Với những cách học thuộc bài hiệu quả được Learn With Me mách nhỏ dưới đây, học thuộc lòng sẽ không còn là nỗi ám ảnh của bạn. Vì vậy, nếu đang đứng trước những bài học khổng lồ, nhất là các môn trong khối xã hội, bạn đừng quên tham khảo những bí quyết đơn giản mà hữu hiệu này nhé.
Học thuộc bài chưa bao giờ là điều dễ dàng, kể cả với những người vốn có năng khiếu với “bộ môn” học thuộc. Bởi nếu học chỉ để đối phó với bài kiểm tra trước mắt, thì mọi chuyện với bạn vẫn còn đơn giản. Ngược lại, nếu bạn muốn học để vừa hiểu bài, vừa nhớ lâu như “ăn sâu vào tiềm thức” thì mọi chuyện lại khó khăn hơn nhiều.
Mỗi bộ môn đều có phương pháp học bài phù hợp riêng biệt. Tuy nhiên với phần thông tin sau đây, Learn With Me sẽ gợi ý đến bạn những cách học thuộc lòng nhanh và hiệu quả tổng quát nhất, để bạn có thể áp dụng với hầu hết những môn học của mình. Nếu đang phải đối mặt những bài học “chất cao như núi”, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn vượt qua “ngọn núi” này một cách dễ dàng.
7 cách học thuộc bài hiệu quả giúp bạn thuộc nhanh, nhớ lâu
Có những người dễ dàng học thuộc lòng một bài học mà chẳng tốn nhiều thời gian. Nhiều người khác dù cầm cuốn sách cả ngày trời, nhưng vẫn không thể nào học thuộc nổi. Dù may mắn là trường hợp đầu tiên hay đen đủi rơi vào trường hợp thứ 2, những cách học thuộc bài nhanh dễ nhớ sau đây vẫn cần thiết với bạn:
1. Đừng quên chú ý nghe giảng và ghi chép kỹ càng
Nếu hoàn thành tốt điều này, bạn đã sở hữu một lợi thế rất lớn khi cần học thuộc bài rồi đó. Đây là lý do khi còn ở trong lớp học, thay vì làm việc riêng hay thẫn thờ theo mây theo gió (các bạn sinh viên hay gặp phải trường hợp này lắm nè), thì bạn hãy cố gắng nghe thầy cô giảng bài. Nghe giảng ở đây là nghe một cách chủ động, chứ không phải là nghe thụ động đâu nhé.
Mặt khác, bạn cũng đừng ghi chép bài đầy đủ, kể cả những lưu ý của thầy cô hay các nội dung bên lề quan trọng. Phần này thường bị nhiều bạn bỏ qua. Tuy nhiên khi đi thi, những bạn ghi chép bài cẩn thận luôn có khả năng làm bài tốt hơn các bạn còn lại. Bởi lưu ý của thầy cô chính là “chìa khóa” để bạn phân tích một nội dung nào đó theo cách sâu và rộng hơn bình thường.
Chú ý nghe giảng một cách chủ động là lần học bài đầu tiên. Ghi chép bài đầy đủ là lần học thứ 2. Như vậy, khi về nhà học lại, đó sẽ là lần học thứ 3, thứ 4,… của bạn. Chính vì thế lúc này, bạn cũng dễ dàng ghi nhớ nội dung bài học hơn, chứ không cần “căng não” để nội dung bài học “chui” vào đầu, như khi bạn bỏ qua lần học đầu tiên và thứ 2 của mình.
2. Hệ thống lại bài học
Một trong những cách học thuộc nhanh mà nhớ lâu chính là hệ thống lại bài học. Theo kinh nghiệm từ cá nhân mình, bạn nên làm điều này càng sớm càng tốt, chứ không nên chờ đến khi học bài kiểm tra mới lôi bài ra hệ thống lại. Thay vào đó, chẳng hạn chiều nay bạn mới học môn Lịch sử, thì tối về, bạn hãy dành thời gian viết ra những mục chính trong nội dung bài học buổi chiều.
Bạn không cần phải viết quá chi tiết, mà chỉ gần ghi lại những mục lớn và mục nhỏ, để nắm được mình đã học những gì mà thôi. Công đoạn này thường chỉ mất khoảng 5 – 15 phút, nhưng lại đóng vai trò quan trọng, để bạn ghi nhớ nội dung một cách có hệ thống và khoa học.
Có thể bạn quan tâm:
3. Sắp xếp môn học/bài học theo thứ tự ưu tiên
Bạn đang học môn Văn, nhưng trong lòng lại thấp thỏm không yên khi chưa học môn Địa? Bạn đang “vùi đầu” học môn này cho phần kiểm tra bài cũ ngày mai, nhưng vẫn không thể không lo lắng cho môn kia vì sắp có bài kiểm tra 1 tiết? Chính vì không thể “toàn tâm toàn ý” vào một bài học duy nhất tại một thời điểm, nên bạn cũng không thể học thuộc bài nhanh chóng như mong muốn.
Giải pháp cho tình trạng này không quá phức tạp. Bạn chỉ cần lên một danh sách những bài cần học và sắp xếp chúng theo một thứ tự ưu tiên là được.
Hãy đặt lên đầu những môn quan trọng và sắp có bài kiểm tra, những môn còn lại ở phía sau. Như vậy, bạn sẽ không phải “đứng núi này trông núi nọ”. Nhớ sắp xếp thời gian một cách cẩn thận và lập kế hoạch học tập cá nhân rõ ràng, để không bỏ sót bất cứ bài học nào nhé.
4. Chia nhỏ bài học thành nhiều phần
Bạn không nên tham lam nhồi nhét quá nhiều nội dung cần học vào một buổi. Nếu cần học thuộc một nội dung dài, hãy chia nhỏ chúng thành từng phần.
Ví dụ, tối nay bạn học phần đầu, sáng mai ôn lại phần đầu và học tiếp phần sau. Nhờ đó, não sẽ không phải hoạt động hết công suất để tiếp thu “chồng chất” kiến thức – việc vừa tốn nhiều thời gian, vừa không thật sự hiệu quả.
Tuy nhiên, để phương pháp này phát huy tối đa tác dụng, bạn tiếp tục phải biết cách sắp xếp thời gian và lập kế hoạch. Bởi nếu là một người thuộc trường phái “nước đến chân mới nhảy”, bạn hoàn toàn không thể áp dụng phương pháp này. Khi đó, cố gắng nhồi nhét đủ loại nội dung trước ngày thi là con đường duy nhất dành cho bạn.
Vì vậy, nếu muốn bản thân có thể thong thả học bài, hãy chăm chỉ trước khi quá muộn.
5. Đọc đi đọc lại nhiều lần
Khi não bạn “từ chối” dung nạp kiến thức, hãy đọc đi đọc lại nội dung bài học nhiều lần. Bạn có thể đọc thầm hoặc đọc thành tiếng, tùy thuộc vào thói quen của bản thân.
Tuy nhiên, hãy nhớ phải vừa đọc, vừa chú tâm vào nội dung, chứ đừng miệng thì đọc, nhưng não lại nghĩ về điều khác nhé.
Với cách học bài thông thường, bạn có thể ghi nhớ 8 – 9 phần nội dung. Còn với cách đọc đi đọc lại nhiều lần, có thể bạn não bạn chỉ tiếp thu được 3 – 4 phần mà thôi. Thế nhưng rõ ràng, phương pháp này vẫn không vô dụng, mà lại vô cùng cần thiết, nhất là khi bạn không thật sự có hứng thú học bài.
6. Kết hợp vừa học vừa ghi chép
Đây chắc chắn là cách học thuộc bài hiệu quả của nhiều bạn rồi nhỉ? Khi học ở nhà, bạn cũng đừng quên để bên cạnh giấy note và đủ loại bút màu, để vừa học, vừa note ra những ý quan trọng. Học như vậy, bạn sẽ dễ nhớ mà cũng khó quên hơn, so với việc chỉ ngồi nhẩm lại bài thôi đó.
Với phương pháp này, bạn có thể kết hợp với phương pháp Take Notes hoặc Mind-map vô cùng nổi tiếng. Bạn không cần phải đầu tư Take Notes thật xinh xắn và xịn xò như các bạn trên Facebook, mà chỉ cần hệ thống lại các nội dung chính một cách gọn gàng. Đồng thời tận dụng các loại bút màu hay highlighter, để trang vở thêm bắt mắt là được.
Tương tự với Mind-map, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này đâu nhé. Vì thế, bạn chỉ cần viết lại nội dung chính theo ý hiểu của bạn và theo mối liên hệ của chúng, bạn sẽ thấy việc học trở nên logic và rõ ràng hơn đấy.
Nếu bạn muốn đơn giản hơn nữa, hãy sử dụng bút highlight để đánh dấu các từ ngữ hay câu văn quan trọng. Học theo “keyword” và ý chính giúp bạn nhanh hiểu bài, mà không bị rơi vào tình trạng “học vẹt” thường gặp.
7. Không nên “cố quá thành quá cố”
Trong bài viết làm gì khi mất động lực học tập, mình từng nhắc đến ý “bạn xứng đáng được nghỉ ngơi một chút”. Điều này cũng tương tự như vậy.
Khi đã cố gắng áp dụng mọi phương pháp, nhưng bạn vẫn không thể học thuộc bài, đầu óc lúc này chỉ “lâng lâng” nặng trĩu, bạn nên cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Đừng nên tiếp tục cố gắng làm gì, mọi thứ chỉ vô ích mà thôi.
Thay vào đó, bạn hãy gấp vở lại, tìm đến một món ăn ngon, một sở thích của bản thân để thư giãn tinh thần hoặc lên giường đi ngủ, để cơ thể được nghỉ ngơi.
Sau đó, bạn khởi động lại hành trình học bài với một tâm thế thoải mái, mọi thứ cũng sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, bạn đừng nghỉ lâu quá nhé. Bởi các bài học, những bài kiểm tra không thể chờ bạn được đâu.
Mỗi người đều có những cách học thuộc bài hiệu quả của riêng mình. Với một số cách học bài dễ nhớ lâu quên kể trên, hy vọng bạn cũng sớm tìm ra bí quyết của bản thân, để “chiến thắng” mọi bài học khó nhằn nhất.
Chúc các bạn thành công!