Gia Cát Lượng là ai?
Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng là giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng bệnh mất trong doanh trại.
Gia Cát Lượng là vị quân sư nổi tiếng thời Tam Quốc
Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Con trai và cháu nội của Gia Cát Lượng cũng kế thừa chí nguyện bảo vệ nhà Hán của ông và đã anh dũng tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ, tạo nên tấm gương “Trung nghĩa truyền gia thế vô song, Ba đời trung liệt chiếu sử xanh” nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát. Gia Cát Lượng cũng là vị quan văn duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thờ 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại). Ông khi còn sống có tước hiệu Vũ hương hầu, sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ Hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ Hầu hay Gia Cát Vũ Hầu để tỏ lòng tôn kính.
Ý Nghĩa Sống xin giới thiệu đến quý vị 20 câu nói hay kinh điển của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Nếu quý vị nghe kỹ những câu chân ngôn chí lý lưu truyền thiên cổ này của Khổng Minh Gia Cát Lượng và lĩnh hội được thì Quý Vị sẽ thu được lợi ích vô tận và giúp Quý Vị rất nhiều trong cuộc sống, công việc của mình.
20 câu nói tinh hoa của Khổng Minh Gia Cát Lượng
1. Quý nhi bất kiêu, thắng nghi bất bội, hiền nhi năng hạ, cương nhi năng nhẫn
Câu nói nổi tiếng này của Gia Cát Lượng ý là: Cao quý mà không kiêu ngạo, chiến thắng, lập công mà không tự mãn, hiền tài mà khiêm hạ giữ lễ với người dưới, cương trực mà bao dung nhẫn nại.
Thân ở ngôi vị cao mà không cao ngạo tự mãn, lập công trác việt mà không kiêu ngạo kiêu căng, có tài năng mà có thể khiêm hạ lễ đãi kẻ hèn kém, tính cương trực mà có thể bao dung, nhẫn nại với mọi người.
Quan Vũ (tự Vân Trường) là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Quan Vân Trường là tướng tài, dũng khí hơn người nhưng ông mắc khuyết điểm là quá kiêu ngạo, cậy tài và chính tính cách này gây ra cái chết của Quan Vũ.
Khi ông đối chọi với Tào Ngụy tại Kinh châu, Tào Tháo sai người hẹn Tôn Quyền hợp công Quan Vũ. Trước khi quyết định, Tôn Quyền phái sứ giả tới cầu hôn con gái Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ.
Tiếc rằng, lúc đó, Quan Vũ hoàn toàn quên hết lời dặn của quân sư Khổng Minh, không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền.
Hình ảnh Quan Vũ
Câu nói “hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử” của ông xúc phạm nặng nề nhà Đông Ngô, phá vỡ chủ trương chiến lược của Gia Cát Lượng. Vì thế, các sử gia đánh giá việc Tôn Quyền ngầm hàng Tào Tháo, giết Quan Vũ chính là “quả đắng” do ông quá ngạo mạn.
2. Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi
Câu nói tinh hoa này của Khổng Minh nghĩa là: Lúc còn trẻ đầy sinh lực nếu như không cố gắng, Thì khi về già sẽ hối tiếc những ngày đã qua.
Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời này, chính là mãi đến khi tuổi đã xế chiều, mới nhận ra mình đã qua loa lãng phí quãng thời gian tươi đẹp nhất cuộc đời như thế nào, tuổi trẻ nhiều đam mê, nhiều vui thú, mải mê chìm đắm trong yến tiệc, chén thù chén tạc với bằng hữu, thâu đêm cùng cuộc đỏ đen, lao mình vào chốn hoa thiên tửu địa.
Đời người chỉ ngắn ngủi mấy chục năm, tuổi trẻ là khoảng thời gian vô cùng quý giá, lại trôi qua nhanh, vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ, nếu không cố gắng thì khi quá tuổi sẽ hối tiếc, bi thương, Ngoảnh lại bỗng thấy đã bạc mái đầu, sức tàn lực kiệt, bệnh tật đầy thân, mà công danh sự nghiệp, một việc cũng không thành. Than ôi, giờ đây ôm hận, muốn lại từ đầu thì đã quá muộn. bởi vì khi ấy hết thảy mọi thứ đều không còn kịp, không lấy lại được nữa.
3. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn
Câu nói của Gia Cát Lượng ý là: Không đạm bạc thì không tỏ rõ được chí hướng, không yên tĩnh thì không thể gây dựng được chí hướng cao xa.
Con người cần phải điềm tĩnh vô vi, không chạy theo danh lợi mới có thể tỏ rõ chí hướng. Phải thanh tĩnh bình hòa mới có thể đạt đến cảnh giới thâm sâu, xa rộng.
Câu này được trích từ “Giới tử thư”, đó là thư của Gia Cát Lượng lúc ông 54 tuổi, răn dạy con là Gia Cát Chiêm 8 tuổi. Thực ra, “đạm bạc” mà Gia Cát Lượng kỳ vọng không phải là để Gia Cát Chiêm tầm thường chẳng làm nên trò trống gì, trốn người tránh đời, ẩn cư nơi núi rừng hoang dã trong “đạm bạc”, cũng không phải để con lười nhác an dật, uổng phí một đời trong “ninh tĩnh”. Gia Cát Lượng hy vọng con “Đạm bạc minh chí”, khi trong tâm không có tạp niệm, vô dục vô cầu, thì sẽ khiến chí hướng càng rõ ràng, càng kiên định. Mà trong trạng thái thanh tịnh, lý tính, con người mới không bị danh lợi trói buộc, níu kéo, mới không bị những phồn hoa chốn nhân gian mê hoặc, gặm mòn.
Đồng thời, Gia Cát Lượng răn dạy con “Ninh tĩnh trí viễn”, cần duy trì tâm thái tốt, khắc chế tính nóng vội. Khi tâm tĩnh lặng thì mới có thể rộng lớn, sâu sắc như bầu trời cao xa. Người có thể tĩnh lặng được như thế thì tầm nhìn mới lâu dài, cao xa được.
Con người cần phải điềm tĩnh vô vi, phải thanh tĩnh bình hòa mới có thể đạt đến cảnh giới thâm sâu, xa rộng.
Gia Cát Lượng có nhiều câu nói nổi tiếng để đời
4. Thế lợi chi giao, nan dĩ kinh viễn
Câu nói để đời này của Gia Cát Lượng ý là: Kết giao quyền thế, lợi ích, khó mà lâu bền.
Xây dựng kết giao dựa trên quyền thế và tài lợi, khó mà lâu dài được. Câu này ý nói rằng dùng lợi lộc, lời lẽ nịnh bợ mà kết giao với nhau thì chẳng thể cùng nhau làm việc lâu dài.
Câu nói này cũng giống câu châm ngôn của người xưa ‘Tửu nhục bằng hữu’ (bạn rượu thịt), đúng như câu thơ trong bài ‘Thói đời’ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”
Xưa nay đều trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đệ tử, chỉ những kẻ dưới quyền, tay chân, thuộc hạ sống bám vào việc tâng bốc cấp trên. Kẻ đãi bôi: kẻ nói lời ngon ngọt lấy lòng, không thật, xảo ngôn.
5. Chí đương tồn cao viễn
Câu nói này của Gia Cát Lượng ý là: Chí hướng nên cao xa.
Làm người phải có lòng dạ rộng lớn và chí hướng cao xa . Muốn thành công thì phải có ý chí, không thể lười nhác thụ động. Càng có chí thì càng dễ có nền tảng thực hiện vì luôn có động lực thôi thúc bên cạnh.
Câu nói này của Gia Cát Lượng là câu mà cổ nhân đặc biệt coi trọng, vì làm người cần phải xác lập được chí hướng. Chỉ có xác lập được chí hướng to lớn cao xa mới có đủ sức mạnh và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và kiếp nạn, khắc phục các nhược điểm bản thân, đốc thúc mình không ngừng tiến bước hướng tới mục tiêu.
Trong ‘Giới ngoại sanh thư’ (Thư răn dạy cháu ngoại), Gia Cát Lượng đã nói rất tường tận chi tiết về tầm quan trọng của ‘Lập chí’ như trên.
6. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học
Gia Cát Lượng nói câu này ý là: Không học sẽ không mở rộng được cái tài, không có ý chí thì học sẽ không có thành quả.
Người chí sĩ thời cổ đại luôn mang theo khí khái khoan dung, tầm mắt cao xa, cương nghị quyết đoán, hết lòng phụng sự bách tính. Kẻ đi học dẫu thuộc làu kinh thư mà không có ý chí kiên cường, không có chính kiến và nguyên tắc của mình thì cũng không được coi là kẻ sĩ chân chính khó đạt được thành quả. Bên cạnh đó, “Người mà không học, khác gì đi đêm. Người không học như ngọc không mài”; “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi” – ý nói nếu không học con người sẽ trở nên mù mờ, tăm tối, dẫu có là ngọc đi chăng nữa mà không được mài, được giũa thì ngọc ấy cũng chẳng có giá trị gì.
7. Cúc cung tẫn tụy, tử nhi hậu dĩ
Gia Cát nói câu này nghĩa là: Hết lòng tận tụy đến chết mới dừng.
Người làm việc gì đó, trước hết cần phải có cái lễ nghĩa, làm việc tận tụy mới là điều đáng quý. Tăng Tử nói: “Mỗi ngày ta tự hỏi bản thân 3 lần: Mưu việc cho người ta có tận trung không? Kết giao bằng hữu có giữ chữ tín không? Được truyền thụ có luyện tập không”.
Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải hết lòng hết sức làm việc, trung thành phải đặt lên đầu. Rất nhiều người trong xã hội luôn mưu cầu lợi ích cá nhân, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến bản thân, chính cái suy nghĩ này khiến họ tự đánh mất phẩm chất, đánh mất lòng tin của mọi người, khiến trong mắt mọi người, họ chẳng có giá trị gì.
Gia Cát Lượng và Lưu Bị
8. Viễn lự giả an, vô lự giả nguy
Câu nói này của Khổng Minh Gia Cát Lượng tạm dịch nghĩa là: Người nhìn xa trông rộng sẽ được bình an, người không biết lo nghĩ gì sẽ gặp nguy hiểm.
Những người thành công không bao giờ đưa ra sự lựa chọn chỉ vì nhìn thấy một vài lợi ích trước mắt. Thay vào đó, họ sẽ dành thời gian cân nhắc về các hệ quả trên nhiều cấp độ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Do đó sẽ giúp họ tránh rắc rối và nguy hiểm trong tương lai. Một người muốn nên nghiệp lớn thì phải biết nhìn xa trông rộng. Đối với bàn cờ cuộc sống này, chúng ta trước hết phải có một cái nhìn thật rộng, thật bao quát. Phóng to, phóng xa tầm nhìn giúp bạn xác định định hướng phát triển của sự việc, kiểm soát được cả thế cục.
9. Vấn chi dĩ thị phi nhi quan kỳ chí
Câu nói trên của Khổng Minh có ý là: Muốn xem xét chí hướng của một người thì phải hỏi họ về điều phải trái đúng sai.
Để đánh giá phẩm chất của một người, trước tiên phải xem nhận định của người đó trước các vấn đề đúng – sai, từ đó đánh giá các nhìn và xem xét chí hướng của người đó.
Đạo đức quyết định hành động. Quan điểm về cái đúng cái sai tạo nên cách cư xử của một người. Điều bạn cho là không đúng lại có thể hoàn toàn phù hợp với người khác và ngược lại. Điều này có thể dẫn đến xung đột hoặc các vấn đề trong từng bối cảnh cụ thể.
Biết về đạo đức của một người, bạn có thể tránh được các xung đột nhất định. Bằng cách lắng nghe cẩn thận ý kiến của đối phương về cái đúng, cái sai, bạn sẽ biết nhiều hơn về bản chất đạo đức, lập trường của người này. Người làm tướng mà không thể phân biệt rõ địch và ta thì hậu quả vô cùng thảm hại. Chỉ có người chí hướng cao, lập trường vững chắc, tấm lòng rộng lượng thì mới là người có thể cộng tác.
10. Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính
Ý là: Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính.
Ai cũng có tài năng sở trường cá nhân, nhưng lại rất ít người phát triển tài năng sở trường của mình thành bậc lương tài rường cột quốc gia hay đóng góp xuất sắc cho nhân loại, cũng chỉ bởi “lười nhác”.
Khi tự mình bỏ qua cho mình, tự mình thỏa mãn, tự cho phép mình tạm nghỉ ngơi, hoặc cho phép mình để công việc, học hành hoãn lại, lùi lại, hoặc ưu tiên thời gian cho các hoạt động giải trí, đánh bóng tên tuổi, xã giao… thì đó chính là đang bước trên con đường thất bại vậy.
Người nóng nảy, mạo hiểm không giữ được lý tính, sẽ không đủ tỉnh táo đánh giá tình huống để đưa ra quyết định đúng, nên thường sẽ mắc các sai lầm chí mạng dẫn đến thất bại, thậm chí mất đi cả sinh mạng mình, mà tiêu biểu nhất là cái chết của Trương Phi đã nói rõ ý nghĩa của câu nói này.
11. Thiện tướng giả, tất hữu bác văn đa trí giả vi phúc tâm, do trầm thẩm cẩn mật giả vi nhĩ mục, dũng hãn thiện địch giả vi trảo nha
Câu nói nổi tiếng này của Gia Cát Lượng ý là: Bậc tướng giỏi, ắt có người học rộng tài trí làm tâm phúc, có người trầm tĩnh thận trọng cẩn mật làm tai mắt, có người dũng mãnh thiện chiến làm móng vuốt.
Bậc tướng giỏi, cho dù tài giỏi, mưu lược đến đâu cũng không thể thành công nếu không có sự trợ giúp của mưu sỹ học rộng tài cao, suy xét cẩn trọng tỉ mỉ, và những tỳ tướng dũng mãnh thiện chiến xông pha sa trường.
Như Lưu Bị một con người khiêm tốn với tầm nhìn chiến lược và tính cách chính trực đã thu phục được lòng trung thành và mộ đạo vững chắc từ nhiều viên mãnh tướng huyền thoại (Ngũ hỗ tướng) và một nhà chiến lược thiên tài (Gia Cát Lượng) trong thời đại của mình, để rồi cuối cùng đã chinh phạt thành công một phần Trung Hoa.
3 anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
12. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học
Ý là: Phàm việc học, cần phải tĩnh, để thành tài, cần phải học, không học thì không lấy gì phát triển tài năng, không quyết chí thì không cách gì thành tựu việc học.
Đây là lý do tại sao xưa các bậc kỳ tài thường ẩn cư nơi núi sâu rừng thẳm tu luyện, học tập, để rồi trở thành bậc kỳ tài vang danh thiên cổ như Khương Tử Nha, Chu Văn Vương, Quỷ Cốc Tử, Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử, Trương Lương, Gia Cát Lượng…
Người xưa có câu: “Thập niên song hạ vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri” (Mười năm dùi mài kinh sử bên cửa sổ, không có ai hỏi đến, chỉ một khoa cử thi đỗ cao (Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) thì cả thiên hạ biết đến).
Câu nói này cũng là tổng kết quá trình quyết chí học tập, tu luyện thành tài của Gia Cát Lượng. Ông 9 năm quyết chí cần mẫn hàng ngày lên núi theo học một đạo sỹ, rồi 9 năm nữa ẩn cư ở Long Trung mài giũa tài năng.
13. Túy chi tửu nhi quan kỳ tính
Câu nói này nghĩa là: Khi uống say có thể nhìn được tính cách.
Dùng rượu để xem xét tính tình của một người. Một người uống rượu say thì hành vi, tính cách thể hiện ra vô cùng chân thực, không có sự che giấu, ý tứ nào. Nhìn những biểu hiện ấy có thể đánh giá nhân cách của họ. Nếu trong cơn say vẫn có thể giữ được khí chất và sự chừng mực thì chứng tỏ là người nhân. Ngược lại, rượu vào lời ra, nói lời bất hảo, làm chuyện xằng bậy thì chính là kẻ tiểu nhân.
14. Hữu nan, tắc dĩ thân tiên chi; hữu công, tắc dĩ thân hậu chi
Câu nói này Ý là: Gặp khó, hãy tự thân đi đầu. Có công, hãy tự thân lùi lại.
Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ, chính là ý tứ này. Người quân tử thì xông pha gian khó, xung phong đi đầu, khi lập công cũng không mong ban thưởng, không cầu báo đáp. Đây được xem là đạo lý của người quân tử thời xưa.
Thời Tam Quốc, Triệu Vân liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách, Phá trận Bát Môn kim Tỏa của Tào Nhân (có công của Từ Thứ giúp kế phá ải); cứu con trai Lưu Bị trong trận Trường Bản, diệt hơn 50 tướng của Tào Tháo, cướp được thanh kiếm Thanh Công của Tào Tháo; đánh Tây Xuyên, Hán Trung, đánh tộc người Man do Mạnh Hoạch chỉ huy, tham gia Bắc phạt do Gia Cát Lượng chỉ huy… những câu chuyện về chiến tích của Triệu Vân đã trở thành huyền thoại. Triệu Vân được coi là người anh hùng hiệp nghĩa, dũng cảm, sẵn sàng xông pha làm việc lớn không ngại gian khổ nhưng cũng rất khiêm tốn và khiêm nhường.
Chân dung Triệu Vân
15. Vạn sự cụ bị, chích khiếm Đông phong
Câu nói để đời này của Gia Cát Lượng ý là: Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió Đông.
Là câu Gia Cát Lượng nói với Chu Du khi ở Giang Đông bàn định kế đánh Tào Tháo. Liên quân Tôn – Lưu đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, binh sĩ sẵn sàng, mưu lược cũng đủ cả chỉ còn thiếu gió Đông Nam nổi lên để đánh hỏa công, phóng hỏa vào trại Tào. Câu này ý nói mọi chuyện dù đã toàn vẹn, đủ đầy nhưng đôi khi vẫn có thể bế tắc vì thiếu yếu tố quyết định: Thiên thời, còn gọi là thời cơ. Chữ quan trọng nhất ở đây là chữ thời. Bởi lẽ làm gì chúng ta cũng cần phải tự hỏi thời điểm này làm có đúng không, có sớm quá hay muộn quá không, làm vào thời điểm nào là phù hợp nhất, chỉ khi làm vào đúng thời điểm mới cho ra hiệu quả tốt.
16. Vật dĩ thân quý nhi tiện nhân, vật dĩ độc kiến nhi vi chúng, vật thị công năng nhi thất tín
Ý là: Đừng lấy thân quý mà hạ thấp người, đừng lấy ý riêng làm thành việc chung, đừng lấy năng lực gây điều thất tín.
Cốt lõi của câu này dạy người ta phải có lòng vị tha, “tiên tha vị ngã” (nghĩ cho người trước, nghĩ đến mình sau). Nó cũng nhấn mạnh đến chữ “Tín” khi hành sự. Không thể vì cậy mình có công lao, năng lực mà làm chuyện mất hết tín nghĩa.
17. Thân hiền thần, viễn tiểu nhân, thử tiên hán sở dĩ hưng long dã
Ý là: Gần gũi với người có đức có tài, rời xa kẻ tiểu nhân, vì điều này mà Tiên Hán mới thịnh vượng.
Hiểu câu nói thì không khó, nhưng làm sao để nhận ra người có đức có tài và kẻ tiểu nhân?
Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, vẽ hổ là vẽ da nhưng khó vẽ được xương, biết người là biết mặt, khó biết được lòng.
Người giám định nghệ thuật nhìn nhầm một bức tranh chữ, cùng lắm chỉ là phá sản, chẳng qua là tổn thất về vật chất. Nhưng nếu nhìn nhầm người, nặng thì họa hại vô hạn, nhẹ thì mất cả người lẫn của.
Theo quy tắc nhìn người của Khổng Tử, có thể khái quát thành ba chữ: “Thị”, “Quan”, “Sát”. Ông nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an”, tức là xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, là có thể nhìn rõ được phẩm giá của một người.
Những tiêu chí nhìn người của Ngọa Long tiên sinh vốn xuất phát từ 7 phương diện: “Chí – biến – thức – dũng – tính – liêm – tín” để có thể đưa ra đánh giá toàn diện nhất về đối phương.
18. Cáo chi dĩ họa nan nhi quan kỳ dũng
Câu này của Khổng Minh ý là: Đặt ra những tình huống gian nguy, khốn khó để xem sự dũng cảm của đối phương.
Thời Tam Quốc, Trương Phi là người sát cánh cùng Lưu Bị từ thuở hàn vi, ông đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nước Thục. Trương Phi nổi tiếng với sức khỏe địch muôn người cùng với sự dũng cảm coi thường cái chết.
Trương Phi thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù, trong trận Tương Dương, Trường Bản, tuy chỉ còn vài chục quân sĩ, còn quân Tào đông đến mấy trăm vạn, nhưng sự dũng mãnh của ông đã khiến Tào Tháo hoảng sợ phải lui quân. Trong trận ấy, Hạ Hầu Kiệt, viên quan theo hầu Tào Tháo đã hoảng sợ đến mức vỡ mật mà chết. Ông đã cùng đơn đấu với Lã Bố đến hơn 50 hiệp mà bất phân thắng bại.
Những chiến công của Trương Phi có thể kể tới: dẹp giặc Khăn Vàng, chặn quân Tào Tháo ở trận Trường Bản, truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, thu phục Nghiêm Nhan, giao tranh với Trương Cáp ở Ba Tây, đánh nhau với Mã Siêu…
Chân dung Trương Phi
19. Lâm chi dĩ lợi nhi quan kỳ liêm
Ý là: Dùng lợi lộc, tiền bạc, công danh để xem sự liêm chính của một người. Người liêm chính thì không đánh mất mình vì lợi lộc, tiền bạc, công danh.
Quan Vũ sau thất bại tại Từ Châu, vì bảo vệ tính mạng của hai chị dâu (tức vợ của Lưu Bị), nên đã đầu hàng Tào Tháo, và lập công để báo đáp Tào Tháo. Mặc dù Tào Tháo hết lòng trọng dụng và tặng thưởng rất hậu, nhưng sau trận giết Nhan Lương, Quan Vũ đã gói ghém hết những đồ thưởng để lại trả lại cho Tào Tháo, viết thư cáo từ, rồi đưa hai chị dâu đi đến chỗ Lưu Bị ở bên quân Viên. Quân Tào muốn đuổi theo, nhưng Tào Tháo nói: “Người ấy bỏ đi vì chủ, chớ nên đuổi theo”. Cho thấy rằng Quan Vũ quả nhiên là bậc đại trung của Tam Quốc.
20. Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị
Ý là: Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ.
Chúng ta biết câu cổ ngữ “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng chính xác thì phải là câu “Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị” của Gia Cát Lượng.
Những việc nhỏ hầu như không phải chuẩn bị nhiều, mà làm liền đạt, dễ như trở bàn tay. Những việc lớn thì trái lại, sẽ gặp muôn vàn trắc trở.
Khi chúng ta gặp khó khăn chồng chất, điều đó có nghĩa việc chúng ta đang làm ắt không phải việc nhỏ, nên cần hun đúc ý chí, kiên định bền lòng, đạp bằng khó khăn, vững bước tiến lên, mới có thể thành đại nghiệp. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ không sợ khó khăn, coi khó khăn là cơ hội Trời cho để rèn ý chí, để thành tựu sự nghiệp mai sau.
20 câu nói của Gia Cát Lượng ở trên quả thật là những câu nói tinh hoa, mang nhiều giá trị cho hậu thế. Mong rằng những câu nói trên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Quý Vị. Ngoài ra nếu như Quý Vị muốn tìm đọc tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì chúng tôi xin giới thiệu đến Quý Vị bộ sách Tam Quốc Diễn Nghĩa mà chúng tôi tâm đắc dưới đây:
Tiki: https://ti.ki/orJDkhlH/OU32IF8G
Shopee: https://shope.ee/2fY5071luC
Tổng Hợp và biên soạn
Phong Ho
Xem thêm:
Review sách Tam Quốc Diễn Nghĩa – cuốn sách “đệ nhất thiên hạ”
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống
68 câu nói hay nhất của nhà khoa học Einstein
Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái
100 câu nói tinh hoa của triết gia Hy Lạp vĩ đại Aristotle
Youtube Ý Nghĩa Sống
Youtube Jessica Thảo Nguyễn
Tiktok Jessica Thảo Nguyễn
Fanpage Jessica Thảo Nguyễn