12 câu hỏi về phòng chống ma túy | Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Lê Hà Nguyễn

HỎI ĐÁP VỀ PHÒNG CHỐNG MA TÚY

Trong những năm qua, các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy đang trở thành một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, giống nòi, phẩm giá con người, hạnh phúc gia đình và trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Các hoạt động ma túy diễn ra ngày càng hết sức phức tạp, tinh vi hơn với những biến tướng khôn lường, có tổ chức, có đường dây, có chủ mưu và thủ đoạn chống đối các cơ quan thi hành pháp luật ngày càng cao.

Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều phương tiện và phương pháp khác nhau để kiên quyết đấu tranh nhằm ngăn chặn từng bước, tiến tới loại trừ các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Trong số các phương tiện, phương pháp đó thì pháp luật giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Ngày 09 tháng 12 năm 2000, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật số: 23/2000/QH10 về “Phòng, chống ma túy” và Luật số: 16/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 200 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý”.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên trong toàn trường hiểu rõ hơn về các Luật đã ban hành, Đoàn trường biên soạn tài liệu “Hỏi – đáp phòng, chống ma túy như sau:

 

Câu 1: Ma túy là gì?

Trả lời: Ma tuý là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể con người, nó có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Nếu lạm dụng ma tuý, con người sẽ lệ thuộc vào nó, khi đó gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng.

 

Câu 2: Chất ma túy là gì?

Trả lời: Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

+ Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

+ Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

 

Câu 3: Ma túy tác động như thế nào tới cơ thể con người?

Trả lời: Nghiện ma tuý ảnh hưởng đến sức khoẻ của người nghiện, có thể dẫn đến nhiễm độc mãn tính cho cơ thể, gây ra rối loạn ở từng bộ phận, dẫn đến suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động và giảm tuổi thọ.

 

Câu 4: Thế nào là người nghiện ma túy?

Trả lời: Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.

 

Câu 5: Các dấu hiệu để nhận biết người bị nghiện ma túy?

Trả lời: Theo tài liệu của Uỷ ban quốc gia phòng chống ma tuý thì có các cách nhận biết một người đã nghiện ma tuý qua các biểu hiện sau đây:

  1. Thay đổi bất thường giờ giấc sinh hoạt: thức khuya, đêm ít ngủ, dậy muộn, ngày ngủ nhiều.
  2. Hay tụ tập, đi lại với những người không có công ăn việc làm, không lao động, không học hành, hay chơi thân với người nghiện ma tuý.
  3. Đi lại có quy luật, mỗi ngày cứ đến một giờ nhất định nào đó dù có đang bận việc gì cũng tìm cách kiếm cớ để “đi”.
  4. Thích ở một mình, ít hoặc ngại tiếp xúc với mọi người (kể cả người thân trong gia đình).
  5. Tâm trạng thường lo lắng, bồn chồn, đôi khi nói nhiều, nói dối, hay có biểu hiện chống đối, cáu gắt.
  6. Hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, lười lao động, không chăm lo vệ sinh cá nhân, nếu là học sinh thì thường đi muộn, trốn học, lực học giảm sút, ngồi học trong lớp hay ngủ gà ngủ gật.
  7. Nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, sử dụng tiền không có lý do chính đáng, thường xuyên xin tiền người thân, hay bán đồ đạc cá nhân và của gia đình, nợ nần nhiều, ăn cắp vặt.
  8. Túi quần, áo, cặp sách, phòng ở thường có nhiều thứ như: giấy bạc, thuốc lá, kẹo cao su, bật lửa ga, bơm xi lanh, kim tiêm, ống thuốc, thuốc phiện, gói nhỏ hêrôin.
  9. Có dấu kim tiêm trên mạch máu ở mu bàn tay, cổ tay, mặt trên khủy tay, mặt trong mắt cá chân, bẹn, ở cổ.
  10. Đối với người đã nghiện nặng, ngoài các dấu hiệu trên còn biểu hiện: sức khỏe giảm sút rõ rệt; thường xuyên ngáp vặt; mắt lờ đờ, da tái, môi thâm, cơ thể hôi hám, ít tắm giặt, ăn mặc luộm thuộm.

 

Câu 6: Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong Luật phòng, chống ma túy?

Trả lời: Chương I, điều 3 Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 nghiêm cấm các hành vi:

  1. Trồng cây có chứa chất ma tuý;
  2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
  3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
  4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý;
  5. Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội về ma tuý mà có;
  6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma tuý;
  7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma tuý;
  8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý;
  9. Các hành vi trái phép khác về ma tuý.

 

Câu 7: Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong phòng, chống ma túy?

Trả lời: Chương II, điều 10 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm:

  1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý;
  2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý;
  3. Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.

 

Câu 8: Các biện pháp, hình thức nào để cai nghiện ma túy?

Trả lời: Khoản 4, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma tuý năm 2008 quy định:

  1. Các biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm:
  2. a) Cai nghiện ma túy tự nguyện;
  3. b) Cai nghiện ma túy bắt buộc.
  4. Các hình thức cai nghiện ma tuý bao gồm:
  5. a) Cai nghiện ma túy tại gia đình;
  6. b) Cai nghiện ma túy tại cộng đồng;
  7. c) Cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

 

Câu 9: Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng được quy định như thế nào?

Trả lời: Khoản 5, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma tuý năm 2008 quy định:

  1. Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với người tự nguyện cai nghiện, trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện.

Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

  1. Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười hai tháng.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình.
  3. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

 

Câu 10: Khi nào người nghiện ma túy bị buộc phải vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc?

Trả lời: Chương IV, điều 28 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định:

  1. Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  2. Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
  3. Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
  4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

Câu 11: Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc phải vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp nào?

Trả lời: Chương IV, điều 29 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định:

  1. Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
  2. Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
  3. Việc cai nghiện ma tuý đối với người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.
  4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm quyền, thời gian, chế độ cai nghiện, thủ tục đưa người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Chính phủ quy định.

 

Câu 12: Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý được xử lý như thế nào?

Trả lời: Chương VII, điều 53 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 và khoản 1, điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống ma tuý 2008 quy định:

  1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật; việc xử lý phải kiên quyết, công khai và thông báo cho cơ quan, tổ chức, uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm làm việc hoặc cư trú.
  2. Người nào sử dụng tài sản, phương tiện của mình để chứa chấp hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động trái phép về ma tuý; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống ma tuý; cản trở, chống đối, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người tố giác, người làm chứng, người bị hại, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Luật này trong khi thi hành nhiệm vụ về phòng, chống ma tuý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *