2 Cách làm giấm táo mèo tại nhà để giảm cân hoặc dưỡng da cực tốt

2 Cách làm giấm táo mèo tại nhà để giảm cân hoặc dưỡng da cực tốt

Lê Thúy

0 đánh giá

 · 

2 bình luận

Thay vì mua giấm táo ở ngoài, hãy học 2 cách làm giấm táo này tại nhà để giảm cân hoặc dưỡng da đều rất tốt, đảm bảo chất lượng hương vị và vấn đề vệ sinh. Cách ngâm này sử dụng táo mèo hoặc táo thường cùng với giấm gạo, 1 lọ thủy tinh… là bạn thực hiện được ngay.

Giấm táo

Giấm táo

Giấm được xem là loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Giấm có rất nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất là giấm trắng, giấm gạo, giấm táo, giấm rượu và giấm Balsamic (loại giấm đắt nhất thế giới). Trong các loại giấm, giấm táo được xem là một sản phẩm đặc biệt được làm từ quả táo tươi, không chỉ làm gia vị mà còn có tác dụng làm đẹp và trị bệnh hiệu quả. Giấm táo có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe như giảm cân, giảm cholesterol trong cơ thể, giảm lượng đường trong máu, tăng khả năng hấp thụ canxi, tốt cho huyết áp, kháng viêm…

Táo có táo thường và táo mèo, 2 loại này có cách làm giấm khác nhau và cho ra hương vị giấm cũng khác nhau, bạn có thể chọn loại nào để làm giấm cũng được. Ngay sau đây, Thucthan.com sẽ hướng dẫn các bạn 2 cách làm giấm táo (táo thường và táo mèo), tùy thuộc vào loại nguyên liệu sẵn có mà bạn áp dụng cách làm giấm phù hợp nhé!

Cách 1: làm giấm táo thường

Nguyên liệu làm giấm táo thường

  • Táo thường: 1kg, bạn có thể chọn táo xanh hoặc táo đỏ tùy ý
  • Dấm gạo: 1 chai 1 lít
  • Đường phèn: 1 chén con
  • Hũ thủy tinh lớn để ủ giấm: 1 hũ, hoặc sử dụng nhiều hũ nhỏ hơn

Lưu ý khi mua táo làm giấm

Bạn chọn mua loại táo giòn ngọt, nhiều nước, táo này khi làm giấm sẽ ngon hơn so với loại táo to, xốp. Mua táo tươi, vỏ ngoài nhẵn bóng, cầm lên thấy chắc tay và nặng, không nên chọn những trái có dấu hiệu hư hỏng hoặc bị héo.

táo làm giấm
Táo làm giấm nên chọn mua những loại giòn, ngọt và nhiều nước

Các bước làm giấm táo thường

Bước 1. Sơ chế táo.

Táo mua về bạn đem rửa thật sạch. Vì táo là loại trái cây thường bị phun thuốc nên bạn ngâm táo với nước muối loãng rồi rửa lại sạch sẽ trước khi sử dụng. Dùng dao sắc cắt táo thành những miếng nhỏ (không cần gọt vỏ), bạn có thể bỏ hạt hoặc không.

sơ chế táo
Khi làm giấm, bạn KHÔNG CẦN phải gọt vỏ và bỏ hạt táo

Bước 2. Xếp táo vào hũ thủy tinh.

Xếp táo vào hũ thủy tinh, cứ một lớp táo thì một lớp đường phèn, làm lần lượt cho đến khi hết táo. Lưu ý, bạn nên xếp táo khéo léo để tận dụng diện tích trong hũ, nếu xếp qua loa các miếng tạo sẽ rất lộn xộn, chiếm diện tích nhiều nhưng không chứa được bao nhiêu.

Lưu ý:

Hũ thủy tinh chuẩn bị phải đảm bảo đựng được hết số táo mà bạn muốn làm giấm, tránh tình trạng cố nén thật nhiều táo vào bình mà vẫn không hết.

Bước 3. Ngâm và lọc giấm táo.

Sau khi xếp táo và đường vào hũ thủy tinh, bạn đổ hết chai giấm gạo vào sao cho ngập táo. Lưu ý không nên đổ đầy, chỉ cần đổ ngập táo, lượng táo cũng không nên xếp đầy, chừa lại vài cm để khi lên men giấm sẽ sủi bọt.

ngâm táo
Tùy vào lượng táo làm giấm mà bạn chuẩn bị kích thước hũ phù hợp

Đậy kín nắp lại rồi ngâm táo trong khoảng 2 tuần, đặt hũ táo ở nơi khô ráo, thoáng mát. Trong khi ngâm, thi thoảng bạn mở nắp ra vì quá trình lên men sẽ khiến hũ giấm có hơi men, mở nắp ra để cho hơi men này bay bớt rồi đậy nắp lại ngâm tiếp.

Sau 2 tuần, bạn lọc lấy phần nước giấm, bỏ bã. Lưu ý, nên lọc 2 – 3 lần cho sạch hết cặn bã và bọt trắng trong giấm, chỉ lấy phần nước trong nhất rồi cho vào hũ thủy tinh khác nhỏ hơn (để tiện sử dụng), đậy kín rồi bảo quản thêm 2 tuần nữa là có thể đem ra sử dụng.

nước giấm táo
Cho giấm vào các hũ nhỏ hơn để tiện sử dụng

Yêu cầu thành phẩm giấm táo

  • Giấm táo có màu hơi vàng và trong, không cặn bã và không có bọt.
  • Giấm táo có vị chua hơi ngọt, mùi rất thơm và hấp dẫn.

Lưu ý

Giấm táo được ngâm từ giấm gạo sẽ có tác dụng giảm béo hiệu quả cho các chị em phụ nữ. Thế nhưng nếu bạn dùng giấm táo để làm đẹp (đắp mặt nạ, dưỡng ngoài da) thì có thể thay thế dấm gạo bằng nước sôi và cho ít đường hoặc không đường. Nếu làm giấm táo với nước sôi, giấm sẽ có mùi thơm và chua nhưng không ngọt.

Cách 2: Làm giấm táo mèo

Táo mèo là loại táo có màu xanh, vị đắng chát, rất phổ biến ở các tỉnh Bắc Bộ (Hà Giang, Yên Bái). Táo mèo không phải là loại trái cây hấp dẫn, nó được dùng để ngâm rượu, làm thuốc, ngâm siro và giấm táo. Giấm táo mèo có nhiều công dụng khác nhau: Đối với sức khỏe, giấm táo mèo có tác dụng điều hòa nhịp tim, chữa đầy hơi, chướng bụng, viêm da dị ứng, chữa bỏng và làm giã rượu. Ngoài ra, giấm táo mèo còn có thể dưỡng da, trị mụn và giảm cân hiệu quả.

quả táo mèo
Quả táo mèo

Theo nhiều người, giấm táo mèo có vị thơm ngon hơn hẳn giấm táo thường, vậy nên nếu có thể, bạn hãy mua táo mèo về làm giấm nhé!

Nguyên liệu làm giấm táo mèo

  • Táo mèo tươi: 3kg
  • Chuối tây: 1 trái
  • Nước đun sôi để nguội: 2,5 – 3 lít
  • Hũ thủy tinh lớn có sức chứa khoảng 3 lít

Lưu ý

Táo mèo để làm giấm phải là táo mèo tươi, không dùng táo mèo khô. Chọn những trái táo tươi ngon, màu ngả vàng để táo nhanh lên men và nước giấm có màu đẹp. Táo mèo ngon khi bổ ra sẽ rất thơm. Bạn không nên mua táo chín hoặc còn xanh, nếu mua được táo mèo Yên Bái thì quá tốt vì táo mèo ở đây thơm nhất trong các loại.

táo mèo
Táo mèo là loại trái đặc trưng của các tỉnh Tây Bắc

Sử dụng chuối tây để giúp giấm nhanh lên men, đồng thời tạo hương thơm đặc trưng của giấm táo.

Các bước làm giấm táo mèo

Bước 1. Sơ chế.

Táo mèo mua về rửa thật sạch, ngâm với nước muối rồi rửa sạch, để ráo.

Dùng dao cắt bỏ hai đầu táo, bạn có thể bổ đôi hoặc thái miếng mỏng để táo nhanh lên men. Lưu ý, bạn bổ táo sao cho phần hạt cũng bị bổ đôi, giữ lại hạt táo vì khi hòa tan với nước, phần hạt này sẽ giúp giấm táo thơm ngon hơn.

hạt táo mèo
Hạt táo mèo sẽ giúp giấm táo ngon và bổ hơn

Bước 2. Ngâm táo vào hũ thủy tinh.

Bạn đun sôi 2,5 – 3 lít nước, để nguội nhưng còn hơi ấm để táo nhanh lên men. Đổ nước vào bình (lượng nước vừa đủ để còn bỏ táo), cho hết táo đã sơ chế vào ngâm, thêm trái chuối tây vào để giấm nhanh lên men.

Đậy nắp lại nhưng không đậy kín, nếu đậy kín oxy sẽ không vào được và táo không thể lên men.

Bước 3. Ngâm giấm.

Đem hũ táo cất vào nơi khô thoáng và sạch sẽ, ngâm khoảng 3 – 4 tuần là có thể lấy ra dùng được. Trong quá trình ngâm bạn sẽ thấy váng màu trắng nổi lên, chỉ cần hớt bỏ đi là được.

ngâm giấm táo mèo
Ngâm táo mèo trong khoảng 3 – 4 tuần mới có thể sử dụng giấm

Yêu cầu thành phẩm giấm táo mèo

  • Giấm táo mèo có màu hơi ngả vàng, trong.
  • Giấm táo có vị hơi chua, mùi thơm nức mũi, hơn hẳn táo thường.

Lưu ý

Bạn có thể dùng giấm gạo để ngâm táo thay cho nước sôi để nguội, như vậy táo sẽ nhanh lên men hơn và vị giấm khác một chút.

Táo mèo bạn có thể bổ đôi hoặc thái lát mỏng, trộn với chút đường rồi cho vào ngâm giấm.

2 Cách làm giấm táo mà Thucthan.com vừa hướng dẫn đều rất đơn giản phải không nào? Bạn chỉ cần làm đúng các bước là có ngay hũ giấm ngon để sử dụng hàng ngày.

Chúc các bạn thực hiện thành công!

>> Cách làm chùm ruột ngâm đường phèn ngon nhất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *