truyền tải thông điệp từ não bộ đến các cơ quan. Kể cả những cảm xúc gây khó chịu cho ta như Sợ hãi, Giận dữ hay Buồn bã cũng có chức năng riêng của chúng. Vậy chức năng của cảm xúc là gì?
Chúng ta tồn tại và phát triển nhờ có cảm xúc
Cảm xúc giúp tập trung sự chú ý và thôi thúc ta thực hiện hành động cụ thể. Mỗi cảm xúc có một mục đích khác nhau. Chẳng hạn như “Giận dữ” là tín hiệu cho thấy việc bạn muốn làm đang bị chặn lại. Cảm giác giận dữ sẽ khiến bạn chú ý đến chủ thể đang ngăn cản bạn thực hiện điều mình muốn và khuyến khích bản thân bạn phản ứng để đẩy lùi chướng ngại vật. Tuy việc giận dữ có thể có tác động tiêu cực đến bạn, nhưng cơn giận cũng có thể tạo năng lượng thôi thúc ta đối mặt với vấn đề của mình và tìm giải pháp.
>>> Đừng bỏ lỡ: 4 bước đánh tan cơn giận mà bạn nên áp dụng ngay
Một ví dụ khác về cảm xúc “Vui vẻ”: Khi vui, ta thường hướng sự tập trung vào những cơ hội, từ đó mang đến nguồn động lực để ta thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Không chỉ vậy, chúng ta cảm thấy vui khi cảm nhận được ý nghĩa và sự kết nối với cuộc sống, và mục đích của cảm xúc “Vui vẻ” trong hoàn cảnh này là để truyền tín hiệu tới chúng ta rằng hãy tiếp tục tìm kiếm thực hiện những điều tốt đẹp tương tự.
Để hiểu sâu hơn về thông điệp mà mỗi cảm xúc truyền tải, bạn có thể tải về tài liệu Emotoscope Feeling Chart (Tạm dịch: Biểu đồ Cảm nhận qua lăng kính cảm xúc). Biểu đồ này hiển thị thông điệp mà mỗi sắc thái cảm xúc khác nhau của Buồn bã, Vui sướng, Giận dữ và Sợ hãi muốn truyền đạt.
Chẳng hạn, nếu một ngày bạn cảm thấy bị quá tải, hãy nhìn vào Biểu đồ để thấy rằng cảm xúc Quá tải thực ra là tín hiệu của cơ thể nhắc nhở rằng bạn cần dành thời gian sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Từ đó, thay vì trốn tránh, bạn học được cách lắng nghe cảm xúc và tìm giải pháp – chẳng hạn như tạo một danh sách việc cần làm với thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp. Tuy đơn giản nhưng Biểu đồ trên sẽ giúp cuộc sống của bạn nhẹ nhàng hơn và khiến bạn thấy mọi cảm xúc của mình đều có ích.
Cảm xúc có tính lan truyền
Giống như virus, cảm xúc có thể “lây” từ người sang người. Dù bạn đang tương tác với một nhóm hay chỉ với một người, bạn đều có thể “lây” và bị “lây” cảm xúc, cả tích cực và tiêu cực. Nguyên nhân của việc này có liên quan đến quá trình tiến hóa: loài người thường tồn tại và phát triển theo nhóm. Nói cách khác, chúng ta sống theo bầy đàn và thường có khuynh hướng nắm bắt trạng thái cảm xúc của nhau.
Chẳng hạn, nếu bạn nhìn thấy sự sợ hãi trên mặt người đối diện, bạn sẽ nhanh chóng đề phòng xung quanh, vì cảm xúc sợ hãi của chính bạn đã được kích hoạt ngay khi nhìn thấy thái độ đối phương. Trên thực tế, chúng ta liên tục gửi và nhận thông điệp cảm xúc bằng nhiều phương tiện, như cách nhấn câu, biểu hiện gương mặt, tư thế và hành vi mà đôi khi không để ý. Bạn không tin ư? Hãy nói chuyện với một người lớn tuổi và để ý xem giọng điệu và cách diễn đạt của bạn có chậm đi theo nhịp của người ấy không nhé.
Thú vị hơn cả, trong thời đại 4.0 như hiện nay, cảm xúc không chỉ “lây” khi bạn trực tiếp trò chuyện cùng đối phương. Một nghiên cứu từ Facebook và trường Đại học Cornell đã chứng minh rằng lan truyền cảm xúc còn xảy ra thông qua mạng xã hội. Từ đó có thể thấy, chúng ta có sự kết nối cảm xúc với nhau rất sâu sắc.
>>> Có thể bạn chưa biết: Kỹ năng quản lý cảm xúc quan trọng nhiều hơn chúng ta thường nghĩ
Cảm xúc khác với cảm giác và tâm trạng
Tuy vậy 3 khái niệm này vẫn có mối quan lệ tương quan. Vậy khác biệt nằm ở đâu? Sự khác biệt nằm ở độ dài thời gian mà mỗi khái niệm trên tác động tới chúng ta, và mức độ nhận thức của chúng ta.
Về bản chất, cảm xúc là những hợp chất hóa học được tiết ra trong não và trong cơ thể để hồi đáp cách diễn giải của bạn về một vấn đề cụ thể. Não cần ¼ giây để nhận dạng vấn đề và ¼ giây nữa để sản xuất chất hóa học cảm xúc. Mỗi cảm xúc chỉ kéo dài vài giây.
Cảm giác xuất hiện khi chúng ta có nhận thức về cảm xúc và cho phép chúng “xâm nhập” vào não. Thông thường, cảm giác là sự kết hợp của nhiều cảm xúc, và kéo dài hơn cảm xúc.
Tâm trạng sinh ra không từ một nguyên nhân duy nhất mà là kết quả của nhiều yếu tố: Tác động ngoại cảnh (thời tiết, người xung quanh,…); thể chất (đồ ăn, chế độ tập luyện,…) và cuối cùng – trạng thái tâm lý. Tâm trạng có thể kéo dài hàng giờ hoặc vài ngày.
Mỗi cảm xúc chỉ kéo dài trong vòng 6 giây
Các hợp chất hoá học cảm xúc – từ khi được sản sinh trong vùng dưới đồi của não (hypothalamus) đến khi được phân nhỏ và hấp thu – sẽ tồn tại trong cơ thể trong khoảng 6 giây.
Nếu lâu hơn 6 giây, có thể bản thân bạn đang chọn kéo dài cảm xúc đó, và chúng sẽ trở thành cảm giác và hiện diện lâu hơn. Điều này có thể tốt khi bạn nhận thấy được sự nguy hiểm và muốn kéo dài cảm xúc sợ hãi để có thể bắt cơ thể chạy nhanh hơn để trốn khỏi kẻ thù. Điều này cũng có thể không hay khi bạn muốn kéo dài sự giận dữ để có thể trả thù đối phương.
Thực tế, Chỉ số cảm xúc (EQ) mà ta thường nhắc đến chính là chỉ số ghi nhận khả năng nhận diện cảm xúc, đánh giá mục đích của cảm xúc đó, và quyết định có nên tái tạo lại cảm xúc đó hay không. Vì vậy, đừng quên liên tục lắng nghe và suy nghĩ kỹ về cảm xúc mình đang có, từ đó điều chỉnh lại hành vi và tâm trạng của mình để có một quyết định có lợi cho bạn nhất.
>>> Xem thêm: