Trong đời sống người phụ nữ không thể thiếu các vấn đề tránh thai, kế hoạch hóa gia đình. Bạn có bao giờ hỏi hiện nay có bao nhiêu các biện pháp tránh thai dành cho nữ, ưu nhược điểm của từng biện pháp như thế nào? Biện pháp nào sẽ phù hợp cho mình? Hãy cùng chúng tôi khám phá 10 biện pháp tránh thai dành cho nữ phổ biến hiện nay.
1. Thuốc tránh thai hàng ngày
Thuốc tránh thai hàng ngày là phương pháp tránh thai nội tiết phổ biến hiện nay. Bạn cần uống một viên một ngày vào một giờ nhất định. Uống như vậy bạn sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng hormon hằng định để ức chế sự phát triển của trứng, làm cho trừng không rụng và sẽ không có hiện tượng thụ tinh. Do đó việc tuân thủ uống thuốc liên quan mật thiết đến hiểu quả tránh thai mà phương pháp mang lại.
Thuốc tránh thai hàng ngày có hai loại chính. Loại 1 là thuốc viên kết hợp chứa estrogen và progesteron. Loại 2 là viên thuốc nhỏ chỉ chứa một loại hormone progesteron. Tùy từng cá thể để chọn được loại thuốc tránh thai phù hợp.
Ưu điểm: hiệu quả cao khi sử dụng đúng cách, tỉ lệ tránh thai đạt 93%. Tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm lượng máu kinh, có thể giảm đau bụng kinh và mụn trứng cá. Chị em phụ nữ có thể chủ động được thời gian tránh thai và mang thai trở lại.
Nhược điểm: Quên uống thuốc sẽ làm giảm hoặc mất khả năng tránh thai của phương pháp. Thuốc không được dùng cho đối tượng bị các bệnh lý gan, thận, tim mạch, ung thư, các bệnh liên quan đến nội tiết. Phương pháp không phòng tránh được bệnh lây qua đường tình dục (STDs).
2. Thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng sau khi quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bất kì một biện pháp tránh thai nào trước đó, hoặc bao cao su bị rách khi quan hệ tình dục, hoặc một người phụ nữ đã bị tấn công tình dục.
Viên thuốc chứa một lượng nội tiết đặc biệt có tác dụng di dời cửa sổ làm tổ của phôi thai nếu được thụ tinh, làm cho phôi thai không vào được “ngôi nhà” tử cung để phát triển. Thuốc tránh thai khẩn cấp phải uống càng sớm càng tốt, uống càng sớm hiệu quả tránh thai càng cao, đảm bảo trước 72h sau khi quan hệ. Biện pháp này có tỉ lệ thành công 85%.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc tránh thai khẩn cấp bao gồm buồn nôn, nôn và rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh tiếp theo có thể đến sớm hoặc chậm. Thuốc tránh thai khẩn cấp không bảo vệ các bệnh STDs.
3. Thuốc tiêm tránh thai
Thuốc tiêm chứa một dạng của hormone progestogen. Thuốc được tiêm vào mông hoặc bắp tay của phụ nữ. Thuốc sẽ được giải phóng từ từ vào máu, có tác dụng ức chế dụng trứng. Một lần tiêm có tác dụng 12 tuần. Sau 12 tuần bạn vẫn muốn tránh thai thì tiếp tục tiêm liều tiếp theo.
Ưu điểm: thuốc tiêm kéo dài đến ba tháng, thuận tiện sử dụng hơn thuốc uống tránh thai.
Nhược điểm: Thuốc tiêm có thể gây rối loạn kinh nguyệt, chảy máu bất thường, tăng cân. Việc tiêm yêu cầu theo dõi số tháng đã sử dụng. Biện pháp cũng không bảo vệ các bệnh STDs.
Tải ứng dụng IVIE để Hỏi bác sĩ MIỄN PHÍ, bạn sẽ nhận được sự tư vấn nhanh nhất từ các chuyên gia y tế hàng đầu của tất cả các chuyên khoa và hoàn toàn ẩn danh!
4. Que cấy tránh thai
Que cấy tránh thai là một que nhỏ, mềm dẻo được đặt dưới da ở cánh tay không thuận của phụ nữ, giải phóng từ từ một dạng hormone progesterone, ngăn ngừa sự rụng trứng và làm đặc chất nhầy cổ tử cung khiến tinh trùng khó đi vào tử cung. Que cấy có tác dụng tránh thai 3 năm.
Cấy que tránh thai là một thủ thuật nhỏ, bác sĩ chuyên môn sử dụng thuốc gây tê cục bộ để cấy và tháo que.
Ưu điểm của que cấy: Một biện pháp tránh thai tạm thời nhưng lâu dài 3 năm, có tỉ lệ tránh thai cao nhất đạt đến 99.95%.
Nhược điểm: Phải đến cơ sở y tế có chuyên môn để thực hiện chứ bạn không thể tự cung cấp. Đôi khi có thể có chảy máu bất thường vào 3 tháng đầu sau cấy, có thể có tăng cân, biện pháp cũng không bảo vệ chống lại các bệnh STDs.
5. Vòng tránh thai âm đạo NuvaRing
Vòng tránh thai âm đạo NuvaRing là một vòng nhựa dẻo mềm, trong suốt được đặt vào âm đạo, giải phóng liên tục hormone estrogen và progesteron hàng ngày với liều lượng thấp đủ để ức chế sự rụng trứng. Nó giữ nguyên vị trí trong âm đạo ba tuần và sau đó tháo nó ra, nghỉ một tuần để ra kinh rồi đặt một chiếc khác vào.
Ưu điểm: Hiệu quả tránh thai cao đạt 93%. Bạn có thể tự lắp và tháo vòng âm đạo, không cần đến trung tâm y tế, không yêu cầu dùng hàng ngày. Khả năng sinh sản nhanh chóng trở lại khi vòng tránh thai được tháo ra. Biện pháp này điều hòa được kinh nguyệt.
Nhược điểm: Tăng viêm nhiễm âm đạo. Cần nhớ để thay thế đúng lúc và thường xuyên kiểm tra xem vòng có ở trong âm đạo không, để đảm bảo hiệu quả tránh thai. Không dùng cho phụ nữ mắc các bệnh bị ảnh hưởng bởi estrogen, không bảo vệ chống lại các bệnh STDs.
6. Miếng dán tránh thai qua da
Miếng dán tránh thai qua da là một miếng dán ở da kích thước 20 cm2 chứa 2 loại hormon progestin và estrogen, giải phóng từ từ một lượng hormon hằng định theo ngày vào hệ thống tuần hoàn, có tác dụng 7 ngày. Sau 1 tuần, miếng dán được lấy ra thay một miếng dán mới được dán vào một vùng da khác. Sau khi sử dụng 3 miếng dán, nghỉ 1 tuần để ra mau kinh. Sau đó lại sử dụng một chu kì miếng dán tiếp theo.
Ưu điểm: Giống vòng tránh thai âm đạo NuvaRing hiệu quả tránh thai cao đạt 93%, có thể tự lắp và tháo, không yêu cầu dùng hàng ngày, điều hòa kinh nguyệt.
Nhược điểm: Không dùng cho phụ nữ mắc các bệnh bị ảnh hưởng bởi estrogen, không bảo vệ chống lại các bệnh STDs.
7. Dụng cụ tử cung
Dụng cụ tử cung (DCTC) hay còn gọi và đặt vòng tránh thai là dụng cụ nhỏ hình chữ T, được người có chuyên môn đặt vào buồng tử cung của phụ nữ. Nó có 2 loại, một loại chứa đồng, một loại chứa hormone progesteron. Đây là một phương pháp tránh thai có tác dụng lâu dài và có thể mang thai trở lại nếu dừng biện pháp. Vòng tránh thai cũng có thể là một biện pháp tránh thai khẩn cấp hiệu quả nếu được bác sĩ chuyên môn đặt vào buồng tử cung trong vòng 5 ngày (120 giờ) kể từ khi quan hệ tình dục không an toàn.
Ưu điểm: Vòng tránh thai chứa đồng có hiệu quả 99% và vòng tránh thai chứa hormone có hiệu quả 99,8%. Tác dụng tránh thai lâu dài, loại chứa đồng 10 năm, loại chứa hormone 5 năm.
Nhược điểm: Tăng viêm nhiễm âm đạo. Tăng tỉ lệ chửa ngoài tử cung. Trường hợp mổ đẻ nhiều lần không nên dùng biện pháp này vì khó đặt đúng vị trí, khó tháo, có thể DCTC chọc thủng sẹo mổ cũ. Muốn đặt DCTC phải đến cơ sở y khoa uy tín để làm thủ thuật
8. Bao cao su cho nữ
Bao cao su cho nữ cũng giống bao cao su nam là một vỏ rào cản làm từ nhựa, ngăn không cho tinh trùng gặp trứng. Bao cao su cho nữ được đặt vào âm đạo ngay trước khi quan hệ tình dục, có thể được đặt trước 8h. Dựa trên cách sử dụng thông thường, bao cao su cho nữ không hiệu quả bằng bao cao su cho nam và có thể phải luyện tập một chút để làm quen.
Ưu điểm: Đây là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), có thể được sử dụng theo yêu cầu, không chứa hormone và có thể dễ dàng mang theo bên mình.
Nhược điểm: Nó có thể bị rách hoặc bong ra khi quan hệ tình dục nếu không được sử dụng đúng cách, một số người bị dị ứng bao cao su.
9. Mũ chụp cổ tử cung
Mũ chụp cổ tử cung là một vòm silicon nhỏ và mềm được đặt bên trong âm đạo để ngăn tinh trùng xâm nhập vào tử cung. Nó tạo thành một rào cản vật lý giữa tinh trùng của người đàn ông và trứng của người phụ nữ, giống như bao cao su.
Mũ chụp cổ tử cung cần giữ nguyên vị trí ít nhất sáu giờ sau khi quan hệ tình dục. Sau 6h nhưng không quá 24 giờ sau khi quan hệ tình dục, nó cần được đưa ra ngoài và làm sạch.
Ưu điểm: Mũ chụp cổ tử cung được dùng nhiều lần, không giống bao cao su chỉ được dùng 1 lần. Nếu bạn chăm sóc nó tốt, nó có thể dùng đến 2 năm.
Nhược điểm: Bạn cần tập luyện để có thể đặt mũ chụp cổ tử cung đúng vị trí, bạn phải theo dõi số giờ đã chèn và cần phải vệ sinh sau khi dùng. Nó có tác dụng khá hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách , nhưng không tốt bằng thuốc tránh thai hàng ngày, que cấy tránh thai hoặc vòng tránh thai.
10. Triệt sản nữ
Triệt sản nữ là một phương pháp tránh thai vĩnh viễn thông qua phẫu thuật để cắt và buộc lại vòi tử cung, ngăn chặn con đường tinh trùng thụ tinh với trứng hoặc nếu có được thụ tinh thì cũng không làm tổ ở buồng tử cung.
Triệt sản nữ phù hợp với những người đã đủ con và không muốn có thêm con nữa. Hiện nay các bác sĩ khuyến cáo sản phụ sinh mổ 3 lần trở lên nên triệt sản, tránh các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra khi có thai ngoài ý muốn trên vết mổ. Do quan niệm triệt sản là vĩnh viễn không thể mang thai trở lại nên nhiều phụ nữ vẫn còn e ngại vấn đề đó. Nhưng hiện nay với phát triển lĩnh vực hỗ trợ sinh sản thì những phụ nữ đã triệt sản vẫn có thể có con trở lại bình thường. Tỉ lệ tránh thai của phương pháp này cao đạt 99.5%.
Ngoài ra còn có biện pháp tính ngày quan hệ dựa trên chu kì kinh nguyệt nhưng chỉ phù hợp với người có chu kì kinh nguyệt thật là đều. Quan trọng quan hệ tình dục khó có thể tính ngày được nên tỉ lệ thất bại của biện pháp này rất cao.
Trên đây là 10 biện pháp tránh thai dành cho nữ an toàn, hiệu quả cao. Mong sau khi đọc xong bài này các bạn có thể tìm cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp, an toàn, hiệu quả.
Cẩm nang IVIE cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!