Lời dạy của Lão Tử không chỉ có tính triết lý thâm sâu của một bậc giác ngộ mà còn có giá trị thực tiễn to lớn. Hậu nhân cũng có thể áp dụng những nguyên lý ấy vào cuộc sống để có thể ung dung, vui vẻ bước qua những năm tháng đời người…
Trong dòng sông dài lịch sử của văn hóa, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là nền tảng đặt định nên nền văn hóa Trung Hoa. Sự xuất sĩ của Nho giáo, sự viên dung của Đạo giáo, sự siêu thoát tách rời của Phật giáo hòa lẫn trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, khiến cho mảnh đất Thần Châu trở thành một vũ đài lớn, một cái nôi xuất sinh của nhiều câu chuyện cảm động lòng người.
Lão Tử lấy “Đạo” để giải thích sự phát triển và thay đổi cả vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Lão Tử giảng: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, nghĩa là: Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật. Lại có câu: “Đạo chi tôn, đức chi quý, phu mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên”, nghĩa là: Đạo được tôn, Đức được quý, không có cái gì sai khiến mà vẫn tự nhiên như thế. Do đó, Lão Tử quan niệm rằng: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”, tức là: Người noi theo phép tắc của Đất, Đất noi theo phép tắc của Trời, Trời noi theo phép tắc của Đạo, còn Đạo thì noi theo phép tắc tự nhiên. Vạn vật đều có quy luật vận hành, hoạt động như vậy cả.
1. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ (biết thế nào là đủ thì sẽ luôn có đủ)
Trong Chương 46 Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc, cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, nghĩa là: không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được, cho nên biết thế nào là có đủ thì sẽ luôn có đủ.
Tư tưởng biết đủ của Lão Tử bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau. “Biết đủ” là cầu bên trong mà không cầu bên ngoài, là theo đuổi bản tính chất phác và sự dồi dào về tinh thần. “Tri túc giả phú”, người biết đủ là người giàu có.
Lão Tử vô cùng coi trọng tư tưởng biết đủ. Ông cho rằng, tư tưởng biết đủ có thể quyết định vinh nhục, sống chết, họa phúc… của mọi người. Không chỉ thế, Lão Tử còn dùng “biết đủ” để phân biệt người giàu và người nghèo trong xã hội. Một người nếu biết đủ thì những yếu tố khách quan như tiền tài, của cải… cho dù không có nhiều lắm nhưng họ vẫn có thể tự nhận mình là người giàu có.
Người xưa cũng dạy: “Người biết đủ là người giàu có” hoặc “Sự giàu có lớn nhất là khi biết đủ”. Bởi vì người biết đủ thì luôn không thấy thiếu thốn gì, không thiếu thốn gì thì được xem là giàu có. Trái lại, người không biết đủ thì cho dù có đầy tài phú nhưng vì lòng tham không đáy mà lúc nào cũng chẳng thoả mãn, có thể gây ra tai họa lớn. Từ điểm này có thể thấy, Lão Tử cho rằng một người giàu hay nghèo là được quyết định bởi sự “biết đủ” hay “không biết đủ” vậy.
2. Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh (Bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh giành)
Lão Tử giảng, “Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh”, “Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”. Những câu này có thể hiểu là: Bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh giành. Vì không tranh giành nên thiên hạ cũng không ai tranh với mình.
Một người hay một quốc gia chỉ cần không tranh giành với người khác, với nước khác, không có dục vọng, không có truy cầu, dùng đức thu phục lòng người thì thiên hạ sẽ không có ai tranh giành lại với mình.
Lão Tử chính là muốn dùng đạo lý này để tiêu trừ dục vọng bạo lực và tâm tranh đấu giữa các quân vương thời xưa. Nếu mỗi người đều làm được không có dục vọng, không có truy cầu thì cũng chính là đã đạt đến cảnh giới vô vi tự tại.
Đúng như Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy, Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo”. Nghĩa là: Nước là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh giành. Phẩm chất cao thượng của bậc trí nhân cũng giống như nước, làm lợi cho vạn vật mà không đi tranh giành tư lợi, ở nơi mọi người đều cảm thấy là thấp nhất nhưng vẫn thong dong ung dung tự tại, vì vậy gần với ‘đạo nhất’.
Trong cuộc sống, tư tưởng “phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” của Lão Tử còn là đạo lý biến phức tạp thành giản đơn, là trí tuệ xử thế. Rất nhiều khi, người không tranh giành không phải là người thua cuộc, cũng không phải là người nhu nhược hèn yếu mà là người hiểu được đạo lý, biết tiến biết lui, “lùi một bước biển rộng trời cao”. Đó là một loại nhân cách, một loại trí tuệ cao và cũng là một loại hàm dưỡng.
Hình vẽ Lão Tử cưỡi trâu rời Trung Hoa (ảnh: Wikipedia).
3. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi. Phù duy bất doanh, cố năng tế nhi tân thành (Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy. Vì không tự mãn nên mới bỏ cái cũ mà canh tân được).
Khi một sự vật phát triển lớn mạnh và đạt tới mức độ đầy đủ nhất, sẽ từng bước đi tới suy thoái và tới tận cùng. Liệu có thể thoát được quy luật vận hành này của số mệnh hay không? Lão Tử đề cập tới hai câu này với hàm ý: Biết dừng đúng lúc có thể không bị thua, không bị rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm. Cũng bởi không tự mãn, biết lắng nghe tiếp thu nên loại bỏ được rủi ro, tai nạn và bình an.
4. Tri nhân giả trí, tự tri giả minh (Biết người là khôn, biết mình là sáng suốt)
Lão Tử nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường”, ý nói: Biết người là khôn, biết mình là sáng, thắng người là kẻ có sức, tự thắng mình là kẻ mạnh.
Một người có thể thấy rõ người khác là một người có trí huệ, có thể hiểu bản thân là người như thế nào, là một người hiểu biết. Có thể vượt qua người khác, là người có nghị lực, nhưng có thể khống chế chính mình, chiến thắng chính mình mới là người kiên cường.
Khốn cảnh không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là mất đi lòng tự tin, mất đi ý chí của bản thân. Trong cuộc sống, phần lớn mọi việc đều không được như lòng người mong muốn, cho nên ở vào hoàn cảnh khốn khó càng cần mọi người phải tự tán thưởng mình, khích lệ mình, tin tưởng vào chính mình, khẳng định mình. Làm được như vậy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, sinh mệnh của chúng ta có một sức sống mới, khiến cho mỗi ngày, chúng ta đều là một sinh mệnh mới.
5. Vô vi nhi vô bất vi (Không làm gì mà không gì là không làm)
Trong chương 48 Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, dĩ chí vu vô vi. Vô vi nhi vô bất vi”. Nghĩa là: Việc học thì ngày một thọ ích thêm, tu Đạo thì ngày một tổn hao đi. Tổn hao rồi lại tổn hao tiếp, cho đến khi vô vi. Không làm gì mà không gì là không làm vậy.
Ý nghĩa là: Người ta khi sinh ra, bắt đầu từ số không, tất cả đều thông qua học tập để có được tri thức. Đương nhiên có người nghèo đến mức không được đi học, nhưng họ cũng thông qua hoàn cảnh và sự vật xung quanh mà học được tri thức. Học tập thì tri thức mỗi ngày một tăng thêm. Đây chính là quá trình mỗi người đều phải trải qua, chính là: “Việc học thì ngày một thọ ích thêm”.
Người tu luyện muốn tu đến viên mãn, “đắc Đạo”, thăng Tiên hoặc tu thành chính quả, phải dần dần vứt bỏ hết thảy dục vọng, vọng niệm, tư tâm, tâm chấp trước, tâm tật đố, tâm tranh đấu… của thế gian, như thế thân thể mới nhẹ nhàng, mới tu đến viên mãn.
“Tổn chi hựu tổn” là chỉ trong quá trình tu luyện, cần nghiêm khắc yêu cầu bản thân, không ngừng trừ bỏ tất cả những tâm chấp trước, giảm thiểu tất cả các dục vọng, giảm rồi lại giảm nữa… trừ bỏ hết thảy ham dục cá nhân và chủ kiến ngạo mạn, vứt bỏ hết thảy chấp trước, khiến con người “phản phác quy chân” (quay trở về với bản tính chất phác, chân thật ban đầu), cuối cùng đạt đến cảnh giới “vô vi”. Đó chính là lúc tu đến viên mãn.
Người ta sau khi hiểu được lí lẽ, vì tâm chí mạnh mẽ hy vọng đạt được thành tựu nhất định, tâm danh lợi theo đó mà tới. Làm sao để nhân tâm thoát khỏi những ham muốn chấp vào danh lợi đó? Chỉ có dựa vào tu luyện, xem nhẹ cục diện thế sự, càng hiểu rõ bản thân trong sân khấu nhân sinh kiếp này chỉ là một vở diễn, từ đó không bị danh lợi truy đuổi, thuận theo tự nhiên, coi nhẹ được mất thế gian.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
6. Đa ngôn sác cùng, bất như thủ trung (Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh)
Người ta khi càng nhiều lời, sẽ tự khiến bản thân rơi vào khốn cảnh, chi bằng hãy giữ trung đạo mà hành. Dưỡng thành thái độ khiêm tốn, tự nhiên có thể nhạy cảm, minh mẫn, thận trọng đối diện với mọi việc xung quanh. Lời nói ra sẽ thận trọng, không nói những điều chưa suy nghĩ, cân nhắc đặc biệt càng không bao giờ nói những lời sáo rỗng, lý luận viển vông.
7. Nhân chi sinh dã nhu nhược, kỳ tử dã kiên cường (Dịch nghĩa: Người sống thường mềm dịu lúc chết thì cứng cỏi)
Lão Tử có một tư tưởng rất quan trọng: “Con người khi sống thì mềm yếu mà khi chết thì cứng nhắc. Muôn vật, cây cỏ khi sống đều mềm yếu, mà khi chết đều khô cứng. Cho nên cứng rắn là con đường chết; mềm yếu là con đường sống. Cho nên binh mạnh thì chẳng thắng, cây cứng thì bị chặt. Cho nên cứng và lớn ở bực dưới; mềm yếu ở bực trên”.
Đại ý là, người ta khi sống, thân thể mềm yếu nhưng sau khi chết thì hoàn toàn cứng nhắc. Cây cỏ vạn vật khi sống đều mềm, nhưng tới khi chết thì khô cứng. Vì vậy, người cứng nhắc, cương liệt khó có thể sinh tồn. Yếu mềm, không cứng nhắc mới có thể sinh tồn trong không gian này. Do đó, trong khi dùng binh mà cậy mạnh sẽ gặp phải diệt vong, cây càng to càng lớn càng dễ bị đốn hạ và phá hủy.
Những người mạnh luôn ở vị trí thấp trong khi người yếu nhược ở vị trí cao hơn. Cường tráng nhìn dường như là tốt, nhưng nó làm cho sinh mệnh khó kéo dài, người yếu ớt ngược lại ở vị trí trên. Đây là cái gọi là: “Lấy nhu khắc cương”.
8. Dĩ chính trị quốc, dĩ kỳ dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ (Lấy ngay thẳng để trị nước; lấy mưu trí để dùng binh; lấy vô sự để được thiên hạ)
Bậc trị nước mà ban hành nhiều điều cấm kỵ thì dân chúng càng nghèo khổ, bởi thiếu tự do hành động và ngôn luận. Dân chúng mà đa mưu xảo kế để trục lợi thì nước nhà phải sa vào hỗn loạn tăm tối. Người dân cần thực thà, ít dục vọng, thì nước mới dễ trị. Bậc trị nước mà quá khắt khe, đem pháp lệnh bủa giăng trên đầu dân để đề phòng chúng, thì chúng dân cũng tìm đủ mánh khóe thủ đoạn để trốn tránh; gây ra mưu mô gian trá càng ngày càng thêm. Dân càng khó trị thì bọn đạo tặc càng nhiều.
9. Thiện dụng nhân giả vi chi hạ (người giỏi dùng người là người phải biết hạ mình ở dưới người)
Lão Tử cũng viết rằng: Người lãnh đạo giỏi dùng người là phải đặt mình ở dưới người. Còn nếu như chỉ cân nhắc tư lợi cho bản thân mình, không tôn trọng người khác, không thiện với người làm cho mình thì chính là đang đặt mình ở “vị thế cao”. Người mà một khi đã đặt mình ở vị thế cao, người khác ở vị thế thấp thì sao có thể lấy được lòng người?
10. Trị nhân sự thiên mạc nhược sắc
Lão Tử giảng: Trị nhân sự thiên mạc nhược sắc. Phù duy sắc, thị vị tảo phục; tảo phục vị chi trọng tích đức, trọng tích đức tắc vô bất khắc.
Theo Lão Tử, việc quản lý thống trị dân chúng là có liên quan mật thiết với Trời và Đất. Biện pháp tốt nhất chính là không gì bằng nông canh. Cũng chính là nói đến việc phải thuận theo quy luật sinh trưởng và thu hoạch của cây trồng, đừng cưỡng ép nó. Thuận theo yêu cầu cần phát triển của nó mà chăm sóc, tưới nước cho nó. Làm được như vậy thì cây trồng tất nhiên sẽ phát triển tốt và cho mùa màng bội thu. Tương tự như vậy, người cai trị khi dẫn dắt dân chúng hoàn thành đại nghiệp cũng phải thuận theo nguyên tắc thì mới có thể thu được thành quả to lớn.
Theo Soundofhope, Văn Tư Mẫn
Kiên Định biên dịch
Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối
videoinfo__video3.dkn.news||23ecf54f2__