Sơ yếu lý lịch là một trong những giấy tờ bắt buộc và vô cùng quan trọng trong các hồ sơ nhập học, hồ sơ đăng kí thi, hồ sơ xin việc,… Bất kì hồ sơ cá nhân nào cũng đều cần đến sơ yếu lý lịch cá nhân của chủ hồ sơ đó. Việc đăng kí xin học ở một trường học cũng cần có sơ yếu lý lịch của bản thân để nhà trường làm căn cứ xem xét có duyệt nhập học hay và không, và khi đi làm, xin việc sơ yếu lý lịch cũng đóng vai trò quan trọng như thế.
Mẫu sơ yếu lý lịch
Mẫu sơ yếu lý lịch
1. Sơ yếu lý lịch là gì?
– Sơ yếu lý lịch hay sơ yếu lý lịch tự thuật là tờ khai tổng quan những thông tin liên quan đến cá nhân một người nhất định. Bao gồm thông tin cá nhân đó và thông tin thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em,…) của cá nhân đó. Sơ yếu lý lịch thường được sử dụng để hoàn thành các hồ sơ cá nhân, hồ sơ xin việc, xin nhập học hoặc làm những thủ tục hành chính nhà nước có liên quan.
– Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa sơ yếu lý lịch và CV. CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae trong tiếng Anh cũng có nghĩa là sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, bản chất nội dung bên trong của hai điều này là hoàn toàn khác nhau. CV chỉ là bản tóm tắt tất cả những thông tin cần thiết của người ứng tuyển có liên quan đến vị trí ứng tuyển như kinh nghiệm làm việc, kĩ năng bản thân, trình độ học vấn,… Nhưng đối với sơ yếu lý lịch, nó lại mang thuộc tính tổng quan hơn gồm có cả những thông tin của người thân trong gia đình của cá nhân đó.
Xem thêm: ứng tuyển gia sư
2. Sơ yếu lý lịch gồm những nội dung gì?
– Bất kỳ một sơ yếu lý lịch nào cũng đều có những nội dung chính, chủ yếu sau đây: Nơi để dán ảnh 4×6 của cá nhân người khai báo sơ yếu lý lịch. Thông tin cá nhân như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, hộ khẩu thường trú, hộ khẩu tạm trú, số căn cước công dân, dân tộc, trình độ cá nhân, số điện thoại liên lạc,… Thông tin về gia đình như họ tên ba, mẹ, vợ, chồng, anh chị em, ngày tháng năm sinh, nơi ở, nghề nghiệp,…
Tiến trình học tập của bản thân – quá trình làm việc của người sử dụng đơn. Trình độ học vấn của người sử dụng đơn. Khen thưởng – kỷ luật những thành tích của cá nhân, lời cam đoan và chữ ký, công nhận đóng dấu của địa phương nơi người khai báo đang sinh sống.
3. Cách viết sơ yếu lý lịch
– Phần Họ và tên: Đây là phần người khai báo cần lưu ý viết in hoa toàn bộ họ tên và đúng như trong hộ khẩu cũng như trong căn cước công dân. Lưu ý nên viết rõ ràng, nhất là đối với những tên có các dấu thanh, người viết cần ghi to, rõ các dấu thanh này để tránh sai xót trong quá trình người nhận sơ yếu lý lịch xác nhận thông tin.
– Phần giới tính: Người khai báo cần ghi giới tính đúng với giới tính đã ghi trong giấy khai sinh. Nếu là “Nam” ghi nam, nếu là “Nữ” ghi nữ.
– Phần số điện thoại liên lạc: Người khai báo cần điền số điện thoại hiện tại bản thân đang sử dụng và có thể dễ dàng liên lạc nhất. Giữa các số trong dãy số điện thoại cần viết cách một khoảng nhỏ để tránh bị nhầm lẫn. Đối với người sử dụng số điện thoại bàn là điện thoại liên lạc thì nên lưu ý các số thêm vào, mã vùng, quy tắc khi gọi số điện thoại bàn, những số này nên để trong dấu ngoặc đơn.
– Phần nguyên quán: Đây là phần rất nhiều người hoang mang, không biết viết sao cho đúng. Nguyên quán là nơi sống của ông bà nội, ba (bố, cha) của người khai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt người khai có thể ghi theo quê quán của mẹ hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ. Nguyên quán cần phải phù hợp và đúng với nguyên quán của cá nhân trên thẻ căn cước.
– Phần tôn giáo: Điền tôn giáo mà bản thân mình đang theo. Nếu không theo bất cứ tôn giáo nào người khai có thể viết “không”.
– Phần trình độ văn hóa: Trình độ văn hóa được hiểu là trình độ giáo dục phổ thông, dùng để chỉ cấp độ học tập theo các cấp độ học phổ thông. Người khai cần ghi rõ thông tin “12/12 chính quy” hay “12/12 bổ túc văn hóa”.
Cần lưu ý là trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn và học vấn là khác nhau. Trình độ học vấn được hiểu là khái niệm chỉ mức độ của việc học mà một người đã đạt tới, bao gồm nhiều cấp bậc như tiểu học, trung học, đại học. Trình độ học vấn sẽ bao gồm 2 yếu tố đó là trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn. Trình độ văn hóa được hiểu như phần giải thích ở trên, trình độ chuyên môn nói lên năng lực của một người chuyên về lĩnh vực nào đó có thể được chia làm nhiều cấp bậc như Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư,…
Xem thêm: hướng dẫn chọn gia sư dạy kèm tại nhà hiệu quả
– Phần khen thưởng/ kỷ luật: Người khai cần viết rõ ngày tháng năm hình thức và nội dung được khen thưởng hoặc kỷ luật. Nếu không có người khai có thể ghi “chưa có”.
– Phần thành phần gia đình: Người khai có thể cập nhật thông tin của ba mẹ, anh , chị em, vợ chồng,… Nghề nghiệp, họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh sống của họ.
– Phần cam kết và ký tên: Người khai cần phải cam kết những nội dung khai ở trên là sự thật và người khai phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những nội dung mình đã khai. Ký tên cần ghi rõ ngày tháng năm làm sơ yếu lý lịch, ký tên và ghi rõ họ và tên của người khai sơ yếu lý lịch.
Trung tâm gia sư Thành Tài trân trọng gửi bạn đọc bài hướng dẫn cách viết sơ yếu lý lịch.