Sinh học là một môn học bao gồm nhiều kiến thức đa ngành, rất rộng và khó nhớ. Với 10 bí quyết sau việc học giỏi môn Sinh học sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
1. Đam mê môn Sinh học
Đây được coi là yếu tố đầu tiên để có thể học tốt môn Sinh, chỉ cần yêu thích môn học thì dù có khó đến đâu bạn cũng sẽ có động lực để học. Môn Sinh học gắn liền với đời sống hàng ngày, nếu bạn để ý thì sẽ thấy được Sinh học luôn hiện hữu trong mọi sự vật, hoàn cảnh xung quanh cuộc sống chúng ta.
2. Bám sát kiến thức sách giáo khoa
Kiến thức trong sách giáo khoa là cơ bản nhất
Sách giáo khoa là nơi chứa những kiến thức cơ bản trong các kỳ thi. Bám sát kiến thức trong sách giáo khoa những khái niệm, đặc trưng, quy luật, công thức sẽ là nền tảng, hành trang cho bạn để tiếp cận với những kiến thức mở rộng, nâng cao hơn.
3. Thường xuyên giải bài tập
Giải bài tập là một bí quyết để học tốt môn Sinh học. Các bạn học sinh nên hiểu rõ vấn đề trước khi luyện bài tập, luyện nhiều bài, áp dụng linh hoạt các công thức. Để giải được bài tập học sinh cần tìm ra những đặc điểm chung, đặc điểm riêng của các sự vật, hiện tượng, quy luật trong môn Sinh học.
4. Không nên học “vẹt”
Sinh học là một môn có kiến thức lý thuyết khá nhiều nên các bạn học sinh dành rất nhiều thời gian cho việc học thuộc lòng. Tuy nhiên, các bạn không nên chỉ học thuộc lòng. Học thuộc lòng tạo cho người người học tiếp cận kiến thức một cách thụ động. Có thể bạn thuộc làu những phần được hỏi khi được hỏi xuôi nhưng nếu hỏi ngược thì rất nhiều bạn rơi vào tình trạng khó khăn vì không hiểu bản chất của vấn đề.
5. Tổng hợp kiến thức theo sơ đồ tư duy
Một phương pháp học hiệu quả là sơ đồ tư duy
Đây là một phương pháp học rất hiệu quả đối với môn Sinh học. Hình thành kiến thức trên những cành cây, mỗi nhánh là một ý thì khi nhìn vào bản sơ đồ việc nắm kiến thức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và đi vào đầu một cách nhanh chóng. Với mỗi bài học bạn làm một sơ đồ tư duy thì đến khi ôn lại bài thì chỉ cần nhìn vào sơ đồ đó bạn có thể tổng hợp lại kiến thức.
Bạn có biết: Hiện nay, việc tìm gia sư dạy kèm cho con không còn là vấn đề xa lạ. Tuy nhiên để tìm được trung tâm gia sư uy tín thì không phải dễ. Nếu bạn muốn tìm gia sư tiểu học tại nhà, mời bạn tham khảo trung tâm gia sư Thanh Hóa – Gia sư Quóc Khánh tại giasunhatminh.vn, chắc chắn Gia sư Quốc Khánh sẽ làm bạn hài lòng!
6. Tự học
Tự học sẽ giúp cho bạn sắp xếp được thời gian phù hợp với bản thân và tìm thấy sự say mê trong việc học của mìn. Tự học cần kết hợp song song cả phần lý thuyết và phần thực hành. Soạn đề cương cho bản thân để kiểm tra trình độ của mình đang ở mức nào, phần nào chưa vững cần bổ sung và phần nào cần nâng cao kiến thức. Với cách học như vậy thì môn Sinh học sẽ trở nên dễ dàng trong mắt bạn.
7. Tái hiện lại kiến thức
Trên lớp ghi chép đầy đủ kiến thức và lắng nghe giáo viên giảng bài. Sau khi về nhà thì bắt đầu tái hiện lại kiến thức vừa học được. Đối với lý thuyết thì lập dàn ý chi tiết theo các ý chính còn đối với phần bài tập thì tiến hành làm lại và cố gắng không nhìn vào đáp án của giáo viên. Trước khi bước vào buổi học sau thì lấy lại bài đọc lại một lần nữa để tái hiện lại kiến thức.
8. Chăm chỉ, chịu khó
Ngoài giờ học trên lớp, bạn cũng phải chăm chỉ luyện bài tập để tạo thành phản xạ. Thói quen phản xạ nhanh chính là một phương pháp học Sinh rất hiệu quả. Khi hình thành được phản xạ thì bạn sẽ không phải lo lắng trước một bài tập khó.
9. Học nhóm
Học nhóm cũng là một bí quyết để bạn học tốt môn Sinh học. Khi học với những người bạn, những phần nào chưa hiểu bạn có thể hỏi bạn của mình. Bạn cũng có thể giải đáp những phần mà bạn mình chưa hiểu để cùng nhau tiến bộ trong học tập.
10. Luôn có một cuốn sổ tay bên cạnh
Với một chiếc sổ tay bên cạnh sẽ giúp cho bạn cập nhập những vấn đề liên quan đến môn Sinh học như các công thức, những bài toán khó, những mẹo giải bài. Đây cũng là một phương pháp giúp cho học Sinh học một cách dễ dàng.
Chương trình môn Sinh học
a) Đặc điểm môn học
Trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, Sinh học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Sinh học được xây dựng, phát triển trên nền tảng các thành tựu của nhiều khoa học như: Hoá học, Vật lý, Toán học, Y – Dược học,… Vì vậy, bản thân nội dung Sinh học đã tích hợp các lĩnh vực khoa học đó; đồng thời sự tiến bộ về các thành tựu đạt được của các khoa học đó thúc đẩy sự phát triển của Sinh học và ngược lại.
Sinh học là khoa học thực nghiệm, vì vậy thực hành trong phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, ngoài thực địa là phương pháp, hình thức dạy học cơ bản của môn Sinh học.
Sinh học đã vượt qua giai đoạn mô tả chuyển sang giai đoạn thực nghiệm dựa trên các nguyên lý sinh học cơ bản và hệ quả tất yếu là khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết cơ bản với công nghệ ứng dụng ngày càng rút ngắn. Đặc điểm này đòi hỏi việc dạy học của chương trình môn Sinh học phải tinh giản các nội dung có tính mô tả để tổ chức cho học sinh tìm tòi, nhận thức các kiến thức sinh học có tínhnguyên lý, cơ sở cho quy trình công nghệ ứng dụng sinh học hiện đại.
b) Quan điểm xây dựng chương trình
Chương trình môn Sinh học được xây dựng theo các định hướng sau: (i) Kế thừa ưu điểm của chương trình môn Sinh học hiện hành, đồng thời tiếp thu các thành tự Sinh học và kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của một số nước có nền giáo dục tiên tiến; (ii) Đề cao tính thực tiễn, thực hành, kết hợp học trên lớp với hoạt động ngoại khoá trong môi trường tự nhiên và xã hội; (iii) Coi trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh thấy được Sinh học vừa gần gũi, thiết thực với cuộc sống con người, vừa là lĩnh vực hứa hẹn nhiều thành tựu về lý thuyết và công nghệ hiện đại.
c) Mục tiêu chương trình
Môn Sinh học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung cốt lõi và năng lực chuyên môn. Năng lực tìm hiểu tự nhiên thể hiện ở các năng lực thành phần mà môn Sinh học có ưu thế hình thành, phát triển ở học sinh, như: năng lực nhận thức kiến thức sinh học, năng lực tìm tòi, khám phá thế giới sống và năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn. Chương trình môn Sinh học giúp học sinh tiếp tục tìm hiểu các khái niệm, quy luật sinh học làm cơ sở khoa học cho việc ứng dụng tiến bộ sinh học, nhất là tiến bộ của công nghệ sinh học vào thực tiễn đời sống, từ đó định hướng được ngành nghề để tiếp tục học và phát triển sau trung học phổ thông.
d) Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực
– Yêu cầu cần đạt về phẩm chất: Môn Sinh học giáo dục cho học sinh tình yêu thiên nhiên; niềm tự hào về sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, đồng thời giáo dục các em trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật trên Trái Đất. Học sinh được giáo dục, rèn luyện các đức tính như chăm chỉ, trung thực trong học tập, trong tìm tòi, khám phá khoa học, thái độ và trách nhiệm đúng đắn trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững quốc gia, toàn cầu,… Tất cả những phẩm chất đó được giáo dục theo cách tích hợp xuyên suốt các chủ đề nội dung môn Sinh học.
– Yêu cầu cần đạt về năng lực:
+ Năng lực chung: Môn Sinh học có nhiều ưu thế hình thành và phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
+ Năng lực môn học: Môn Sinh học hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tìm hiểu tự nhiên, với biểu hiện là các năng lực sinh học, gồm:
(i) Năng lực nhận thức kiến thức sinh học: Trình bày, giải thích và vận dụng được các kiến thức sinh học cốt lõi về các đối tượng, sự kiện, khái niệm và các quá trình sinh học; những thuộc tính cơ bản về các cấp độ tổ chức sống từ phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Từ nội dung kiến thức sinh học về các cấp độ tổ chức sống, khái quát được các đặc tính chung của thế giới sống là trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng; sinh trưởng và phát triển; cảm ứng; sinh sản; di truyền, biến dị và tiến hoá.
(ii) Năng lực tìm tòi và khám phá thế giới sống: Tìm tòi, khám phá các hiện tượng trong tự nhiên và trong đời sống liên quan đến sinh học, bao gồm đề xuất vấn đề; đặt câu hỏi cho vấn đề tìm tòi, khám phá; đưa ra phán đoán, xây dựng giả thuyết; lập kế hoạch thực hiện; thực hiện kế hoạch; viết, trình bày báo cáo và thảo luận; đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề trong các tình huống học tập, đưa ra quyết định;…
(iii) Năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn: Giải thích những hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và đời sống hàng ngày liên quan đến sinh học; giải thích, bước đầu nhận định, phản biện một số ứng dụng tiến bộ sinh học nổi bật trong đời sống.
Các năng lực chuyên môn trên được thể hiện theo các mức độ từ thấp lên cao gắn với các chủ đề sinh học từ lớp 10 đến lớp 12.
e) Nội dung giáo dục
Nội dung Chương trình môn Sinh học bao quát các cấp độ tổ chức sống gồm phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Mỗi cấp độ tổ chức sống bao gồm cấu trúc, chức năng; mối quan hệ giữa cấu trúc, chức năng và môi trường sống. Từ kiến thức về các cấp độ tổ chức sống khái quát các đặc tính chung của thế giới sống là di truyền, biến dị và tiến hoá. Thông qua các chủ đề nội dung sinh học, trình bày các thành tựu công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lý ô nhiễm môi trường, nông nghiệp và thực phẩm sạch; trong y – dược học.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm, những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề.
Hệ thống các chuyên đề học tập môn Sinh học chủ yếu được phát triển từ nội dung các chủ đề sinh học ứng với chương trình lớp 10, 11, 12. Các chuyên đề nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kỹ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến sinh học. Các chuyên đề hướng đến các lĩnh vực của nền công nghiệp 4.0 như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo,… Các lĩnh vực công nghệ đó ứng dụng theo cách tích hợp các thành tựu không chỉ của sinh học mà còn của các khoa học liên ngành, trong đó công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng (giải mã gene, bản đồ gene, liệu pháp gene,…).
g) Phương pháp giáo dục
Bên cạnh các phương pháp giáo dục tích cực áp dụng chung cho nhiều môn học, môn Sinh học ở trung học phổ thông áp dụng các phương pháp dạy học đặc thù như sau: (i) Dạy học thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa; (ii) Dạy học thông qua nghiên cứu khoa học bằng các bài tập tình huống, các dự án nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống; (iii) Dạy học thông qua tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các nhà máy ứng dụng công nghệ sinh học.
Các kỹ năng tiến trình chiếm tỷ trọng lớn trong chương trình Sinh học, trong đó, quan sát, đặt câu hỏi với nêu giả thuyết; lập kế hoạch và thực hiện; xử lý và phân tích dữ liệu; đánh giá; trình bày báo cáo là những kỹ năng cấu thành năng lực tìm tòi khám phá sự sống cần được rèn luyện thường xuyên và có trọng số thích đáng trong đánh giá kết quả học tập. Điều này đòi hỏi người soạn sách giáo khoa và giáo viên thiết kế các hoạt động nghiên cứu, trong đó phương pháp dạy học dự án, hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng.
h) Đánh giá kết quả giáo dục
– Định hướng chung: Đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá mức độ đạt được yêu cầu cần đạt. Giáo viên cần kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết; đánh giá định tính với đánh giá định lượng, trong đó đánh giá định lượng phải dựa trên đánh giá định tính được phản hồi kịp thời, chính xác; phối hợp nhiều hình thức đánh giá khác nhau bảo đảm đánh giá toàn diện năng lực chung, năng lực đặc thù môn học và phẩm chất.
– Một số hình thức đặc trưng kiểm tra, đánh giá giáo dục Sinh học: Đánh giá bằng bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa (bao gồm kỹ năng sử dụng các thí nghiệm thực và ảo; kỹ năng quan sát mẫu vật thật trong phòng thí nghiệm hoặc ngoài thiên nhiên); đánh giá bằng bài tập tình huống, bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu, dự án vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đánh giá qua hoạt động tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
i) Định hướng về thiết bị dạy học
Mỗi trường học cần có phòng thực hành thí nghiệm và nhân viên bảo quản, hướng dẫn sử dụng phòng thực hành. Phấn đấu để có phòng bộ môn hiện đại, vườn thực nghiệm. Trong trường hợp chưa có điều kiện thực hiện yêu cầu trên, các trường cần có các thiết bị, phương tiện dạy học tối thiểu, như: tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hoá chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc. Bên cạnh đó, cũng cần phối hợp với các cơ sở có thiết bị hiện đại để tạo điều kiện cho học sinh học tập.