Người bệnh hô hấp bị ho có thể ăn dứa, uống đủ nước, xông hơi, dùng các thực phẩm tự nhiên giúp giảm cơn ho khan, ho có đờm.
Ho có thể gây khó chịu cho người bệnh, dù đây là phản ứng cơ thể đang đẩy các vi khuẩn và virus bệnh ra khỏi đường hô hấp. Người bệnh có thể bị ho khan hay ho có đờm. Bạn nên thăm khám sớm với bác sĩ nếu cơn ho kéo dài quá lâu. 11 phương pháp sau đây có thể giúp dịu cơn ho ở cả người ho có đờm và ho khan.
Dùng mật ong
Các nghiên cứu công bố bởi Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho thấy mật ong giúp dịu cơn ho ở người trưởng thành và trẻ em từ 2 tuổi. Bạn có thể kết hợp 2 thìa mật ong với trà thảo mộc hoặc pha với nước ấm, uống một đến hai lần một ngày có thể chữa ho hiệu quả.
Dùng gừng
Gừng là gia vị tự nhiên giúp làm dịu chứng ho khan và cơn suyễn nhờ đặc tính chống viêm cao. Báo cáo nghiên cứu trên Thư viện Y tế Quốc gia (Mỹ) cho thấy, một số hợp chất chống viêm trong gừng có thể giúp thư giãn đường hô hấp, giúp giảm ho. Bạn có thể pha 20-40 gừng tươi với nước nóng, giữ ấm trước khi uống. Uống nhiều trà gừng có thể gây đau bụng hoặc ợ chua.
Uống đủ nước
Giữ cơ thể luôn đủ nước bằng cách uống các thức uống ở nhiệt độ phòng có thể giúp giảm ho và giảm sổ mũi hiệu quả. Bạn có thể uống trà thảo mộc, nước ấm, nước ép trái cây ấm. Nước sẽ giúp làm loãng các chất nhầy ở đường hô hấp, dễ dàng đẩy các dịch thừa ra khỏi cơ thể hơn.
Ăn dứa
Bromelain là một enzyme có từ dứa được chứng minh có đặc tính chống viêm cao và phân giải chất nhầy tốt. Bạn có thể ăn hoặc uống nước ép quả dứa để giảm dần dịch nhầy trong họng, giúp giảm ho. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm về lượng bromelain cần nạp trong những ngày bệnh trước khi dùng, bởi một số tác dụng phụ đối với người đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc các thuốc kháng sinh. Thuốc bổ sung bromelain cũng có thể mang lại hiệu quả giảm ho với liều lượng được khuyến nghị.
Dứa giúp giảm cơn ho nhờ hợp chất bromelain có đặc tính kháng viêm và phân giải chất nhầy trong họng hiệu quả. Ảnh: Freepik
Dùng rễ cam thảo
Rễ cây cam thảo – thảo dược thuộc họ đậu có tên khoa học Glycyrrhiza cũng thường được dùng chữa ho, dạng dùng rễ tươi, viên nén, kẹo trị ho hay chiết xuất tinh dầu dạng siro trị ho. Bộ Y tế và dịch vụ Nhân sinh (Mỹ) cho biết, cam thảo tuy là vị thuốc hỗ trợ long đờm, làm dịu màng nhầy, giúp dịu phổi, nên được dùng với lượng khuyến nghị bởi bác sĩ. Bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh gan và phụ nữ đang mang thai nên cân nhắc ý kiến bác sĩ trước khi dùng rễ cây cam thảo trị ho để tránh các tác dụng phụ.
Dùng lá bạc hà
Dùng bạc hà tươi, tinh dầu bạc hà là liệu pháp thông mũi phổ biến giúp phân hủy chất nhầy ngăn tràn xuống cổ họng, phục hồi sức khỏe đường hô hấp. Bạn có thể ngậm viên ngậm bạc hà, uống trà bạc hà hoặc xông hơi tinh dầu bạc hà để giảm các triệu chứng ho khan và ho có đờm hiệu quả.
Dùng lá bạch đàn
Một liệu pháp chữa ho hữu ích và phổ biến khác là sử dụng lá bạch đàn tươi xông hơi, uống trà bạch đàn. Tinh dầu tự nhiên trong cành và lá cây bạch đàn hỗ trợ thông mũi, giãn nở các tiểu phế quản, giảm cơn ho.
Dùng tinh dầu thyme (cỏ xạ hương)
Cỏ xạ hương được chuộng dùng trong ẩm thực và y học, là vị thuốc phổ biến chữa ho, viêm họng, viêm phế quản và các vấn đề tiêu hóa. Kết quả nghiên cứu tại Đức trên gần 400 bệnh nhân viêm phế quản cấp tính và viêm đường hô hấp cho thấy, họ giảm triệu chứng bệnh đáng kể khi uống siro ho cỏ xạ hương và thường xuân. Bạn cũng có thể pha trà cỏ xạ hương uống trị ho. Bạn cho 2 thìa cà phê cỏ xạ hương khô vào một cốc nước nóng, hãm trà trong khoảng 10 phút, lọc và uống ấm ở nhiệt độ dưới 70 độ C.
Cỏ xạ hương (lá thyme) là cây gia vị và vị thuốc có thể giúp chữa ho hiệu quả. Ảnh: Freepik
Xông hơi
Người ho có đờm có thể cải thiện triệu chứng bằng liệu pháp hơi nước. Bạn có thể tắm vòi sen hoặc tắm bồn nước nóng, giữ cơ thể trong buồng hơi nóng này vài phút, bạn có thể cảm nhận được triệu chứng ho giảm dần. Sau đó, bạn bù nước để ngăn mất nước. Viện Tim, Phổi, Máu Quốc gia (Mỹ) khuyến nghị bệnh nhân ho có đờm, có dấu hiệu thở khò khè có thể dùng máy tạo độ ẩm, máy tạo hơi cá nhân trong không gian sinh hoạt để giảm triệu chứng bệnh.
Súc miệng bằng nước muối
Nước muối loãng giúp làm giảm đờm và chất nhầy ở cổ họng, giảm cơn ho. Bạn có thể cho nửa thìa cà phê muối vào cốc nước ấm, khuấy tan và để nguội rồi súc miệng, súc họng. Tránh súc nước muối quá mặn có thể ảnh hưởng đến huyết áp ở người có tiền sử cao huyết áp.
Dùng probiotics
Theo một nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của probiotics trong điều trị cảm ho tại Hàn Quốc, men vi sinh probiotics có thể hỗ trợ hệ miễn dịch, bằng cách giúp tăng lợi khuẩn trong đường ruột. Cơ thể có hệ miễn dịch tốt có thể không bị nhiễm trùng bởi các tác nhân dị ứng gây ho. Bạn có thể dùng các chế phẩm sinh học có chứa lợi khuẩn lactobacillus tại các cửa hàng dược y tế. Một số thực phẩm giàu probiotics tự nhiên phổ biến như súp miso, yogurt, dưa cải bắp Việt Nam, kim chi… cũng được nghiên cứu cho biết có ích cho hệ miễn dịch.
Mai Chi (Theo Eat This, Not That, Medical News Today)