Cách pha trà gừng để giải cảm, trị ho rất đơn giản mà hiệu quả đem lại rất tuyệt vời. Gừng có tính nóng, lại chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ, nên thường được kết hợp với các công thức nấu ăn để tăng công dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý đơn giản. Cùng học ngay 10 cách làm trà gừng ngon nhất tại nhà sau đây nhé.
1. Uống trà gừng có tác dụng gì?
Trà gừng có tác dụng chính là giải cảm, giảm ho,…nên thường được pha theo nhiều cách khác nhau tùy theo khẩu vị mỗi người. Trà gừng nói chung là một thức uống có lợi cho sức khỏe. Gừng có tính ấm nên thường được sử dụng khi thời tiết đổi mùa.
Không chỉ có thể làm ấm cơ thể và giải cảm, trà gừng còn có công dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Vậy bạn đã biết các cách làm trà gừng đúng chuẩn chưa? Trong bài viết hôm nay, Cachlam.com.vn sẽ chia sẻ đến bạn các công thức làm trà gừng thơm ngon nhất nhé.
Uống trà gừng giúp trị ho, giải cảm, đẩy lùi nhiều căn bệnh khác, giúp sức khỏe được cải thiện. Ảnh: Remy Mary
2. Cách pha trà gừng quế giải cảm
2.1. Nguyên liệu
- Gừng: 2 củ
- Thanh quế: 30 gr
- Đường nâu: 200 gr
- Đường trắng: 100 gr
- Nước lọc
2.2. Cách pha trà gừng quế giải cảm
- Gừng mua về cạo vỏ, rửa sạch với nước rồi cắt lát mỏng. Thanh quế chà sạch bẩn bên ngoài rồi rửa sạch lại với nước.
- Chuẩn bị 1 cái nồi rồi cho nước lọc và gừng cắt mỏng vào. Bắc 1 cái nồi khác lên bếp rồi cho thanh quế vào. Đun cả 2 nồi trên bếp với lửa lớn trong khoảng 40 phút rồi tắt bếp. Dùng rây lọc lấy nước và vớt bỏ xác gừng và quế. Sau đó cho nước gừng và nước quế vào cùng 1 nồi, đảo đều.
- Cho vào nồi 200gr đường nâu, 100gr đường trắng rồi đảo đều trong 10 phút với lửa vừa. Nêm nếm lại độ ngọt cho hợp khẩu vị rồi tắt bếp là hoàn thành rồi. Ly trà nóng hổi với mùi thơm của quế và gừng kết hợp hài hòa. Uống vào có vị ngọt thanh mà không bị gắt.
Ly trà gừng quế the dịu giúp giải cảm hiệu quả. Ảnh: Internet
3. Cách làm trà gừng cam tươi tăng sức đề kháng
3.1. Nguyên liệu
- Gừng: 1 củ
- Cam: 1 trái
- Lá trà
- Đường; 1 muỗng cà phê
- Nước lọc
3.2. Cách pha trà gừng với cam tươi giúp tăng sức đề kháng
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi mỏng. Cam cắt nhỏ và vắt lấy phần nước cốt.
- Bắc lên bếp nồi nước lọc đun trên lửa lớn. Khi nước sôi thì cho lá trà vào đảo đều trong 30 giây.
- Cho vào ly: 1 muỗng cà phê đường, nước cốt cam, 1 muỗng cà phê gừng cắt sợi vào phần nước trà vừa nấu. Khuấy đều đến khi đường tan là thưởng thức được rồi.
- Ly trà nóng hổi có màu vàng cam đẹp mắt và mùi thơm đặc trưng lan tỏa. Vị chua ngọt dịu nhẹ, hơi the vị gừng, đặc biệt vô cùng.
Món trà gừng cam tươi the the chua ngọt thơm ngon lạ miệng. Ảnh: Internet
4. Cách pha trà gừng táo đơn giản mà thơm ngon
4.1. Nguyên liệu
- Gừng: 1 củ
- Táo: 1 trái
- Lá trà
- Mật ong
- Nước lọc
4.2. Cách pha trà gừng với táo
- Táo và gừng mua về gọt vỏ, rửa sạch rồi để ráo sau đó cắt thành lát mỏng.
- Cho vào nồi 500ml nước lọc rồi bắc lên bếp đun với lửa lớn. Khi sôi thì cho táo vào đun khoảng 3 – 5 phút. Rồi cho lá trà vào nồi, đảo đều, đun khoảng 3 phút. Thêm 20ml mật ong vào đảo đều trong 1 phút.
- Cuối cùng, cho gừng cắt nhỏ vào và đun thêm 2 phút thì tắt bếp, cho trà ra bình là có thể từ từ thưởng thức rồi. Bạn có thể cho nước trà qua rây để lọc lấy phần nước và bỏ phần xác nhé. Ly trà hấp dẫn với màu vàng tươi đẹp mắt. Nước trà ngọt thanh từ mật ong và táo hòa quyện với vị cay nhẹ của gừng cực kỳ hấp dẫn.
Trà gừng táo thanh lọc cơ thể rất tốt. Ảnh: Internet
5. Cách pha trà gừng sả không cần mật ong
5.1. Nguyên liệu
- Gừng, sả
- Nước lọc
- Đường
- 1 gói trà túi lọc (hoặc dùng trà bá tước )
5.2. Cách pha trà gừng sả không cần mật ong
- Sả sau khi mua về bóc bỏ lớp vỏ ngoài, rửa sạch để loại bỏ các chất dơ. Sau đó cắt thành từng khúc có chiều dài 1 ngón tay rồi đập dập. Gừng dùng dao gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành từng sợi nhỏ.
- Bắc nồi lên bếp rồi cho nước lọc cùng với sả đã đập dập và gừng đã cắt sợi vào. Nấu trên lửa vừa 15 phút đến khi chuyển sang màu vàng nhạt thì tắt bếp. Sau đó dùng rây lọc bỏ xác gừng và sả để lấy được hỗn hợp nước gừng, sả thơm ngon.
- Nấu sôi nước lọc rồi cho trà túi lọc vào. Ngâm trong 10 phút cho trà ngấm từ từ đến khi có màu vàng đậm thì vớt bỏ túi trà đi.
- Rót nước trà túi lọc vào ly, cho thêm nước gừng sả cùng 2 muỗng cà phê đường vào, khuấy đều cho đường tan hết là được. Để hợp với khẩu vị, bạn có thể gia giảm lượng đường tuỳ theo sở thích. Hương cay nồng của gừng hoà quyện cùng hương thơm nhẹ của sả, chắc chắn sẽ rất tuyệt vời.
Trà gừng sả thơm ngon, thích hợp để uống giúp thông cổ, mát họng. Ảnh: Internet
6. Cách làm trà túi lọc với gừng mật ong
6.1. Nguyên liệu
- Trà túi lọc: 2 gói
- Gừng, mật ong
- Nước lọc
6.2. Cách pha trà túi lọc với gừng, mật ong
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch và thái thành lát nhỏ. Sau đó cho gừng vào nồi nước, đun lửa nhỏ khoảng 10 phút để gừng chiết ra các dưỡng chất.
- Cho trà túi lọc vào nồi nước gừng tiếp tục đun khoảng 5 phút ở lửa nhỏ. Chú ý là chỉ để nước sôi lăn tăn. Sau đó đổ hỗn hợp qua rây để lọc bỏ bã.
- Đổ nước trà gừng ra cốc, thêm mật ong vào khuấy đều là có thể thưởng thức rồi.
Nước gừng mật ong vừa ngon, vừa giúp trị ho hiệu quả. Ảnh: Internet
7. Cách pha trà gừng chanh mật ong trị ho
7.1. Nguyên liệu
- Trà túi lọc
- Gừng tươi
- Mật ong, chanh
7.2. Cách pha trà chanh gừng mật ong giúp trị ho
- Gừng tươi gọt bỏ vỏ và thái thành những lát nhỏ. Chanh vắt lấy nước, lọc bỏ đi phần bã.
- Cho trà túi lọc và gừng tươi vào nồi nước rồi đun sôi trong khoảng 10 phút ở lửa nhỏ, sau đó đổ qua rây để lọc bỏ bã. Đổ trà gừng vào cốc, thêm mật ong, nước cốt chanh vào khuấy đều là được.
Trà chanh gừng mật ong giải cảm hay trị ho đều tốt. Ảnh: Internet
8. Cách làm trà gừng xoài ngọt ngon lạ miệng
8.1. Nguyên liệu
- Xoài chín
- Trà gừng túi lọc
- Đường
8.2. Cách pha trà gừng xoài
- Xoài gọt bỏ vỏ, thái thành những miếng nhỏ rồi bỏ vào máy xay. Thêm vào 20g đường và xay thật nhuyễn.
- Cho túi trà vào cốc và thêm nước nóng ủ trong vòng 5 phút rồi vớt bỏ bã trà.
- Sau khi đã ủ trà xong thì bạn đổ phần xoài xay, thêm đường vào và khuấy đều lên là có thể thưởng thức ngay rồi.
Thành phẩm trà gừng xoài thơm ngon như một thức uống giải khát ngày hè với màu sắc hấp dẫn. Ảnh: Internet
9. Cách làm trà gừng thảo mộc
9.1. Nguyên liệu
- Trà túi lọc: 1 – 2 gói
- Gừng tươi: 1 củ
- Đường: 30g
- Táo tàu, nho hoặc vải khô, cây kỷ tử, cam thảo…
9.2. Cách pha trà gừng với thảo mộc
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái khúc và đập dập.
- Chuẩn bị nồi nước đun sôi, rồi cho thảo mộc gồm táo tàu, nho khô, kỷ tử, cam thảo… vào đun sôi. Sau đó vặn nhỏ lửa đun trong 8 phút thì cho gừng, đường và trà túi lọc vào. Tiếp tục đun 5 phút nữa thì tắt bếp, là có thể thưởng thức rồi.
Trà gừng pha với các loại thảo mộc giúp tăng cường thêm dưỡng chất cho sức khỏe tốt hơn. Ảnh: Internet
10. Cách pha trà gừng bạc hà
10.1. Nguyên liệu
- Trà túi lọc: 1 – 2 gói
- Gừng tươi: 1 củ
- Lá bạc hà
- Bột đậu khấu: 1 thìa cafe
10.2. Cách pha trà gừng bạc hà
- Gừng rửa sạch, sau đó gọt vỏ và thái thành những lát mỏng. Lá bạc hà tách thành các lá nhỏ, rửa sạch để ráo nước.
- Chuẩn bị cốc thủy tinh, sau đó cho túi trà, gừng và lá bạc hà vào. Rót nước sôi vào và ủ trong khoảng 30 phút là có thể thưởng thức rồi.
Trà gừng bạc hà có vị the mát dìu dịu, giúp làm ấm bụng, bảo vệ cổ họng vào những ngày trời trở lạnh. Ảnh: Internet
11. Cách pha trà gừng sữa tươi
11.1. Nguyên liệu
- Gừng tươi: 50g
- Trà túi lọc: 1 – 2 túi
- Mật ong: 1 thìa cafe
- Sữa tươi: 120ml
- Đường trắng: 50g
11.2. Cách pha trà gừng với sữa tươi
- Gừng rửa sạch, gọt vỏ và thái thành các lát mỏng. Sau đó bạn chuẩn bị một nồi nước nhỏ, thả gừng vào và đun sôi trong vòng 10 phút.
- Sau khi nước gừng sôi thì cho 2 gói trà túi lọc vào ủ trong 5 phút thì vớt bỏ bã trà và lọc qua rây để bỏ đi phần bã gừng. Sau đó đổ trà vào cốc, thêm phần sữa tươi, nước cốt gừng và mật ong vào rồi khuấy thật đều là đã có thể thưởng thức được rồi.
Trà gừng nấu sữa tươi tạo nên thức uống dinh dưỡng. Ảnh: Internet
Trà gừng được xem là thức uống an toàn đối với hầu hết mọi người, kể cả khi uống hàng ngày. Trên đây là 10 cách pha trà gừng thơm ngon nhất mà chúng tôi tổng hợp được. Hi vọng với những cách làm trên, bạn sẽ có được những cốc trà gừng thơm ngon và tốt cho sức khỏe.
Bích Tuyền