Ý nghĩa chung của các cách bày mâm ngũ quả
Từ “ngũ” trong mâm ngũ quả có nghĩa là 5. Mâm ngũ quả là mâm bày 5 ngũ quả ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Năm hành này ứng với 5 màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng. Mâm ngũ quả mang ý cầu mong những điều tốt đẹp, suôn sẻ cho năm mới nói chung.
Dù cách bày mâm ngũ quả có khác nhau theo từng vùng miền, nhưng nải chuối xanh là loại quả thường được sử dụng. Màu xanh của của nải chuối đại diện cho hành Mộc trong ngũ hành. Hình dạng nải chuối xoè ra như bàn tay mang ý đùm bọc, sung túc và gắn kết. Vì thế mà khi bày mâm ngũ quả, người ta thường đặt nải chuối nâng đỡ các quả khác.
Ngoài ra, quả bưởi màu vàng được đặt ở giữa nải chuối ứng với hành Thổ. Quả này mang ý cầu phúc cầu lộc. Tuy nhiên, quả bưởi còn có thể thay bằng lựu chín vàng hoặc quả phật thủ.
Cách bày trí mâm ngũ quả của ba miền
Dù đều hướng đến những lời nguyện cầu tốt đẹp cho năm mới nhưng cách bày mâm ngũ quả của mỗi miền lại có những nét khác biệt.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm chuối, bưởi (phật thủ), đào, hồng, cam, quất, táo, lựu… Trong đó, mỗi loại quả đều mang ý nghĩa riêng. Nải chuối hay quả phật thủ biểu trưng cho sự che chở của trời, Phật. Bưởi hoặc cam mang ý cầu phúc lộc trong năm mới, là biểu tượng của sự trọn vẹn. Quả quất và táo thể hiện sự sung túc, phú quý. Cầu xin sự thăng tiến và thành đạt được gửi gắm trong đào, hồng. Bên cạnh đó, người ta còn cầu mong cho gia đình sum vầy, đông đúc qua quả lựu.
Theo truyền thống, cách bày mâm ngũ quả miền Bắc thường đặt nải chuối ở vị trí dưới cùng. Bưởi hoặc phật thủ có màu vàng nổi bật đặt lên giữa nải chuối. Các loại quả khác có kích thước nhỏ hơn được bày khéo léo ở xung quanh sao cho hợp lý. Đây là cách sắp xếp hài hòa, đẹp mắt dựa trên kinh nghiệm phong thuỷ. Bởi lẽ, phong thuỷ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần người phương Đông.
Mâm ngũ quả miền Trung
Mâm ngũ quả ở miền Trung rất đa dạng, cách bày trí cũng đơn giản hơn. Đó là các loại quả như chuối, bưởi, mãng cầu, dứa, xoài, sung, dưa hấu, nho, táo, cam…
Người miền Tung có cách bày mâm ngũ quả theo hình thức tương tự như miền Bắc. Quả nặng và to đặt ở dưới cùng làm bệ đỡ những quả nhỏ hơn. Tiếp đến là những quả nhỏ chèn xen kẽ xung quanh để lấp chỗ trống. Đặc biệt, nhiều gia đình miền Trung còn dùng hoa cúc vàng để trang trí thêm cho mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả miền Nam
Không giống miền Bắc và miền Trung, mâm ngũ quả miền Nam không dùng chuối, cam hay quýt. Mâm ngũ quả của miền Nam chịu ảnh hưởng bởi các cách đọc, quan niệm tên gọi. Chẳng hạn, người miền Nam cho rằng từ “chuối” phát âm giống “chúi”. Điều này dẫn đến liên tưởng không ngẩng đầu lên được, việc làm ăn không suôn sẻ. Tương tự, cam và quýt dễ liên tưởng đến câu “quýt làm cam chịu”. Họ cho rằng đây là điều không hay.
Vì vậy, các loại quả trên mâm ngũ quả thường có tên gọi đem đến điềm lành. Đó là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung… Nếu đọc lái lại sẽ giống câu “Cầu vừa đủ xài sung”. Điều này thể hiện mong ước về sự sung túc, đủ đầy cho năm mới.
Cách bày mâm ngũ quả miền Nam khá đơn giản. Những trái cây lớn như mãng cầu, đu đủ, dừa được đặt lên trước làm thế đỡ. Những quả nhỏ hơn được sắp xếp hợp lý bên trên hoặc xung quanh sao cho ra hình tháp. Bên cạnh đó, người miền Nam còn dùng thêm một cặp dưa hấu ở hai bên mâm. Dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng biểu trưng cho sự may mắn, đi theo cặp. Một số gia đình còn dán chữ “Phúc” và “Lộc” trên cặp dưa hấu. Họ quan niệm rằng điều này sẽ đem đến nhiều phúc lộc cho gia đình mình.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết trung thu
Mâm ngũ quả vào ngày Tết trung thu thường có gì?
Thông thường, mâm ngũ quả vào dịp Tết đoàn viên hay còn gọi là Tết trung thu thường có những loại trái cây như: quả hồng tượng trưng cho sự no đủ, nải chuối chín vàng như hình bàn tay hứng lấy tài lộc, quả na với ý nghĩa sinh sôi, quả lựu màu đỏ mang thông điệp may mắn và quả bưởi như một cách cầu điềm lành của gia chủ.
Bên cạnh các loại trái cây kể trên, bạn có thể biến tấu thêm một vài loại trái cây khác để mâm ngũ quả vào ngày Tết trung thu thêm đẹp mắt bạn nhé!
Bật mí cách bày mâm ngũ quả vào ngày Tết trung thu
Tùy theo mỗi gia đình, cách sáng sáng tạo, gu thẩm mỹ mà có những cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung bạn cần tuân thủ một vài nguyên tắc:
– Nên xếp các loại hoa quả cứng và to để phía dưới. Sau đó mới tiếp tục đặt các loại quả nhỏ và mềm phía trên.
– Các loại quả có hình dáng khác nhau và không phải loại quả nào cũng có bề mặt đứng được. Do đó, khi áp dụng các cách bày mâm ngũ quả vào ngày Tết trung thu hay các dịp khác, bạn có thể sử dụng băng dính để cố định các loại quả, tránh trường hợp hợp quả rơi xuống đất.
– Để mâm ngũ quả vào dịp Tết đoàn viên thêm phần đẹp mắt và sinh động, bạn nên cắt tỉa thành các loại hoa, con vật ngộ nghĩnh. Nếu khéo tay hơn, bạn có thể tạo hình mặt trăng, ông sao để phù hợp hơn với chủ đề bạn nhé! – Một lưu ý khác khi chọn các cách bày mâm ngũ quả vào dịp Trung thu cho bạn chính là phải chọn trái cây sao cho có đủ quả xanh và quả chín để phù hợp với quan niệm âm dương hòa hợp, vũ trụ cân bằng.
Ngoài ra, bạn có thể bày thêm đèn lồng, trà, bánh cạnh bên mâm ngũ quả để có thêm không khí ngày Tết trung thu.
Cách bày mâm ngũ quả ngày giỗ
Vào ngày giỗ để tưởng nhớ ông bà hay những người đã khuất thì cũng không thể nào thiếu mâm ngũ quả được. Với phong tục tập quán của nước ta, ngày giỗ người đã khuất được chia thành các loại: giỗ 49 ngày, giỗ 100 ngày, giỗ đầu (giỗ Tiểu Tường) tức giỗ tròn 1 năm người mất ra đi, giỗ hết tang (giỗ Đại Tường) tức ngày đánh dấu sự kết thúc của tang kỳ sau 2 năm người mất ra đi, ngày giỗ thường tức các ngày giỗ từ năm thứ 3 trở đi.
Cách bày mâm ngũ quả vào những ngày giỗ này không có sự khác biệt quá nhiều. Bạn có thể lựa chọn những loại trái cây theo sở thích lúc sinh tiền của người đã khuất. Mâm ngũ quả vào ngày giỗ cũng có thể chọn nhiều loại trái cây khác nhau như dưa hấu, quýt, thanh long, nho, táo, xoài, quả na, dứa,…
Một lưu ý cho bạn khi bày mâm ngũ quả vào ngày giỗ chính là mâm ngũ quả cần được sắp xếp gọn gàng, hạn chế làm rơi trái cây trong quá trình cúng vì việc này được nhiều người xem như không tôn trọng người đã khuất và có thể dẫn đến điềm gỡ.
Một số lưu ý khi chọn trái cây để bày mâm ngũ quả
Khi chọn trái cây bày mâm ngũ quả, có một vài lưu ý bạn cần nhớ. Trước hết là lưu ý khi chọn chuối. Bạn nên lựa nải chuối còn xanh để chuối không bị chín quá sớm trong dịp Tết. Dáng chuối cần phải hơi cong lên, cả nải khoảng hơn mười bốn quả. Các loại quả khác thì cần chú trọng vào độ tươi mới. Nên chọn quả còn nguyên cuống, không bị thâm, dập.
Vì mâm ngũ quả dùng để cúng bàn thờ, nên bạn không nên rửa để tránh làm quả mau hư. Chỉ cần dùng khăn khô lau sạch rồi bày lên mâm một cách khéo léo. Bên cạnh các loại quả truyền thống, thì thanh long, na… cũng có thể được dùng. Cách bày mâm ngũ quả không nhất thiết phải là 5 loại quà mà rất đa dạng về hình thức. Bạn có thể khéo léo bày trí cho đẹp mắt và đầy đủ mà không lo làm mất đi ý nghĩa mâm ngũ quả.
Dù mỗi miền có những cách bày mâm ngũ quả khác nhau, nhưng đều hướng về một ý nghĩa. Đó là cầu mong cho một năm mới bình an, sung túc và thật tốt đẹp. Hy vọng những thông tin trong bài sẽ hữu ích đối với bạn.
Xem thêm:
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam.