Lê Hữu Lập – Người thanh niên tiêu biểu của Thanh Hóa, học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
Lê Hữu Lập (1897 – 1934) người con của thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc (nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Từ khi bắt đầu giác ngộ cách mạng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 37, Ông luôn là người học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thế hệ thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha mất khi mới 16 tuổi nhưng Lê Hữu Lập đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, theo học và tốt nghiệp trường Pháp Việt năm 22 tuổi. Với kiến thức được học và thực tế cuộc sống khổ cực của các tầng lớp nhân dân lao động đương thời càng thôi thúc người thanh niên trẻ tuổi Lê Hữu Lập sớm tìm ra con đường đi đúng đắn cho mình.
Năm 1922, Lê Hữu Lập gặp Đinh Chương Dương, một nhân sĩ yêu nước, hội viên của Việt Nam Quang phục hội (quê ở Hậu Lộc) được ông giác ngộ cách mạng và giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia tổ chức Tâm Tâm xã.
Trong quá trình tham gia tổ chức Tâm Tâm xã, Lê Hữu Lập cùng các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong … có điều kiện tiếp thu các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc để nâng tầm nhận thức về lý luận chính trị. Sau một thời gian hoạt động ở Liên Xô, cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định về Quảng Châu (Trung Quốc), tại đây Người đã liên hệ được với nhóm Tâm Tâm xã và nhóm cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Tháng 2/1925, Người lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm Tâm xã lập ra nhóm Cộng sản đoàn. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên – nòng cốt là Cộng sản đoàn. Sau khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin cho những người trong tổ chức.
Lê Hữu Lập là một trong số những thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và là người Thanh Hóa đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Đồng chí Lê Hữu Lập có vinh dự được sống gần gũi bên cạnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một người thầy lỗi lạc – nhà cách mạng thiên tài, trực tiếp được Người bồi dưỡng về lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng, chính điều này đã đưa Lê Hữu Lập đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa cộng sản, con đường đi đúng đắn do Bác Hồ vạch ra cho thanh niên nước ta.
Cuối năm 1925, sau khi học xong Lê Hữu Lập được cử quay trở về nước với hai nhiệm vụ: vận động thanh niên yêu nước ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đưa sang Quảng Châu tham dự các lớp huấn luyện và tuyên truyền Đường Kách mệnh trong thanh niên, lựa chọn người tốt để tổ chức họ vào Hội.
Lê Hữu Lập về đến Thanh Hóa giữa lúc phong trào yêu nước của nhân dân, đặc biệt là của thanh niên, giáo viên và học sinh đang sôi động với nhiều hoạt động như: đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh…. tuy nhiên về đường lối chính trị và tổ chức cách mạng chưa rõ ràng. Lê Hữu Lập khẩn trương tiến hành tuyên truyền giác ngộ cho những thanh niên tích cực, hăng hái trong phong trào đang lên ở địa phương, nhằm tuyên truyền có chiều sâu và tập dượt về mặt tổ chức.Tháng 5 năm 1926, tại số nhà 26 phố Hàng Than, Thị xã Thanh Hóa, đồng chí Lê Hữu Lập đã tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng. Thông qua Hội đọc sách báo cách mạng, Lê Hữu Lập đã tổ chức các cuộc nói chuyện, bàn bạc về thời cuộc. Những kiến thức được truyền thụ đơn giản nhưng sâu sắc. Các lớp thanh niên tiến bộ và những nhà thơ yêu nước bắt đầu được nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chủ trương của cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với việc tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng, đồng chí Lê Hữu Lập đã tiến hành cuộc vận động, tuyển chọn một số thanh niên yêu nước như: Nguyễn Văn Đắc ở Thị xã Thanh Hóa, Nguyễn Mậu Sung (Thọ Xuân) và Võ Danh Thùy (Nông Cống)… xuất dương để học tập con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thứ nhất, đồng chí Lê Hữu Lập bắt tay vào nhiệm vụ tiếp theo: xây dựng tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) tỉnh nhà.
Đầu năm 1927, Tiểu tổ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Thành phố được thành lập. Thông qua các cuộc đấu tranh của các tiểu tổ, hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phát triển ngày càng rộng, nhu cầu thông tin nội bộ tăng lên. Để giữ bí mật và che mắt chính quyền thực dân phong kiến, Lê Hữu Lập bàn với Mai Xuân Diễn thuê ngôi nhà số 26 Hàng Than, bố trí bên ngoài là cửa hàng bán nước mắm, bên trong là nơi liên lạc hội họp, đón tiếp các đồng chí từ các huyện lên, từ tỉnh ngoài đến,… xem như đó là sự giao lưu giữa các bạn hàng.
Ngôi nhà 26 Hàng Than, thị xã Thanh Hoá, địa điểm thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Thanh Hóa, tháng 4 năm 1927
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam Cách mạng thanh niên trong toàn tỉnh, tháng 4-1927, tại số nhà 26 Hàng Than, thị xã Thanh Hoá Hội nghị Đại biểu của 11 tiểu tổ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Thành phố và các phủ, huyện quyết định thành lập Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Hội nghị thống nhất cử Ban chấp hành Tỉnh bộ lâm thời gồm 3 đồng chí: Lê Hữu Lập (Bí thư), Lê Công Thanh (uỷ viên), Nguyễn Chí Hữu (uỷ viên). Sau khi Tỉnh bộ VNTNCMĐCHlâm thời được thành lập, nhiều lớp huấn luyện chính trị được mở ở thị xã Thanh Hoá, Hàm Rồng, Mật Sơn… để nâng cao trình độ cho hội viên.
Cuối năm 1927, thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ, Lê Hữu Lập đã liên lạc với nhà tư sản dân tộc Đào Thao Côn để xem xét hoạt động của Hưng Nghiệp hội xã, một tổ chức thương nghiệp tích cực thúc đẩy việc chấn hưng hàng nội hóa. Ngày 10/01/192818 tại địa điểm số nhà 18 phố Lớn, thị xã Thanh Hoá khai trương Chi điếm Hưng Nghiệp hội xã.
Địa điểm số nhà 18 phố Lớn, thị xã Thanh Hoá (nay là đoạn phố Trần Phú từ Đại lộ Lê Lợi đến đường Nguyễn Trãi, TP. Thanh Hoá) – nơi khai trương Chi điếm Hưng Nghiệp hội xã, ngày 10/01/1928
Tháng 4 năm1928, thi hành Chỉ thị của Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ, Hội nghị Đại biểu Thanh niên Thanh Hóa gồm 9 huyện và Thành phố được tổ chức tại chùa Quan Thánh – Núi Nhồi đã bầu Ban Chấp hành chính thức, Lê Hữu Lập được bầu làm Bí thư, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.
Đầu năm 1929, đồng chí Lê Hữu Lập được Kỳ bộ Trung kỳ điều động sang Thái Lan hoạt động. Trong nước, địch phát hiện được cơ sở của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Thanh Hóa, chúng ráo riết truy nã ông. Tại phiên tòa ngày 2 tháng 11 năm 1929, tòa án Nam Triều Thanh Hóa kết án tử hình vắng mặt đồng chí Lê Hữu Lập.
Tháng 3 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc trở lại Thái Lan để chỉ đạo xây dựng Đảng cộng sản. Người chủ trì Hội nghị Đại biểu các cơ sở VNTNCMĐCH ở U-Đôn (Thái Lan). Hội nghị thống nhất những hội viên nòng cốt của VNTNCMĐCH chuyển sang Đảng viên Đảng cộng sản. Đồng chí Lê Hữu Lập trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Cuối tháng 8 năm 1930, Lê Hữu Lập bí mật về nước, bắt liên lạc với Lê Viết Phồn, một hội viên cũ của VNTNCMĐCH Hoằng Hóa. Cuối tháng 9 năm 1930, thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa tại thôn Cự Đà (nay là xã Hoằng Minh huyện Hoằng Hóa).
Cuối năm 1930, Lê Hữu Lập quay lại Thái Lan hoạt động.
Từ năm 1932 – 1933, ông được điều động về công tác tại Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương ở vùng Đông Bắc Thái Lan.
Đầu năm 1934, Lê Hữu Lập được Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương cử về hoạt động tại Nghệ – Tĩnh và được tổ chức bố trí hoạt động tại một cơ sở tại huyện Nghi Lộc. Tại đây, mặc dù lâm bệnh nặng nhưng ông vẫn cùng đồng chí ở cơ sở khẩn trương mở các lớp học bồi dưỡng kiến thức lý luận cách mạng cho các cơ sở. Phong trào cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh dần được khôi phục cũng là lúc bệnh tình của Lê Hữu Lập ngày một nặng. Cuối tháng 9 năm 1934, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Vinh.
Lê Hữu Lập, lớp chiến sỹ cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa, người học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. Ông là người đặt những viên gạch nền móng cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà, niềm tự hào của các thế hệ người Thanh Hóa hôm nay.
Minh Lê (Tổng hợp)